Đề bài: Thuyết minh về khu danh thắng Tây Thiên
Thuyết minh về khu danh thắng Tây Thiên
Bạn đang xem: Thuyết minh về khu danh thắng Tây Thiên
I. Dàn ý Thuyết minh về khu danh thắng Tây Thiên
1. Mở bài
Giới thiệu những nét khái quát nhất về khu danh thắng Tây Thiên.
2. Thân bài
a. Vị trí địa lí, lịch sử hình thành và ý nghĩa tên gọi của khu danh thắng Tây Thiên
– Cách thủ đô Hà Nội khoảng chừng 80 ki-lô-mét về phía Tây Bắc
– Khu danh thắng Tây Thiên nằm trên ngọn núi Thạch Bàn của dãy Tam Đảo, xã Đại Bình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc
– Diện tích khoảng 148 ha
– Tên gọi là “Tây Thiên” với ý nghĩa là nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, như một cách để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên tới từ Ấn Độ vào nước ta để truyền đạo.
– Dưới thời nhà Trần, nơi đây chính là một trung tâm Phật giáo uy thâm ở nước ta.
b. Những đặc điểm về cấu trúc và cảnh quan của khu danh thắng Tây Thiên
– Đặc điểm về cấu trúc:
+ Từ phía xa của khu danh thắng đã có thể nhìn thấy được Thiền viện trúc lâm Tây Thiên
+ Nằm bên tay trái chính là cổng Tam Quan được xây dựng theo kết cấu ba tầng với chiều cao hơn 37 mét.
+ Đền Trình hay còn gọi là đền Thõng, nơi đây chính là cửa ngõ mở đầu cho hàng loạt các di tích trong khu danh thắng Tây Thiên.
+ Qua đến Trình đó chính là đền Cậu và qua đền Cậu chính là đền Cô.
+ Từ đền Cô, khi men theo một lối rẽ quanh co uốn lượn trong rừng là đến Tịnh thất Tây Thiên.
+ Từ đền Cô khi đi theo những lối bậc thang thì sẽ dẫn tới đền Thượng.
– Đặc điểm về cảnh quan và thiên nhiên:
+ Cây đa chín cội già cỗi từ ngàn đời.
+ Thác Bạc từ độ cao 40 mét đổ nước trắng xóa
+ Rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến hàng trăm tuổi cùng hàng ngàn loại động vật phong phú và quý hiếm như cá cóc Tam Đảo, rùa vàng, gà lôi trắng,…
c. Vai trò, ý nghĩa của khu danh thắng Tây Thiên
– Nơi còn lưu lại những dấu ấn Phật giáo từ ngàn đời trên đất nước ta.
– Là miền đất thiêng, với sự giao hòa giữa đạo Phật và đạo Mẫu.
– Là một trong số những địa điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước, thu hút hàng nghìn du khách khắp mọi miền Tổ quốc và du khách quốc tế về thưởng ngoạn.
– Năm 1991, khu danh thắng Tây Thiên đã được Bộ văn hóa Thông tin công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa.
3. Kết bài
Khái quát những đặc điểm tiêu biểu về khu danh thắng Tây Thiên và nêu cảm nhận của bản thân.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về khu danh thắng Tây Thiên
“Ai lên ngắm cảnh Tây Thiên
Mải mê thưởng ngoạn chớ quên đường về”
Có lẽ câu ca ấy đã vẽ lên trong chúng ta vẻ đẹp đến say đắm lòng người của khu thắng cảnh Tây Thiên. Cùng nhau trở về và khám phá khu thắng cảnh tuyệt diệu này chắc hẳn sẽ mang đến cho mỗi người những cảm nhận thật thú vị và độc đáo.
Ngược về miền Tây Bắc của Tổ quốc, cách thủ đô Hà Nội khoảng chừng 80 ki-lô-mét, khu danh thắng Tây Thiên nằm giữa núi rừng hùng vĩ của xã Đại Bình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Khu danh thắng Tây Thiên nằm trên ngọn núi Thạch Bàn của dãy Tam Đảo, với diện tích khoảng 148 ha với những nét hoang sơ nhưng không kém phần độc đáo. Theo những truyền thuyết còn ghi lại đến ngày nay, khu danh thắng Tây Thiên kể lại rằng xưa kia, ngài Khương Tăng Hội – một trong số các nhà tu hành Ấn Độ trong một chuyến viễn du sang phía Đông, khi đi qua nơi đây và thấy cảnh núi rừng u tịch và trang nhã nên đã chọn để dựng lều làm chốn nghỉ chân, đồng thời cũng để truyền bá đạo Phật. Và có lẽ vì thế nên nơi đây có tên gọi là “Tây Thiên” với ý nghĩa là nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, như một cách để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên tới từ Ấn Độ vào nước ta để truyền đạo. Trong suốt quãng thời gian về sau, có nhiều phái đoàn Phật giáo đã tới nơi đây để hoằng dương Phật giáo. Đặc biệt, dưới thời nhà Trần, nơi đây chính là một trung tâm Phật giáo uy thâm ở nước ta.
Trải qua thời gian hình thành, xây dựng và phát triển, có thể nhận thấy khu danh thắng Tây Thiên giữa vùng núi non trùng điệp với nhiều công trình kiến trúc độc đáo cùng cảnh quan hấp dẫn. Từ phía xa của khu danh thắng đã có thể nhìn thấy được Thiền viện trúc lâm Tây Thiên – một trong số những thiền viện lớn nhất ở nước ta. Nằm bên tay trái chính là cổng Tam Quan được xây dựng theo kết cấu ba tầng với chiều cao hơn 37 mét. Về với Tây Thiên, điểm dừng chân tiếp theo đó chính là đền Trình hay còn gọi là đền Thõng, nơi đây chính là cửa ngõ mở đầu cho hàng loạt các di tích trong khu danh thắng Tây Thiên trên con đường dẫn đến đền Thượng. Đền Trình được xây dựng theo kết cấu của chữ “đinh”, hướng ra cây đa chín cội ngàn đời trước cửa đình. Qua đến Trình đó chính là đền Cậu và qua đền Cậu chính là đền Cô. Cảnh sắc nơi đền Cô thật tuyệt vời, thoáng đãng với những thảm thực vật phong phú và đa dạng và có lẽ vì thế ở nơi đây quanh năm khí hậu ôn hòa, mát mẻ. Một điểm đặc biệt nữa ở đền Cô đó chính là dòng suối Giải Oan và giếng nước cổ nằm sát ngay cạnh chân đền. Từ đền Cô, khi men theo một lối rẽ quanh co uốn lượn trong rừng với những con suối róc rách chảy hay những rễ cây nằm bám sâu trong lòng đất đó chính là Tịnh thất Tây Thiên. Nơi đây vẫn còn lưu giữ nét cảnh vật đơn sơ, tinh khôi mà u tịch. Và từ đền Cô khi đi theo những lối bậc thang thì sẽ dẫn tới đền Thượng trên đỉnh núi cao cùng cảnh quan thiên nhiên kì vĩ, mây mù bốn nẻo và chim chóc ca hót.
Có thể thấy, khu danh thắng Tây Tiên gồm nhiều công trình kiến trúc độc đáo nhưng có lẽ không dừng lại ở đó, nơi đây còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn, sơn thủy hữu tình với thảm thực vật phong phú và đa dạng. Điểm đáng chú ý đầu tiên đó chính là bóng hình cây đa chín cội. Cùng với đó là thác Bạc từ độ cao 40 mét đổ nước trắng xóa, từ xa trông như được dát bạc xuống suối vàng ở Hồ Sen và chảy ra khe ở suối Giải Oan. Thêm vào đó, rừng Tây Thiên có những cây thông đã sống đến hàng trăm tuổi cùng hàng ngàn loại động vật phong phú và quý hiếm như cá cóc Tam Đảo, rùa vàng, gà lôi trắng,… Nói về Tây Thiên, trong cuốn “Kiến văn tiểu lục” Lê Quý Đôn đã từng viết “…bên dưới sắc nước như chàm, sâu thẳm không thấy đáy; sườn núi có chùa Tây Thiên Cổ Tự, tre xanh, thông tốt, cảnh sắc thanh nhã, rộng rãi, trên đỉnh núi cao lại có chùa Đồng Cổ, vừa lên vừa xuống phải mất hai ngày, từ phía tả khe Giải Oan trèo lên núi đến hồ sen, nước xanh biếc, trong hồ có thứ đá lạ và có sen đỏ, hoa nở bốn mùa” quả không sai.
Khu danh thắng Tây Thiên là nơi còn lưu lại những dấu ấn Phật giáo từ ngàn đời trên đất nước ta. Thêm vào đó, đây còn là miền đất thiêng, với sự giao hòa giữa đạo Phật và đạo Mẫu. Với những nét độc đáo trong kiến trúc và sự phong phú, đa dạng của cảnh vật, khu danh thắng Tây Thiên là một trong số những địa điểm du lịch nổi tiếng khắp cả nước, thu hút hàng nghìn du khách khắp mọi miền Tổ quốc và du khách quốc tế về thưởng ngoạn. Năm 1991, khu danh thắng Tây Thiên đã được Bộ văn hóa Thông tin công nhận là khu di tích lịch sử văn hóa.
Như vậy, có thể thấy, khu danh thắng Tây Thiên là một trong số những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn với quần thể di tích độc đáo, khung cảnh thiên nhiên hữu tình cùng những thảm thực vật, động vật phong phú và đa dạng. Trải qua thời gian, với những tiềm năng vốn có, nơi đây đang từng bước chuyển mình và mang trên mình diện mạo mới.
Tây Thiên là điểm đến hấp dẫn của tỉnh Vĩnh Phúc, cùng với danh thắng Tây Thiên, các em có thể khám phá thêm vẻ đẹp của non sông gấm vóc qua việc tìm hiểu một số địa danh nổi tiếng khác như: Thuyết minh về ruộng bậc thang Mù Cang Chải, Thuyết minh về làng Sen – Quê bác, Thuyết minh về chùa Một Cột, Thuyết minh về chùa Yên Tử.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp