Thuyết minh về một nhạc cụ dân tộc: Đàn bầu

0
74
Rate this post

Đề bài: Thuyết minh về một nhạc cụ dân tộc: Đàn bầu

thuyet minh ve mot nhac cu dan toc dan bau

Bài văn Thuyết minh về một nhạc cụ dân tộc: Đàn bầu
 

Bạn đang xem: Thuyết minh về một nhạc cụ dân tộc: Đàn bầu

I. Dàn ý Bài văn Thuyết minh về một nhạc cụ dân tộc: Đàn bầu

1. Mở bài

– Giới thiệu nhạc cụ đàn bầu.

2. Thân bài

a. Nguồn gốc, lịch sử:
– Được coi là “linh hồn dân tộc Việt”, cho đến nay vẫn luôn đứng đầu trong các loại nhạc cụ truyền thống ở Việt Nam.
– Đã xuất hiện trong lịch sử dân tộc từ hàng ngàn năm trước.
+ Sự tích: Nổi tiếng với câu chuyện về nàng dâu hiếu thảo, trọn nghĩa đã móc mắt hiến tế hung thần để cứu mẹ chồng trên đường về quê lánh nạn, cuối cùng được bà tiên tặng cho cây đàn bầu.
+ Chính sử: Đại Việt sử ký toàn thư viết: “cây Đàn Bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sau đó được người Kinh Việt Nam mang sang Quảng Tây Trung Quốc….”.
=> Đàn bầu vốn là nhạc cụ truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa, có gắn bó chặt chẽ với đời sống lao động của nhân dân và văn hóa làng xã. Là thành quả sáng tạo độc đáo của dân tộc ta trong quá trình phát triển các loại hình nghệ thuật, giải trí không ngừng nghỉ qua nhiều thế hệ.

b. Cấu tạo:
– Kết cấu khá đơn giản, chỉ bao gồm một hộp đàn (hộp cộng hưởng) bằng tre hoặc gỗ, một vòi đàn để tạo ra cao độ và một dây duy nhất, không hề có phím, xếp vào họ dây và thuộc chi dây gảy.
– Mặt đàn hay hộp đàn thường được làm bằng gỗ ngô đồng, với tổng chiều dài dao động từ khoảng 110-115cm, chiều cao khoảng 10,5 cm, với một đầu hộp to hơn đường kính 12,5cm chứa bát âm, đầu còn lại thuôn nhỏ hơn tầm 9,5cm.
– Cần đàn hay còn gọi là vòi đàn, bộ phận chính yếu để tạo ra cao độ, được làm bằng sừng tre dẻo, nay thay bằng sừng trâu với độ dài từ 50 – 70 cm, gắn ở đầu nhỏ của hộp đàn, xuyên qua bầu đàn.
– Dây đàn, ngày xưa thường sử dụng dây mây, dây móc se lại, ngày nay người ta đổi sang dùng dây tơ và gần đây nhất là dùng dây kim loại.
– Bầu đàn, được làm bằng phần núm của quả bầu hồ lô (bầu nậm) hoặc được tiện ra từ gỗ.
– Phần dây đàn sẽ trở thành cầu nối khi được cột cố định vào đầu to chứa bát âm của hộp đàn, kéo dài dọc mặt đàn rồi cột vào phần cần đàn ở đầu nhỏ, chỗ giao của bầu đàn và vòi đàn.
– Dụng cụ gảy được làm từ tre, giang, thân dừa, gỗ mềm, vót thành que có độ dài từ 4 – 4,5 cm.

c. Đặc điểm âm thanh:
– Có quãng âm rộng 3 quãng tám, nhưng hay nhất là ở khoảng 2 quãng tám, với kiểu âm thanh tròn, mượt, trong trẻo, sâu lắng và quyến rũ.
– Mà để phô diễn được hết cái hay của đàn bầu người nghệ sĩ phải thành thục các kỹ thuật gảy bồi âm, kỹ thuật nhấn, luyến, vỗ, vuốt, láy, rung, giật,…

d. Đàn bầu trong văn hóa, nghệ thuật:
– Là một trong những nhạc cụ dùng để đệm hát Xẩm, đồng thời cũng được sử dụng thường xuyên trong các bài độc tấu, phối hợp cùng với các nhạc cụ dân tộc khác trong các sân khấu Tuồng, Chèo, Múa rối nước, ca nhạc thính phòng Huế, Đờn ca Tài tử, Cải Lương và trong các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
– Ngày nay thậm chí đàn bầu còn vượt qua khuôn khổ truyền thống tiến vào nền âm nhạc hiện đại trong các nhạc phẩm mang âm hưởng quê hương, dân ca, hoặc trở thành điểm nhấn đặc biệt trong các tác phẩm nhạc trẻ thịnh hành.
– Trở thành nguồn cảm hứng trong các tác phẩm thi ca, âm nhạc.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Bài văn Thuyết minh về một nhạc cụ dân tộc: Đàn bầu

“Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu
Nghe dịu nỗi đau của mẹ
Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ
Các anh không về, mình mẹ lặng im…”

Cùng với “giọng ca dao”, “tiếng mẹ ru con”, “tiếng sáo”, “lũy tre làng”, “bãi dâu”, “bến nước”… tiếng đàn bầu đã trở thành một hình tượng có ý nghĩa biểu trưng cho dáng hình của đất nước. Tiếng nhạc thánh thót, trầm bổng du dương lại mác buồn, đưa ta về những ngày ấu thơ, đưa ta về không gian truyền thống văn hóa của dân tộc với một thứ âm hưởng rất “quê hương”, tuy đơn sơ, giản dị nhưng chứa chan nhiều tình cảm ngọt ngào tựa như lòng người mẹ bao dung. Chắc chắn rằng khi nhắc đến những nhạc cụ dân tộc độc đáo và hay ho người ta sẽ chẳng bao giờ quên mà không cho đàn bầu một vị trí ưu tiên hơn cả.

Nhắc đến đàn bầu, tức là nhắc đến một thứ nhạc cụ độc đáo, với thứ âm thanh “tích tịch tình tang” gần gũi và thân thuộc với làng quê Việt Nam, cũng là loại nhạc cụ thuần Việt nhất không hề vay mượn, bắt chước hay triển khai từ bất kỳ một loại nhạc cụ nào trên thế giới. Bản thân đàn bầu mang một dáng hình duy nhất, một lối âm thanh khác lạ cùng với lối diễn tấu độc nhất vô nhị, được coi là “linh hồn dân tộc Việt”, cho đến nay vẫn luôn đứng đầu trong các loại nhạc cụ truyền thống ở Việt Nam. Về nguồn gốc, đàn bầu đã xuất hiện trong lịch sử dân tộc từ hàng ngàn năm trước. Nổi tiếng với câu chuyện về nàng dâu hiếu thảo, trọn nghĩa đã móc mắt hiến tế hung thần để cứu mẹ chồng trên đường về quê lánh nạn, cuối cùng được bà tiên tặng cho cây đàn bầu. Và cây đàn ấy đã giúp hai mẹ con vượt qua những ngày tháng khó khăn, cuối cùng được sum họp với người chồng tên Trương Viên trở về từ chiến trận. Nói về lịch sử xuất thân của loại nhạc cụ này, trong cuốn Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có chép lại một đoạn khá chi tiết: “cây Đàn Bầu ra đời xuất phát điểm ở vùng đồng bằng Bắc Bộ sau đó được người Kinh Việt Nam mang sang Quảng Tây Trung Quốc. Đàn Bầu được lấy cảm hứng từ trò chơi dân gian “trống đất” của trẻ nhỏ là đào hố và căng dây qua lỗ đất, khi đập nghe tiếng bung bung mà các cụ ngày xưa đã có sự quan sát tinh tế và cảm thụ thanh âm nhanh nhạy nên những tiếng kêu “bung bung” từ dây căng kéo trên lỗ đất ấy đã kết tạo ý tưởng hình thành cây đàn làm từ ống tre và quả bầu khô với một dây duy nhất”. Từ cả sự tích dân gian, cho đến những ghi chép trong chính sử ta đều nhận thấy một điểm chung nhất rằng đàn bầu vốn là nhạc cụ truyền thống của dân tộc từ ngàn xưa, có gắn bó chặt chẽ với đời sống lao động của nhân dân và văn hóa làng xã. Là thành quả sáng tạo độc đáo của dân tộc ta trong quá trình phát triển các loại hình nghệ thuật, giải trí không ngừng nghỉ qua nhiều thế hệ.

Về cấu tạo, đàn bầu là một trong những nhạc cụ có kết cấu khá đơn giản, chỉ bao gồm một hộp đàn (hộp cộng hưởng) bằng tre hoặc gỗ, một vòi đàn để tạo ra cao độ và một dây duy nhất, không hề có phím. Chính vì thế đàn bầu được xếp vào họ dây và thuộc chi dây gảy, cho người nghệ nhân dùng phím để gảy và dây đàn tạo âm thanh. Về kết cấu và vật liệu chế tác hộp hay mặt đàn người ta chia làm hai loại là hộp gỗ hoặc hộp tre, tuy nhiên ngày nay với điều kiện kinh tế khá giả, cũng như những yêu cầu thiết yếu của âm thanh, việc sử dụng chất liệu tre đã không còn phổ biến mà đàn bầu chủ yếu được chế tạo bằng gỗ. Ngày nay, mặt đàn hay hộp đàn thường được làm bằng gỗ ngô đồng, với tổng chiều dài dao động từ khoảng 110-115cm, chiều cao khoảng 10,5 cm, với một đầu hộp to hơn đường kính 12,5cm chứa bát âm, đầu còn lại thuôn nhỏ hơn tầm 9,5cm. Trên hộp đàn người ta có thể chạm, khảm một số hoa văn để tăng thêm tính thẩm mỹ cũng như giá trị của cây đàn. Bộ phận thứ hai không kém phần quan trọng ấy là cần đàn hay còn gọi là vòi đàn, bộ phận chính yếu để tạo ra cao độ, được làm bằng sừng tre dẻo, nay thay bằng sừng trâu với độ dài từ 50 – 70 cm, gắn ở đầu nhỏ của hộp đàn, xuyên qua bầu đàn. Về dây đàn, ngày xưa thường sử dụng dây mây, dây móc se lại, ngày nay người ta đổi sang dùng dây tơ và gần đây nhất là dùng dây kim loại, để tăng độ bền, cũng như cải thiện chất lượng âm thanh. Về phần bầu đàn, nguồn gốc của cái tên “đàn bầu” trong thực tế lại không có tác dụng gì trong việc tạo ra âm thanh, mà mục đích chính chỉ là làm cho cây đàn bớt phần trống trải và che đi chỗ nối giữa dây đàn với cần đàn để thêm tính thẩm mỹ. Phần này thường được làm bằng phần núm của quả bầu hồ lô (bầu nậm” hoặc được tiện ra từ gỗ. Về mối liên quan giữa các bộ phận, thì phần dây đàn sẽ trở thành cầu nối khi được cột cố định vào đầu to chứa bát âm của hộp đàn, kéo dài dọc mặt đàn rồi cột vào phần cần đàn ở đầu nhỏ, chỗ giao của bầu đàn và vòi đàn. Ngoài ra muốn chơi được đàn bầu người nghệ nhân cần có dụng cụ gảy được làm từ tre, giang, thân dừa, gỗ mềm, vót thành que có độ dài từ 4 – 4,5 cm.

Về sắc thái âm thanh, đàn bầu có quãng âm rộng 3 quãng tám, nhưng hay nhất là ở khoảng 2 quãng tám, với kiểu âm thanh tròn, mượt, trong trẻo, sâu lắng và quyến rũ, dễ dàng đưa con người ta trở về với những miền quê thong thả, đượm tình. Mà để phô diễn được hết cái hay của đàn bầu người nghệ sĩ phải thành thục các kỹ thuật gảy bồi âm, kỹ thuật nhấn, luyến, vỗ, vuốt, láy, rung, dật,… Đặc biệt khi chơi phải thả hồn và âm điệu, cảm nhạc một cách tinh tế, với tùy từng tác phẩm mà thể hiện được các trạng thái âm điệu khác nhau từ buồn bã, thiết tha, đến vẻ ngọt ngào, tình tứ, rồi là tính khỏe mạnh, vui tươi hay dịu êm, trầm lắng như lời ru thôn dã. Có thể nói rằng, dẫu kết cấu đơn giản, nhưng đàn bầu không phải là một nhạc cụ dễ chơi, dễ cảm, mà đòi hỏi ở người nghệ sĩ kỹ năng cũng như niềm đam mê với thứ nhạc cụ dân tộc độc đáo này.

Trong văn hóa, nghệ thuật Việt Nam, thuở ban sơ đàn bầu là một trong những nhạc cụ dùng để đệm hát Xẩm, đồng thời cũng được sử dụng thường xuyên trong các bài độc tấu. Về sau với sự phát triển mạnh mẽ về cách loại hình nghệ thuật khác, cùng với sự sáng tạo cách tân, đàn bầu còn được phối hợp cùng với các nhạc cụ dân tộc khác trong các sân khấu Tuồng, sân khấu Chèo, sân khấu Múa rối nước, Ca nhạc thính phòng Huế, Đờn ca Tài tử, sân khấu Cải Lương và trong các tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Ngày hôm nay thậm chí đàn bầu còn vượt qua khuôn khổ truyền thống tiến vào nền âm nhạc hiện đại trong các nhạc phẩm mang âm hưởng quê hương, dân ca, hoặc trở thành điểm nhấn đặc biệt trong các tác phẩm nhạc trẻ thịnh hành, gây được nhiều ấn tượng với các thế hệ khác nhau. Trong văn học đàn bầu cũng đôi lần đi vào các tác phẩm thi ca ví như câu “Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu” của nhà thơ Tạ Hữu Yên khi hình dung về dáng hình của quê hương. Đàn bầu cũng lại trở thành những nguồn cảm hứng mới cho các nhạc sĩ ví như Trần Tiến với bài Độc huyền cầm, Nguyễn Đình Phúc, Lữ Giang với Tiếng đàn bầu,… đều là những tác phẩm rất hay, thể hiện sự trân trọng, thấu hiểu của người Việt Nam ta với món nhạc cụ độc nhất vô nhị của dân tộc.

Có thể nói rằng đàn bầu là một sự sáng tạo độc đáo, là kết tinh thiêng liêng của truyền thống văn hóa dân tộc Việt, mà trải qua nghìn năm văn hiến, nó lại càng trở nên sâu sắc và sáng rõ hơn bao giờ hết. Nghe giọt đàn bầu ta hình dung đến một miền quê yên ả, ngọt ngào lời mẹ ru, mường tượng đến một dáng hình đất nước thon thả, hữu tình, tiếng đàn tha thiết, sâu lắng, trầm buồn nhắc nhở ta đến một đất nước chịu nhiều đau thương trong quá khứ. Và cuối cùng sự đa dạng trong âm sắc, linh hoạt trong thanh điệu của đàn bầu khiến ta liên tưởng đến sự phong phú trong ngữ điệu của tiếng Việt, trong giọng nói của dân tộc ta. Đàn bầu quả thực là một thứ nhạc cụ tinh tế, đáng được trân trọng bảo tồn và phát triển nhiều hơn nữa.

Trên đây chúng tôi đã giới thiệu đến các em một loại nhạc cụ dân tộc – Đàn bầu. Bên cạnh bài Bài văn Thuyết minh về một nhạc cụ dân tộc: Đàn bầu, các em có thể rèn luyện kĩ năng viết văn thuyết minh về một loại vật dụng qua việc luyện tập với các đề bài: Thuyết minh về cách làm diều giấy, Thuyết minh về vật dụng gia đình, Thuyết minh về chiếc xe đạp, Thuyết minh Đèn ông sao.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/thuyet-minh-ve-mot-nhac-cu-dan-toc-dan-bau/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp