Thuyết minh về lễ hội ăn mừng lúa mới ở Tây Nguyên

0
72
Rate this post

Đề bài: Thuyết minh về lễ hội ăn mừng lúa mới ở Tây Nguyên

thuyet minh ve le hoi an mung lua moi o tay nguyen

Thuyết minh về lễ hội ăn mừng lúa mới ở Tây Nguyên
 

Bạn đang xem: Thuyết minh về lễ hội ăn mừng lúa mới ở Tây Nguyên

I. Dàn ý Thuyết minh về lễ hội ăn mừng lúa mới ở Tây Nguyên

1. Mở bài

Giới thiệu về lễ hội mừng lúa mới.

2. Thân bài

a. Thời gian, ý nghĩa:
– Diễn ra vào khoảng tháng 11 dương lịch hoặc vào khoảng sau Tết Nguyên Đán hàng năm.
– Ý nghĩa của lễ hội mừng lúa mới là để tạ ơn Giàng đã ban cho con dân một mùa thóc lúa bội thu, tôn vinh hạt thóc mới, cầu chúc cho năm sau mùa màng được ấm no, ổn định.
– Trong lễ hội mừng lúa mới người ta cúng Giàng trước tiên, theo sau đó là các lễ cúng chư vị thần linh ứng với mỗi một điều kiện thời tiết trong sản xuất.

b. Nội dung:

* Phần lễ cúng:
– Người chủ trì là già làng, già làng là người đích thân xem xét và chọn ra một đám ruộng màu mỡ, những hạt lúa dày, trĩu nặng và đẹp nhất để lại để làm lễ cúng thần La Pôm.
– Bà con trong buôn làng đều có nghĩa vụ đóng góp mỗi nhà một ít như ché rượu, miếng thịt, đĩa xôi,… để thể hiện lòng thành, đồng thời cũng bộc lộ sự đoàn kết và có trách nhiệm của mọi người trong cộng đồng dân tộc.
– Sau đó đích thân thầy cúng (Yiu Rang) và già làng sẽ tự tay chuẩn bị sắp xếp mâm cỗ cúng, và đọc văn khấn để cầu chúc cho dân làng được ấm no, mưa thuận gió hòa
– Sau khi đã kết thúc phần khấn vái, thì già làng sẽ chọn ra mười thanh niên nam nữ, khỏe mạnh, cùng xuống ruộng, tay nắm lấy các bó lúa đã được chuẩn bị sẵn, cứ sau mỗi một lời khấn của thầy cúng, nhóm thanh niên sẽ đồng loạt giơ cao bó lúa trong tay mình lên trời và hô to, đồng thời nhảy múa, hát hò theo để thể hiện sự vui mừng, náo nhiệt của một mùa màng ấm no, sung túc.

* Phần hội:
– Mọi người lại được tự do vui chơi thoải mái, tất cả dân làng cùng tụ tập lại nhà rông ăn uống, nhảy múa hát hò, theo tiếng chiêng, nhịp trống, tối đến thì nhảy múa xung quanh đống lửa.
– Sau khi đã vui chơi thỏa thích, thì ai lại về nhà nấy, để tổ chức lễ cúng riêng cho nhà mình. Nhà ai có nhiều khách ghé thăm thì được coi là một niềm vinh dự lớn, là sự may mắn rất đáng trân trọng, được Giàng phù hộ.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về lễ hội ăn mừng lúa mới ở Tây Nguyên

Lễ hội mừng lúa mới là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ bao đời nay, dẫu trải qua nhiều thăng trầm biến đổi của đất nước, thế nhưng cả trong thời chiến và thời bình nó vẫn luôn được giữ gìn nguyên vẹn, thiêng liêng không chỉ bộc lộ vẻ đẹp tinh thần của cả một cộng đồng dân tộc lớn mà đó là những nỗ lực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhiều đời, là sự đoàn kết mạnh mẽ trong cộng đồng các dân tộc anh em.

Việt Nam ta có 54 dân tộc anh em tất cả, trong đó mỗi dân tộc cùng chung sống trên dải đất hình chữ S lại có những phong tục tập quán, những nét đẹp truyền thống đặc sắc cho riêng mình, ví như người Kinh nổi tiếng với lễ hội Đền Hùng, lễ hội Thánh Gióng, lễ hội chùa Hương,… thì ở vùng núi phía Bắc các dân tộc ở nơi đây lại đặc biệt với các lễ hội Cầu mưa, lễ hội Hoa Ban, lễ hội Lồng Tồng, hay việc ăn tết Thanh Minh rầm rộ, rộn ràng hơn cả Tết Nguyên Đán,… Còn với các dân tộc Tây Nguyên, một điều chung nhất khi cảm nhận về họ đó chính là hơi thở mạnh mẽ và máu lửa của núi rừng bạt ngàn, đầy nắng và gió, ở đây có lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, và khá đặc biệt ấy là lễ hội mừng lúa mới.

Lễ mừng lúa mới là một lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên như Xơ Đăng, Gia Rai, Ba – na, M’nông, Ê – đê,… diễn ra vào khoảng tháng 11 dương lịch hoặc vào khoảng sau Tết Nguyên Đán hàng năm. Khi mà vụ mùa thu hoạch đã xong xuôi, thóc đã được phơi khô chất vào trong nhà, mọi người được rảnh rang, đây cũng là lúc thích hợp nhất cho việc tổ chức một lễ hội ăn mừng. Nhưng thông thường khoảng thời gian sau Tết từ tháng 2 đến tháng 4 là lúc lễ hội hay diễn ra nhất, đây là khoảng thời gian người ta gọi là “ăn năm uống tháng”, tức là chỉ cần vui chơi, ăn uống thỏa thích, bỏ qua hết chuyện ruộng vườn, sinh nhai. Ý nghĩa của lễ hội mừng lúa mới là để tạ ơn Giàng đã ban cho con dân một mùa thóc lúa bội thu, đồng thời cũng là để tôn vinh hạt thóc mới, cầu chúc cho năm sau mùa màng được ấm no, ổn định. Mà theo như ông Nguyễn Quang Tuệ – Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã nhận xét rằng: “Bản chất của việc cúng Yang trong lễ mừng lúa mới là kêu gọi thần linh phù hộ cho dân làng. Về mặt ý nghĩa là tôn trọng nghề nông, tôn trọng người làm nông, tôn trọng cây lúa. Và bao trùm lên tất cả, nó là biểu hiện của tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Vì đồng bào tin tưởng vào tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Nên đồng bào thể hiện rằng, chúng tôi đã đền ơn, đáp nghĩa thần linh như thế. Nó tạo nên sự thoải mái trong tư tưởng. Thứ hai là ở trong cộng đồng, nó tạo nên một không khí vui tươi, thoải mái. Về mặt văn hóa, nó như một hình thức bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống”. Bởi vậy nên trong lễ hội mừng lúa mới người ta cúng Giàng trước tiên, theo sau đó là các lễ cúng chư vị thần linh ứng với mỗi một điều kiện thời tiết trong sản xuất bao gồm: cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cầu cho mưa thuận gió hòa.

Cũng giống như quy trình của nhiều lễ hội khác, lễ hội mừng lúa mới cũng có hai phần chính là phần lễ và phần hội. Ở phần lễ người chủ trì là già làng, quá trình chuẩn bị được bắt đầu ngay trong mùa thu hoạch, khi già làng là người đích thân xem xét và chọn ra một đám ruộng màu mỡ, những hạt lúa dày, trĩu nặng và đẹp nhất để lại để làm lễ cúng thần La Pôm (thần lúa, thần nông nghiệp) ở tại chân đám ruộng được chọn luôn. Đối với những vật dụng, thức ăn dành cho quá trình tế lễ không phải là riêng một ai chuẩn bị mà tất cả bà con trong buôn làng đều có nghĩa vụ đóng góp mỗi nhà một ít như ché rượu, miếng thịt, đĩa xôi, con gà luộc, bánh trái, cơm lam, ai giàu có thì đóng góp con lợn, … để thể hiện lòng thành, đồng thời cũng bộc lộ sự đoàn kết và có trách nhiệm của mọi người trong cộng đồng dân tộc. Sau đó để đảm bảo đúng nghi lễ, nghi thức và sự thiêng liêng, trang trọng, đích thân thầy cúng (Yiu Rang) và già làng sẽ tự tay chuẩn bị sắp xếp mâm cỗ cúng, và đọc văn khấn để cầu chúc cho dân làng được ấm no, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu vào năm tới, đồng thời tỏ lòng biết ơn đối với các bề trên là thần La Pom và các vị thần mưa, thần sông suối, thần núi, thần sấm,… Lời cúng rằng: “Ơ Yang, Yang Chư, Yang Ya, Yang Moa, Yang Pơ Te, Yang Clai, Yang Clo…, xuống chơi làng tôi. Ngày nay, tôi có khấn lên một con heo to, một con gà to, ghè rượu to. Mời Yang xuống uống rượu cần. Sau này, Yang phù hộ cho làng tôi có lúa nhiều để tôi nuôi con cái, làm ăn phát đạt, không ốm yếu, không đói, để cả làng no ấm. Ơ Yang!”. Sau khi đã kết thúc phần khấn vái, thì già làng sẽ chọn ra mười thanh niên nam nữ, khỏe mạnh, cùng xuống ruộng, tay nắm lấy các bó lúa đã được chuẩn bị sẵn, cứ sau mỗi một lời khấn của thầy cúng, nhóm thanh niên sẽ đồng loạt giơ cao bó lúa trong tay mình lên trời và hô to, đồng thời nhảy múa, hát hò theo để thể hiện sự vui mừng, náo nhiệt của một mùa màng ấm no, sung túc. Nghi lễ này không chỉ là một nét đặc sắc của lễ hội mừng lúa mới mà nó là một trong những hình thức thể hiện tình đoàn kết, gắn bó, sự giản dị, thiêng liêng của những người con tại mảnh đất thiêng Tây Nguyên.

Sau phần lễ mang nặng nghi thức, nghi lễ, thì ở phần hội mọi người lại được tự do vui chơi thoải mái, tất cả dân làng cùng tụ tập lại nhà rông ăn uống, nhảy múa hát hò, theo tiếng chiêng, nhịp trống, tối đến thì nhảy múa xung quanh đống lửa, sau khi đã vui chơi thỏa thích, thì ai lại về nhà nấy, để tổ chức lễ cúng riêng cho nhà mình. Tùy theo gia cảnh, vụ mùa thu hoạch được nhiều hay ít mà gia chủ có thể tổ chức lễ cúng lớn hay nhỏ, một ngày hay nhiều ngày. Đối với bà con dân tộc Tây Nguyên thì lễ mừng lúa mới cũng tương tự như Tết Nguyên Đán là dịp lễ lớn trong năm, là lúc mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, đến thăm nhà nhau, chúc tụng, sum họp,… Nhà ai có nhiều khách ghé thăm thì được coi là một niềm vinh dự lớn, là sự may mắn rất đáng trân trọng, được Giàng phù hộ.

Lễ hội mừng lúa mới là một trong những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên từ bao đời nay, dẫu trải qua nhiều suy vi biến đổi của đất nước, thế nhưng cả trong thời chiến và thời bình nó vẫn luôn được giữ gìn nguyên vẹn, thiêng liêng không chỉ bộc lộ vẻ đẹp tinh thần của cả một cộng đồng dân tộc lớn mà đó là những nỗ lực trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nhiều đời, là sự đoàn kết mạnh mẽ trong cộng đồng các dân tộc anh em.

————————-HẾT—————————–

Bài viết là những nét khái quát về lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, để tìm hiểu thêm những nét văn hóa đặc sắc khác mời các em tìm đọc những bài văn hay lớp 10 khác như: Thuyết minh về một lễ hội truyền thống dân tộc, Thuyết minh một lễ hội ngày xuân – Lễ hội đền Trần, Thuyết minh về lễ hội đua voi ở Tây Nguyên, Thuyết minh về một làng nghề truyền thống.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/thuyet-minh-ve-le-hoi-an-mung-lua-moi-o-tay-nguyen/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp