Tiềm lực chính trị – tinh thần là gì? Nhân tố chính trị – tinh thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

0
151
Rate this post

Tiềm lực quốc phòng bao gồm: tiềm lực chính trị – tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học và công nghệ và tiềm lực quân sự. Vậy tiềm lực chính trị – tinh thần là gì? Hãy cùng THPT Thành Phố Sóc Trăng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!

Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần

Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần là thành tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, chứa đựng trong tố chất con người, trong truyền thống lịch sử – văn hoá dân tộc và trong hệ thống chính trị. Đây là khả năng tiềm tàng về chính trị tinh thần có thể huy động nhằm tạo ra sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Tiềm lực này biểu hiện ở nhận thức, ý chí, niềm tin, tâm lý, tình cảm của nhân dân và lực lượng vũ trang trước nhiệm vụ quốc phòng của đất nước.

Hào hùng đội hình xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn - Báo Gia Lai điện tử  - Tin nhanh - Chính xác

Bạn đang xem: Tiềm lực chính trị – tinh thần là gì? Nhân tố chính trị – tinh thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

Tiềm lực chính trị – tinh thần của quốc phòng Việt Nam hiện nay là kết quả của một quá trình xây dựng lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự tiếp nối truyền thống dựng nước, giữ nước của cả dân tộc trong hàng nghìn năm lịch sử.

Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần trước hết là xây dựng lòng tin của mọi tầng lớp nhân dân vào bản chất tốt đẹp của chế độ, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự là của dân, do dân, vì dân và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là yếu tố có tính quyết định trong xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần. Xây dựng tiềm lực chính trị – tinh thần đòi hỏi phải tiến hành giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng cho toàn dân, nhất là cho thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Việt Nam đã xây dựng được hệ thống giáo trình giáo dục quốc phòng cho tất cả các đối tượng. Tiềm lực chính trị – tinh thần được xây dựng trong quá trình củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, trong thực hiện nghiêm chỉnh chính sách tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các dân tộc của Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng pháp luật; nghiêm cấm lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật và chính sách của Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia. Là một quốc gia có 54 dân tộc anh em, Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc. Các dân tộc Việt Nam có quyền bình đẳng trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mở mang dân trí, giữ gìn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhà nước có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo, xoá đói giảm nghèo để từng bước giảm bớt, tiến tới xoá bỏ chênh lệch khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Tiềm lực chính trị – tinh thần cũng được xây dựng thông qua thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, triệt để đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nhân tố chính trị tinh thần – nguồn sức mạnh vô địch của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Chiến thắng để có hòa bình

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, kẻ thù có ưu thế vượt trội về tiềm lực kinh tế – quân sự, nhưng lại kém hẳn ta về sức mạnh chính trị, tinh thần và xét một cách tổng thể thì ta mạnh hơn địch. Cho nên thắng lợi cuối cùng thuộc về nhân dân ta là hợp với quy luật của chiến tranh: mạnh được yếu thua. Cũng chính vì thế, chính Mắc-Na-Ma-Ra Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sau này nhìn lại cuộc chiến tranh Việt Nam đã phải ngậm ngùi thừa nhận: Mỹ đã thất bại vì không hiểu gì về lịch sử, truyền thống và văn hóa Việt Nam, thất bại vì chưa đánh giá đúng vai trò nhân tố chính trị, tinh thần của nhân dân Việt Nam.

Nhân tố chính trị, tinh thần không phải tự nhiên mà có, nó là sản phẩm của truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, của tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hình thành từ nhận thức sâu sắc về tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhân tố đó không chung chung, trừu tượng mà được thể hiện cụ thể ở: sự giác ngộ sâu sắc mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân, khát vọng mong muốn sống trong hòa bình, độc lập, tự do, kiên quyết đấu tranh để giải phóng quê hương, đất nước, thể hiện rõ chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”; tinh thần quyết chiến quyết thắng, v.v. Đó là nội dung cốt lõi trong sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân ta. Nó là chất keo dính kết các nhân tố cùng hội tụ để chuyển hóa lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp hơn hẳn đối phương để giành chiến thắng.

Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch có sự chênh lệch lớn về nhiều mặt mà ưu thế thuộc về kẻ thù, một số bạn bè quốc tế đã nghi ngại đặt câu hỏi: Việt Nam có bao nhiêu sư đoàn, bao nhiêu máy bay, tàu chiến, xe tăng, pháo hạng nặng? Nền kinh tế Việt Nam so với kinh tế Mỹ bằng bao nhiêu phần trăm? v.v. Từ đó, khuyên ta không nên đánh Mỹ mà hãy tập trung sức để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Nhưng với ý chí tự lực “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”; từ quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp, nhận rõ tính chính nghĩa và ưu thế tuyệt đối về mặt chính trị, tinh thần thuộc về nhân dân ta, Đảng ta khẳng định ý chí, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Theo đó, Đảng ta tiến hành đường lối đúng đắn, sáng tạo, đó là thực hiện đồng thời hai chiến lược cách mạng: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đường lối đó thể hiện niềm tin tuyệt đối của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào thắng lợi, như Bác Hồ tiên đoán: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, “Nhân dân Việt Nam nhất định thắng! Giặc Mỹ nhất định thua”1.

Phân tích khoa học qua thực tiễn các trận Ấp Bắc, Vạn Tường, Đảng ta khẳng định: chúng ta có thể thắng Mỹ. Đây chính là cơ sở để xây dựng tinh thần dám đánh Mỹ cho nhân dân ta, Quân đội ta. Từ đó tạo ra phong trào cách mạng sôi nổi, rộng khắp, với lý tưởng, lẽ sống “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù”, tinh thần “cả nước ra quân, toàn dân đánh giặc”, “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và ý chí “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lại được phát huy cao độ. Từ đây, ý chí quyết đánh Mỹ được thể hiện qua phong trào: “Tìm ngụy mà đánh, tìm Mỹ mà diệt” với quyết tâm “1 thắng 20”, “còn cái lai quần cũng đánh”, v.v. Đây chính là biểu trưng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh và là nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, huy động được mọi nguồn lực, sức mạnh chính trị, tinh thần của quân và dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hào hùng đội hình xe tăng tiến vào giải phóng Sài Gòn - Báo Gia Lai điện tử  - Tin nhanh - Chính xác

Từ nhận thức đúng tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến, với niềm tin tất thắng dưới sự lãnh đạo của Đảng thì ý Đảng, lòng dân thống nhất, hòa quyện là một, thôi thúc ý chí quyết tâm: dám đánh, quyết đánh, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược. Đây chính là sức mạnh của chính trị, tinh thần vô địch mà kẻ thù không có được. Sức mạnh đó không phải là sức mạnh trừu tượng mà biến thành sức mạnh vật chất – “kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn. Nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước và bán nước”. Nguồn sức mạnh đó được cụ thể hóa trong thực tiễn với phong trào: “xe chưa qua, nhà không tiếc”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, v.v. Hàng triệu thanh niên miền Bắc xung phong Nam tiến để giải phóng Tổ quốc với tinh thần “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Sức mạnh tổng hợp của dân tộc được phát huy cao độ: ở miền Nam, phong trào đồng khởi với kết hợp 2 chân, 3 mũi, 3 vùng, đánh địch rộng khắp cả ở miền núi, nông thôn và đô thị,… lần lượt đánh bại chiến lược “chiến tranh đơn phương”, “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ-Ngụy. Ở miền Bắc, với chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút hoàn toàn quân Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, bức điện lịch sử ngày 07-4-1975, do Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh ký: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”. Bức điện không chỉ có giá trị về mặt quân sự, phản ánh tư duy chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta, mà còn có giá trị to lớn cổ vũ tinh thần của toàn quân, toàn dân trong thời khắc lịch sử: Chiến thắng 30-4-1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta thắng lợi, thống nhất đất nước.

Cùng với yếu tố nội lực, chúng ta còn nhận được sự cổ vũ động viên, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới cả về vật chất và tinh thần. Sự giúp đỡ quý báu đó đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô cùng lớn cho quân và dân ta giành thắng lợi hoàn toàn; đồng thời, được Đảng ta khái quát thành bài học: giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Có thể khẳng định: nhân tố chính trị, tinh thần là ưu thế tuyệt đối, là ngọn nguồn sức mạnh quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Đó là chiến thắng của truyền thống chống giặc ngoại xâm được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh, với tinh thần độc lập tự chủ, ý thức tự lực, tự cường Việt Nam. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã tạc vào Lịch sử Việt Nam một mốc son chói lọi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đưa dân tộc ta sang một kỷ nguyên mới: độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên cả nước. Đồng thời, góp phần chứng minh luận điểm của V.I. Lê-nin: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy”2.

Trong tương lai, nếu chúng ta buộc phải tiến hành cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thì đó sẽ là cuộc chiến tranh nhân dân chống kẻ thù xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao. Và, trong cuộc chiến đó, có thể kẻ thù vẫn có ưu thế về vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự,… nhưng ưu thế tuyệt đối về chính trị, tinh thần cũng như sức mạnh tổng hợp vẫn thuộc về quân và dân ta. Đó cũng là cơ sở vững chắc cho nền tảng chiến thắng. Điều quan trọng ở chỗ, chúng ta cần tiếp tục vận dụng, phát huy những bài học kinh nghiệm về xây dựng sức mạnh chính trị, tinh thần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phù hợp với điều kiện mới.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa có những thuận lợi mới, song cũng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường. Việc xuất hiện một số loại hình chiến tranh kiểu mới, như: chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng, sử dụng sức mạnh mềm thông qua các hoạt động kinh tế, ngoại giao, văn hóa kết hợp với “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ,… là sức mạnh nguy hiểm. Trong nước, sự nghiệp đổi mới đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; tuy nhiên, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Tác động mặt trái của kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập ngày càng sâu rộng và gay gắt hơn. Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp, v.v. Điều đó tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Quân giải phóng trong vòng tay người Sài Gòn

Tình hình trên đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên coi trọng xây dựng, phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần, tạo nên sức mạnh tổng hợp để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Theo đó, cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó thực hiện tốt một số trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt và thực hiện mục tiêu, quan điểm, phương hướng, phương châm chỉ đạo của Đảng về bảo vệ Tổ quốc mà Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) đã đề ra, nhận thức rõ đối tượng, đối tác. Phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của ông cha ta: “Dựng nước đi đôi với giữ nước”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”; có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nhất quán thực hiện cho được: “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị – xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất”.

Thứ hai, cần có chiến lược về xây dựng, động viên và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần trong tình hình mới. Chiến lược đó phải kết hợp chặt chẽ và nằm trong tổng thể chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, là một bộ phận hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia, gắn bó chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược xây dựng đất nước. Điểm cơ bản, cốt lõi nhất là phải ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc.

Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trước hết, phải tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt. Bởi, theo V.I. Lê-nin: “Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính uỷ làm được chu đáo nhất thì ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn. Ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn”3. Theo đó, cần tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội; nâng cao hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên vững mạnh; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Quân đội với nhân dân. Đồng thời, chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, nhất là âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng trong Quân đội.

Video về tiềm lực chính trị – tinh thần

Kết luận

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân vẫn là quan điểm cơ bản, xuyên suốt của Đảng ta trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc; trong đó, sức mạnh cơ bản và vũ khí sắc bén vẫn là sức mạnh chính trị, tinh thần. Do đó, việc chăm lo xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần cho nhân dân ta, Quân đội ta vẫn là nội dung quan trọng có ý nghĩa quyết định để giành chiến thắng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

 

 

 

 

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tiem-luc-chinh-tri-tinh-than-la-gi-nhan-to-chinh-tri-tinh-than-trong-cuoc-khang-chien-chong-my/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp