Đề bài: Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Hãy trình bày những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm trên
Bài làm:
Sinh ra và phát triển mạnh mẽ trong thời kì văn học 30-45, nhóm bút “Tự lực văn đoàn” là nơi ươm mầm cho rất nhiều những cây bút kì cựu, có tầm ảnh hưởng tới tư tưởng, định hướng xu thế văn chương đương thời. Không chỉ nổi tiếng với những thi sĩ như Huy Cận, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,.. mà ngay cả những tác giả văn xuôi cũng xuất thân từ nhóm bút một thời lừng lẫy này. Một trong số đó phải kể tới Thạch Lam, cha đẻ của những tập bút kí và truyện ngắn như “Gió đầu mùa”, “Hà Nội băm sáu phố phường”,… Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của ông được coi là một cú ngoặt đáng kể, đưa tên tuổi Thạch Lam lên bậc “chiếu trên”, đồng thời, đây cũng là tác phẩm mang nét đặc sắc nghệ thuật tiêu biểu nhất cho phong cách hành văn của ông.
Nói đến Thạch Lam là nói đến những tác phẩm truyện ngắn đặc biệt độc đáo, ít khi ông viết truyện mà có cốt truyện cụ thể, rõ ràng. Truyện của ông giống như lời tâm sự thủ thỉ về tình mẫu tử, về cuộc sống bình dị, đơn sơ,… “Hai đứa trẻ” cũng không phải trường hợp ngoại lệ, không có mở đầu, cao trào, nút thắt và giải quyết, đây là một mẩu văn lấy bối cảnh từ một phố huyện nghèo đói ven đường tàu, miêu tả những háo hức, đợi chờ trong tâm trạng của hai chị em Liên, An với chuyến tàu đêm Hà Nội – Hải Phòng. Đặc sắc nghệ thuật của một tác phẩm truyện ngắn có thể kể đến như cốt truyện, nhân vật, tình huống, giọng văn và khả năng khai thác hình tượng nhân vật. Nét đặc sắc nghệ thuật trong văn của Thạch Lam nằm ở cái hay, cái lạ trong cách miêu tả, dùng từ và khai thác chất liệu đời thực vốn có. Ở đây, tính nghệ thuật ấy được thể hiện qua hình tượng đoàn tàu, đoàn tàu của ước mơ, khát vọng, của những miền hoài niệm sâu thẳm trong tâm hồn hai đứa trẻ non nớt, ngây thơ và tội nghiệp, những chi tiết nghệ thuật sâu xa, mang nhiều tầng nghĩa và cách khai thác thế giới nội tâm nhân vật vô cùng sắc sảo, tinh tế.
Đặc sắc nghệ thuật trong “Hai đứa trẻ” trước hết thể hiện ở những chi tiết đắt giá, mang nhiều hàm ý. Ngay từ đầu tác phẩm, Thạch Lam miêu tả phố huyện hoàng hôn, buổi chiều chậm chạp, nặng nề với những âm thanh báo hiệu thời khắc tàn dư của một ngày dài: ” Tiếng trống thu không trên cái chòi của huyện nhỏ, từng tiếng một vang ra để gọi buổi chiều. Phương tây đỏ rực như lửa cháy và những đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn. Dãy tre làng trước mặt đen lại và cắt hình rõ rệt trên nền trời.” hay “Chiều, chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Trong cửa hàng hơi tối, muỗi đã bắt đầu vo ve”. Một không khí ảm đạm, cảnh tượng tiêu điều, xơ xác, không gian là buổi “tối dần” gợi sự buồn thương. Âm thanh ” ếch nhái kêu ran” ngoài đồng, tiếng muỗi vo ve trong nhà mở ra trước mắt người đọc một cảnh tượng vùng quê nghèo ủ rũ trong buổi tối mịt mù. Trong khung cảnh ấy, hình ảnh con người hiện ra, cô chị Liên “ngồi yên lặng, đôi mắt bóng tối ngập đầy dần”. Tưởng như cái nhìn ấy phải thuộc về một người trưởng thành, từng trải, tâm hồn đã chai sạn, dạn dày sương gió. Nhưng đây, tâm hồn trong trắng của cô bé ấy đã nếm trải đủ những lo toan, vất vả, nặng nề như màn trời đen ngòm ngoài kia. Bà cụ Thi được xây dựng là một kẻ điên, nghiện rượu với tiếng cười khanh khách đáng sợ. Bác Xẩm với tiếng đàn bầu não nề, thê lương, mẹ con chị Tí với quầy hàng nước chè nhỏ mọn đang tất tả dọn hàng,…Tất cả những con người, những hành động ấy đều toát lên vẻ khổ sở, cực nhọc, đói nghèo của cái xóm huyện tự phát, nơi họ đang ngày ngày bấu víu, kiếm kế sinh nhai. Không hề nói ra cái đói, cái nghèo, nhưng từ cách miêu tả và các tuyến nhân vật, Thạch Lam đã khắc họa một bức tranh với những mái nhà tiêu điều, dăm ba hàng quán xập xệ, đổ nát với những con người chẳng còn nhìn thấy sức sống…, một bức tranh u uất về những con người tồn tại một cách vô nghĩa. Phố huyện nhỏ tiêu điều với mấy chòi tranh bé tẹo cô độc giữa khung cảnh trời tây đỏ rực của buổi hoàng hôn, âm thanh tiếng ếch, tiếng nhá thê lương. Bức tranh ấy có cả sự nhạt nhòa của một vùng quê, có cả cái bần cùng của những người khốn khổ nơi thôn xóm lam lũ. Cái buồn thấm đượm vào lòng người, vào đôi mắt chị Liên nhìn xa xăm. Ngồi giữa làng quê bình dị, chân phương ấy mà lòng chẳng thấy an yên, thanh thản.
Không chỉ tinh tế trong miêu tả cảnh vật, nét đặc sắc nghệ thuật trong “Hai đứa trẻ” được thể hiện qua khả năng khai thác tâm lý, thế giới nội tâm của nhân vật. Với đặc thù truyện ngắn không có tình huống hay cốt truyện, Thạch Lam giao tiếp và truyền đạt tới người đọc phần lớn qua việc bộc lộ suy nghĩ, tình cảm của nhân vật để làm nổi bật cảm hứng nhân văn cũng như nội dung tư tưởng của tác phẩm. Viết về những biến chuyển cảm xúc của Liên theo trình tự biến chuyển của thời gian và không gian, bắt đầu từ chiều, khi ánh hoàng hôn dần buông xuống, cảnh vật tác động trực tiếp tới cảm xúc và suy tư của nhân vật. Cô bé chìm sâu vào nỗi buồn man mác khi nghe thấy những âm thanh, nhìn thấy những cảnh đời, cảnh vật buồn tẻ, nghèo nàn nơi cô đang sinh sống. Dưới con mắt của cô, nơi đây chỉ có nỗi buồn với những con người cùng khổ. Cảnh chiều tàn, chợ tàn, sự tàn lụi của một ngày dài ủ ê. Giữa cảnh chợ tàn, nơi “một vài người bán hàng về muộn đang thu xếp hàng hóa”, “đứng nói chuyện với nhau ít câu nữa”, trẻ con “nhặt nhanh thanh nứa, thanh tre”, trong ánh nhìn của Liên, đó là sự nghèo khổ và bất lực. Khai thác cảm xúc của nhân vật Liên khi để cho cô cảm thấy buồn thương, nặng nề trước cảnh chiều tàn chính là để bộc lộ ra tấm lòng của một đứa trẻ lương thiện, nhạy cảm và hiểu chuyện, đồng thời khắc họa một cách rõ nét hơn cái tiêu điều, rệu rã của khung cảnh xóm chợ này.
Màn đêm buông xuống cũng là lúc những ánh đèn le lói nơi phố huyện bắt đầu được thắp lên, thứ ảnh sáng mờ ảo, thứ ánh sáng chẳng soi tỏ được màn đêm, khe sáng từ ngọn đèn, phên nứa, ánh sáng của những vì tinh tú trên bầu trời đêm kĩu kịt. Với Liên, những nguồn sáng ấy vừa quen thuộc, vừa đưa cô hoài niệm về những ngày tháng cũ, khi cô còn được sống ở thành phố xa hoa. Còn ở đây, những gì khiến cô cảm thấy quen thuộc là hình ảnh mẹ con chị Tí với gánh hàng nước mưu sinh, “chả kiếm được bao nhiêu, nhưng chiều nào chị cũng dọn hàng”, gia đình bác Sẩm với tiếng đàn bầu não nề, thê lương trên manh chiếu rách, gánh phở nhà bác Siêu với mùi phở thơm “theo gió tạt lại chỗ hai chị em”, và cả bà cụ Thi nửa điên nửa tỉnh hôm nào cũng qua chỗ Liên mua rượu. Phải chăng, trong tâm khảm chị, chị cũng cảm thấy thương xót, cảm thấy động lòng cho những kiếp người mòn ấy vẫn đang ngày đêm cố gắng níu giữ sự sống, cố gắng lo toan, thảo nỗi niềm ăn no mặc ấm. Chính Liên cũng là một kẻ nghèo khổ, một đứa trẻ xa lìa cuộc sống sung túc nơi phố thị để về đây bám trụ, nhưng cô bé ấy lại biết nghĩ cho mình, cho đời, biết đồng cảm và sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh giống mình.
Đặc sắc nhất trong nghệ thuật miêu tả của Thạch Lam với “Hai đứa trẻ” là cảnh chuyến tàu đêm vụt qua cái phố huyện con con. Chuyến tàu là hình tượng của sự sống cho những con người nơi đây, là niềm khát khao của chị em Liên, là cỗ máy thời gian thần kì đưa hai chị em về những ngày tháng dạo chơi bờ hồ, “uống những thứ nước xanh đỏ” hấp dẫn. Chuyến tàu mang ánh sáng, nguồn ánh sáng mới lạ và giàu sức sống từ những con phố xa hoa họ chưa từng được đặt chân tới. Chuyến tàu mang kí ức, niềm vui thời thơ ấu ngày xưa chị em Liên từng được hưởng thụ, đối lập hoàn toàn với cái khó khăn mà họ đang ngày ngày đối mặt. Đoàn tàu đến, Liên vội đánh thức em trai dậy để ngắm nhìn những ngọn đèn trên thân tàu, mơ ước về Hà Nội một thời náo nhiệt và vui vẻ của các em. Ánh sáng ấy giống như một hòm kỉ niệm quý báu, là niềm khao khát của những đứa trẻ đơn thuần, ngây thơ. Kí ức tuổi thơ êm đềm của hai chị em thuo”bố còn đi làm”, “mẹ còn nhiều tiền” hay chính là mảnh hoài niệm của tác giả. Mượn cảm xúc nhân vật để nói ra cảm xúc của chính mình, mượn hình ảnh chuyến tàu đêm để bộc lộ cái ước vọng được sống, được hòa mình vào sự phồn vinh của đô thị hóa, ngòi bút của Thạch Lam đã mang lại cho người đọc một niềm thương cảm, xúc động, tri âm với những mảnh đời kém may mắn, bị mắc kẹt lại với chính số kiếp của mình.
Thạch Lam sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập, tương phản như một vẻ đẹp nghệ thuật trong tác phẩm của mình. Từ đầu đến cuối câu chuyện là những hình ảnh, sắc thái trái ngược nhau. Phố huyện chìm trong bóng tối – ngọn đèn le lói, phố huyện tĩnh mịch ban đêm – đoàn tàu ánh sáng ồn ào, náo động, tiếng hành khách, tiếng bánh xe, tiếng còi – thanh âm vắng vẻ của phố huyện về đem. Những cặp hình ảnh đối lập đó đã làm nổi bật diễn biến tâm trạng nhân vật nói riêng, đồng thời tô điểm những sắc thái sáng – tối tương phản cho bức tranh nghệ thuật của tác giả.
Ngòi bút giàu hình ảnh, gợi tả gợi cảm với cảnh chiều tà, chiều tối, với những âm thanh mang tính ám ảnh, đặc sắc nghệ thuật của Thạch Lam nằm ở cách sáng tạo và khai thác chất liệu vốn có một cách khéo léo, tinh tế. Gọi là truyện mà không có cốt truyện, nét đặc sắc ấy được tô điểm thêm bởi những chi tiết mang nhiều tầng ý nghĩa, con tàu không đơn giản chỉ là con tàu mà còn là nguồn động lực, là ánh sáng, khai thác tâm lý nhân vật sắc sảo qua trình tự sự việc, sự kiện cùng đặc trưng hơi thở lãng mạn mang tính hiện thực, tất cả đã làm nên một tác phẩm giàu tính nhân văn, nhân đạo nhưng không kém phần độc đáo, lý tưởng trên phương diện nghệ thuật.
“Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “nghệ thuật vị nhân sinh”, với “Hai đứa trẻ”, Thạch Lam đã làm trọn vẹn vai trò của cả hai yếu tố đó, Cái đặc sắc không chỉ nằm ở câu từ, lối hành văn hay hình ảnh mang tính biểu tượng, đó còn là cái đẹp của tình người, của một tấm lòng trắc ẩn, biết yêu thương, biết rung động, qua đó thể hiện niềm yêu kính với những con người luôn cố gắng vượt qua những khó khăn để hướng tới một tương lai sáng rỡ. Chẳng khó khăn để hiểu được vì sao, sau hơn nửa thập kỉ tồn tại, văn chương của Thạch Lam vẫn có sức mê hoặc với những người yêu chữ.
Truyện ngắn Hai đứa trẻ là tác phẩm nổi tiếng của Thạch Lam, bên cạnh bài làm văn Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Thạch Lam. Hãy trình bày những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm trên, học sinh và thầy cô cũng có thể tham khảo thêm nhiều hơn nữa những bài làm văn khác. Các bài văn mẫu như, Nghệ thuật miêu tả tương phản trong Hai đứa trẻ, Phân tích tính nghệ thuật trong Hai đứa Trẻ, Cảm nhận về nhân vật Liên trong Hai đứa trẻ, Chất thơ trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Hình ảnh con tàu trong Hai đứa trẻ hay cả các phần Tóm tắt Hai đứa trẻ, Soạn bài Hai đứa trẻ.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp