Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là gì? Tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

0
175
Rate this post

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa là gì?

A. Là một hệ thống những quan niệm phản ánh những nhu cầu, những ước mơ, nguyện vọng của các giai cấp lao động về một  xã hội  không có áp bức và bóc lột, mọi người đều bình đẳng và  có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

B. Là những thành tựu của con người đạt được trong quá trình đấu tranh giải phóng giai cấp.

C.  Là chế độ xã hội không có áp bức bóc lột, mọi người đều bình đẳng tự do.

D. Cả a, b, c

Đáp án đúng: D

Chủ nghĩa xã hội là gì?
Chủ nghĩa xã hội là gì?

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Thiên thời, địa lợi, nhân hòa

Nhìn nhận về vai trò của chủ nghĩa xã hội (CNXH) trong thế giới hiện đại nói chung và đối với Việt Nam ta nói riêng, luôn cần phải có một cái nhìn biện chứng mang tính lịch sử khách quan.

Không thể vì những sự thoái trào tạm thời ở đâu đó hay trong một thời điểm nào đó của một số quốc gia từng đi theo con đường XHCN mà lại phủ nhận sạch trơn toàn bộ ý nghĩa vĩ đại của sự lựa chọn định hướng XHCN của nhân loại.

Tư tưởng XHCN đã mang lại cho thế giới nói chung và những quốc gia đi theo định hướng XHCN nói riêng nhiều hoa thơm trái ngọt hơn là những hệ lụy tất yếu. Chính vì thế nên nghị quyết mà Hội đồng Nghị viện của Hội đồng châu Âu thông qua ngày 26/1 tại Strassbourg về cái gọi là “tội ác” của các chế độ CS cực quyền đối với nhân loại là hoàn toàn sai trái. Tại Việt Nam, tư tưởng XHCN đã phát huy tối đa tác dụng tích cực vì hội tụ đủ các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Ai cũng biết, những người sáng lập ra CNXH khoa học là Karl Marx và Fridrich Engels. Thế nhưng, những mầm mống của tư tưởng XHCN thì đã có từ rất xa xưa trong nền văn hóa nhân loại. Đó là mơ ước ngàn đời về một xã hội thực sự công bằng, không có bóc lột, áp bức, tất cả sống thuận hòa, thân ái…

Tới giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa và đế quốc, những mầm mống tư tưởng đó đã được các nhà lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp vô sản toàn thế giới xây dựng thành một học thuyết hoàn chỉnh về CNXH và chủ nghĩa cộng sản (CNCS) trên cơ sở phân tích sâu sắc và toàn diện với góc nhìn mới mẻ về chủ nghĩa tư bản (CNTB) và tiến trình phát triển lịch sử nhân loại, khẳng định rõ sự diệt vong tất yếu của CNTB cũng như mọi hình thức xã hội có cảnh người bóc lột người.

Tới đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Marx-Lênin đã trở thành ngọn cờ có sức thuyết phục lớn đối với phong trào cách mạng vô sản trên toàn thế giới bởi chính sức mạnh toát lên từ sự lý giải thế giới và lịch sử đúng đắn của nó. Với ngọn cờ này, giai cấp vô sản ở nhiều nước trên thế giới từng tiến hành thành công cuộc cách mạng của mình, giành lấy chính quyền về tay nhân dân lao động. Từ quan điểm tạo dựng một cuộc cách mạng vô sản trên qui mô toàn thế giới, bắt đầu cùng một lúc ở những nước tư bản phát triển, với Lênin, giai cấp vô sản đã nhận thức được khả năng thành công của cách mạng vô sản trước tiên ở một nước hay một số nước, thậm chí những quốc gia còn kém phát triển và từ đó, tạo nên sự kết hợp chặt chẽ giữa cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc…

Đây là một bước tiến quan trọng trong sự phát triển CNXH khoa học. CNXH từ một học thuyết đã biến thành một phong trào cách mạng và trở thành một hình thái kinh tế xã hội hiện thực. Cuộc cách mạng XHCN tháng 10 Nga năm 1917 đã trở thành cuộc thử nghiệm vĩ đại nhất thế kỷ XX, tạo nên ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình phát triển của thế giới ngót trăm năm qua. Với một mô hình xã hội có thiên hướng trở nên bình đẳng thực sự, với một khao khát tạo dựng lại thế giới công bằng, Liên Xô đã có sức hấp dẫn lớn và đóng vai trò ngọn hải đăng chiếu sáng lòa trên một hành tinh TBCN đầy bất công và áp bức. Chính Liên Xô đã đưa vai ra gánh vác sức nặng không nhỏ của một cuộc cách mạng vô sản trên qui mô thế giới, đồng thời mở ra triển vọng cho phong trào giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức trên khắp hành tinh.

Tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Ở Việt Nam ta, kể từ sau năm 1917, cuộc đấu tranh giành lại tự do, độc lập từ tay chủ nghĩa thực dân cũ đã mang một màu sắc khác hẳn trước. Mặc dù triều đình phong kiến nhà Nguyễn đã tỏ ra quá hèn yếu trước lực lượng xâm lăng và đô hộ Pháp, nhưng với truyền thống hàng nghìn năm dựng và giữ nước, thấm nhuần tư tưởng “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”, ở Việt Nam ta dưới ách thống trị của người Pháp luôn luôn lúc âm ỉ, lúc bùng cháy những ngọn lửa khởi nghĩa. Không ít bậc chí sĩ đã không tiếc đời tiếc sức để đi tìm con đường cứu nước.

Tiếc thay, nói như một câu thơ ái quốc phổ biến thời đó, “tìm mãi mà đêm chẳng lối ra!” Các cụ đã không thể tìm ngoại lực ở những nước TBCN phương Tây vì suy cho cùng, đó cũng là một giuộc với chủ nghĩa thực dân Pháp. Các cụ cũng phải thất vọng về tư tưởng “đồng da vàng” của những nước châu á phát triển hơn ta lúc đó, vì họ, nếu có cử chỉ nào đó giúp cho phong trào ái quốc của Việt Nam, thì cũng theo đuổi trước tiên là những mục tiêu vị kỷ, dân tộc chủ nghĩa. Chỉ tới khi Cách mạng tháng 10 Nga thành công, nhiều chiến sĩ cách mạng Việt Nam mới dần dà tiếp nhận được nguồn cổ vũ lớn lao từ tư tưởng và phong trào XHCN.

Một bậc túc nho như cụ Phan Bội Châu, sau những bôn ba và cố gắng tìm kiếm sự ủng hộ của Nhật Bản, Đức… đã không thể không cảm thấy thất vọng vì các nước tư bản đó và cuối cùng tìm tới gần nguồn sáng từ cuộc cách mạng Nga: “Tôi nhận thấy phong trào hiện nay đã dần dần khuynh hướng về với cách mạng thế giới…” (Tiếc thay, như chính lời cụ nói, cụ chưa kịp thực hiện những ý tưởng của mình trong thực tế thì đã bị bọn thực dân, đế quốc bắt đưa về nước an trí nơi sông Hương, núi Ngự). Tuy nhiên, dự định thủ tiêu chính đảng tư sản kiểu cũ như Việt Nam quang phục hội đã được cụ Phan Bội Châu khởi xướng, đánh dấu bước chuyển quan trọng của cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường chủ nghĩa dân chủ kiểu cũ sang tính chất dân chủ mới ở những nhà chí sĩ lớp trước.

Các nhà cách mạng trẻ Việt Nam trong những năm 20 của thế kỷ trước đã tìm thấy ở tư tưởng XHCN một nguồn lực mới để tạo nên cuộc cách mạng vừa giành lại được độc lập tự do cho đất nước, vừa xây dựng được một xã hội khả dĩ có thể mang lại ấm no cơm áo cho mọi tầng lớp nhân dân. Tất nhiên, không phải ai cũng biết tiếp nhận những góc độ thiên thời, địa lợi, nhân hòa nhất trong kho tàng đồ sộ học thuyết Marx-Lênin để tư tưởng cách mạng vô sản hòa đồng với truyền thống dân tộc và hoàn cảnh lịch sử cụ thể thời bấy giờ.

Bác Hồ của chúng ta mới chính là người đã nhìn rõ nhất vai trò của giai cấp vô sản và chủ nghĩa Marx-Lênin trong cuộc đấu tranh cứu nước: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của CNCS và của cách mạng thế giới”. Với những chiến sĩ cách mạng Việt Nam như Nguyễn ái Quốc, cứu nước gắn với cứu dân bao giờ cũng là nhiệm vụ hàng đầu: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” và “giai cấp vô sản muốn được giải phóng trước hết phải giải phóng dân tộc”.

Quan điểm rõ ràng này đã giúp cho cách mạng vô sản Việt Nam ngay từ đầu đã mang một sắc thái giải phóng dân tộc rõ rệt và không bị lôi cuốn quá đà theo những sai lệch hoặc bốc đồng đã từng có trong phong trào cách mạng vô sản thế giới ở một số thời điểm nhất định. Từ Việt Nam cách mạng đồng chí hội tới những nhóm cộng sản đầu tiên thành lập trong thập niên thứ hai của thế kỷ XX và sự xuất hiện của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta đã có những bước tiến dài căn bản.

Những người cộng sản đã lãnh đạo dân tộc vượt qua những hy sinh để tới được mùa thu năm 1945, tận dụng thời cơ chiến thắng của Đồng minh chống phát xít, tiến hành thành công Cách mạng tháng 8. Rõ ràng là, không có những người cộng sản, không có ánh sáng của tư tưởng XHCN và CSCN, đã không có cuộc tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nhà nước độc lập dân chủ đầu tiên ở Việt Nam. Có thể nói, thắng lợi của Cách mạng tháng 8-1945 là thắng lợi của dân tộc và dân chủ theo định hướng XHCN.

Bác Hồ của chúng ta, trong khi hết lòng cổ suý cho cách mạng vô sản trên qui mô toàn thế giới, đã nhận thức rõ ràng với sự anh minh rất phương Đông và Việt Nam rằng, công cuộc giải phóng của các dân tộc bị áp bức “chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của chính bản thân mình” và “muốn người ta giúp cho thì trước mình phải tự giúp mình”. Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành trong suốt cuộc đời vì nước, vì dân của Người đã mang lại cho cuộc cách mạng dân tộc ở Việt Nam, con đường XHCN cũng như công cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam một sắc thái riêng, hữu lý và có tình, bám chắc vào cái nền tảng yêu nước, thương nòi.

Chính Bác Hồ đã vạch ra đường ngay lối thẳng cho dân tộc đi lên nhằm hướng tương lai tươi sáng. Và trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể, Người đưa ra những quyết sách mềm dẻo về chiến thuật, nhất quán về chiến lược nhằm từng bước đưa cách mạng Việt Nam đạt được mục tiêu cần thiết, giảm bớt những tổn thất, hy sinh. Người chỉ rõ, chúng ta cần làm cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới nhằm đánh đổ chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, giành độc lập cho dân tộc và ruộng đất cho nông dân, rồi tiến lên cách mạng XHCN, xây dựng CNXH và CNCS ở Việt Nam. Đối với Người, CNXH và CNCS không phải là cứu cánh (mục đích cuối cùng) tự thân, mà là hình thái xã hội duy nhất để thực hiện “ham muốn tột bậc” là “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, của vị thế quốc gia, những người cộng sản và toàn dân tộc đã càng nhận rõ hơn tinh hoa trong học thuyết Marx-Lênin và tìm ra cách áp dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước và thế giới trong từng thời điểm, tránh bớt cho dân tộc những thử thách khốc liệt không đáng có, như đã từng xảy ra ở một số quốc gia khác cũng chọn con đường phát triển XHCN. Tất nhiên, không phải mọi sự đều lúc nào cũng xuôi chèo mát mái trong những thập niên chiến tranh và cách mạng đã qua, nhưng như thực tế đã cho thấy, chính sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng XHCN với truyền thống dân tộc và không ngừng phát triển di sản lý thuyết CSCN trên cơ sở những giá trị muôn đời của triết học phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng đã giúp cho những người cộng sản ở Việt Nam lãnh đạo dân tộc và đất nước đi từ thành công này tới thành công khác, tạo nên những nguồn lực trong và ngoài vĩ đại để Việt Nam chiến thắng được những kẻ thù hùng hậu tưởng không bao giờ phải biết mùi thất bại. Nhân dân ta đã lựa chọn con đường đi theo những người Cộng sản Việt Nam bởi lẽ, như lịch sử dã qua cho thấy, đó là con đường đúng đắn duy nhất để cứu nước và giải phóng giống nòi.

CNXH đã tạo cho chúng ta một nền tảng tinh thần vị nghĩa cao cả rất truyền thống mà cũng rất mới mẻ, vì nước quên thân, vì dân phục vụ. Tinh thần cộng sản đã giúp chúng ta có được những đồng minh khá tin cậy trong các cuộc chiến tranh cách mạng vừa qua, ít ra là trong những thời điểm nhất định, vô cùng quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đã gắng vượt lên trên những tính toán tầm thường và vị kỷ để giúp chúng ta chiến đấu và chiến thắng chủ nghĩa thực dân và đế quốc. Thực tế cho thấy, chủ nghĩa Marx-Lênin chỉ phát huy được vai trò tích cực của mình khi nào và ở đâu nó được hiểu đúng và áp dụng đúng.

Với tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã đưa con thuyền cách mạng dưới ngọn cờ chủ nghĩa Marx-Lênin vượt qua được vô số thử thách với những mất mát tối ưu nhất. Đó có lẽ cũng là nguyên nhân lý giải vì sao khi tại Liên Xô cũ và các nước Đông Âu, cơ chế xã hội XHCN bị đổ vỡ, hệ tư tưởng XHCN bị tấn công, thì tại Việt Nam ta, dù gặp khó khăn và phải thay đổi để thích ứng với tình hình mới, ngọn cờ XHCN vẫn tiếp tục được giương cao trong một bầu không khí đổi mới. Học thuyết XHCN và CSCN nhập vào Việt Nam bằng chính các chiến sĩ cách mạng Việt Nam như một sự giác ngộ đúng lúc, lại mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam và thực sự đã tỏ rõ tác dụng tích cực đối với các bước đi lên của cách mạng và dân tộc.

Và chính vì thế nên không thể có gì ở bên ngoài làm thay đổi được định hướng XHCN của công cuộc đổi mới xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc của chúng ta. Chúng ta có cái lý riêng đã được kiểm nghiệm qua thực tế cách mạng của mình để chọn con đường phát triển XHCN. Có thể nói hơn thế, chính chủ nghĩa Marx-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và định hướng XHCN đã tạo nên một chỗ dựa tinh thần vững chắc, một kim chỉ nam từng được “lửa thử vàng” trong quá khứ, giúp cho chúng ta chèo lái đúng hướng con thuyền đất nước với thế và lực mới, với vận hội mới đi giữa biển cả thế giới đang biết bao hiểm họa hiện nay.

********************

 

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tu-tuong-xa-hoi-chu-nghia-la-gi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp