Tìm hiểu Ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 22-12 là bài viết tổng hợp giúp các bạn hiểu rõ được ý nghĩa và lịch sử ngày Quân đội nhân dân Việt Nam. Mời các bạn cùng tìm hiểu ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12.
Tìm hiểu Ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân
- 1. Ý nghĩa ngày Quân đội nhân dân Việt Nam
- 2. Lịch sử ngày Quân đội nhân dân Việt Nam
1. Ý nghĩa ngày Quân đội nhân dân Việt Nam
Ngày 22/12 hay còn được gọi là ngày Quân đội nhân dân Việt Nam. Tên gọi này là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ”.
Theo đó, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân nghĩa là chính trị quan trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền…, đồng thời nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc…”
Bạn đang xem: Tìm hiểu Ngày thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân 22-12
Sau này ngày 22/12 còn được lấy làm ngày Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đó đến nay, ngày 22/12 triển khai nhiều chương trình có ý nghĩa nhằm tuyên truyền về truyền thống đánh giặc, giữ nước và phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ.
Hàng năm, nhân dân ta vẫn tổ chức những buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, dành những tình cảm thiêng liêng, đặc biệt hướng tới những anh Bộ đội Cụ Hồ đã hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Trong những buổi lễ đó không thể thiếu được những bài phát biểu ngày 22/12.
2. Lịch sử ngày Quân đội nhân dân Việt Nam
Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là tên của đội quân chủ lực của Mặt trận Việt Minh từ tháng 12 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945. Đây là tổ chức quân sự được xem là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày thành lập Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, 22/ 12, sau này đã được chọn làm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và là ngày Quốc phòng toàn dân.
Giữa năm 1944, chính quyền Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh ở vùng Cao Bắc Lạng, tận dụng lợi thế do Pháp Nhật chú ý gìm nhau ở Đông Dương, chủ yếu ở các vùng đô thị quan trọng, nên chưa thể thực hiện trấn áp ở vùng núi biên giới. Tuy vậy, dù đã có những đội du kích vũ trang, nhưng hoạt động tuyên truyền chính trị của cán bộ Việt Minh vẫn chưa hoàn toàn kết hợp được với hoạt động vũ trang, khi đó vẫn mang nặng tính địa phương, thiếu thống nhất, nên chưa phát huy tác dụng gây dựng cơ sở lan rộng, nhất là với những vùng vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát, dù là lỏng lẻo, của người Pháp.
Trong bối cảnh đó, lãnh tụ Việt Minh Hồ Chí Minh nhận định nếu chỉ có tuyên truyền chính trị sẽ khó thành công, vì vậy tháng 12-1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – một lực lượng vũ trang chủ lực, nòng cốt lấy từ các cán bộ chính trị, đội viên du kích năng nổ. Bác cũng chỉ định Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm công việc thành lập lực lượng vũ trang tập trung. Sau khi được Võ Nguyên Giáp và Lê Quảng Ba thông báo kế hoạch thành lập tổ chức vũ trang lấy tên “Đội Việt Nam Giải phóng quân” ông đã thêm hai từ “Tuyên truyền” để thành tên gọi hoàn chỉnh “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân“.
Bản chỉ thị lịch sử này là một văn kiện có tính chất cương lĩnh quân sự của Đảng, đề cập một cách toàn diện đường lối. Phương châm, tổ chức và hoạt động của lực lượng vũ trang cách mạng. Trong điều kiện lịch sử đương thời, bản chỉ thị nhấn mạnh: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền...”, đồng thời “Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.
Sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22-12-1944 tại khu rừng thuộc huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập gồm 3 tiểu đội, với 34 chiến sĩ được chọn lọc từ những chiến sĩ du kích Cao – Bắc – Lạng do Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sau khi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đánh thắng hai trận đầu tiên ở Phai Khắt và Nà Ngần (Cao Bằng). Sau 2 trận này, quân số tăng lên thành đại đội, Hoàng Sâm làm đại đội trưởng, còn Xích Thắng làm chính trị viên.
Đội đã tạo ra một khu vực có cơ sở cách mạng rộng lớn ở Hòa An, Nguyên Bình (Cao Bằng), Ngân Sơn, Chợ Rã (Bắc Kạn)…
Sau khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9 tháng 3 năm 1945, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân chia thành nhiều mũi, có mũi thọc xuống phía nam đánh chiếm Ngân Sơn, Chợ Rã, Phủ Thông, Chợ Đồn, Na Rì (Bắc Kạn), Chiêm Hóa (Tuyên Quang), có mũi tiến công Thất Khê, Bình Gia (Lạng Sơn), lại có mũi ngược lên biên giới Việt – Trung hạ một loạt đồn trại từ Trùng Khánh đến Bảo Lạc rồi phát triển sang phía Hà Giang. Cuối tháng 3, đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã gặp Cứu quốc quân ở Chợ Chu (Thái Nguyên).
Ngày 15 tháng 5 năm 1945, tại Chợ Chu, Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân hợp nhất với Cứu quốc quân và một số đơn vị du kích thành lực lượng quân sự thống nhất, lấy tên là Việt Nam Giải phóng quân.
Nhân dịp ngày 22/12, chúng ta hãy cùng hướng về để chào đón ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày Quốc phòng toàn dân và còn là ngày Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp