Đề bài: Thuyết minh về đoạn trích Trao duyên
Thuyết minh về đoạn trích Trao duyên
Bạn đang xem: Thuyết minh về đoạn trích Trao duyên
I. Dàn ý Thuyết minh về đoạn trích Trao duyên
1. Mở bài
– Giới thiệu về tác giả Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều
2. Thân bài
a. Giới thiệu về Truyện Kiều:
– Được đại thi hào Nguyễn Du sáng tác dựa trên tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc.
– Được viết bằng chữ Nôm và thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc.
– Nội dung: Phản ánh sâu sắc xã hội phong kiến đương thời với giai cấp thống trị tàn bạo và số phận những con người trong xã hội ấy, đặc biệt là người phụ nữ.
+ Nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng sinh động, mỗi nhân vật có sắc thái, tình cảm, tâm trạng, tính cách khác nhau.
+ Ngôn từ được trau chuốt với nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật điêu luyện, sâu sắc.
b. Đoạn trích Trao duyên:
– Vị trí đoạn trích: Từ câu 723 đến câu 756, thuộc phần hai Gia biến và lưu lạc của Truyện Kiều
– Bố cục của đoạn trích: Được chia làm ba phần.
c. Phân tích:
– Đoạn trích có tên “trao duyên”: Không phải trao duyên như thông thường trai gái trao nhau mà ở đây là trao gửi tình yêu, duyên phận của người này cho người khác.
– 12 câu đầu: Thúy Kiều cậy nhờ em và lý lẽ của nàng:
+ “Cậy”: sự nhờ vả mang âm sắc nặng nề, thể hiện sự đau đớn của Thúy Kiều, khó nói của nàng khi mở lời với em.
+ Kiều dùng hai từ “lạy, thưa”: Đây là những hành động cung kính với bậc bề trên, không phải với em gái => thể hiện mức độ quan trọng của việc mà Kiều nhờ cậy em.
+ Kiều kể về mối tình của mình với chàng Kim bằng những lời lẽ đầy đau đớn.
+ “Đứt gánh tương tư”: Sự ra đi trong tình yêu của Kiều, sự đột ngột rời đi vì chữ hiếu của nàng đã làm tan vỡ mối duyên đẹp đẽ.
+ Kiều dùng “tình máu mủ” của mình với em để thuyết phục em
=> 12 câu thơ là diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của Kiều, đồng thời là sự khéo léo, thông minh của nàng. Mỗi lời nàng nói ra đều rất chân thành, thấu tình đạt lý, thể hiện đức hy sinh cao cả của một người con gái và tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha.
– 14 câu tiếp: Kiều trao lại cho Vân kỷ vật tình yêu và dặn dò Vân:
+ Kiều trao lại cho em gái tất cả những kỷ vật tình yêu mà nàng và Kim Trọng đã cùng nhau trao gửi, những kỷ vật đơn sơ nhưng chứa chan niềm hạnh phúc tình yêu của nàng.
+ Nàng cũng mong rằng em và Kim Trọng sẽ không quên nàng
+ trao tín vật xong, nàng dự cảm về tương lai của mình, đó là một tương lai chẳng lành khi mà nàng đã dự cảm về cái chết.
– 8 câu cuối: Nỗi lòng đau đớn của Kiều khi nhớ về Kim Trọng:
+ Đoạn thơ chuyển thành độc thoại nội tâm
+ Kiều hiểu rõ bi kịch của bản thân mình “bây giờ trâm…lỡ làng” => tất cả đều gợi lên sự tan vỡ, nỗi đau và số phận lênh đênh của nàng sau này.
+ Kiều tự nhận mình phụ bạc Kim Trọng, lạy tạ tình quân
+ Nàng gọi tên Kim Trọng hai lần: thể hiện sự đau đớn, tức tưởi, nghẹn ngào trong tâm can.
d. Kết luận chung:
– Đoạn trích thể hiện tâm trạng đau đớn, giằng xé của Kiều khi phải trao lại tình yêu của mình cho em.
– Nghệ thuật: Nghệ thuật xây dựng nhân vật qua đối thoại và độc thoại nội tâm sâu sắc.
3. Kết bài:
– Khẳng định lại vấn đề
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về đoạn trích Trao duyên
Truyện Kiều là một trong những áng thơ tuyệt tác của văn học Việt Nam. Nguyễn Du qua Truyện Kiều đã dựng lên bức tranh về xã hội phong kiến đương thời với những bất công, đè nén con người và cùng với đó là bi kịch số phận của người phụ nữ. Thúy Kiều là nhân vật chính của tác phẩm, là một người con gái tài sắc vẹn toàn và đang có tình yêu thật đẹp với chàng Kim Trọng hào hoa phong nhã. Thế như “sự đâu sóng gió bất ngờ” buộc Kiều phải bán mình lấy tiền cứu cha và em trai, và chính thời điểm đó, Kiều đã nhắm mắt đau đớn nhờ em gái mình trả nghĩa cho chàng Kim. Đoạn trích Trao duyên là một trong những trích đoạn mà khiến cho người đọc phải đau đớn, xót xa nhất cho số phận của nàng Kiều xinh đẹp.
Truyện Kiều được dựa trên một tiểu thuyết của Trung Quốc có tên Kim Vân Kiều truyện, nhưng đã được Nguyễn Du biến đổi, sáng tạo nên một câu chuyện sống động, khác biệt. Truyện Kiều được viết bằng thể thơ lục bát – đây là thể thơ truyền thống của dân tộc ta, bao gồm 3254 câu thơ. Nội dung của Truyện Kiều là sự phản ánh sâu sắc xã hội đương thời với sự cai trị tàn bạo của giai cấp thống trị và những bi kịch của số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Cũng từ cái nhìn đó, Nguyễn Du bày tỏ niềm cảm thông sâu sắc và bày tỏ ước mơ của mình về một xã hội công bằng, công lý cho người dân.
Đoạn trích Trao duyên được trích trong tác phẩm Truyện Kiều từ câu 723 đến câu 756, thuộc phần hai Gia biến và lưu lạc. Sau khi cha và em bị bắt đi một cách oan uổng, Kiều buộc phải bán mình để lấy tiền cứu cha và em. Đêm cuối trước khi rời đi, Kiều đã đau đớn cậy nhờ Thúy Vân – em gái của mình trả nghĩa cho tình lang của mình – Kim Trọng khi ấy đang ở Liêu Dương chịu tang chú.
Đoạn trích bao gồm hai mươi tư câu thơ, được chia làm ba đoạn: Đoạn một bao gồm mười hai câu đầu: Đây là những lời lẽ mà Kiều lấy ra để thuyết phục em gái nhận lời trao duyên của mình, đoạn hai bao gồm mười bốn câu thơ tiếp là đoạn mà Kiều trao lại cho em những kỷ vật tình yêu của mình cùng lời dặn dò, đoạn ba gồm tám câu cuối: đó là nỗi lòng đau xót của Kiều khi nhớ về Kim Trọng. Đoạn trích ngắn ngủi, thế nhưng lại làm toát lên được nỗi đau xót đến tận cùng của Kiều trước bi kịch tình yêu của mình và đó cũng là tiếng kêu đầy đau đớn của tác giả trước những số kiếp con người trong xã hội phong kiến đương thời. Đoạn trích được xây dựng lên bởi những đoạn đối thoại, độc thoại cực kỳ xuất sắc. Ngôn ngữ ở đây cũng vừa hàm súc, lại vừa trang trọng, đúng với tư chất của một người con gái tài sắc như Kiều. Đoạn trích này cũng là một trong những đoạn trích làm nổi bật lên cái tài xây dựng nhân vật qua những đoạn độc thoại nội tâm cực kì xuất sắc của Nguyễn Du.
Đoạn trích được mở đầu bằng lời nhờ cậy của Kiều với Thúy Vân :
“Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”
Nàng dùng chữ “cậy” để mở lời, đây là một sự nhờ vả, mang âm điệu nặng nề, chứa đựng sự đau khổ, quằn quại trong nội tâm của Kiều. Không chỉ mở lời bằng từ “cậy”, Kiều còn dùng hai từ “lạy, thưa” để xưng hô với em. Đây là hai từ ngữ thể hiện sự cung kính với các bậc bề trên, với những người có ơn với mình, chứ không phải với em gái. Ấy vậy mà Kiều đã dùng nó, chứng tỏ việc nàng cậy nhờ em mình là vô cùng quan trọng với nàng, vậy nên nàng mới cung kính đến nhường ấy !
Hai câu thơ đầu, ngắn ngủi thế nhưng lại là lời mở đầu chứa đựng bao sự khó khăn, khó mở lời của Kiều, thế nên, nàng đã phải dùng những lời lẽ cung kính với Thúy Vân để nhờ Vân giúp đỡ mình một việc rất hệ trọng.
Sau khi nhận được sự đồng tình của em, Kiều mới khẽ khàng trao duyên cho em với những lý lẽ thật đau đớn nhưng cũng đầy thuyết phục, chứa đựng sự thông minh của nàng. Đầu tiên, nàng nói đến mối tình sâu sắc của mình với Kim Trọng bằng lời lẽ đau xót :
“Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày nguyện ước, khi đêm chén thề”
Kiều đã dùng bốn chữ “đứt gánh tương tư” để chỉ ra sự ra đi của mình trong đoạn duyên tình với Kim Trọng. “Đứt gánh” thể hiện sự đột ngột, bất ngờ bỏ lỡ, vì hoàn cảnh mà nàng buộc lòng phải rời xa mối tình của mình. Thêm vào đó, hai từ “mặc em” như một lời phó thác cho Thúy Vân mối duyên của mình, nói là phó thác thế nhưng thực ra là ép Vân phải nhận lời. Nàng đã có một tình yêu thật đẹp với Kim Trọng, với những vật đính ước, với những đêm cùng nhau nguyện thề. Tình yêu ấy đẹp đẽ vô cùng, thế nhưng “sóng gió bất kì ” đã buộc nàng phải chọn lựa gia đình. Thúy Kiều đã dựa vào “tình máu mủ” để thuyết phục Vân, và nàng đã khẳng định với Vân rằng sau này, dù nàng có ra sao thì nàng cũng sẽ mang ơn với Vân suốt đời.
Mười hai câu thơ, nhưng lại là sự diễn biến tâm trạng đầy phức tạp của Kiều. Mỗi lời nói ra đều vô cùng khó khăn, đều vô cùng đau xót, thế nhưng Kiều đã dùng sự thông minh của mình để diễn giải nó thật chân thành, thật thấu tình đạt lý để Thúy Vân không thể từ chối. Đây cũng là điều thể hiện đức hy sinh cao cả của Kiều, chứng minh tấm lòng hiếu thảo và sự trọng nghĩa tình của nàng.
Tiếp đến là đoạn thơ khi Kiều trao cho Vân tất cả kỷ vật tình yêu của mình cùng lời dặn dò em gái. Nàng trao hết cho em những kỷ vật tình yêu gắn liền với mối tình sâu đậm của nàng. Tất cả chỉ là những vật đơn giản, nhỏ bé, đối với người khác không hề có giá trị, nhưng với nàng, đó là tất cả minh chứng cho tình yêu của nàng :
“Chiếc thoa với bức tờ mây
Duyên này thì giữ, vật này của chung
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người bạc mệnh ắt lòng chẳng quên
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”
Những kỷ vật ấy thất đơn sơ, chỉ là “chiếc thoa, bức tờ mây, phím đàn, mảnh hương nguyền”, nhưng đó là tất cả kỷ niệm về đoạn duyên ngắn ngủi của nàng với Kim Trọng. Nàng đành lòng phải trao đi cho Vân nhưng chỉ là trao kỷ vật, còn một chút duyên tình, nàng xin giữ lại cho bản thân mình
“Duyên này thì giữ, vật này của chung”
Nàng nói “của chung” chứ không nói của Vân, đây là sự tiếc nuối của nàng, là sự dằn vặt trong tâm can, sự không nỡ rời xa của nàng. Mối tình đầu luôn là mối tình sâu đậm nhất, mà tình yêu ấy của nàng với Kim Trọng lại còn đang rất sâu sắc, ấy vậy mà nàng buộc lòng phải rời bỏ, thử hỏi sao không đau đớn cho được chứ ?
Sáu câu thơ là sáu câu với những dằn vặt sâu sắc trong nội tâm Kiều, một mặt nàng muốn em giúp mình trả nghĩa cho Kim Trọng, mặt khác nàng không hề muốn rời xa mối tình đầu sâu đậm của mình.
Sau khi trao lại cho Vân hết thảy những kỷ vật, Kiều đã dặn dò Vân với những lời lẽ thật buồn rầu, thật nặng nề. Nàng dường như đã dự cảm cho số kiếp lênh đênh của mình, dự cảm về cái chết, bởi thế nàng sử dụng một loạt những từ ngữ gợi nên cái chết như “hồn, hiu hiu gió thổi, nát thân bồ liễu, dạ đài, … “. Nàng đã có một dự cảm chẳng lành cho số phận của mình, nàng tưởng mình đã chết, đã ra đi nhưng lại chẳng thể siêu thoát bởi nàng còn mang nặng tình yêu với Kim Trọng. Mỗi lời thơ là tâm trạng đầy đau đớn của Kiều, sự tuyệt vọng, xót xa khi phải rời xa tình yêu của mình. Đồng thời đó cũng là minh chứng cho tình yêu sâu nặng, thủy chung của mình với chàng Kim.
Ra đi, Kiều cũng không quên dặn dò Thúy Vân phải cố gắng thay mình trả nghĩa lại cho Kim Trọng, đồng thời khi nàng chết đi, hãy thay nàng tẩy oan, để nàng có thể yên bình nơi “dạ đài” tăm tối. Đây là sự dằn vặt khôn nguôi của Kiều, tình yêu của Kiều với Kim Trọng là vô cùng sâu sắc, nàng ra đi là vì bất đắc dĩ chứ không phải là bội bạc, muốn quên lời hẹn với chàng ! Có thể nói, Kiều đã có những dự cảm cực kì chính xác ngay từ đầu về số phận của mình sau này ! Đây phải chăng là sự nhạy cảm của một người con gái thông minh, tài sắc ?
Đến cuối cùng, sau khi đã trao hết cho Vân, Kiều mới lặng lòng ngồi nhìn lại thực tại đầy xót xa của mình. Ở đây, đối thoại đã chuyển thành độc thoại, Kiều tự ngồi độc thoại với nội tâm của mình. Nàng suy nghĩ về những bi kịch của bản thân ;
“Bây giờ trâm gãy bình tan
Kể sao cho xiết muôn vàn ái ân
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”
Mỗi từ mỗi chữ đều gợi lên sự tan vỡ, ly tán, đau thương, và nàng càng đau khổ hơn khi nghĩ về Kim Trọng. Mặc dù sự thật là do chữ hiếu, Kiều mới rời xa Kim Trọng, nhưng nàng vẫn tự nhận mình đã phụ bạc chàng, khiến chàng phải đau khổ. Cái “lạy” ở đây của nàng, không giồng cái lạy với Thúy Vân, đây là cái lạy nàng dùng để tạ tội với tình lang của mình.
Để tới cuối cùng, khi mọi cảm xúc dâng trào đến tột đỉnh, nàng gọi tên Kim Trọng hai lần trong sự tức tưởi, nghẹn ngào, đau xót :
“Ôi Kim lang, hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
Mỗi câu thơ trong đoạn thơ cuối là một nỗi lòng của Kiều, nó chứa chan sự đau đớn vô cùng khi nàng phải rời xa tình yêu vì chữ hiếu. Đến cuối cùng, mọi nỗi đau của nàng đều hướng về Kim Trọng, chứ không hề có một chút suy nghĩ về nỗi đau của bản thân, thế mới hiểu đức hy sinh của Kiều lớn lao đến nhường nào và tình cảm nàng với Kim Trọng sâu đậm ra sao !
Đoạn trích chỉ bao gồm hai mươi tư câu nhưng đã giúp chúng ta hiểu rõ tâm trạng của Thúy Kiều vào đêm cuối cùng trước khi rời khỏi nhà, bước chân vào quãng đường lưu lạc. Người ta đã thấy rõ được sự giằng xé sâu bên trong nội tâm của Kiều cùng tình yêu thủy chung và đức hy sinh cao cả của mình.
Về phần nghệ thuật, Nguyễn Du đã thực sự xuất sắc khi diễn tả được tâm trạng của Kiều với những đoạn đối thoại, độc thoại cực kì sâu sắc. Thể thơ lục bát được khai thác triệt để cùng với ngôn từ giàu biểu cảm, đầy sự chân thành.
Đoạn trích Trao duyên càng khiến chúng ta khâm phục tài năng của Nguyễn Du hơn nữa. Tài năng của ông đã biến đoạn trích này trở thành mẫu mực cho một tác phẩm sử dụng cách khắc họa nhân vật bằng độc thoại nội tâm. Đồng thời cũng làm sáng lên sự hiếu thảo, thủy chung trong tình yêu của Kiều – một người con gái tài sắc vẹn toàn.
——————–HẾT———————–
Đoạn trích Trao duyên lời lẽ trao duyên của Kiều cho Vân cùng với những giằng xé trong nội tâm của người con gái tài hoa mà bạc mệnh ấy. Đoạn trích gồm ba phần, mỗi phần lại mang những ý nghĩa riêng, đặc sắc nghệ thuật riêng, vậy hãy cùng tìm hiểu bài viết Phân tích 12 câu thơ đầu trong bài thơ Trao duyên, Cảm nhận về đoạn Trao duyên, Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách của Thúy Kiều qua đoạn trích Trao duyên, Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ Trao duyên để hiểu thêm về đoạn trích đặc sắc này!
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp