Tuyển tập các đề văn về bài Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) có lời giải

0
83
Rate this post

Tham khảo những đề văn về bài Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành thường gặp trong đề thi và bài kiếm tra. Các đề văn về bài Rừng xà nu được tổng hợp từ các nội dung kiến thức cơ bản nhất để các em dễ ôn tập chuẩn bị kiến thức cho kỳ thi.

Tổng hợp các đề văn về bài Rừng xà nu

Câu 1:

Bạn đang xem: Tuyển tập các đề văn về bài Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành) có lời giải

Phân tích hình tượng cây xà nu, rừng xà nu trong truyện ngắn “rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, để làm rõ ý nghĩa tượng trưng cho sức sống và phẩm chất của người dân Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ.

Hướng dẫn làm bài:

Mở bài

– “Rừng xà nu” là một trong những tác phẩm tiêu biểu viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc ta. Tác phẩm được viết vào mùa hè năm 1965, khi Mỹ bắt đầu ào ạt đổ quân vào miền Nam.

– Một trong những thành công nổi bật của tác phẩm là nhà văn đã xây dựng được một hình tượng nghệ thuật mang ý nghĩa biểu trưng giàu chất lãng mạn: đó là hình tượng cây xà nu, rừng xà nu

Thân bài

1. Cây xà nu, rừng xà nu là một hình tượng nghệ thuật đặc sắc:

– Là một loại cây thanh nhã mà rắn rỏi, ham khí trời và ánh sáng: “Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luông thẳng tắp”.

– Cây xà nu bất chấp bom đạn, tồn tại vượt lên sự huỷ diệt của kẻ thù; hào hùng, hiên ngang ngay cả khi gục ngã:

+ “Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão ”.

+ “Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngục lại bị đạn đại bác chặt đứt làm đôi ”.

+ “Rừng xà nu” “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho làng”, hứng lấy hàng loạt đạn đại bác Cả rừng xà nu không cây nào không mang thương tích > đây cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho sự mất mát, đau thương, uất hận của dân làng Xô Man.

– Trong đau thương dữ dội, rừng xà nu vẫn đẹp, vẫn xanh. Bom đạn kẻ thù không ngăn nổi sức vươn lên mãnh liệt của rừng xà nu. Lớp này ngã xuống, lớp khác lại nảy mầm lên. Cạnh một cây mới ngã gục có bốn năm cây con mọc lên “chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã” đó là sự sống từng phút, từng giờ sinh sôi, vượt lên trên cái chết.

– Hình ảnh rừng xà nu không chỉ là khung cảnh thiên nhiên hoành tráng ở một buôn làng cụ thể. Nó còn là hình ảnh, là không gian nghệ thuật tượng trưng của đất rừng Tây Nguyên bất khuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nhà văn đã tạo ra một không gian sử thi đầy bi tráng của đất và người Tây Nguyên anh dũng

2. Hình tượng cây xà nu, rừng xà nu tượng trưng cho sức sống và phẩm chất của người dân Tây Nguyên:

– Hình ảnh rừng xà nu tầng tầng, lớp lớp kế tiếp nhau lớn lên dưới bom đạn kẻ thù như hình ảnh dân làng Xô Man từ thế hệ này sang thế hệ khác nối tiếp nhau đứng lên giữ gìn xứ sở và truyền thống của dân tộc mình.

– Lịch sử làng Xô Man là lịch sử của những chuỗi ngày đau thương mà anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ (anh Quyết hi sinh có Tnú, Mai đứng lên; Mai hi sinh có Dít, có bé Heng đứng lên nối tiếp )=> các thế hệ nối tiếp nhau như lớp lớp cây rừng xà nu bất khuất trước bom đạn của kẻ thù

– Cây xà nu bất chấp bom đạn cũng như con người Tây Nguyên kiên cưòng, dũng cảm, không khuất phục trước kẻ thù (Cụ Mết, Tnú, Mai, bà Nhan, anh Xút ).

– Chọn cây xà nu làm biểu tượng, tác giả đã tạo ra được sự phù hợp kì lạ giữa những phẩm chất của cây và người Tây Nguyên trong tác phẩm – Một sự chiếu ứng thật kì diệu

Kết bài:

– “Rừng xà nu” là bản anh hùng ca, ca ngợi ý chí kiên cường, sức mạnh đoàn kết và chiến thắng của những người dân Tây Nguyên yêu nước trong cuộc kháng chiến chống Mĩ Tác phẩm mang đậm tính sử thi, chất anh hùng ca và cảm hứng lãng mạn.

– Hình tượng cây xà nu, rừng xà nu là một thành công độc đáo trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Trung Thành. Bài văn tham khảo: “Rừng xà nu” là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành và của văn học thời chống Mĩ. Trong tác phẩm, với hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, một đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Khuynh hướng này đã chi phối sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn trong giai đoạn văn học này.

>> Tham khảo một số bài mẫu sau để hoàn thành đề bài này:

  • Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện Rừng xà nu
  • Dàn ý phân tích tác phẩm Rừng xà nu

Câu 2:

Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh bàn tay Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Hướng dẫn làm bài:

– Là một hình ảnh xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm:

+ Là bàn tay cầm phấn viết chữ do anh Quyết dạy cho; là bàn tay cầm đá đập vào đầu mình để tự trừng phạt khi không học được chữ; cũng là bàn tay đặt lên bụng mình mà khảng khái nói: “Cộng sản ở đây này!” ..

+ Là bàn tay đã từng áp vào má Mai mà cảm nhận những giọt nước mắt của Mai sau nhiều ngày xa cách

+ Cũng bàn tay ấy đã chịu sự trừng phạt của quân thù, khi bị quấn giẻ tẩm dầu xà nu rồi châm lửa đốt, trở thành bàn tay mà mỗi ngón chỉ còn hai đốt.

+ Đến cuối truyện, đó là bàn tay đã bóp chết tên chỉ huy đồn giặc ngay trong hầm ngầm cố thủ của nó.

– Là một hình ảnh mang nhiều ý nghĩa biểu tượng:

+ Bàn tay Tnú là một chi tiết nghệ thuật đặc biệt, qua bàn tay có thể thấy được cuộc đời, số phận và tính cách của nhân vật.

Bàn tay của Tnú cũng trải qua một cuộc hành trình như chính cuộc đời nhiều thăng trầm của anh: khi còn lành lặn à bị giặc đốt mỗi ngón một đốt; cùng anh trải qua những dấu mốc quan trọng của số phận.

Lúc còn lành lặn, Tnú đã dùng bàn tay ấy dắt Mai lên rẫy trồng tỉa khi còn bé, đã xách xà lét giấu vài lon gạo đi nuôi anh Quyết ở trong rừng, đã cầm viên phấn bằng đá trắng để học từng chữ cái, để rồi chính bàn tay ấy, cũng tự lấy đá dập vào đầu vì học mãi không vào.. Đó là bàn tay của sự dũng cảm, gan dạ, khảng khái, là bàn tay thể hiện quyết tâm đến với cách mạng. Đó cũng là bàn tay mà Mai đã run run cầm lấy trong ngày Tnú thoát ngục Kon Tum, để rồi áp lên má khóc: “ứa nước mắt khóc, không phải vì như một đứa trẻ nữa mà như một người con gái đã lớn, vừa xấu hổ vừa thương yêu…” Và rồi cũng chính bàn tay ấy, đã để tuột mất hai người quan trọng nhất đời mình, đã không thể bảo vệ được Mai và con, là bàn tay của yêu thương và sự mất mát..

Lúc bàn tay nguyên vẹn không còn nữa, mỗi ngón bị cụt mất 1 đốt, bàn tay vừa là một nỗi đau không bao giờ Tnú có thể quên, cũng là một minh chứng lịch sử hùng hồn cho dân làng Xô Man ngày ấy. Khi chấp nhận sự thực “mười ngón tay mày vẫn cụt thế à…không mọc ra được nữa à…”, cũng là lúc cụ Mết quả quyết: “Ngón tay còn hai đốt cũng bắn súng được.” Và quả thật sau này, chính bàn tay ấy đã trở thành bàn tay quả báo, bàn tay tự mình trừng trị những kẻ là nguồn gốc của mọi thương đau…

Bàn tay thể hiện được tính cách của nhân vật: sự dũng cảm, sự yêu thương, sự quật cường…(lựa chọn dẫn chứng như ở trên đã phân tích chạm đến – tùy cách triển khai và cách diễn đạt)

➜ Xây dựng nhân vật Tnú, tác giả tập trung miêu tả hình ảnh đôi bàn tay, như một “bản lý lịch” cụ thể và sống động nhất cho cuộc đời của người anh hùng làng Xô Man, cũng là cho chính vẻ đẹp phẩm chất của Tnú

>> Tham khảo bài văn mẫu: Phân tích hình ảnh đôi bàn tay Tnú trong truyện Rừng xà nu

Câu 3:

Trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, nhân vật T nú được miêu tả:

– Khi xông ra cứu vợ con: “Một tiếng hét dữ dội. T nú đã nhảy xổ vào giữa bọn lính. Anh không biết đã làm gì. Chỉ thấy thằng giặc to béo nằm ngửa ra giữa sân, thằng Dục tháo chạy vào nhà ưng. Tiếng lên đạn lách cách quanh anh. Rồi Mai ôm  đứa con chui vào ngực anh. Hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”.

(Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 2, trang 46)

– Khi bị kẻ thù tra tấn :  “T nú thét lên một tiếng. Chỉ một tiếng thôi. Nhưng tiếng thét của anh bỗng vang dội thành nhiều tiếng thét dữ dội hơn. Tiếng “ Giết !”. Tiếng chân người đạp trên sàn nhà ưng ào ào. Tiếng bọn lính kêu thất thanh. Tiếng cụ Mết ồ ồ : “Chém ! Chém hết!”. Cụ Mết đúng rồi, cụ Mết đã đứng đấy, lưỡi mác dài trong tay. Thằng Dục nằm dưới lưỡi mác của cụ Mết. Và thanh niên, tất cả thanh niên trong làng, mỗi người một cây rựa sáng loáng, những cây rựa mài bằng đá T nú mang từ đỉnh núi Ngọc Linh về…

(Sách giáo khoa Ngữ văn 12, tập 2, trang 47)

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn văn trên.

Hướng dẫn làm bài:

1.Mở bài

–  Giới thiệu về tác giả Nguyễn Trung Thành và truyện ngắn Rừng xà nu.

– Giới thiệu vấn đề

– Trích dẫn ngữ liệu

2.Thân bài

* Cảm nhận về 2 đoạn văn. Học sinh có thể làm theo nhiều cách nhưng cần đảm bảo những nội dung sau :

– Đoạn 1 :

+ Nội dung : Vợ con T nú bị bắt, bị bọn thằng Dục tra tấn dã man. T nú đã bất chấp nguy hiểm xông ra cứu mẹ con Mai. Anh đánh gục thằng giặc to béo khiến cho bọn thằng Dục khiếp sợ, tháo chạy vào nhà ưng, lên đạn lách cách bao vây. T nú bất chấp tất cả che chở cho vợ con. Mai ôm đứa con chui vào ngực anh để tìm nơi trú ngụ an toàn. T nú dang hai cánh tay rộng như hai cánh lim chắc che chở, bảo vệ vợ con trong cơn đớn đau của số phận. Đoạn văn khắc họa đậm nét hình ảnh T nú là một người chồng, người cha yêu thương gia đình hết mực.

+ Nghệ thuật : Giọng điệu mạnh mẽ, từ láy, biện pháp tu từ so sánh…

– Đoạn 2 :

+ T nú bị bắt, bị trói bằng dây rừng, kẻ thù đã dùng giẻ tẩm nhựa xà nu đốt cháy mười đầu ngón tay của anh. Trong cơn phẫn uất cùng cực, T nú đã thét lên một tiếng dữ dội, vang trời. Tiếng thét ấy đã lan tỏa thành nhiều tiếng thét dữ dội khác để cụ Mết dẫn thanh niên trong làng cùng xông ra tiêu diệt gọn mười bọn thằng Dục bằng những cây rựa sáng loáng được mài bằng đá T nú mang từ đỉnh núi Ngọc Linh về. Tiếng thét của T nú như một hiệu lệnh, ngòi nổ cho cuộc đồng khởi của cả buôn làng Tây Nguyên. Đoạn văn khắc họa T nú là một người anh hùng bất khuất, anh dũng, ngời sáng trước kẻ thù.

+ Nghệ thuật : câu văn ngắn, giọng điệu dứt khoát ; sử dụng hàng loạt những động từ mạnh (chém, giết, thét, đạp….)

* Chỉ ra điểm tương đồng và khác biệt giữa hai đoạn văn

– Tương đồng : đều miêu tả về nhân vật T nú ; đều bắt đầu bằng những âm thanh dữ dội trong hoàn cảnh ngặt nghèo ; bộc lộ sự mạnh mẽ, bản lĩnh mang đậm tính sử thi của người anh hùng.

– Khác biệt : Đoạn một T nú xông ra cứu vợ con với tư cách, trách nhiệm của người chồng, người cha, kết quả anh bị bắt. Đoạn hai là bị giặc tra tấn bạo tàn, T nú xuất hiện với tư cách một người chiến sĩ cách mạng kiên cường, bản lĩnh và được dân làng giải thoát để cùng tham gia cuộc đồng khởi đầy khí thế.

Tham khảo một số bài mẫu sau để hoàn thành đề bài này:

Phân tích hình tượng Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu

Câu 4:

Phân tích hình tượng nhân vật Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

Hướng dẫn làm bài:

+ Tổng quát:

– Giới thiệu chung về tác giả , tác phẩm.

– Vị trí, ý nghĩa hình tượng Tnú trong việc biểu hiện nội dung và nghệ thuật của tác phẩm.

+ Phân tích:

– Tình huống:

– Cuộc đời Tnú qua dòng hồi ức của cụ Mết.

+ Đánh giá:

– Vai trò, ý nghĩa hình tượng với giá trị tác phẩm.

– Đặc sắc nghệ thuật xây dựng hình tượng.

– So sánh với hình tượng các anh hùng khác trong văn học chống Mĩ để thấy được đặc điểm thi pháp của văn học chống Mĩ và nét khác biệt của hình tượng.

Tham khảo các bài mẫu sau để hoàn thành đề bài này:

  • Phân tích hình tượng Tnú trong truyện ngắn Rừng xà nu
  • So sánh nhân vật Tnú và nhân vật Việt

Câu 5:

Phân tích câu văn mở đầu: “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc.” trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Hướng dẫn làm bài:

Dẫn dắt khái quát về mặt kiến thức: Những câu văn mở đầu và những câu văn kết thúc của mỗi tác phẩm là điều chúng ta cần chú ý, bởi lẽ nó thường mang trong mình một ý đồ đặc biệt của tác giả. Phần mở thường mang tính khơi gợi và tạo nền ( không gian ) cho cả câu chuyện, còn phần kết có tác dụng khép lại, để lại những gì sâu xa lắng đọng nhất sau khi kết thúc cả một hành trình.

– Câu văn đầu tiên của truyện ngắn “Rừng xà nu” đã “đặt nền móng”, tạo nên một không gian đầy tính mở cho câu chuyện – không gian vừa có sự trỗi dậy của sự sống, vừa có mùi vị của sự hủy diệt. Câu văn cũng đã thể hiện được hoàn cảnh thực tại, khắc họa sự khốc liệt của chiến tranh thời kì chống Mỹ cứu nước.

– Phân tích về từ ngữ:

+ “Làng” – “tầm đại bác”: Có thể nói đây là hai hình ảnh gần như trái ngược nhau. “Làng” biểu trưng cho sự sống, trong khi đó “tầm đại bác” lại biểu trưng cho sự hủy diệt. Viết câu văn như thế, Nguyễn Trung Thành đã khắc họa hoàn cảnh nguy hiểm mà làng Xô Man đang phải đối mặt: sự sống đang bị kiểm soát và bị bóp nghẹt bởi ngọn súng hủy diệt của quân thù.

➜ “Làng” rõ ràng là một không gian lớn, không gian của cộng đồng; còn “tầm đại bác” chỉ là một ngọn súng, tuy nhiên trớ trêu thay khi cái không gian cộng đồng tưởng chừng rộng lớn kia, lại đang chịu sự kiểm soát của sự hủy diệt mang hình hài bé nhỏ hơn nó rất nhiều.

+ Nguyễn Trung Thành đặt “làng” làm chủ ngữ, là chủ thể của hành động. Đây là một dụng ý quan trọng của người viết, bởi lẽ thực tại cho thấy “làng” đang trong thế bị động, nhưng tác giả lại muốn ta thấy rằng “làng” đang vô cùng chủ động dẫu trong tình thế bị kiểm soát ấy.

➜ Ngay từ câu mở đầu, Nguyễn Trung Thành đã bắt đầu thể hiện niềm tin vào sự trỗi dậy chính sự sống đang tiềm tàng mãnh liệt trong mỗi người dân Xô Man, trong mỗi cá thể của ngôi làng đang “ở trong tầm đại bác của đồn giặc”.

– Câu văn đã phần nào thể hiện được nội dung chủ đạo của tác phẩm cùng ngòi bút đậm tính sử thi và chủ động trong cách trần thuật của nhà văn.

>> Xem thêm: Phân tích tác phẩm Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành

Câu 6:

Tại sao người ra đón Tnú khi trở về thăm làng lại là thằng bé Heng mà không phải một nhân vật nào khác?
Trả lời:

Hướng dẫn làm bài:

– Trích dẫn chi tiết: “Ba năm đi lực lượng bữa nay Tnú mới có dịp ghé về thăm làng. Thằng bé Heng gặp ở con nước lớn dẫn anh về. Ngày anh ra đi nó mới đứng đến ngang bụng anh, chưa biết mang củi, chỉ mới đeo cái xà lét nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy…”

– Ngoài nhân vật Heng, Nguyễn Trung Thành cũng có nhiều sự lựa chọn khác cho vai trò “dẫn đường” đặc biệt này, như cụ Mết hay chị Dít. Tuy nhiên cách lựa chọn mỗi nhân vật đều thể hiện dụng ý riêng.

+ Nếu lựa chọn cụ Mết hoặc chị Dít – những người đã cùng Tnú tạo nên huyền thoại năm nào, những con người xuất hiện trong lịch sử và là một phần của những trang sử cũ, có lẽ câu chuyện sẽ đơn thuần chỉ là chuyến “hành hương” thăm lại làng cũ và những kí ức xưa, có lẽ huyền thoại ấy vẫn sẽ mãi chỉ là những điều đã qua và chỉ thuộc về những con người đó. Hay nói cách khác, như một vòng tuần hoàn lặp lại, người dẫn đường “cũ” sẽ khiến câu chuyện trở thành một vòng tròn khép kín mà thôi.

+ Lựa chọn thằng bé Heng, tức là Nguyễn Trung Thành lựa chọn một thế hệ mới, thế hệ trẻ – những người đã tiếp nhận câu chuyện xưa, và sẽ tiếp nối huyền thoại mà người xưa đã tạo dựng. Heng không chỉ là người dẫn đường “mới”, là người hứa hẹn sẽ viết tiếp những trang sử hôm nay, mà còn mang trong mình phảng phất hình ảnh của người anh hùng Tnú năm nào.

➜ Để Heng dẫn đường Tnú, dường như Nguyễn Trung Thành muốn khắc họa hình ảnh của hai thế hệ bên nhau, qua đó khẳng định sự trưởng thành và đầy trải nghiệm của người đi trước, cũng như sự phát triển vượt trội đầy hứa hẹn của thế hệ tiếp sau. Điều tuyệt vời nhất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, có lẽ không chỉ nằm ở vẻ đẹp và sức mạnh của nó, mà quan trọng hơn, là sự tiếp nối – là sợi dây gắn kết bền chặt mọi thế hệ con người.

– Khắc họa hình ảnh Heng:

+ “Ngày anh ra đi nó mới đứng đến ngang bụng anh, chưa biết mang củi, chỉ mới đeo cái xà lét nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy. Bây giờ nó mang một khẩu súng trường Mát, dẫn anh đi. Vẫn là con đường cũ, qua cái nà bắp đã trồng sắn và cây pom chu vắt lên hai cái dốc đứng sững đã được cắt ra từng bực, chui qua một rừng lách rậm ngày mưa thì vô số vắt lá, rồi đến cái làng nhỏ của anh. Nhưng nếu không có người dẫn, chắc chắn Tnú không dám đi một mình….”

➜ Nếu như cụ Mết được Nguyễn Trung Thành khắc họa là “Ông cụ vẫn quắc thước như xưa…”, Dít hiện lên trong ánh mắt Tnú giống Mai lạ lùng – nghĩa là những con người ấy đều không quá khác biệt, đều mang trong mình dáng dấp của lịch sử, dấu ấn của thời cũ; thì thằng bé Heng lại được khắc họa thông qua những sự thay đổi về ngoại hình và tính cách rất rõ. Heng giờ không chỉ cao lớn hơn, mà còn quả quyết hơn, mạnh mẽ hơn. Hình ảnh Heng cho ta thấy sự chuyển động của cuộc sống, của những thế hệ mới tại ngôi làng Xô Man huyền thoại.

+ “Thằng bé Heng lớn lên cũng ít nói như những người dân làng Xô Man này. Nó đội một cái mũ sụp xin được của anh Giải phóng quân nào đó, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự.”

➜ Thay đổi, không có nghĩa là họ sẽ đi con đường khác. Bởi lẽ thằng bé Heng thật sự mang hình ảnh của Tnú năm nào, và biết đâu trong tương lai, chính nó sẽ trở thành một huyền thoại mới, huyền thoại mang trong mình vẻ đẹp của cộng đồng và có số phận trùng khít với số phận của cộng đồng. Như vậy, thay đổi, là để tiếp nối.

Hình ảnh đó minh chứng cho việc, những con người ấy không hề ngủ quên trong chiến thắng, không hề đắm say trong huyền thoại mà quên mất mình phải làm gì. Heng, và những người dân làng Xô Man khác, đều đang tích cực chuẩn bị để tự mình tiếp tục tạo nên huyền thoại mới.

>> Xem thêm: Phân tích phẩm chất anh hùng của các nhân vật trong Rừng xà nu

Trên đây là các đề văn về bài Rừng xà nu của tác giả Nguyễn Trung Thành. Hi vọng đã giúp các em thí sinh khái quát được một số khía cạnh của tác phẩm này tốt hơn.

Tuyển tập các đề văn về bài Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành), thcs-thptlongphu tổng hợp các câu hỏi và đề văn kèm bài văn mẫu, đáp án xoay quanh truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tuyen-tap-cac-de-van-ve-bai-rung-xa-nu-nguyen-trung-thanh-co-loi-giai/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp