Đề bài: Thuyết minh về một ngôi chùa ở quê em
Thuyết minh về một ngôi chùa ở quê em
Bạn đang xem: Thuyết minh về một ngôi chùa ở quê em
1. Thuyết minh về một ngôi chùa quê em: Chùa Trấn Quốc (Chuẩn)
Nhắc đến chùa Hà Nội không thể không nhắc đến chùa Trấn Quốc – một trong những ngôi chùa cổ lịch sử lâu đời nhất nơi đây. Chùa Trấn Quốc cũng là một trong những niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung.
Theo sử sách ghi chép lại thì chùa Trấn Quốc vốn có tên là chùa Khải Quốc, bắt đầu dựng từ thời Lý Nam Đế tại một thôn quê gần bờ sông Hồng. Chùa được dời vào và dựng trên nền xưa của cung Thúy Hoa, điện Hàn Nguyên vào năm 1615. Những năm về sau, được sự hỗ trợ của vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị cùng đóng góp của nhân dân chùa được trùng tu lại, đặt thêm chuông tượng và mở rộng diện tích. Năm 1842, vua Thiệu Trị quyết định đổi tên chùa thánh Trấn Bắc. Đến đời vua Lê Hy Tông, chùa đổi tên là Trần Quốc và được dùng cho đến ngày nay.
Chùa Trấn Quốc nằm trên đường Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Chùa tọa lạc tại một hòn đảo phía đông Tây Hồ của một hồ nước ngọt rộng lớn.
Phía trên của chùa là hai câu đố được viết bằng chữ Nôm: “Vang tai xe ngựa qua đường tục/ Mở mặt non sông đứng cửa thiền”, ngoài ra, con được ghi thêm ba chữ Phương điện môn ở trung tâm.
Chùa có kết cấu được thiết kế theo những nguyên tắc, trình tự nhất định. Có ba ngôi chính với nhiều lớp nhà, được nối thành hình chữ công, bao gồm Tiền đường, thượng điện và nhà thiêu hương. Tiền đường của chùa Trấn Quốc hướng về phía Tây. Có hai dãy hành lang dài ở hai bên nhà thượng điện và nhà thiêu hương. Có một gác chuông ba gian nằm trên trục sánh chính, ở phía sau thượng điện.
Bên trong chùa Trấn Quốc còn có các nhà tổ, nhà bia và một số mộ tháp cổ. Mộ tháp cổ nổi bật trong khuôn viên của chùa là Bảo tháp lục độ đài sen. Bao tháp cổ cao hơn 15m với 11 tầng. Mỗi tầng đều được đặt những pho tượng Phật bà trong các ô cửa hình vòm. Đỉnh tháp được gọi là Cửu phẩm liên hoa vì nó là đài sen 9 tầng, được làm từ đá quý. Đối xứng với bảo tháp là một cây bồ đề lớn với ý nghĩa: “Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp”.
Chùa Trấn Quốc không chỉ là ngôi chùa cổ có kiến trúc độc đáo mà còn là một biểu tượng của nền văn hóa lâu đời của người dân Hà Nội nói riêng, của Việt Nam nói chung. Hơn nữa, ngôi chùa còn là một trong những minh chứng rõ nét cho sự phát triển Phật giáo ở Việt Nam.
Có thể thấy rằng, kiến trúc chùa có sự hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với sự thanh nhã, yên bình của cảnh quan. Nhớ vậy mà nơi đây thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt là các tín đồ phật tử. Hy vọng rằng trong tương lai những nét văn hóa của chùa sẽ được lưu giữ và phát triển hơn nữa.
>> Tham khảo dàn ý chi tiết bài thuyết minh TẠI ĐÂY.
Bài văn Thuyết minh về chùa Trấn Quốc
2. Thuyết minh về một ngôi chùa quê em: Chùa Một Cột (Chuẩn)
Thủ đô Hà Nội vốn đã nổi danh ngàn năm là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị, quân sự hàng đầu của nước ta. Xa xưa đã được Lý Công Uẩn hết mực cất nhắc, xem trọng, ra chiếu dời đô từ Đại La về để ổn định đất nước sau 1000 năm loạn lạc, đồng thời về sau nơi đây cũng trở thành đế kinh nơi cư ngụ của đế vương nước ta nhiều đời. Chính vì thế mà mảnh đất có thế “rồng cuộn hổ ngồi” này đã mang trong mình nhiều dấu tích lịch sử đáng quý, tiêu biểu cho sự phát triển phồn thịnh của đất nước ở nhiều lĩnh vực. Trong đó ở lĩnh vực văn hóa, sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo cũng để lại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, tiêu biểu nhất phải kể đến chùa Một Cột.
Chùa Một Cột hay còn có các tên gọi khác là chùa Mật, Nhất Trụ Tháp, Liên Hoa Đài, Diên Hựu tự, là một trong những công trình kiến trúc có thiết kế độc đáo nhất nước ta còn tồn tại đến ngày hôm nay (đã trải qua một lần đại tu vào năm 1955 sau trận đánh phá của Pháp). Hiện nay chùa tọa lạc tại phố Chùa Một Cột, phường Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, người đứng đầu là trụ trì Đại đức Thích Tâm Kiên. Ngôi chùa được khởi công xây dựng dưới thời vua Lý Thái Tông vào khoảng mùa đông tháng mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất. Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa tương truyền là xuất phát từ giấc mơ của vua Lý Thái Tông, khi nhà vua trong một lần nằm ngủ đã mơ thấy được Phật bà Quan m dắt tay đi lên tòa sen. Chính vì thế vua đã theo lời khuyên của nhà sư Thiền Tuệ, xây một ngôi chùa dáng hình giống đài sen, dựng trên một trụ lớn nằm giữa hồ sen. Đến nay qua nhiều triều đại, chùa Một Cột ít nhiều được tu sửa, nâng cấp nhiều lần, tuy nhiên vẫn luôn giữa được đúng kiến trúc, cũng như dáng vẻ của nó từ thời Lý. Ngày nay chùa Một Cột được xếp vào dạng di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia, đồng thời được Tổ chức Kỷ lục Châu Á công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” trong khu vực.
Bài văn Thuyết minh về chùa Một Cột ở Hà Nội
Sở dĩ nói chùa Một Cột là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất là bởi kiến trúc 1 cột của nó, theo nhiều tài liệu lịch sử thì lối kiến trúc này đã xuất hiện từ trước đời nhà Lý, xuất hiện trong một số công trình phật giáo phục vụ tu hành của vương tôn quý tộc và trở thành một thực tế nghệ thuật cổ truyền đặc trưng cho nền Phật giáo tại Việt Nam. Tổng thể ngôi chùa được dựng bằng gỗ, bên trong đặt tượng Quan Thế m để thờ tự. Ngôi chùa đã được tu sửa hiện nay có một đài Liên Hoa hình vuông, mỗi cạnh dài 3m, mái cong, lợp ngói. Ở mỗi góc mái đầu đao có trang trí hình Xi Vẫn, trên nóc mái trang trí hình “lưỡng long chầu nguyệt”, tức là hai con rồng cùng chầu mặt trăng. Trong văn hóa Việt nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung, rồng kết hợp với trăng trang trí trên các đình, đền, chùa là biểu trưng cho sức mạnh thần thánh, uy nghiêm, chứa đựng nhiều những giá trị văn hóa, ý nghĩa tâm linh, trí tuệ và mong ước của con người trong các nền văn minh cổ xưa truyền thống. Toàn bộ bộ Liên Hoa đài được đặt, dựng cân đối trên một cột bằng đá có đường kính 1,2m bao gồm hai khối đá lớn chồng khít lên nhau. Từ định cột người ta thiết kế một hệ thống các dầm đỡ bằng gỗ tỏa ra tám góc như hình đài hoa làm điểm tựa cho ngôi đài ở trên. Tổng thể kiến trúc chùa Một Cột nhìn từ xa trông giống như một bông hoa sen lớn vươn lên khỏi mặt nước, mang một vẻ đẹp trong sạch, trong cao, trở thành một biểu tượng cho phật pháp, cũng như biểu tượng văn hóa Việt Nam. Bởi hoa sen từ bao đời nay vẫn được xem là quốc hoa của dân tộc, chứa đựng những giá trị văn hóa sâu rộng không chỉ trong lĩnh vực tu hành mà còn có gắn bó mật thiết với đời sống nhân dân ta.
Về ý nghĩa chùa Một Cột ngày nay, theo nhiều triết học gia phương Đông thì lối kiến độc đáo này là sự kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố m – Dương, trong đó đài vuông đóng vai trò là âm, cột tròn đóng vai trò là dương, đặc trưng cho quy luật hài hòa của tạo hóa trời – đất, âm – dương, ngũ hành, sinh tử của vạn vật. Đồng thời sự xuất hiện của công trình này cũng là biểu hiện cho tấm lòng tôn sùng và sự phát triển mạnh mẽ của Phật giáo ở nước ta dưới triều Lý. Ngày nay chùa Một Cột trở thành một trong những biểu tượng quan trọng và tiêu biểu nhất của thủ đô Hà Nội, là nơi thu hút hàng vạn khách du lịch tham quan hàng năm. Cũng là niềm tự hào của dân tộc về những dấu tích vẻ vang của đất nước nước ta hàng ngàn năm trước, là biểu tượng cao quý cho tâm hồn người Việt ta từ ngàn đời.
Nếu có dịp ghé thăm thủ đô Hà Nội, các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được đến thăm di tích lịch sử – văn hóa đậm truyền thống dân tộc này một lần nhé. Hãy đến đây để được tận hưởng bầu không khí liêng thiêng của “đóa sen ngàn năm” mà vẫn không ngừng tỏa những hương thơm của thanh sạch, an nhiên, đồng thời luôn giữ trong mình vẻ đẹp cổ kính, lưu giữ sự tài hoa, sáng tạo của lớp người thiên cổ này.
>> Tham khảo dàn ý chi tiết TẠI ĐÂY.
3. Thuyết minh về một ngôi chùa quê em: Chùa Yên Tử (Chuẩn)
Quảng Ninh được mệnh danh là “Đất tổ Phật giáo Việt Nam” và gắn liền với Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Nhắc đến Quảng Ninh ta không thể không nhắc đến di tích chùa Yên Tử nổi tiếng. Chùa Yên Tử bao gồm một hệ thống các chùa, am, với những giá trị lịch sử lâu đời gắn liền với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi đây được ví như chốn bồng lai tiên cảnh, là một trong những địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn du khách thập phương trong và ngoài nước.
Núi Yên Tử (Uông Bí – Quảng Ninh) là một ngọn núi cao và đẹp, nổi tiếng được mệnh danh là “đệ nhất linh sơn” hay “Phật sơn” của nước ta, non thiêng Yên Tử nổi tiếng nhất là quần thể chùa Yên Tử với văn hóa tâm linh và các di tích lịch sử về Phật giáo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Dòng chảy lịch sử Phật giáo tại Yên Tử bắt nguồn từ khi vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho vua Trần Anh Tông, với lòng thành hướng về chốn non cao tầm đạo, năm 1299 vua Trần Nhân Tông đến mảnh đất Yên Tử, bắt đầu cuộc sống tu hành theo 12 điều khổ hạnh, cho xây dựng hệ thống các chùa chiền, am, tháp, mỗi chùa lại có những sự tích riêng. Danh thắng Yên Tử với đỉnh núi cao 1068m so với mực nước biển nên đỉnh núi lúc nào cũng có mây mù bao phủ, lại thêm phong cảnh thiên nhiên hữu tình, đa dạng và phong phú các loài động, thực vật, tiêu biểu có các cây đại thụ như cây tùng cổ 700 tuổi, cây đại cổ, các động vật tiêu biểu như cu li lớn, khỉ mặt đỏ, sơn dương, rồng đất,…Xung quanh quần thể chùa Yên Tử là các di tích và thắng cảnh nổi tiếng như Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, Khu di tích lịch sử nhà Trần. Chúng ta bắt đầu hành trình lên đỉnh Yên Tử tại dòng suối Giải Oan và ngôi chùa Giải Oan, chính Phật Hoàng đã đặt tên Giải Oan nhằm giúp siêu độ cho những cung nữ theo hầu vua đã nhảy xuống suối tự vẫn khi vua không cho theo hầu hạ. Chùa Giải Oan vốn linh thiêng có tiếng, lưng tựa vách núi, mặt hướng ra dòng suối róc rách đêm ngày, đứng dưới chùa Giải Oan nhìn lên sẽ thấy ngọn núi Yên Tử cao vời vợi. Chùa Hoa Yên được coi là ngôi chùa chính của hệ thống chùa Yên Tử, chùa ở lưng chừng núi, thế rất vững chãi, cảnh trí nơi đây vô cùng tuyệt đẹp với trăm hoa đua nở, những đám mây dường như cũng kết thành những đóa hoa giăng trước cửa chùa. Con đường hành hương lên đỉnh Yên Tử luôn có những bậc đá và hàng cây xanh hai bên đường, hàng Tùng cổ thụ 700 tuổi với rễ bám sâu vào vách núi, tán rộng khổng lồ che rợm đường cho người phật tử. Vườn tháp trung tâm của chùa Yên Tử là khu Tháp Tổ gồm 64 ngọn tháp và mộ, ngoài ra còn có các am như am Ngự Dược, am Thung là nơi nghiên cứu, bào chế và sản xuất thuốc từ các loại thảo dược trên núi Yên Tử. Đặc biệt nhất là chùa Một Mái nằm ẩn sâu trong hang núi, chỉ phô ra bên ngoài nửa mái, cảnh chùa tĩnh lặng, thanh thoát dường như là một thế giới khác cách xa nơi trần tục. Ngoài các di tích chùa, am, tháp, nơi đây còn có Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử – thiền viện lớn nhất Việt Nam với kiến trúc uy nghiêm, khang trang và bề thế. Ngôi chùa cao nhất của Yên Tử là chùa Đồng, Phật Hoàng đã chọn nơi đây để tĩnh thiền, toàn bộ kết cấu đều được làm bằng đồng kể cả đồ thờ tự nhằm thích ứng được với khí hậu ẩm ướt quanh năm. Nếu bạn không muốn phải đi bộ đến 6 cây số đường rừng núi gập ghềnh đá để lên đỉnh Yên Tử thì ngày nay bạn có thể đi cáp treo, hệ thống cáp treo hiện đại gồm hai chặng, từ chân núi lên đến chùa Hoa Yên và từ chùa Hoa Yên lên đến chùa Đồng, khi đi bằng cáp treo du khách cũng sẽ được ngắm toàn cảnh vùng núi Yên Tử. Với ý nghĩa là “Đất tổ Phật giáo Việt Nam”, chùa Yên Tử là một trong những thắng tích Phật giáo được lựa chọn để các đại biểu tham dự lễ Phật đản trên khắp thế giới đến tham quan, chiêm bái. Lễ hội Yên Tử được tổ chức hàng năm từ ngày mùng 10 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3, mỗi dịp lễ hội thu hút hàng triệu du khách thập phương đến tham quan, lễ bái và cầu an.
Chùa Yên Tử hay quần thể di tích Phật giáo Yên Tử nói chung là một niềm tự hào đối với mỗi người dân Việt Nam, đó là minh chứng cho nét đẹp văn hóa tâm linh của dân tộc ta, về với Yên Tử như được trở về cội nguồn, về miền đất tổ của nền Phật giáo nước nhà.
>> Tham khảo dàn ý chi tiết TẠI ĐÂY.
Thuyết minh về chùa Yên Tử
4. Thuyết minh về một ngôi chùa quê em: Chùa Hương (Chuẩn)
Tôi có nghe một bài hát mở đầu bằng những câu hát rất dễ thương, tươi tắn như sau:
“Hôm qua em đi chùa Hương
Hoa cỏ còn mờ hơi sương
Cùng thầy mẹ em vấn đầu soi gương.”
Tôi cũng lại đọc một bài hát nói của Chu Mạnh Trinh rằng:
“Bầu trời, cảnh bụt,
Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay.
Kìa non non, nước nước, mây mây,
Đệ nhất động hỏi là đây có phải?”
Tựu chung lại cả hai tác phẩm ấy đều nói về một địa điểm vô cùng nổi tiếng mà theo cách gọi của dân gian là Chùa Hương, nhưng chính xác nó không chỉ là một ngôi chùa riêng biệt mà là một quần thể di tích văn hóa – tôn giáo lớn gọi là Hương Sơn có tuổi đời lên tới vài trăm năm từ thuở vua Lê-chúa Trịnh. Chùa Hương không chỉ mang trong mình vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình tựa như chốn bồng lai tiên cảnh, mà còn mang trong mình sự thanh tịnh, không khí thâm nghiêm của chốn thiền tu. Một lần bước chân đến Hương Sơn dường như khách lữ hành cũng bỏ lại sau lưng mọi nỗi lo trần thế để được tịnh tâm ngắm nhìn phong cảnh núi non, đền chùa, nơi được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhất động” này.
Quần thể di tích chùa Hương được xây dựng vào cuối thế kỷ thế kỷ 17 khoảng những năm 1680-1704, việc ra đời của ngôi chùa cũng có nhiều sự tích, nhiều người thắc mắc rằng tại sao lại có hai ngôi chùa tên Hương Tích, một ở Hà Tĩnh và một ở Hà Nội. Chuyện kể rằng, thuở xưa các phi tần, mỹ nữ của chúa quê gốc phần lớn ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh nên cứ mỗi độ xuân về các bà thường hay ngược về Hà Tĩnh để trẩy hội chùa Hương, dâng hương kính Phật. Đó vốn là chuyện tốt đẹp thế nhưng chúa Trịnh lại có mối nghi ngại, sợ phi tần chịu đường xa cực khổ, và vài lý do tế nhị thế nên chúa quyết định cho xây dựng thêm một chùa Hương Tích ở tại Hà Nội để cho các bà trẩy hội được gần hơn. Hiện nay, quần thể di tích này tọa lạc tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, bên cạnh sông Đáy, trong đó trung tâm cụm di tích là chùa Hương nằm trong động Hương Tích, người ta còn gọi là chùa Hương Tích hoặc chùa Trong.
Về kết cấu kiến trúc, quần thể di tích Hương Sơn là nơi quy tụ của hàng chục ngôi chùa lớn thờ Phật, nhiều ngôi đền thờ thần, thánh cùng các ngôi đình thờ khác, điểm độc đáo của khu di tích chính là lối kiến trúc kết hợp giữa phong cảnh thiên nhiên núi xanh, nước biếc, mây trắng lượn lờ cùng với hệ thống hang động tự nhiên và các kiến trúc chùa chiền cổ xưa, tạo nên một không gian vừa mang vẻ đẹp trữ tình thơ mộng vừa mang vẻ thoát tục, thiêng liêng chốn cửa Phật. Men dọc theo thung lũng suối Yến là những công trình kiến trúc tiêu biểu của chùa Hương bao gồm chùa Ngoài, tên khác là chùa Trò hay chùa Thiên Trù. Bên trong ngôi chùa này có tháp chuông, với lối kiến trúc độc đáo gồm ba tầng mái, trên tầng cao nhất lộ ra hai đầu hồi tam giác, Chu Mạnh Trinh có câu thơ nhắc về tháp chuông này như sau “Thoảng bên tai một tiếng chày kình/Khách tang hải giật mình trong giấc mộng”. Trung tâm của khu di tích chính là chùa Hương, hay còn gọi là chùa Trong, chùa Hương tích, đây không phải là ngôi chùa nhân tạo mà nó thực tế là một hang động lớn, vách động có khắc 5 chữ là bút tích cảu chúa Trịnh Sâm “Nam thiên đệ nhất động”, thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ của ngài với vẻ đẹp của chốn Hương Sơn. Ngoài hai bộ phận kiến trúc chính thì, còn các công trình kiến trúc khác có thể tóm lược trong 2 câu thơ sau:
“Này suối Giải Oan, này chùa Cửa Võng,
Này am Phật Tích, này động Tuyết Quynh”
Trong đó, suối Giải Oan và chùa Cửa Võng là hai địa điểm nằm ở dọc quãng đường từ chùa Thiên Trù đến chùa Hương Tích, am Phật Tích tương truyền là nơi Quan Thế m bồ tát độ kiếp, động Tuyết Quynh hay chùa Tuyết Quynh là một ngôi chùa nhỏ tọa lạc gần với động Hương Tích.
Hội chùa Hương chính là một trong những lễ hội lớn nhất ở miền Bắc nước ta, mỗi năm thu hút đến hàng triệu du khách cùng phật tử khắp mọi miền tổ quốc đổ về đây trẩy hội, thăm quan và dâng hương kính phật. Lễ hội bắt đầu từ ngày 6/2 âm lịch hằng năm, kết thúc vào khoảng hạ tuần tháng âm lịch, trong đó chính thức diễn ra trong khoảng 4 ngày từ ngày 15 đến 18 tháng 2 âm lịch. Phù hợp với không khí linh thiêng và thanh tịnh chốn cửa Phật thế nên phần lễ của lễ hội chùa Hương diễn ra một cách đơn giản, biểu hiện rõ rệt nhất ấy là làn khói xanh nghi ngút, hương thơm thoang thoảng của nhang đèn không bao giờ dứt trong những ngày hội, khiến cho không khí nơi đây lại càng thêm phần thanh tao, nhã nhặn. Người đi dâng lễ cũng chỉ chuẩn bị một ít nhang đèn, hoa quả và đồ ăn chay đặt lên điện thờ, thắp nén hương thơm, thành tâm khấn vái đúng với quy cách của một Phật tử giác ngộ rồi đi thăm thú cảnh sắc xung quanh thanh lọc tâm hồn hoặc tham gia vào phần hội. Phần hội thì cũng giống nhiều cách lễ hội phổ biến khác, gồm có lễ rước và lễ văn, sau đó là các hoạt động vui chơi nhẹ nhàng bên ngoài như bơi thuyền vãn cảnh, hát chèo, hát văn,… Có thể thấy rằng cả phần lễ và phần hội của lễ hội chùa Hương đều thiên về sự nhã nhặn, tinh tế, không quá nô nức, ồn ào phá hỏng cảnh thiêng liêng, mỗi một con người bước chân đến nơi đây đều hưởng một niềm vui hiếm có, ấy là cảm giác thanh tịnh tâm hồn, niềm vui sướng khi bắt gặp cảnh sắc độc đáo tựa chốn bồng lai tiên cảnh.
Di tích chùa Hương và lễ hội chùa Hương đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa tín ngưỡng tôn sùng đạo phật, đạo giáo và cả nho học của người dân Việt Nam, đặc biệt với vẻ đẹp hiếm có bởi sự kết hợp tinh tế giữa cảnh thiên nhiên và các công trình kiến trúc nhân tạo đã đưa nơi đây trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các văn nhân, thi sĩ xưa và nay. Trong bài tôi đã nhắc đến nhiều câu thơ có trong Hương Sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh Trinh, một bài hát nói được xem là áng văn kiệt tác của văn học trung đại Việt Nam, ngoài ra có thể nhắc đến Hồ Xuân Hương với bài vịnh Động Hương Tích, hay Tản Đà với bài thơ Chơi chùa Hương Tích. Trong âm nhạc có một bài hát nổi tiếng, với giai điệu tươi vui, mang âm hưởng dân ca ấy là bài Em đi chùa Hương, phổ nhạc từ thơ của Nguyễn Nhược Pháp, từng một thời được phát đi phát lại trên ra-đi-ô, mà thế hệ ông bà ta vẫn thuộc trong lòng.
Phong cảnh chùa Hương có lẽ rằng vẫn còn đẹp và đặc sắc hơn tất cả những gì mà thơ ca đã vẽ nên, bởi chỉ có dùng chính đôi mắt, đôi tai và tâm hồn thanh tịnh thì con người ta mới có thể cảm nhận hết được vẻ đẹp kỳ diệu ấy, thứ mà chẳng giấy bút nào viết nên được. Nếu ai có dịp ghé thăm Hà Nội một lần, hãy ghé thăm quần thể di tích Hương Sơn một lần để cảm nhận được cái vẻ thơ mộng trữ tình của trời mây non nước kết hợp với nét thâm nghiêm, thanh tịnh chốn thiền tu, được thế có lẽ cuộc đời chẳng còn gì sung sướng hơn.
Bài văn Thuyết minh về chùa Hương hay nhất
5. Thuyết minh về một ngôi chùa quê em: Chùa Thiên Mụ (Chuẩn)
Mảnh đất cố đô Huế thâm trầm, sâu lắng ghi dấu về triều đại phong kiến cuối cùng của nước ta với những công trình lăng tẩm, đền đài và nền nhã nhạc cung đình Huế. Khi nhắc đến thời kì hưng thịnh của Phật giáo Đàng trong, người ta thường gợi nhớ đến ngôi chùa Thiên Mụ – một vẻ đẹp thanh tịnh bên dòng sông Hương thơ mộng.
Chùa Thiên Mụ nằm trên một ngọn đồi (đồi Hà Khê) bên phía tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Theo truyền thuyết khi chúa Nguyễn Hoàng đi dọc bờ sông Hương xem xét địa thế nơi đây để chuẩn bị cơ đồ nghiệp lớn, xây dựng giang sơn đã nhìn ra ngọn đồi Hà Khê với thế đất hình con rồng quay đầu nhìn lại, Chúa đã cho xây dựng một ngôi chùa trên đồi, hướng về phía sông Hương đặt tên là “Thiên Mụ”. Năm Tân Sửu 1601 chùa Thiên Mụ chính thức được khởi công xây dựng dưới thời chúa Tiên – Nguyễn Hoàng, giai đoạn 1691 – 1725 chùa được xây dựng quy mô hơn và trùng tu với nhiều công trình kiến trúc đồ sộ như: Điện Đại Hùng, nhà Thuyết Pháp, lầu Tàng Kinh,… còn rất nhiều công trình không giữ được đến ngày nay.
Thuyết minh về chùa Thiên Mụ ngắn
Đến năm 1844 chùa lại được kiến trúc lại với ngôi tháp bát giác Phước Duyên, đình Hương Nguyện. Trận bão lịch sử năm 1904 quét qua đã tàn phá chùa với nhiều công trình hư hỏng mãi đến năm 1907 mới được xây dựng lại nhưng không được như trước. Qua nhiều đợt kiến trúc, trùng tu, ngày nay chùa vẫn giữ được nhiều những công trình quy mô, đồ sộ và nhiều những cổ vật quý giá như tượng phật, những bức hoành phi câu đối. Tháp Phước Duyên trở thành biểu tượng của chùa Thiên Mụ, tháp cao 21m gồm 7 tầng, mỗi tầng đều có tượng Phật. Lầu Tàng Kinh là nơi chứa 1000 bộ kinh Phật mà chúa Quốc đã cho người sang Trung Quốc để mua. Khuôn viên chùa khá rộng, quang đãng và thoáng mát với những vườn hoa cỏ, hòn non bộ, hàng loạt những bia đá ghi lịch sử xây dựng chùa và các bài thơ văn của nhà vua, đặc biệt là bài thơ “Thiên Mụ chung thanh” do vua Thiệu Trị sáng tác được đặt ở cổng chùa. Không có gì bàn cãi khi chùa Thiên Mụ được coi là ngôi chùa đẹp nhất xứ Huế nói riêng và đàng trong nói chung, nơi đây không chỉ mang ý nghĩa tâm linh thờ Phật mà đã từng trở thành nơi lập đàn Tế Đất dưới triều Tây Sơn. Tại chùa Thiên Mụ còn lưu giữ di vật chiếc ô tô của cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức để lại sau khi châm lửa tự thiêu trên đường phản đối chính sách đàn áp Phật giáo.
Là ngôi chùa thu hút nhiều khách du lịch nhất ở Huế, chùa Thiên Mụ mang trong mình những dấu ấn lịch sử, vẻ đẹp thanh tịnh, trầm mặc. Đến với xứ Huế ta cảm nhận được nét mộng mơ, trữ tình, và đến thăm chùa Thiên Mụ ta sẽ được lắng đọng tâm hồn, tìm lại bình yên giữa cuộc sống xô bồ nhộn nhịp.
>> Tham khảo dàn ý chi tiết TẠI ĐÂY.
———————————-HẾT———————————————
Như vậy, mỗi một địa phương, vùng miền đều có những ngôi chùa gắn liền với văn hóa và đời sống tâm linh của con người. Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em 5 ngôi chùa nổi tiếng của Việt Nam. Các em có thể thuyết minh về ngôi chùa quê hương mình hoặc tham khảo và lựa chọn một trong những ngôi chùa trên để lên ý tưởng và hoàn thiện bài viết cho mình.
Văn thuyết minh là nội dung quan trọng trong chương trình tập làm văn của học sinh lớp 8, lớp 9, lớp 10. Mặt khác đề tài và nội dung văn thuyết minh cũng rất đa dạng, để học tốt bên cạnh bài Thuyết minh về một ngôi chùa quê em, các em có thể tham khảo thêm: Thuyết minh về một trò chơi dân gian, Thuyết minh về một lễ hội truyền thống dân tộc, Thuyết minh về một món ăn, Thuyết minh về một món ăn đặc sản tại Thuthuat.Taimienphi.vn. Chúc các em học tốt và đạt điểm cao trong bài văn thuyết minh của mình.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp