Tình yêu quê hương đất nước trong 3 bài thơ Bên kia sông Đuống, Việt Bắc, Đất nước

0
75
Rate this post

Đề bài: Tình yêu quê hương đất nước trong 3 bài thơ Bên kia sông Đuống, Việt Bắc, Đất nước

tinh yeu que huong dat nuoc trong 3 bai tho ben kia song duong viet bac dat nuoc

Tình yêu quê hương đất nước trong 3 bài thơ Bên kia sông Đuống, Việt Bắc, Đất nước
 

Bạn đang xem: Tình yêu quê hương đất nước trong 3 bài thơ Bên kia sông Đuống, Việt Bắc, Đất nước

I. Dàn ý Tình yêu quê hương đất nước trong 3 bài thơ Bên kia sông Đuống, Việt Bắc, Đất nước

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần phân tích:

2. Thân bài

a. Tình yêu quê hương đất nước trong Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm):
– Sự gắn bó với quê hương thông qua những hình ảnh truyền thống, cổ kính của xứ Kinh Bắc:
+ Cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình: bãi mía bờ dâu, ngô khoai biêng biếc, lúa nếp thơm lừng, gà lợn,…
+ Là những hình ảnh tiêu biểu cho nền văn hóa Kinh Bắc với những địa danh, những nét văn hóa thẩm mỹ tiêu biểu như những hội hè đình đám, núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, huyện Lang Tài, tranh Đông Hồ gà lợn, truyện đám cưới chuột,…
+ Hình ảnh con người xứ Kinh Bắc duyên dáng, đáng yêu trong công việc lao động, mưu sinh với những ngành nghề cổ truyền được Hoàng Cầm vẽ lên bằng những nét bút ngập tràn tình cảm thương mến.

– Tấm lòng xót xa đau đớn trước hung tin quê hương bị giặc Pháp giày xéo.
+ Tiếc nuối, buồn thương trước cảnh quê hương tan tác bằng một nỗi đau có thể cảm nhận bằng da thịt “sao xót xa như rụng bàn tay”.
+ Điệp khúc “đi đâu, về đâu” được lặp đi lặp lại nhiều lần, thể hiện nỗi lòng tiếc thương cho quê hương của mình và sự lo lắng cho những thân phận con người nơi đây.
– Từ giọng thơ đau xót, tiếc nuối nhà thơ chuyển sang giọng thơ mới mang những cảm xúc sôi nổi, hào hứng trong khí thế đánh giặc và sự chiến thắng.

b. Tình yêu quê hương đất nước trong Việt Bắc (Tố Hữu):
– Tình yêu quê hương đất nước trong tác phẩm được thể hiện thứ nhất ở tấm lòng gắn bó với thiên nhiên, con người Việt Bắc trong kháng chiến, đó là sự đoàn kết, đồng cam cộng khổ trong suốt một khoảng thời gian dài.
– Tình yêu quê hương đất nước còn được bộc lộ thông qua cách mà Tố Hữu cảm nhận về những vẻ đẹp và thiên nhiên con người Việt Bắc, điều đó được thể hiện rất đậm đà thông qua bức tranh tứ bình.
– Tấm lòng kiên trung với cách mạng, theo đuổi lý tưởng giải phóng, dân tộc giải phóng đất nước của nhà thơ, cũng như toàn bộ quân dân ở chiến khu Việt Bắc.

c. Tình yêu quê hương đất nước trong Đất Nước:
– Hình tượng đất nước được tác giả định nghĩa bằng những vần thơ kết hợp giữa tính triết luận và trữ tình sâu sắc.
– Tự hào về cội nguồn gốc rễ dân tộc thông qua truyền thuyết Lạc Long Quân – u Cơ, thông qua nền văn minh lúa nước lâu đời “”Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng/ Đất nước có từ ngày đó”, hay truyền thống làng xã có từ ngàn đời đã làm nên “Đất Nước”.
– Đưa các chất liệu văn hóa dân gian vào thơ của mình một cách tinh tế và nhuần nhuyễn.
– Khẳng định Đất Nước được hình thành từ những phong tục tập quán của dân tộc như tục nhai trầu, nhuộm răng, vấn tóc sau đầu, đặt tên con,…
– Tự hào với truyền thống đánh giặc giữ nước, phẩm chất kiên cường, mạnh mẽ trong đấu tranh của nhân dân, lòng căm thù giặc sâu sắc từ nghìn đời. Đồng thời cũng không quên nhắc nhở các thể hệ sau phải biết giữ gìn quê hương, đứng dậy chiến đấu khi nghe tiếng Tổ quốc gọi tên.
– Khẳng định một chân lý của thời đại rằng đất nước là của nhân dân, do nhân dân tạo nên nhờ vào những phong tục tập quán, những truyền thống văn hóa lâu đời, kết hợp với tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm một cách mạnh mẽ để bảo tồn “Đất Nước”.
– Tình cảm tự hào, gắn bó với quê hương thông qua việc tác giả liên tục liệt kê những địa danh nổi tiếng để hình dung dáng vẻ đất nước. Đồng thời rất yêu thương, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp quý báu của con người Việt Nam với sự say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa và vẻ đẹp của tinh thần đánh giặc bất khuất.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Tình yêu quê hương đất nước trong 3 bài thơ Bên kia sông Đuống, Việt Bắc, Đất nước

Trong nền văn học Việt Nam từ xa xưa cho đến tận ngày hôm nay, tình yêu quê hương đất nước luôn là một trong những đề tài mang đến nhiều cảm hứng sáng tác hơn cả. Đặc biệt là trong những giai đoạn đất nước có nhiều biến động, thứ tình cảm này trong trái tim mỗi con người lại càng trở nên mạnh mẽ, nồng nàn, tha thiết hơn bao giờ hết. Nó trở thành điểm tựa, cơ sở vững chắc để con người mạnh mẽ đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương khỏi những đau thương mất mát, đồng thời cũng trở thành chủ đề chính trong nhiều tác phẩm văn chương có giá trị sâu sắc. Ba bài thơ Bên kia sông Đuống (Hoàng Cầm), Việt Bắc (Tố Hữu) và Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) là những tác phẩm được sáng tác vào các thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, thế nhưng điểm chung nhất chính của ba bài thơ này là đều bộc lộ rất rõ tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, tha thiết, dù rằng cách biểu đạt và diễn tả của các tác giả là khác nhau.

Bài thơ Bên kia sông Đuống là tác phẩm được ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt, nhà thơ Hoàng Cầm sau khi nghe tin giặc Pháp tràn đến tàn phá quê hương Bắc Ninh của mình, ông đã thức trắng cả một đêm để viết bài thơ này. Mạch cảm xúc trong bài tuôn chảy tựa như một dòng sông dồi dào, không ngắt quãng mà ở đó ta thấy được trước hết là lòng căm thù giặc sâu sắc, đi liền với những nỗi đau đớn xót xa trước thực cảnh của quê hương khi nhà thơ liên tục gợi nhắc về một vùng Kinh Bắc tươi đẹp rực rỡ trong quá khứ. Tình yêu quê hương đất nước sâu sắc của tác giả được thể hiện thông qua những hình ảnh truyền thống, cổ kính của quê hương, trong đó hình ảnh dòng sông Đuống nghiêng nghiêng hiền hòa chảy được lặp đi lặp lại nhiều lần, bộc lộ nỗi nhớ tha thiết của tác giả. Sự gắn bó với mảnh đất kinh kỳ được bộc lộ qua những hình ảnh thân thuộc, gần gũi của một vùng quê được xem là cái nôi của truyền thống dân tộc từ ngàn đời. Đó là những cảnh thiên nhiên tươi đẹp, thanh bình: bãi mía bờ dâu, ngô khoai biêng biếc, lúa nếp thơm lừng, gà lợn,… Đó là những hình ảnh tiêu biểu cho nền văn hóa Kinh Bắc với những địa danh, những nét văn hóa thẩm mỹ tiêu biểu như những hội hè đình đám, núi Thiên Thai, chùa Bút Tháp, huyện Lang Tài, tranh Đông Hồ gà lợn, truyện đám cưới chuột,… Hay hình ảnh con người xứ Kinh Bắc duyên dáng, đáng yêu trong công việc lao động, mưu sinh với những ngành nghề cổ truyền được Hoàng Cầm vẽ lên bằng những nét bút ngập tràn tình cảm thương mến:

“Ai về bên kia sông Đuống
Có nhớ từng khuôn mặt búp sen
Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng
Chợ Hồ, chợ Sủi người đua chen
Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối
Những nàng dệt sợi
Đi bán lụa màu
Những người thợ nhuộm
Đồng Tỉnh, Huê Cầu”

Song song với những tình cảm tự hào, tha thiết yêu thương về một vùng quê tươi đẹp đó chính là tấm lòng xót xa đau đớn trước hung tin quê hương bị giặc Pháp giày xéo. Tác giả tiếc nuối, buồn thương trước cảnh quê hương tan tác bằng một nỗi đau có thể cảm nhận bằng da thịt “sao xót xa như rụng bàn tay”. Đồng thời song hành cùng với những hình ảnh tươi đẹp của quê hương, con người trong quá khứ, cuối mỗi đoạn thơ điệp khúc “đi đâu, về đâu” được lặp đi lặp lại nhiều lần, thể hiện nỗi lòng tiếc thương cho quê hương của mình và sự lo lắng cho những thân phận con người nơi đây, sau những đau thương mất mát, tan tác như thế rồi họ sẽ đi đâu, về đâu, sinh sống như thế nào, đặc biệt là những cụ gài, những em nhỏ, những thân phận yếu đuối nhất trong xã hội lại gặp cảnh tai ương. Chao ôi, trong lòng người con xứ Kinh Bắc này đã dấy lên bao nhiêu nỗi lòng đau đớn, xót xa khôn tả, lại buồn cho cảnh quê hương hương điêu tàn. Càng nghĩ càng căm giận lũ giặc Pháp tàn ác, bất nhân, đem súng ống đi đàn áp những con người lương thiện, giày xéo lên mảnh đất chôn rau cắt rốn, chà đạp lên cái nôi cội nguồn dân tộc. Chính vì thế sau những cảm xúc thương xót, xen lẫn tự hào về quê hương của mình, Hoàng Cầm đã đổi sang một giọng thơ mới mang những cảm xúc sôi nổi, hào hứng trong khí thế đánh giặc và sự chiến thắng. Gương mặt quê hương từ những đau thương, tan tác đã đổi mới khoác lên mình lớp áo anh hùng, tình nghĩa, mạnh mẽ hòa lẫn với vẻ tươi đẹp can trường sẵn sàng hy sinh xương máu trong chiến đấu. Để cuối cùng hướng về một tương lai tươi đẹp, tìm lại những nét truyền thống đã bị bom đạn giặc vùi lấp thuở xưa.

“Bao giờ về bên kia sông Đuống
Anh lại tìm em
Em mặc yếm thắm
Em thắt lụa hồng
Em đi trẩy hội non sông
Cười mê ánh sáng muôn lòng xuân xanh”.

Với Việt Bắc của Tố Hữu, bài thơ được ra đời trong hoàn cảnh cũng khá đặc biệt không phải chỉ với riêng một cá nhân mà ấy là đối với cả dân tộc, sau trận Điện Biên Phủ trên không, hiệp ước Giơ-ne-vơ được ký kết, Pháp rút quân về nước, miền Bắc được hoàn toàn độc lập. Nhân tình hình đó Trung ương Đảng quyết định dời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, sau khoảng thời gian 15 năm ròng gắn bó cùng sống và chiến đấu. Việt Bắc ra đời trong hoàn cảnh đó đã trở thành một bài thơ bày tỏ những ân tình thủy chung người người chiến sĩ cách mạng với người dân Việt Bắc trước lúc chia ly đầy xúc động, đồng thời cũng có ý nghĩa như là một bản tổng kết quá trình kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ của quân dân ta gần 15 năm trời cho đến ngày đại thắng. Tình yêu quê hương đất nước trong tác phẩm được thể hiện thứ nhất ở tấm lòng gắn bó với thiên nhiên, con người Việt Bắc trong kháng chiến, đó là sự đoàn kết, đồng cam cộng khổ trong suốt một khoảng thời gian dài. Tình cảm quân dân không chỉ là được hình thành trong đấu tranh, mà còn hình thành thông qua những năm tháng cùng ăn ở, cùng lao động và cùng học tập. Có những kỷ niệm khó quên khi những ngày gian khổ tột cùng, những con người Việt Bắc đã đùm bọc cách mạng bằng tấm lòng chân chất, thật thà, bằng tình thương mến thương “Thương nhau, chia củ sắn lùi/Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, đói no cùng chịu, gian khổ cùng gánh. Rồi cũng lại nhớ những ngày đầu kháng chiến, những trận thắng đầu tiên gắn liền với các địa danh quen thuộc “Mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào”. Lại cũng tha thiết với một núi rừng Việt Bắc hoang vu, hẻo lánh, thời tiết khắc nghiệt, có những “trăng lên”, “nắng chiều”, “bản khói cùng sương”, “rừng nứa bờ tre”, “ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê”, thật thân thương, nhiều kỷ niệm, mà nay mai xa rồi người chiến sĩ cách mạng có lẽ còn nhớ mãi không bao giờ quên. Có thể nói rằng tình cảm yêu quê hương đất nước ở đây chính là nỗi nhớ thương, bịn rịn của người ra đi đối với thiên nhiên và con người Việt Bắc, một nỗi nhớ nhiều tình cảm không nói lên lời “Nhớ gì như nhớ người yêu”.

Một điều nữa, tình yêu quê hương đất nước còn được bộc lộ thông qua cách mà Tố Hữu cảm nhận về những vẻ đẹp và thiên nhiên con người Việt Bắc, điều đó được thể hiện rất đậm đà thông qua bức tranh tứ bình:

“Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Ðèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng.
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình
Rừng thu trăng rọi hoà bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung”

Thực tế rằng, vùng rừng núi phía Bắc nước ta luôn là một trong những nơi có địa hình và thời tiết cực kỳ khắc nghiệt, mà điều đó ta có thể thấy thông qua bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng hay Đồng chí của Chính Hữu, với cái rét cắt da cắt thịt vào mùa đông, sương muối mùa hè, và sự hoang vu với những “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/heo hút cồn mây súng ngửi trời”. Tuy nhiên trong thơ Tố Hữu hình ảnh núi rừng Tây Bắc trở nên hiền hòa và có những nét đẹp rất thơ mộng và độc đáo, với sự xuất hiện của những màu sắc âm thanh tự nhiên, rực rỡ, ví như màu đỏ của hoa chuối, màu vàng của rừng pháp, tiếng ve râm ran, màu trắng tinh khôi của hoa mơ, rồi vẻ đẹp của vầng trăng hiền hòa, thơ mộng,… Và giữa khung cảnh thiên nhiên hình ảnh con người trong lao động đã hiện lên một cách nổi bật với nhiều dáng vẻ, sự khỏe khoắn năng động, sự khéo léo, tài hoa, sự kiên nhẫn, âm thầm phục vụ cho kháng chiến, cuối cùng là tinh thần lạc quan yêu đời, tình cảm thủy chung son sắt với “khúc hát ân tình”. Điều đó cho thấy rằng phải có một thứ tình cảm nồng nàn, tha thiết với mảnh đất Việt Bắc và với con người nơi đây thì Tố Hữu mới có thể dựng được một bức tranh hài hòa, sống động như thế. Mà mở rộng ra thì đó chính là tình cảm yêu quê hương đất nước sâu sắc. Một biểu hiện nữa của tình yêu quê hương đất nước trong Việt Bắc, đó chính là tấm lòng kiên trung với cách mạng, theo đuổi lý tưởng giải phóng, dân tộc giải phóng đất nước của nhà thơ, cũng như toàn bộ quân dân ở chiến khu Việt Bắc. Điều đó được thể hiện thật rõ ràng thông qua bức tranh sống động được nhà thơ tái hiện về khoảng thời gian 15 năm tranh đấu của quân dân ta, từ những năm đầu khó khăn vất vả, thiếu thốn đủ đường, cho đến khi cách mạng toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Bắc. Với ngòi bút phục vụ cách mạng, hướng đến cái ta chung của toàn dân tộc, Tố Hữu đã viết Việt Bắc như một bản tổng kết quá trình kháng chiến chống Pháp bằng những vần thơ giàu cảm xúc và mang đậm truyền thống dân tộc với thể thơ lục bát. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta có nhiều kỷ niệm, cũng nhiều đau thương mất mát, và đặc biệt là ấn tượng với không khí hào hứng, sôi nổi vang động núi rừng những ngày cuộc chiến gần đi vào hồi kết.

Đối với Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, có thể nói rằng tình yêu quê hương đất nước của tác giả được thể hiện một cách khác hẳn so với hai tác phẩm kể trên. Hình tượng đất nước được tác giả định nghĩa bằng những vần thơ kết hợp giữa tính triết luận và trữ tình sâu sắc. Nguyễn Khoa Điềm đã định nghĩa hai từ “Đất Nước” bằng sự am hiểu của mình về nền văn hóa truyền thống, tình yêu quê hương đất nước đã bộc lộ thông qua tấm lòng tự hào về cội nguồn gốc rễ dân tộc thông qua truyền thuyết Lạc Long Quân – u Cơ, thông qua nền văn minh lúa nước lâu đời:

“Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất nước có từ ngày đó”

Hay truyền thống làng xã có từ ngàn đời đã làm nên “Đất Nước”. Thứ hai nữa, tình yêu quê hương đất nước của Nguyễn Khoa Điềm còn bộc lộ thông qua các ông đưa các chất liệu văn hóa dân gian vào thơ của mình một cách tinh tế và nhuần nhuyễn. Dáng hình của Đất Nước hiện lên với những màu sắc huyền ảo, xa xăm, đậm chất truyền thống thông qua các câu chuyện cổ tích, những truyền thuyết, thần thoại và ca dao dao cổ. Sau đó nữa là tính triết luận của tác giả khi cho rằng Đất Nước được hình thành từ những phong tục tập quán của dân tộc như tục nhai trầu, nhuộm răng, vấn tóc sau đầu, đặt tên con:

Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc”

Cái kèo, cái cột thành tên

Đặc biệt với sự am hiểu và tình yêu quê hương đất nước sâu sắc, Nguyễn Khoa Điềm còn tinh tế chỉ ra, Đất Nước sau khi đã hình thành thì cần có quá trình dựng xây, bảo vệ trải dài suốt truyền thống lịch sử của dân tộc. Bao gồm truyền thống đánh giặc giữ nước, phẩm chất kiên cường, mạnh mẽ trong đấu tranh của nhân dân, lòng căm thù giặc sâu sắc từ nghìn đời. Đồng thời cũng không quên nhắc nhở các thể hệ sau phải biết giữ gìn quê hương, đứng dậy chiến đấu khi nghe tiếng Tổ quốc gọi tên. Tổng kết lại, tác giả đã khẳng định một chân lý của thời đại rằng đất nước là của nhân dân, do nhân dân tạo nên nhờ vào những phong tục tập quán, những truyền thống văn hóa lâu đời, kết hợp với tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm một cách mạnh mẽ để bảo tồn “Đất Nước”.

Ngoài ra tình yêu quê hương đất nước trong tác phẩm còn được thể hiện qua những tình cảm tự hào, gắn bó với quê hương thông qua việc tác giả liên tục liệt kê những địa danh nổi tiếng để hình dung dáng vẻ đất nước.

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”

Đồng thời rất yêu thương, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp quý báu của con người Việt Nam với sự say đắm trong tình yêu, quý trọng tình nghĩa và vẻ đẹp của tinh thần đánh giặc bất khuất.

Cả ba tác phẩm thơ trên đều là những bài thơ chứa đựng những tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, nhiều cảm xúc trên các phương diện và cách thể hiện khác nhau. Trở thành những bài ca, những tiếng vọng cổ vũ tinh thần yêu nước, tinh thần chiến đấu của nhân dân, khiến con người thấu hiểu hơn về thứ tình cảm thiêng liêng quý giá này không chỉ trong những giai đoạn đau thương của đất nước của dân tộc mà còn có giá trị mãi về sau này.

Bài Tình yêu quê hương đất nước trong 3 bài thơ Bên kia sông Đuống, Việt Bắc, Đất nước trên đây đã phân tích một cách căn bản nhất về tình yêu quê hương đất nước nước ẩn chứa trong ba bài thơ nổi tiếng là Bên kia sông Đuống, Việt Bắc và Đất Nước. Để tìm hiểu sâu thêm về các tác phẩm này mời các em tìm đọc thêm các bài viết Phân tích bài thơ Việt Bắc, Phân tích bài Bên kia sông Đuống, Phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm, Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tinh-yeu-que-huong-dat-nuoc-trong-3-bai-tho-ben-kia-song-duong-viet-bac-dat-nuoc/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp