Thuyết minh về Tết trung thu đạt điểm cao

0
126
Rate this post

Đề bài: Thuyết minh về Tết trung thu

thuyet minh ve tet trung thu

Bài văn mẫu thuyết minh về Tết trung thu

Bạn đang xem: Thuyết minh về Tết trung thu đạt điểm cao

I. Dàn ý Thuyết minh về Tết trung thu (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về Tết trung thu

2. Thân bài

a. Nguồn gốc:
– Nguồn gốc: Giả thuyết cho rằng Tết trung thu bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước cách đây khoảng 13.000 năm với ý nghĩa là lễ hội mừng thu hoạch được mùa.
– Ở Trung Quốc, Tết Trung thu gắn liền truyền thuyết vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng chơi sau đó trở về ra lệnh lấy ngày rằm tháng 8 mở lễ hội vui chơi, rước đèn thưởng trăng.
– Ở Việt Nam, Trung thu có lịch sử từ thời cổ đại đã được khắc trên trống đồng Ngọc Lũ, đa số các sự tích Trung thu Việt Nam gắn với chú Cuội và chị Hằng.

b. Các nghi thức, hoạt động diễn ra trong Tết Trung thu
– Bánh Trung Thu: bánh nướng, bánh dẻo truyền thống
– Rước đèn lồng, đèn ông sao: trẻ em rước đèn lồng quanh xóm
– Tổ chức văn nghệ múa hát, múa lân, hát trống quân: chương trình giao lưu văn nghệ, tổ chức múa hát cho mọi người dân cùng xem
– Phá cỗ trông trăng: bày mâm cỗ gồm hoa quả bánh kẹo thắp hương dưới trăng rồi phá cỗ ngồi quây quần bên nhau ăn bánh, uống trà, ngắm trăng

c. Ý nghĩa của ngày Tết Trung thu
– Cầu mong cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu
– Là dịp đoàn viên, sum vầy gắn kết tình cảm gia đình
– Tết để trẻ em vui chơi, gìn giữ văn hóa dân tộc.

3. Kết bài

Ý nghĩa của Tết Trung thu trong đời sống hiện đại, cảm nghĩ của em về ngày Tết Trung thu.

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về Tết trung thu (Chuẩn)

Tết Trung thu là một lễ hội quan trọng trong văn hóa của người Việt Nam nói riêng và các nước Châu Á nói chung. Chỉ đứng sau dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu mang những ý nghĩa đặc biệt, giá trị tinh thần to lớn. Trung thu ngày nay không còn giữ được nhiều nét cổ truyền từ xa xưa nhưng vẫn có sức hấp dẫn đối với mọi thế hệ, dù là ai cũng háo hức chờ đón đến Trung thu, mong muốn được trở về nhà để đón Trung thu.

Hiện nay vẫn chưa xác định được chính xác thời gian xuất hiện của Tết Trung thu. Có giả thuyết cho rằng, tết Trung thu bắt nguồn từ nền văn minh lúa nước cách đây 13.000 năm với ý nghĩa là lễ hội mừng thu hoạch được mùa. Tết Trung thu xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc gắn liền truyền thuyết vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng chơi sau đó trở về ra lệnh lấy ngày rằm tháng 8 mở lễ hội vui chơi, rước đèn thưởng trăng. Còn ở Việt Nam, nhiều bằng chứng cho thấy ngày Tết Trung thu đã có từ thời trống đồng Ngọc Lũ, hình ảnh ăn mừng nhảy múa ngày trăng tròn mùa thu được in trên mặt trống, đa số các sự tích Trung thu Việt Nam gắn với chú Cuội và chị Hằng.

Trung thu ở Việt Nam từ xưa đến nay vẫn không khác là mấy, cứ đến tháng 8 âm lịch hàng năm là mọi gia đình, mọi nơi đều háo hức chuẩn bị cho ngày rằm tháng 8, đón cái Tết Trung thu thật ấm cúng. Bánh Trung thu là một thức quà không thể thiếu trong dịp Tết Trung thu, các loại bánh Trung thu thường là bánh nướng và bánh dẻo, đều được làm từ bột gạo với nhân bánh làm từ thịt mỡ, các hạt như đỗ xanh, hạt sen, hạt bí,… Các loại bánh này được dập khuôn với nhiều hình ảnh đẹp mắt, bánh nướng có màu nâu vàng, bánh dẻo có màu trắng đục, bánh nào cũng có vị ngọt đậm và thơm nức.

Bánh Trung thu còn được coi là thức quà quý để mọi người biếu tặng nhau trong dịp này với ý nghĩa chúc bình an, gia đình hòa thuận, sum vầy. Hoạt động được yêu thích nhất trong dịp Tết Trung thu là nghi thức rước đèn, đèn lồng truyền thống được làm từ các khung tre, nứa, dùng giấy kính bóng dán lên rồi thắp nến bên trong. Còn ngày nay đèn lồng chủ yếu là đèn điện, với nhiều hình thù khác nhau như đèn cá chép, đèn ông sao, đèn hình các con vật… những ngày cận, trong và sau Tết Trung thu khắp ngõ xóm đều sáng ánh đèn trung thu.

Nếu Trung thu ở Trung Quốc thường múa rồng thì ở Việt Nam chúng ta thường múa lân, kết hợp với các tiết mục văn nghệ múa hát, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước. Mọi người sẽ cùng kéo nhau tập trung đến các nhà văn hóa thôn, xóm, quận để cùng vui ngày Tết. Mâm cỗ trông trăng là điểm nhấn của ngày Tết Trung thu, không quá cầu kì chỉ có những loại hoa quả dân dã như bưởi, chuối, thị, na…, bánh dẻo bánh nướng, một số bánh kẹo khác. Sau khi đi rước đèn về hoặc khi đã xem hết chương trình vui Tết Trung thu, mọi người sẽ trở về nhà, cùng ngồi quây quần bên nhau phá cỗ, ăn bánh uống trà và ngồi ngắm trăng. Tết Trung thu từ thời cổ đại mang ý nghĩa ăn mừng được mùa và cầu cho vụ mùa sau bội thu. Ngày nay vẫn với ý nghĩa đó, người dân mừng Tết Trung thu với mong muốn bình an, mưa thuận gió hòa, ấm no, hạnh phúc. Tết Trung thu còn được gọi là Tết Đoàn viên vì đây là dịp đoàn viên, sum vầy gắn kết tình cảm gia đình Có lẽ vì Trung thu có nhiều chi tiết dành cho trẻ em nên dần dà Tết Trung thu giống như ngày Tết của thiếu nhi với nhiều hoạt động vui chơi, được ăn bánh rước đèn lại được phát quà. Dịp Trung thu cũng là để giáo dục cho thế hệ trẻ gìn giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

Tết Trung thu luôn có ý nghĩa đặc biệt với những người con xa xứ, dù sống ở nơi đầy đủ, dù sang giàu thì vẫn đều mong muốn được sống trong không khí Tết Trung thu truyền thống, bình dị và ấm áp ở quê nhà. Dù nhịp sống hiện đại ngày nay khiến chúng ta phải bận rộn và quay cuồng với công việc, học tập thì hãy cố gắng dành thời gian trở về nhà với ông bà cha mẹ vào ngày Tết Trung thu nhé!

——————HẾT——————-

Trên đây là bài hướng dẫn các bạn làm tốt một bài văn mẫu thuyết minh lớp 8. Để củng cố kỹ năng viết văn thuyết minh và mở rộng kiến thức về các lễ hội truyền thống của dân tộc các bạn có thể tham khảo các bài sau: Thuyết minh về một lễ hội truyền thống dân tộc, Thuyết minh về phong tục cổ truyền ngày Tết, Thuyết minh về lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Thuyết minh một lễ hội ngày xuân – Lễ hội đền Trần.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/thuyet-minh-ve-tet-trung-thu-dat-diem-cao/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp