Thuyết minh về tranh Đông Hồ

0
61
Rate this post

Đề bài: Thuyết minh về tranh Đông Hồ

thuyet minh ve tranh dong ho

Bài văn thuyết minh về tranh Đông Hồ
 

Bạn đang xem: Thuyết minh về tranh Đông Hồ

I. Dàn ý Thuyết minh về tranh Đông Hồ (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tranh Đông Hồ

2. Thân bài

a. Nguồn gốc, lịch sử của tranh Đông Hồ
– Có từ thế kỷ 17, nguồn gốc từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh
– Năm 1945, 17 dòng họ trong làng Đông Hồ đều làm tranh, đến nay chỉ còn 2 gia đình làm tranh, lưu giữ hơn 1000 bản khắc gỗ và 500 bản mẫu cổ được phục chế
– Thời nay, tranh Đông Hồ không chỉ được biết đến trong nước mà cả ngoài nước, du khách nước ngoài rất thích thú với tranh Đông Hồ.

b. Dụng cụ vẽ và cách làm tranh Đông Hồ

– Dụng cụ vẽ:
+ Giấy in tranh là giấy điệp
+ Hồ dán: được làm từ bột gạo tẻ, gạo nếp, bột sắn
+ Chổi lá thông: dùng để quét hồ
+ Màu: màu ủ từ nguyên liệu tự nhiên như than gỗ, rơm nếp, lá tre, gỉ đồng, lá chàm, hoa giành giành, hoa hòe, gỗ vang, sỏi son, vỏ điệp
+ Ván khắc in tranh: gồm ván in nét và ván in màu được làm từ gỗ thị, gỗ thừng mực, gỗ mỡ

– Cách làm tranh:
+ Bước 1: Khắc gỗ để tạo thành bản in, một tranh có thể có nhiều bản khắc, mỗi bản khắc là một màu tương ứng với những chi tiết khác nhau
+ Bước 2: nghiền nguyên liệu để làm màu, quét màu lên các bản khắc gỗ
+ Bước 3: In từng bản khắc gỗ lên giấy in tranh
+ Bước 4: Vẽ tay hoàn thiện bức tranh
+ Bước 5: Phơi tranh

c. Các loại tranh Đông Hồ:
Các loại tranh Đông Hồ: tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh truyện, tranh cảnh vật, tranh phương ngôn, tranh phản ánh sinh hoạt

d. Ý nghĩa tranh Đông Hồ
– Di sản văn hóa phi vật thể
– Truyền tải những triết lý, thông điệp cuộc sống, câu chuyện ngụ ngôn
– Là vật dùng để trang trí hoặc làm quà tặng mang nhiều ý nghĩa: hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng, chăm chỉ, cần cù

3. Kết bài

Khẳng định giá trị và ý nghĩa của dòng tranh Đông Hồ, nêu cảm nghĩ của em về tranh Đông Hồ.

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về tranh Đông Hồ (Chuẩn)

Từ xa xưa trước mỗi cánh cửa nhà, trên những bức tường cũ kĩ vẫn luôn có bóng dáng của tranh Đông Hồ. Chẳng biết từ bao giờ mà nhân dân ta lại có thói quen mua tranh Đông Hồ về trang hoàng nhà cửa. Nhất là vào dịp Tết, nhà nào cũng phải có đôi bức treo trong nhà với mong muốn sung túc, ấm no. Cho đến nay, tranh Đông Hồ tuy không còn phát triển mạnh nhưng tầm ảnh hưởng của nó đã vươn mình ra khỏi những ngôi làng truyền thống. Tranh Đông Hồ mang đến cảm hứng cho nhiều lĩnh vực hội họa, điêu khắc, gốm sứ… để rồi trở thành một dòng tranh trường tồn mãi mãi với thời gian.

Tên gọi tranh Đông Hồ có từ thế kỷ 17, nguồn gốc xuất phát từ làng Đông Hồ, xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh – một làng làm tranh khắc gỗ nổi tiếng thời bấy giờ. Thời kì thịnh vượng nhất của tranh Đông Hồ là năm 1945, khi có đến 17 dòng họ trong làng Đông Hồ đều làm tranh. Ấy vậy mà đến nay chỉ còn 2 gia đình làm tranh, tuy vậy vẫn lưu giữ được hơn 1000 bản khắc gỗ và 500 bản khắc gỗ mẫu cổ đã được phục chế. Thời nay, tranh Đông Hồ đã trở nên phổ biến hơn, không chỉ được biết đến trong nước mà cả ngoài nước, du khách nước ngoài rất thích thú với tranh Đông Hồ. Tranh Đông Hồ thường có giá thành cao hơn các dòng tranh khác bởi quá trình làm thủ công, tỉ mỉ và chỉ những người biết thưởng thức, trân trọng giá trị mới cảm nhận được hết cái đẹp và ý nghĩa của tranh Đông Hồ. Thật vậy, làm tranh Đông Hồ rất phức tạp với nhiều công đoạn, yêu cầu người làm tranh phải thật khéo tay, tỉ mỉ, kiên nhẫn và có cảm hứng nghệ thuật. Trước tiên là sự phức tạp trong các dụng cụ làm tranh. Không đơn giản như tranh vẽ sơn màu chỉ cần giấy bút và màu, tranh Đông Hồ gồm nhiều dụng cụ, nhiều nguyên liệu. Không chỉ thế khâu chuẩn bị nguyên liệu còn phức tạp và cầu kì hơn. Như giấy in tranh phải là giấy từ vỏ cây gió rồi quét lên một lớp bột trắng nghiền ra từ vỏ sò điệp; hồ dán phải làm từ bột gạo tẻ (gạo nếp, bột sắn) trộn với nước thành dạng sệt bết dính để trộn với bột màu hoặc để phết lên khuôn khắc gỗ; chổi lá thông dùng để quét hồ; màu của tranh phải lấy từ các nguyên liệu tự nhiên như đốt gỗ xoan, rơm nếp, lá tre thành than để làm ra màu đen, lấy gỉ đồng, ủ lá chàm để (làm ra màu xanh), hoa giành giành, hoa hòe (làm ra màu vàng), gỗ vang, sỏi son (làm ra màu đỏ), vỏ sò điệp (làm ra màu trắng); ván khắc in tranh (gồm ván in nét và ván in màu) được làm từ gỗ thị, gỗ thừng mực, gỗ mỡ những loại gỗ tốt giữ sắc màu tươi lâu.

Người làm tranh Đông Hồ được gọi là những nghệ nhân bởi quy trình làm tranh cầu kỳ, cẩn thận, tinh tế. Đầu tiên là khắc gỗ để tạo thành bản in, một tranh có thể có nhiều bản khắc, mỗi bản khắc là một màu tương ứng với những chi tiết khác nhau. Tiếp theo là chuẩn bị các nguyên liệu để làm màu, trộn màu với hồ dán rồi quét màu lên các bản khắc gỗ, sau đó lấy từng bản khắc gỗ in lên giấy in tranh. Những nét trên bản khắc gỗ thường là nét cơ bản, vì thế để hoàn thiện bức tranh người nghệ nhân còn phải dùng bút để vẽ nốt các nét còn lại. Tranh hoàn thiện sẽ được đem phơi cho khô hết hồ dán và để bật màu tươi tắn nhất. Các loại tranh Đông Hồ phổ biến được bày bán nhiều hiện nay gồm các dòng tranh: tranh thờ, tranh lịch sử, tranh chúc tụng, tranh truyện, tranh cảnh vật, tranh phương ngôn, tranh phản ánh sinh hoạt. Tranh Đông Hồ mang rất nhiều ý nghĩa, mỗi dòng tranh lại có ý nghĩa khác nhau nhưng nhìn chung điều mà tranh Đông Hồ muốn truyền tải là những triết lý, thông điệp cuộc sống, câu chuyện ngụ ngôn. Ngày nay tranh Đông Hồ được dùng để trang trí hoặc làm quà tặng mang nhiều ý nghĩa: hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng, chăm chỉ, cần cù. Việt Nam đã công nhận tranh Đông Hồ là Di sản văn hóa phi vật thể, nâng tầm ý nghĩa và giá trị của dòng tranh này.

Đứng trước một bức tranh Đông Hồ, dường như ta cảm thấy những nét hồn nhiên nhất, chân thật nhất, mộc mạc và chứa chan ý vị, phảng phất linh hồn dân tộc. Trân trọng, gìn giữ và phát triển cũng như bảo tồn tranh dân gian Đông Hồ chính là âm thầm nối tiếp nền văn hóa lâu đời. Chúng ta hãy cùng chung tay, cố gắng đưa dòng tranh Đông Hồ trở thành Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đưa nét văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

——————HẾT—————–

Để có thể viết những bài văn thuyết minh hay, vừa khách quan chặt chẽ và hấp dẫn người đọc các em cần sử dụng đến các yếu tố miêu tả, những dẫn chứng xác thực đồng thời phải có kỹ năng giới thiệu, trình bày một cách khéo léo. Cùng tham khảo các bài dưới đây để củng cố nhé: Thuyết minh về vật dụng gia đình, Thuyết minh về ngày Tết cổ truyền, Thuyết minh về Tết trung thu, Thuyết minh về phong tục truyền thống của Việt Nam.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/thuyet-minh-ve-tranh-dong-ho/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp