Đề bài: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng
Bài văn Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng
Bạn đang xem: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng
I. Dàn ý Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng
1. Mở bài
– Giới thiệu chùa Dơi.
2. Thân bài
a. Lịch sử, tên gọi, khái quát chung:
– Sở dĩ gọi là chùa Dơi là bởi ngôi chùa được dựng cạnh một cánh rừng trồng nhiều các loại cây sao và cây dầu, là nơi cư ngụ cho hàng vạn con dơi.
– Tên khác là chùa Mã Tộc, chùa Sêrây tê chô mahatup (do đức phúc tạo nên).
– Tọa lạc ở đường Văn Ngọc Chính, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng.
– Chùa Dơi được xây dựng cách đây 451 năm, tức là vào khoảng năm 1569.
– Được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia bắt đầu từ năm 1999.
b. Đặc điểm kiến trúc:
– Toàn bộ khuôn viên chùa nằm trong một khu vực rộng 4 ha, các công trình chính yếu bao gồm: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… xung quanh được bao bọc bởi nhiều loại cây cổ thụ nhiều năm tuổi.
– Chính điện:
+ Diện tích nền khoảng 235 mét vuông, dựng trên nền xi măng cao hơn 1m so với mặt đất.
+ Kiến trúc mái chính điện gồm 4 tầng chồng lên nhau, trên đỉnh có một ngọn tháp nhỏ nhuộm vàng.
+ Phần mái được lợp bằng loại ngói màu khác nhau bao gồm xanh, đỏ, và vàng nhạt, xếp tinh tế, cẩn thận.
+ Phần rìa mái và các góc nhọn của mái được trang trí bằng hình rắn Naga nhuộm vàng.
+ Chống đỡ phần mái là các cột tròn cách đều nhau, dàn trải xung quanh chính điện, ở mỗi cột lại được trang trí một bức tượng tiên nữ Kemnar có cánh, đang chắp tay trước ngực.
+ Chánh điện có bức tượng phật Thích Ca được tạc từ đá nguyên khối, sơn son thiếp vàng, với chiều cao khoảng 2m, đặt trên một tòa sen cao khoảng 1,5m.
+ Bên cạnh đó ở chính điện còn sắp xếp thờ tự các tượng phật nhỏ khác. Đồng thời ở đây cũng trưng bày các bức tranh miêu tả về các giai đoạn cuộc đời của phật Thích Ca, kết hợp với các bộ kinh lá thốt nốt và các hiện vật có niên sử hàng trăm năm mang đậm nét văn hóa Khơ Me Nam Bộ.
– Những ngôi mộ heo năm móng: Theo truyền thuyết được xem là “cốt tinh” của con người, sẽ mang đến điềm xúi quẩy cho gia chủ, thế nên chúng được gửi cho nhà chùa nuôi dưỡng, được Phật độ hóa và khi chết được chôn cất tử tế tại chùa.
c. Ý nghĩa:
– Ngày nay chùa Dơi đã trở thành một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch tham quan.
– Trở thành không gian sinh hoạt văn hóa – giáo dục, là nơi tổ chức có lễ hội thờ tự, cúng bái truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Me, cũng như các sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương.
3. Kết bài
Nêu cảm nhận.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh ở Sóc Trăng
Dám chắc một điều rằng, với những ai có niềm yêu thích và đam mê khám phá các kiến trúc tôn giáo đặc sắc thì không khỏi ngưỡng mộ và ao ước về những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo và rực rỡ tại xứ chùa vàng. Tuy nhiên việc đi thật xa để nhìn ngắm một cảnh quan không phải là ai cũng có thể thực hiện và tại sao chúng ta không nhìn về quê hương, về mảnh đất Sóc Trăng màu mỡ, với lời hát Dù Kê và điệu múa Lâm Thôn say lòng của văn hóa Khơ Me, và cả những ngôi chùa với lối kiến trúc tương tự xứ chùa vàng thậm chí còn có nhiều nét đặc biệt do có pha trộn cả văn hóa Việt. Trong số các chùa ở Sóc Trăng tôi nhiệt liệt đề cử chùa Dơi, một ngôi chùa với cái tên khá lạ, hiện nay là một địa điểm hấp dẫn, thu hút nhiều khác du lịch nhất tỉnh này.
Sở dĩ gọi là chùa Dơi là bởi ngôi chùa được dựng cạnh một cánh rừng trồng nhiều các loại cây sao và cây dầu, môi trường lý tưởng là nơi cư ngụ cho hàng vạn con dơi, cứ chiều chiều chúng lại tỏa ra kín cả một vùng trời quanh chùa để bắt đầu công cuộc kiếm ăn. Mà theo tín ngưỡng Khơ Me việc dơi tụ tập quanh chùa là một điềm tốt, ý chỉ phúc lành, chính vì vậy người ta cũng gọi ngôi chùa là chùa Dơi, dựa trên nét đặc trưng này. Ngoài ra chùa Dơi còn có tên khác là chùa Mã Tộc theo cách đọc của người Hoa, còn trong tiếng Khơ Me chùa có tên là Sêrây tê chô mahatup (do đức phúc tạo nên). Hiện nay chùa tọa lạc ở đường Văn Ngọc Chính, phường 3, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, là ngôi chùa duy nhất thờ phụng đức Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khơ Me tại tỉnh Sóc Trăng, là sự hòa trộn kiến trúc độc đáo giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Cam-pu-chia. Chùa Dơi được xây dựng cách đây 451 năm, tức là vào khoảng năm 1569, ban đầu được dựng tạm bằng tre và lá, sau đó chính điện được tôn tạo lại bằng gạch ngói, và sau nhiều lần tinh chỉnh chùa mới có được phong thái khang trang, nguy nga, rực rỡ như ngày hôm nay. Với lịch sử dài lâu, sự độc đáo trong kiến trúc, giá trị tôn giáo văn hóa sâu sắc lên đến hàng nửa thế kỷ, ngày nay chùa Dơi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia bắt đầu từ năm 1999, được nhà nước quan tâm và bảo tồn chặt chẽ.
Về kiến trúc toàn bộ khuôn viên chùa nằm trong một khu vực rộng 4 ha, các công trình chính yếu bao gồm: Ngôi chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… xung quanh được bao bọc bởi nhiều loại cây cổ thụ nhiều năm tuổi. Chùa thờ phật Thích Ca Mâu Ni với lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa Campuchia với màu vàng cam chủ đạo và những hoa văn độc đáo. Chính điện được xây cao và lớn nhất, với diện tích nền khoảng 235 mét vuông, dựng trên nền xi măng cao hơn 1m so với mặt đất. Cửa chính điện hướng về phía Đông, để đón ánh bình minh. Kiến trúc mái chính điện gồm 4 tầng chồng lên nhau, trên đỉnh có một ngọn tháp nhỏ nhuộm vàng. Toàn bộ phần mái được lợp bằng loại ngói màu khác nhau bao gồm xanh, đỏ, và vàng nhạt, xếp tinh tế, cẩn thận, mà nhìn từ xa trông như mái chùa được chia thành các ô hình thoi đều và đẹp. Phần rìa mái và các góc nhọn của mái được trang trí bằng hình rắn Naga nhuộm vàng. Chống đỡ phần mái là các cột tròn cách đều nhau, dàn trải xung quanh chính điện, ở mỗi cột lại được trang trí một bức tượng tiên nữ Kemnar có cánh, đang chắp tay trước ngực. Tiến sâu vào chánh điện du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng bức tượng phật Thích Ca được tạc từ đá nguyên khối, sơn son thiếp vàng, với chiều cao khoảng 2m và được đặt trên một tòa sen cao khoảng 1,5m ngay giữa chính điện. Bên cạnh đó ở chính điện còn sắp xếp thờ tự các tượng phật nhỏ khác. Đồng thời ở đây cũng trưng bày các bức tranh miêu tả về các giai đoạn cuộc đời của phật Thích Ca, kết hợp với các bộ kinh lá thốt nốt và các hiện vật có niên sử hàng trăm năm mang đậm nét văn hóa Khơ Me Nam Bộ. Bên cạnh chính điện thì một điểm khá đặc sắc làm nên nét kỳ bí của khu chùa này ấy chính là những ngôi mộ heo năm móng, theo truyền thuyết được xem là “cốt tinh” của con người, sẽ mang đến điềm xúi quẩy cho gia chủ, thế nên chúng được gửi cho nhà chùa nuôi dưỡng, được Phật độ hóa và khi chết được chôn cất tử tế tại chùa. Ngoài ra lối kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên của ngôi chùa cũng là một địa điểm vãn cảnh thú vị, du khách sau khi tham quan có thể ngồi lại tại khuôn viên chùa dưới những tán cây với tuổi thọ còn nhiều hơn tuổi đời của họ để tịnh tâm, nghỉ mệt và tận hưởng sự thanh bình tại chốn liêng thiêng này.
Ngày nay chùa Dơi đã trở thành một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch tham quan bởi lối kiến trúc độc đáo, cùng với những câu chuyện tâm linh bí ẩn mang đậm màu sắc văn hóa Khơ Me. Ngoài ra nơi đây còn trở thành không gian sinh hoạt văn hóa – giáo dục, là nơi tổ chức có lễ hội thờ tự, cúng bái truyền thống của đồng bào dân tộc Khơ Me, cũng như các sinh hoạt cộng đồng của cư dân địa phương. Đồng thời với lối kiến trúc có giá trị thẩm cao và đặc sắc, chùa Dơi không chỉ là nơi để con người thờ phụng, thỏa mãn đời sống tâm linh mà nó còn hướng con người ta đến cái thiện, tránh xa cái ác, gieo vào tâm hồn con người những giá trị tốt đẹp, ảnh hưởng tích cực đến thế giới quan của cư dân địa phương.
“Về Đại Tâm thăm người bạn Khơ Me, nghe hát dù kê và điệu múa Lâm Thôn, sóc sờ bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi…”, nếu có một lần được ghé đến vùng đất Sóc Trăng xinh đẹp, đừng tiếc chi một lần tìm đến với ngôi chùa Dơi để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hài hòa của lối kiến trúc kết hợp Việt-Cam-Hoa, để được hưởng bầu không khí linh thiêng phật pháp tại chốn đất lành chim đậu này bạn nhé.
-Hết-
Sóc Trăng có rất nhiều địa danh, khu di tích nổi tiếng, trong bài thuyết minh trên đây, chúng tôi đã giới thiệu đến các em một trong những địa danh được yêu thích nhất ở Sóc Trăng – Chùa Dơi. Tìm hiểu về vùng đất Sóc Trăng, bên cạnh những địa danh nổi tiếng, các em không nên bỏ qua nền ẩm thực độc đáo, mà nổi tiếng nhất phải kể đến bánh Pía Sóc Trăng. Các em hãy cùng tìm hiểu qua bài Thuyết minh về món bánh Pía Sóc Trăng để hiểu hơn về vùng đất nổi tiếng này nhé.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp