Tuyển tập các đề văn về bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

0
85
Rate this post

Các đề văn về bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu do sưu tầm và tổng hợp bao gồm những câu hỏi đọc hiểu và các dạng đề văn, đề liên hệ thường gặp trong các bài kiểm tra, bài thi. Các em hãy tham khảo để củng cố thêm kiến thức của mình về tác phẩm Phú sông Bạch Đằng đồng thời biết thêm nhiều dạng đề nhằm chuẩn bị thật tốt cho việc học và thi của mình nhé!

Đề 1

Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi sau:

Bạn đang xem: Tuyển tập các đề văn về bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu

Khách có kẻ:
Giương buồm giong gió chơi vơi,
Lướt bể chơi trăng mải miết.
Sớm gõ thuyền chừ Nguyên Tương,
Chiều lần thăm chừ Vũ huyệt.
Cửu Giang, Ngũ Hồ,
Tam Ngô, Bách Việt.
Nơi có người đi,
Đâu mà chẳng biết.
Đầm Vân Mộng chứa vài trăm trong dạ cũng nhiều,
Mà tráng chí bốn phương vẫn còn tha thiết.
Bèn giữa dòng chừ buông chèo,
Học Tử Trường chừ thú tiêu dao.
Qua cửa Đại Than,
Ngược bến Đông Triều,
Đến sông Bạch Đằng,
Thuyền bơi một chiều.
Bát ngát sóng kình muôn dặm,
Thướt tha đuôi trĩ một màu.

Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu.
Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu
Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô.
Buồn vì cảnh thảm, đứng lặng giờ lâu.
Thương nỗi anh hùng đâu vắng tá,
Tiếc thay dấu vết luống còn lưu.

1. Văn bản trên được trích từ tác phẩm nào? Thuộc thể loại nào? Giới thiệu vài nét vềtác  phẩm đó.

2. Nêu chủ đề của văn bản.

3. “Khách” trong cuộc dạo chơi hiện lên trong văn bản là ai? Mục đích dạo chơi của “khách” là gì?

4. “Khách” đã dạo chơi những nơi nào?

5. Cảm xúc của “khách” trước khung cảnh thiên nhiên trên sông Bạch Đằng được thể hiện như thế nào trong phần in đậm?

6. Viết một đoạn văn ngắn (10-12 câu), nêu cảm nhận của anh/ chị về niềm tự hào dân tộc của Trương Hán Siêu được thể hiện trong văn bản.

Hướng dẫn làm bài

1. Văn bản trên được trích từ tác phẩm Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu. Tác phẩm thuộc thể loại phú (phú cổ thể). Phú là thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi, dùng để tả cảnh vật, phong tục, kể sự việc, bàn chuyện đời… Một bài phú gồm có 4 đoạn: đoạn mở, đoạn giải thích, đoạn bình luận và đoạn kết.

2. Tráng chí bốn phương của nhân vật “khách”

3.

– “Khách” trong văn bản là sự phân thân của tác giả.

– Mục đích dạo chơi: để thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên, nghiên cứu cảnh trí đất nước, bồi bổ tri thức.

4. “Khách” đã dạo chơi: từ Trung Hoa đến Việt Nam:

– Những chuyến phiêu lưu trong tưởng tượng, những không gian rộng lớn như: lướt bể chơi trăng, sông hồ (Cửu Giang, Ngũ Hồ), những vùng đất nổi tiếng (Tam Ngô, Bách Việt, Vân Mộng…): thỏa chí tiêu dao, mãn nguyện khát khao tìm hiểu, bồi bổ tri thức.

– Những thắng cảnh của đất nước: cửa Đại Than, bến Đông Triều, sông Bạch Đằng: trở về cội nguồn lịch sử.

5.

– Có khi tráng chí cất cánh cùng thiên nhiên để vui trước cảnh sông nước hùng vĩ, thơ mộng.

– Có khi lòng “khách” lắng vào cảnh vật ảm đạm, hắt hiu để buồn, nuối tiếc trước chiến trường oanh liệt một thời, nay trơ trọi, hoang vu.

6.

– Hình thức: 1 đoạn (10 – 12 câu)

– Nội dung:

+ Tự hào về vẻ đẹp của thiên nhiên

+ Tự hào về dòng sông đã từng ghi bao chiến tích.

>> Xem thêm: Phân tích bài Bạch đằng giang phú

Đề 2

Từ bài Phú sông Bạch Đằng, hãy liên hệ và trình bày suy nghĩ của em về vai trò vị trí của con người trong thời chiến, thời bình và trong cuộc sống hôm nay?

Hướng dẫn làm bài

Bạch Đằng giang phú đã “khắc họa một cảnh trí mĩ lệ của Tổ Quốc với cả hình bóng chiến công oanh liệt của quân dân ta thời trước”, là “một bài phú mẫu mực chẳng những thể hiện đậm nét hào khí Đông A của văn học đời Trần mà còn có giá trị to lớn trong lịch sử văn học nước nhà”.

Theo binh pháp cổ, muốn thắng lợi trong chiến tranh cần phải có ba nhân tố cơ bản: thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nghĩa là được thời của trời (hợp, đúng thời cơ), được lợi thế của đất và được sự đồng lòng của người. Ở đây cũng trên những nguyên tắc chung đó nhưng các bô lão chỉ rút lại có hai nhân tố: sự trợ giúp của trời và tài năng của những người chèo lái cuộc chiến. Sự trợ giúp của trời được thể hiện ở hai điểm quan trọng: “Trời cũng chiều người” và “Trời cho nơi đất hiểm”. Thiên Thái thệ trong Kinh thư, một kinh điển quan trọng của nho gia, có câu: “Thiển căng vu dân, dân chi sở dục, thiên tắc tòng chi” (nghĩa là: Trời thương dân, điều dân muốn, trời sẽ theo). Như vậy trận đánh trên sông Bạch Đằng, nói rộng ra là cả cuộc kháng chiến chóng quân Nguyên đã được sự trợ giúp của trời, cũng có nghĩa là nó đă bao gồm được cả ba nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tuy nhiên, ở đây các bô lão còn nhấn mạnh thêm vai trò của con người, những người có tài, những nhân vật xuất chúng, đủ sức đảm đương gánh nặng mà đất nước giao phó. Đó là các bậc sánh với írVương sư họ Lã” trong hội Mạnh Tân, với “Quốc sĩ họ Hàn” trong trận Duy Thủy và đặc biệt là Đại Vương Trần Quốc Tuân, một người có tài thao lược, nhất là có tầm nhìn chiến lược đáng được muôn đời ngợi ca:

Kìa trận Bạch Đằng mà đại thắng,

Bởi đại vương coi thế giặc nhàn.

Tiếng thơm đồn mãi, bia miệng không mòn.

Trong cuộc chơi sông Bạch Đằng hôm ấy, Trương Hán Siêu đã dựng lên hai khung cảnh ờ hai thời gian khác nhau. Cảnh thứ nhất là Bạch Đằng lúc đương đại; thiên nhiên vẫn hùng tráng, vẫn dẹp như “từ có vũ trụ.” song đối với thế tình nó như đã nhuốm mùi dâu bể như đã bị lãng quên, khiến cho một tâm hồn thơ như khách phải ngậm ngùi. Bạch Đằng đương đại là một cảnh sắc đượm tính trữ tình, đậm chất thơ. Cảnh thứ hai là một Bạch Đằng trong lịch sử, nó đã được sống dậy trong sự hồi tưởng của các bô lão, rất đậm tính chất anh hùng ca. Tuy nhiên, sau khi làm sống lại quá khứ say sưa và bình luận về quá khứ những người ngày nay cũng đều phải t.rở về với thời đại và cương vị của mình. Cũng như khách kết thúc những lời kể, các bô lão bộc lộ tâm trạng, tình cảm.

Hoài cổ nhân hề vần thế.

Lâm giang lưu hể hậu nhan.

Các bản dịch xưa nay đều coi hai chữ hậu nhan có nghĩa là rầu rầu nét mặt, nên nói chung thường dịch là:

Đến (hoặc khách) bên sông chừ ủ mặt,

Nhớ người xưa chừ lệ chan.

Song hai chữ lậu nhan có nghĩa gốc là đầy mặt, diễn tả trạng thái xấu hố thẹn thùng, vậy thì đúng ra hai câu thơ trên phải được dịch là:

Đến bên sông chừ hổ mặt.

Nhớ người xưa chừ lệ chan.

Với tư cách là những người trong cuộc hoặc chứng nhân của mảnh đất lịch sử anh hùng này, các bậc bô lão thấy đau xót, hố thẹn khi nó bị bỏ rơi đến nỗi dâu tích hào kiệt trở thành hoang phế, mộ phần người bỏ mình cho sự sống còn của dân tộc đã bị lẫn lộn trong đám “cốt khô đầy gò”. Và hổ thẹn cũng có thể còn vì một lí do nữa, đó là nghĩ đến trách nhiệm kế nghiệp của mình với cha anh, những bậc anh hùng trời trước.

Cuộc chơi sông Bạch Đằng kết thúc, thực chất là sự trình bày về dòng sông lịch sử đã hoàn tất, bài phú được kết thúc bằng hai lời ca và thực sự đó là lời tổng luận của các bô lão và của khách. Nếu như các bô lão, những người dân bình thường, nhấn mạnh một lẽ đời mang tính chất quy luật, như nước sông cuồn cuộn chảy về biển cả đó là:

Những người, bất nghĩa tiêu vong,

Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.

Thì khách, một thi nhân, một con người lịch duyệt và cũng là một “phương diện quốc gia” đã bổ sung thêm vai trò của hai vị thánh quân, nhấn mạnh đến cái “đức cao” mà một vị vua phải có dể đem lại “muôn thuở thanh bình’’ cho trăm họ và cho hoàng tộc. Hơn thế nữa, trong quan niệm của khách, “đức cao” mới thực sự là điều kiện quyết định:

Tín tri: bất tại quan hà chi hiếm hề, duy tại ý đức chi mạc kình.

(Đúng là: chẳng tại non sông hiểm trở, chỉ tại đức cao không gì so sánh được).

Trong những áng thơ văn viết về trận thủy chiến Bạch Đằng, bài phú của Trương Hán Siêu là tác phẩm sớm nhất và cũng là một áng văn “không tiền khoáng hậu”. Sử dụng tính chất khoa trương của thể phú kết hợp với chất trữ tình của thơ, đặt trong kết cấu phú cổ thể có pha đối thoại và liên ngâm, tác giả đã “chuyên chở” những ý tình cửa mình một cách rất sinh động. Có lẽ cũng không có mấy tác phẩm và tính chất trữ tình và màu sắc anh hùng ca lại được hòa quyện nhuần nhuyễn và tinh tế đến như Bạch Đẳng giang phú. Quả là đúng như sự đánh giá của Bùi Văn Nguyên: Bạch Đằng giang phú đã “khắc họa một cảnh trí mĩ lệ của Tổ Quốc với cả hình bóng chiến công oanh liệt của quân dân ta thời trước”, là “một bài phú mẫu mực chẳng những thể hiện đậm nét hào khí Đông A của văn học đời Trần mà còn có giá trị to lớn trong lịch sử văn học nước nhà”.

>> Tham khảo: Phân tích nhân vật khách trong bài Phú sông Bạch Đằng

Đề 3

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

(1) Mồ thù như núi, cỏ cây tươi,
Sóng biển gầm vang, đá ngất trời.
Sự nghiệp Trùng Hưng ai dễ biết,
Nửa do sông núi, nửa do người.

(Sông Bạch Đằng, Nguyễn Sưởng)

(2) Khách cũng nối tiếp mà ca rằng:
Anh minh hai vị Thánh quân,
Sông đây rửa sạch mấy lần giáp binh.
Giặc tan muôn thủa thanh bình,
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.

(Trích Phú Sông Bạch Đằng, Trương Hán Siêu)

1/ Xác định các biện pháp tu từ và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp đó trong văn bản (1) ?

2/ Nêu nội dung chính của văn bản (2) ?

3/ So sánh điểm giống nhau và khác nhau về nội dung của văn bản (1) và (2)?

4/ Viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về vai trò của con người trong cuộc sống hôm nay.

Hướng dẫn làm bài

1/ Các biện pháp tu từ :

So sánh: mồ thù như núi

Nhân hoá: sóng gầm

Khoa trương: đá ngất trời

Liệt kê: nửa…nửa

Hiệu quả nghệ thuật: các biện pháp tu từ về từ và tu từ cú pháp đã làm tăng tính gợi hình, gợi cảm khi nhà thơ viết về dòng sông Bạch Đằng. Đó là tự hào về chiến thắng lịch sử, ca ngợi thiên nhiên hùng vĩ, đồng thời lí giải nguyên nhân thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống kẻ thù phương Bắc.

2/ Nội dung chính của văn bản (2): là lời ca của khách đáp lại lời các bô lão trong bài phú sông Bạch Đằng. Từ quy luật tự nhiên, tác giả suy ngẫm đến quy luật xã hội, khẳng định yếu tố con người là quan trọng nhất làm nên thắng lợi.

3/ So sánh điểm giống nhau và khác nhau về nội dung của văn bản (1) và (2) :

Giống nhau:

– Cùng ca ngợi chiến thắng Bạch Đằng thời Trùng Hưng.

– Cùng ca ngợi các yếu tố thiên nhiên và con người làm nên chiến thắng.

– Cùng nhấn mạnh thiên nhiên hiểm trở, hùng tráng, càng nhấn mạnh yếu tố con người.

Khác nhau:

– Trong văn bản (1): Quan hệ giữa thiên nhiên và con người là ngang nhau: nửa…nửa. không thể hiện rõ yếu tố con người;

– Trong văn bản (2): Quan hệ giữa thiên nhiên và con người là nghiêng về phía con người: Bởi đâu…cốt mình, khẳng định yếu tô’ quyết định nhất là con người anh hùng với phẩm chất đạo đức cao cả.

4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :

– Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;

– Nội dung: Cần nêu được các ý :

+ Vai trò của con người xuất phát từ câu kết bài phú sông Bạch Đằng: Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao. Tác giả đưa ra chân lí để khẳng định yếu tố làm nên mọi thắng lợi là đức cao

+ Kế thừa tư tưởng nhân văn của Trương Hán Siêu, ngày nay chúng ta tiếp tục phát huy vai trò của con người trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là phải tôn trọng con người, tạo điều kiện cho mỗi cá nhân phát huy tài năng, đạo đức, trí tuệ…

+ Bản thân rút ra bài học nhận thức và hành động trong việc rèn luyện đạo đức, tài năng.

>> Ôn lại tác phẩm qua bài soạnSoạn bài Phú sông Bạch Đằng

Đề 4

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

(…)Cái hay của bài phú ở chỗ chiến công Bạch Đằng đã không bị huyền thoại hoá. Nó có thể được cắt nghĩa rõ ràng, truy cứu được nguyên nhân. Ở đây xuất hiện ba yếu tố của binh pháp cổ: thiên thời, địa lợi, nhân hoà. “Quả là trời cho nơi hiểm trở” là địa, cái tài lớn của kẻ làm tướng (như Hưng Đạo) là được lòng dân, là nhân (tổ chức trưng cầu các tướng sĩ và bô lão nên hoà hay nên đánh ở bến Bình Than và Hội nghị Diên Hồng). Còn yếu tố thời cơ thì phải chăng việc Hưng Đạo Đại Vương “coi thế giặc nhàn” đã chuẩn bị sẵn sàng mọi con đường tiến lui đó là thiên. Trong ba yếu tố thiên, địa, nhân ấy, vai trò của chủ thể là quyết định. Cái “đức cao” của người anh hùng là được lòng dân và biết tạo ra thời thế (chứ không trông chờ vào thời thế). Câu kết của bài phú đúng là một chân lí vĩnh hằng :

Giặc tan muôn thuở thăng bình,

Bởi đâu đất hiểm cốt mình đức cao.

(Văn bản ngữ văn 10, gợi ý đọc hiểu và lời bình- Vũ Dương Quỹ)

1/ Nêu ý chính của văn bản trên?

2/ Xác định thao tác lập luận chính và phương thức biểu đạt của văn bản ?

3/ Người viết tỏ thái độ, tình cảm như thế nào khi phát hiện ra cái hay của bài phú?

4/ Qua văn bản, viết đoạn văn ngắn ( 5 đến 7 dòng) suy nghĩ về nhận định: Cái “đức cao” của người anh hùng là được lòng dân và biết tạo ra thời thế.

Hướng dẫn làm bài

1/ Ý chính của văn bản: Bài viết giúp người đọc hiểu cái hay của bài phú sông Bạch Đằng, làm rõ các yếu tố: thiên thời, đia lợi, nhân hoà, trong đó “đức cao”của con người là quan trọng nhất.

2/ Thao tác lập luận chính: giải thích. Cụ thể: giải thích biểu hiện 3 yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà trong bài phú.

Phương thức biểu đạt của văn bản: nghị luận

3/ Khi phát hiện ra cái hay của bài phú,người viết tỏ thái độ, tình cảm ca ngợi tinh thần nhân văn của tác giả Trương Hán Siêu trong việc coi trọng vai trò của con người.

4/ Đoạn văn đảm bảo các yêu cầu :

– Hình thức: đảm bảo về số câu, không được gạch đầu dòng, không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp. Hành văn trong sáng, cảm xúc chân thành ;

– Nội dung: Nhận định gồm 2 ý khi bàn về nội dung đức cao là được lòng dân và biết tạo ra thời thế. Được lòng dân chính là tinh thần lấy dân làm gốc, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Những chủ trương, chính sách đưa ra phải đúng đắn và thực hiện nghiêm túc, đến nơi đến chốn. Biết tạo ra thời thế là người sáng suốt, chủ động nắm bắt cơ hội, không trông chờ vào vận may. Từ đó, ta thấy được đạo đức có tầm quan trọng trong xã hội, nhất là đức của những người đứng đầu . Bản thân cần rèn đức, luyện tài.

Đề 5

Phân tích giá trị của nghệ thuật thể phú qua tác phẩm Phú sông Bạch Đằng

Hướng dẫn làm bài

I. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về thể phú: Là thể văn cổ của Trung Quốc được du nhập vào Việt Nam từ sớm, đến thời Trần trở nên phổ biến

– Khái quát vị trí của tác phẩm: Bạch Đằng Giang phú là đỉnh cao nghệ thuật của thể phú trong văn học trung đại Việt Nam

II. Thân bài

1.    Đặc trưng nghệ thuật của thể phú.

– Là một thể văn có vần hoặc xen lẫn văn vần và văn xuôi

– Dùng để tả cảnh vật, phong tục, kể sự việc, bàn chuyện đời.

– Bố cục gồm 4 đoạn: đoạn mở, đoạn giải thích, đoạn bình luận, đoạn kết.

– Phú cổ thể: Không nhất thiết có đối, cuối bài được kết lại bằng thơ.

2.    Sự thể hiện những giá trị nghệ thuật của thể phú qua tác phẩm “Bạch Đằng giang phú.

a.    Cấu tứ, bố cục

– Về cấu tứ: Đơn giản, chặt chẽ theo lối kể chuyện chủ – khách tiêu biểu của thể loại phú.

+ Ban đầu là lời dẫn chuyện của tác giả để dẫn dắt ta đi theo hành trình ngao du của khách và cuối cùng dừng chân tại sông Bạch Đằng, khách nói về những điều mình quan sát, suy nghĩ về con sông.

+ Tại đây khách gặp các vị bô lão, được họ kể về những chiến công hiển hách trên dòng Bạch Đằng thuở xưa.

+ Hai bền cùng trò chuyện và bình luận về những chiến công.

– Bố cục mang đặc trưng tiêu biểu của bài phú cổ thể gồm 4 phần:

+ Mở đầu: Cảm xúc của nhân vật Khách trước sông Bạch Đằng

+ Giải thích: Những chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng qua lời kể của các bô lão.

+ Bình luận: Nhận xét, đánh giá của cha ông về những chiến công

+ Kết: Suy ngẫm về sự hưng vong của đất nước.

b.    Hình thức câu văn.

– Có sự đan xen đa dạng, linh hoạt giữa lời văn của người dẫn chuyện, lời nói của Khách, lời kể của các bô lão. Khi thì luân phiên lượt lời uyển chuyển, lúc lại đan xen lời của các nhân vật.

– Sử dụng các câu văn xen lẫn văn vần và văn xuôi đa dạng, sinh động.

+ Các câu văn vần:

“Cửu Giang Ngũ Hồ, Tam Ngô, Bách Việt/Nơi có người đi đâu mà chẳng biết”

“Qua cửa Đại Than ngược bến Đông Triều/Đến sông Bạch Đằng thuyền bơi một chiều”….

+ Các câu văn xuôi: “Đây là nơi chiến địa buổi Trùng Hưng Nhị Thánh bắt Ô Mã/Cũng là bãi đất xưa thuở trước Ngô chúa phá Hoằng Tháo”….

– Sử dụng các câu văn ngắn dài khác nhau

– Sử dụng lối văn biền ngẫu, tạo nên cách nói hình tượng hóa

“Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu/Sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô”,…

– Kết thúc bài phú là một bài thơ, tiêu biểu cho đặc trưng thể phú.

c.    Ngôn ngữ.

– Ngôn ngữ tự nhiên không khoa trương sáo rỗng mà rất sống động.

+ Khách miêu tả về con sông Bạch Đằng không bằng những ngôn ngữ sáo mòn mà bằng những hình ảnh cụ thể, sống động để nói về những nét vẽ cụ thể của dòng sông: hùng vĩ, thơ mộng nhưng đìu hiu, hoang lạnh

+ Các bô lão kể về những chiên công nhưng không bị gò vào những ngôn ngữ đao to búa lớn mà vẫn thể hiện được những chiến công hào hùng, oanh liệt

– Ngôn ngữ trang trọng, gợi sự trang nghiêm

d.    Xây dựng các hình tượng nghệ thuật độc đáo.

– Hình tượng con sông Bạch Đằng vừa mang vẻ đẹp của thiên nhiên, tạo vật vừa là chứng nhân của lịch sử.

– Hình tượng “khách”: Khách trong thể phú thường mang tính ước lệ khuôn thức, cứng nhắc, nhưng qua cách xây dựng của Trương Hán Siêu, hình tượng khách hiện lên đa dạng, sinh động vừa phóng khoáng, tự do, yêu vẻ đẹp hùng vĩ thơ mộng của non sông, tiếc thương, xót xa cho cảnh hoang tàn, đổ nát, tự hào về những chiến công lịch sử, yêu thiên nhiên, yêu đất nước.

– Hình tượng các bô lão: Trọng tình, hiếu khách, yêu và tự hào sâu sắc về những chiến công của dân tộc, biết đánh giá và nhìn nhận đúng đắn về lịch sử

III. Kết bài

– Khái quát lại những giá trị nghệ thuật của thể phú qua tác phẩm Phú sông Bạch Đằng.

– Khẳng định vị trí của tác phẩm: Sau Phú sông Bạch Đằng cũng còn nhiều tác phẩm viết theo thể phú khác nhưng chưa có tác phẩm nào vượt qua được bài phú của Trương Hán Siêu.

*******

Trên đây là các đề văn về bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu theo hướng mới hay nhất mà các em có thể tham khảo để phục vụ việc học tập, ôn thi của mình. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!

Tham khảo các đề văn về bài Phú sông Bạch Đằng hay nhất mà thcs-thptlongphu sưu tầm và tổng hợp. Tuyển tập các đề liên hệ bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tuyen-tap-cac-de-van-ve-bai-phu-song-bach-dang-cua-truong-han-sieu/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp