Tuyển chọn những bài văn mẫu 12 phân tích vai trò của nhân vật vợ Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân giúp em tham khảo, mở rộng vốn từ ngữ, cách hành văn khi làm bài.
Đề bài: Phân tích vai trò của nhân vật vợ Tràng trong truyện “Vợ nhặt
” của Kim Lân.
Gợi ý làm bài
Một số vai trò của nhân vật vợ Tràng trong truyện Vợ Nhặt có thể kể đến như:
– Là nhân tố khiến cho cuộc sống đói nghèo, tối tăm của mẹ con Tràng trở nên sáng sủa hơn, tràn đầy niềm tin và hi vọng.
– Là một nhân chứng tố cáo, lên án tội ác tày trời của Nhật – Pháp gây ra nạn đói năm 1945 làm hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
– Là nạn nhân của chế độ xã hội, tố cáo bọn thực dân, phát xít, phong kiến chèn ép và đàn áp nhân dân ta đủ đường khiến nhân dân lâm vào cảnh lầm than.
Bạn đang xem: Vai trò của nhân vật vợ Tràng trong Vợ nhặt
– Là hình ảnh chung của người phụ nữ lúc bấy giờ : không gia đình, tên tuổi, quê hương, bị cái đói làm thay đổi nhân hình, nhân tính.
– Cùng với các nhân vật khác (Tràng, bà cụ Tứ) góp phần thể hiện tư tưởng của tác phẩm: Trong đói khổ, cái chết cận kề nhưng nhân dân ta vẫn luôn mong được sống, vẫn khát khao sống, và mong có hạnh phúc.
>>> Tham khảo thêm: Phân tích giá trị hiện thực và nhân đạo trong Vợ nhặt
Một số bài văn hay phân tích vai trò của nhân vật vợ Tràng (người vợ nhặt)
Phân tích vai trò của nhân vật vợ Tràng bài số 1:
Nhân vật “Thị” là một thành công đặc sắc của Kim Lân trong nghệ thuật phân tích tâm trạng người phụ nữ cùng khổ trong nạn đói năm Ất Dậu, 1945. Nhân vật vợ Tràng được miêu tả bằng những nét ám ảnh, xót thương, có vai trò tô đậm tư tưởng nhân đạo của tác phẩm.
Trận đói đang diễn ra vô cùng khủng khiếp. Người chết đói như ngả rạ. Quạ bay vù lên như những đám mây đen trên nền trời. Đoàn người chạy đói từ những vùng Nam Định, Thái Bình đội chiếu lũ lượt như những bóng ma xanh xám, nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Mùi gây của xác người. Thị cũng chạy đói “ngồi vêu ra” cùng mấy chị con gái nơi cửa nhà kho. Không họ tên, không rõ quê quán, tuổi tác. Chắc cha mẹ, anh chị em đã chết đói cả rồi ? Cái đói đã cướp đi của tất cả. Lần đầu nghe Tràng hò “muốn ơn cơm trắng mấy giò…”, thị bị mấy cô bạn “đẩy vai”. Thị “cười như nắc nẻ” cong cớn nói với Tràng: “Này nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy? Thị “liếc mắt cười tít” làm cho anh cu Tràng “thích lắm”. Lần sau, gặp lại Tràng thì đã thay đổi hẳn. Áo quần rách tả tơi như tổ đỉa. Thị gầy sọp đi. Khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Dưới chân thị là vực thẳm, là chết đói! “sưng sỉa” trách Tràng là “điêu”, “leo lẻo cúi mồm hẹn xuống thế mà mất mặt”. Thấy Tràng vỗ vào cái túi khoe “rích bố cu”, hai con mắt “trũng hoáy” của thị tức thì sáng lên. Thị “đon đả” với anh cu Tràng: “Ăn thật nhá!”. Thị đã ăn liền một chặp bốn bát bánh đúc rồi thở, khen: “Hà. ngon!”. Cũng biết đùa, biết trêu giai như phần đông các cô gái khác, thị nói với Tràng rất lẳng lơ: “Về chị ấy thấy hụt tiền bỏ bố!”. Chỉ một câu nói tầm phào của Tràng “làm đếch gì có vợ…”, thế là thị theo về ngay, “thị về thật”. Khi đứng trong cái nhà “vắng teo… rúm ró” của mẹ con Tràng, thị đảo mắt nhìn xung quanh, thất vọng “cái ngực gầy lép nhô hẳn lên, nén một tiếng thở dài”.
Từ dáng điệu, cử chỉ đến cách ăn nói đối đáp, thị vừa cong cớn, vừa thô lỗ, sỗ sàng. Thị đã nhịn đói nhiều ngày. Cái đói hành hạ. Chết đói là điều cầm chắc. Thị cần được ăn để sống. Thị cần có nơi nương tựa để khỏi chết đói. Bản chất tốt đẹp của người con gái đã bị nạn đói, cái đói khủng khiếp cướp mất đi, che lấp đi. Thật đáng thương! Thị có khác gì người ăn mày nọ:
“Ăn mày là ai? Ăn mày là ta!
Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày!”
(Ca dao)
Bản chất của người con gái đói khổ không rõ họ tên này không phải là xấu. Cách kể, cách tả của Kim Lân rất đôn hậu, nhiều bao dung, thương cảm, đem đến cho ta nhiều xúc động.
Chỉ qua một ngày một đêm, sau khi đã thành vợ của Tràng, thành “nàng dâu mới” của bà cụ Tứ, ta thấy nhân vật này có những biểu hiện, những tình cảm tốt đẹp như bao người phụ nữ khác. Dù kề bên cái chết, cô gái này vẫn khao khát hạnh phúc, muốn được sống trong mái ấm gia đình, một mái ấm tình thương, có chồng con như những người đàn bà may mắn khác. Trước cái nhìn tò mò của bà con xóm chợ, thị “ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia”. Nghe bọn trẻ con gào lên: “Tràng ơi! Chông vợ hài”, thị “nhíu đôi mày lại” rồi đưa tay lên “xóc xóc lại tà áo”. Chưa gặp bà cụ Tứ, thị rất băn khoăn lo lắng “mặt bần thần”. Đứng trước mặt mẹ chồng, trông thị rất đáng thương: “cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt”. Nghe bà cụ Tứ nói: “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”, thị “vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ”. Đó là tâm trạng của một người con gái đi lấy chồng không một quả cau, một lá trầu, không cheo cưới. Tủi cho cảnh ngộ. Tủi cho duyên số. Thật đáng thương!.
Thị cũng có nhiều biểu hiện rất nữ tính “hay đáo để”. Cái “liếc mắt cười tít” lần đầu gặp Tràng. Cái phát đánh đét vào lưng Tràng với tiếng mắng yêu: “Khỉ gió”. Một lời trách nhẹ chồng: “… chuyện dai thế, đợi sốt cả ruột”. Một cái củng vào trán Tràng kèm theo câu nói yêu: “Chỉ được cái thế là nhanh. Dơ!”. Sau bao tháng ngày, chạy đói, sống vất vưởng lang thang nơi đầu đường xó chợ, cái chết đói đến dần, thị đã trở thành vợ của Tràng, dù còn nhiều thử thách lo lắng, nhưng đã có sự đổi đời. Niềm vui trong tối tân hôn thể hiện cảm động niềm khát khao hạnh phúc của một người phụ nữ trong đói khát hoạn nạn. Hạnh phúc muộn mằn nhưng đáng quý giá biết bao! Ngòi bút hóm hỉnh của Kim Lân thể hiện bao trân trọng trước niềm vui hạnh phúc và sự đổi đời của vợ chồng Tràng.
Nhân vật vợ Tràng có nhiều thay đổi tốt đẹp. Thị dậy sớm cùng mẹ chồng quét tước, thu dọn nhà cửa sạch sẽ gọn gàng, xây đắp tổ ấm hạnh phúc. Tiếng chổi quét sân của thị “kêu sàn sạt trên mặt đất” tưởng như niềm vui đang xốn xao trong lòng thị?. Thị “lẳng lặng” đi vào bếp dọn bữa ăn sáng, Tràng cảm thấy vợ mình “hiền hậu đúng mực” rất đáng yêu. Bà cụ Tứ đã có “nàng dâu mới”, Tràng đã có vợ. Nhà thêm người, thêm bát đũa, thêm nhân lực. Thị đã đem sinh khí, thông tin mới mẻ về thời cuộc cho mẹ con Tràng. Nghe tiếng trống thúc thuế, thị nói với mẹ chồng và chồng: “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người còn phá cả kho thóc của Nhật chia cho người đói nữa đấy”. Qua đó, ta cảm thấy nhân vật vợ Tràng, “nàng dâu mới” cũng là người truyền tin cách mạng.
Vai trò nhân vật vợ Tràng trong truyện “Vợ nhặt” là một nhân chứng tố cáo, lên án tội ác tày trời của Nhật – Pháp gây ra nạn đói năm 1945 làm hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói. Nạn đói do chúng gây ra khủng khiếp đã hạ thấp nhân phẩm con người, cướp đi mọi giá trị của con người biến người con gái như một thứ đồ rẻ rúng có thể “nhặt” được!
Nhân vật vợ Tràng gầy đói xác xơ, về làm dâu bà cụ Tứ phải mặc áo quần rách như tổ đỉa, bữa cơm đầu tiên ở nhà chồng là một bữa cháo cám – hình ảnh ấy, tình tiết ấy thật đáng thương. Và đó cũng là nỗi đau, nỗi nhục của nhân dân ta trong cảnh lầm than nô lệ.
Nhân vật vợ Tràng trong truyện “Vợ nhặt” đã nói lên một sự thật ở đời. Trong đói khổ hoạn nạn, kề bên cái chết, nhân dân ta vẫn khao khát được sống ấm no hạnh phúc. Những người nghèo khổ đã biết dựa vào nhau, san sẻ vật chất và tình thương cho nhau để vượt qua thử thách khắc nghiệt, vươn tới ấm no hạnh phúc và sự đổi đời với niềm tin: “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”… Cũng như bà cụ Tứ, anh cu Tràng, nhân vật vợ Tràng đã có vai trò thể hiện tư tưởng nhân đạo của tác phẩm “Vợ nhặt”.
» Xem thêm: Phân tích tình huống nhặt vợ trong truyện Vợ nhặt
Phân tích vai trò của nhân vật vợ Tràng bài số 2:
Trong tác phẩm văn học, sự xuất hiện của bất cứ nhân vật nào, dù là nhân vật phụ cũng nằm trong ý đồ sáng tạo của nhà văn. Ít nhiều, sự xuất hiện đó sẽ mang đến văn bản văn học những giá trị nhất định. Khi người vợ nhặt xuất hiện với bộ dạng thiểu não trong truyện ngắn cùng tên thì không phải Kim Lân đang gia công bêu xấu con người mà nhà văn muốn thể hiện những điều cao cả hơn thế nữa.
Từ trước đến nay, đọc Vợ nhặt, chúng ta vẫn thường bàn nhiều hơn về hai mẹ con anh cu Tràng mà gần như không chú ý lắm đến người vợ nhặt. Thực ra, từ nhân vật này, chúng ta có thể nhận diện được khá nhiều điều về nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Vai trò của nhân vật người vợ nhặt trước hết có thể được xác định từ những đóng góp trong việc biểu đạt nội dung truyện ngắn.
Nhà lí luận văn học Phan Huy Dùng từng khẳng định: “Khi nhân vật xuất hiện, cái gọi là “hiện thực cuộc sống” không còn tồn tại như một khái niệm khô khan, trừu tượng nữa mà trở nên có hình khối rõ ràng, có đủ “ba chiều” để mời gọi người đọc tưởng tượng, khám phá và suy ngẫm”. Hiện thực cuộc sống trong Vợ nhặt là gì? Với truyện ngắn này, Kim Lân đã trình bày hai mảng hiện thực, một về xã hội, một về con người. Trong văn bản truyện, không chứng kiến những cảnh chết no, chết đói như trên trang truyện Nam Cao nhưng người đọc vẫn rất thấm thía về cái đói của một thời đại qua vài nét phác họa của nhà văn. Truyện được mở đầu bằng bầu không khí u ám, nặng tử khí: “Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”, tiếng quạ ngoài bãi chợ “cứ gào lên từng hồi thê thiết”. Giữa cảnh tượng “người chết như ngả rạ”, người sống đi lại dật dờ, “xanh xám như những bóng ma”, người đàn bà tới đây sẽ trở thành chị vợ anh cu Tràng cũng có hình hài không mấy tươi tắn. Người vợ nhặt không được miêu tả với dáng vóc đậm đà, chắc nịch của những người phụ nữ lao động, càng không thể có vẻ đẹp thuần phác như chị Dậu của Ngô Tất Tố. Ngoại hình thị được phác qua bằng một vài đường nét thiếu nữ tính: “cái ngực lép nhô lên”, “áo quần tả tơi như tổ đỉa”, “thị gầy sọp”, “trên khuôn mặt lưỡi cầy xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”, “hai con mắt trũng hoáy”. Những chi tiết đó không thể khiến ta thôi nghĩ đến một cơ thể thiếu sức sống, thậm chí một bóng ma vật vờ. Tại sao một thanh niên lao động lại có hình dạng như vậy?
Nhưng những chi tiết cho thấy sự biến dạng về nhân hình của thị chỉ là sự chuẩn bị để người đọc không ngỡ ngàng trước sự biến dạng về nhân cách. Không ai có thể ngờ người đàn bà đó lại có thể hạ thấp mình vì miếng ăn đến thế. Chi tiết thị “sưng sỉa” khi Tràng thất hứa và “thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì” đã phá hủy hoàn toàn sự kiêu hãnh vốn có trong mỗi người con gái. Bất ngờ hơn, khi Tràng nói đùa “có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, thị theo về thật. Tại sao người đàn bà ấy có thể dễ dàng theo không Tràng? Thị không nghĩ gì đến danh giá của người con gái chưa chồng? “Trăm năm tính cuộc vuông tròn,…” lẽ nào thị liều lĩnh đến vậy?
Mấu chốt của mọi vấn đề là ở cái đói. Khi không giữ được hình hài con người bởi cái đói. Thị không giữ được cái e lệ, không còn ý tứ bởi cái đói. Thị liều lĩnh “trao thân gửi phận” cho người đàn ông không quen biết cũng bởi cái đói. Sự biến dạng thảm khốc về nhân hình và nhân cách người đàn bà này có nguyên nhân từ miếng ăn, từ bản năng sinh tồn. Thân phận thị vừa là nạn nhân thê thảm nhất, vừa là bản cáo trạng đanh thép nhất của một thời đại xã hội. Chỉ nhìn những nỗi khổ nhục mà thị trải qua, chúng ta có thể thấu hiểu hết bao cơ cực, nông nỗi của người lao động Việt Nam thời điểm đêm trước cuộc Cách mạng. Kim Lân không một lời chỉ trích bọn đế quốc Pháp, Nhật, nhưng sức tố cáo từ hình tượng này lại có sức mạnh hơn mọi lời buộc tội cộng lại. Giá trị hiện thực của văn bản truyện nhờ đó được biểu hiện sinh động, hấp dẫn.
Viết về thân phận rẻ rúng của con người nhưng Kim Lân không mang vào trang viết của mình giọng văn khinh ghét, coi thường. Nhà văn thấu hiểu nỗi khổ nhân vật nên ngay khi có cơ hội, ngòi bút tác giả lập tức cất tiếng ngợi ca. Kim Lân khéo léo để anh cu Tràng nhận ra vẻ đẹp thực ở người vợ tội nghiệp của mình: “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ngoài phố. Với bàn tay người vợ ấy, cuộc sống gia đình Tràng đã khác hẳn. Thị không nói đến những chuyện vui, chuyện sung sướng như bà cụ Tứ nhưng chính thị là người đã góp sức để “nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng”. Và chính thị chứ không phải ai khác là người đầu tiên trong cái gia đình nhỏ bé manh nha về tinh thần cách mạng của dân tộc: “Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy”. Không ai ngờ được ở người vợ nhặt lại có tiềm tàng những điều mới mẻ tốt đẹp như thế. Ta bắt gặp niềm tin mãnh liệt của Kim Lân vào con người, vào cuộc đời. Không nâng niu, không tin yêu, Kim Lân không thể kiên nhẫn để phát hiện những vẻ đẹp bị khuất lấp ở người đàn bà và miêu tả chúng bằng một thái độ trân trọng không chút ngạc nhiên. Tinh thần nhân đạo của nhà văn là ở đó. Giá trị nhân đạo của truyện ngắn cũng nằm ở đó.
Vai trò của nhân vật người vợ nhặt không chỉ được biểu hiện trên phương diện nội dung tư tưởng mà còn ở phương diện nghệ thuật của văn bản truyện. Kim Lân đã dụng công xây dựng tình huống nghệ thuật độc đáo. Bất cứ ai đọc truyện ngắn đều ám cảnh trước sự tình éo le trong truyện. Anh cu Tràng vừa xấu xí, nghèo túng lại là dân ngụ cư, không có khả năng lấy vợ thế mà “nhặt” được vợ một cách dễ dàng. Chỉ bốn bát bánh đúc, người đàn bà nghèo khổ chấp nhận theo không người đàn ông không từng quen biết. Nhà phê bình văn học Nguyên Đáng Mạnh đã từng viết: “Tình huống giống như thứ nước rửa ảnh, nó sẽ làm nổi hình nổi xác các nhân vật, bộc lộ các số phận, các tính cách, các tâm trạng…”. Thông qua hình tượng vợ nhặt, thân phận rẻ rúng của con người sẽ được biểu hiện một cách sinh động, cụ thể. Nói như vậy cũng có nghĩa là, phần nào đó từ nhân vật người vợ nhặt, tình huống truyện sẽ được khai triển. Đó là lẽ tất nhiên bởi không có nhân vật này, diễn biến tình huống sẽ bị ách tắc, quan trọng hơn là tính chất éo le của nó không được biểu hiện. Như vậy, trước tiên, vai trò của nhân vật được biểu hiện trong tình huống nghệ thuật của truyện.
Nhân vật vợ nhặt bước vào tác phẩm còn trở thành nhân tố tạo nên mối liên kết giữa các sự kiện trong đó. Sự xuất hiện của thị đưa câu chuyện đạt được sự thống nhất, hoàn chỉnh, chặt chẽ. Thiếu vắng hình tượng này, câu chuyện của Kim Lân sẽ kém đậm đà và chắc chắn nhưng thông điệp của tác giả sẽ không thể tới người đọc.
Đọc Vợ nhặt, độc giả chỉ có thể gọi người đàn bà đã theo Tràng về làm vợ là “chị vợ anh cu Tràng” hoặc vợ nhặt như chính tác giả đã gọi. Chị ta bần cùng đến mức cái tên cũng không có? Hay Kim Lân cố tình để chị chàng không có tên? Và nếu đó là sắp đặt nghệ thuật thì phải chăng vì nhà văn không thể lấy một cái tên để gọi cho một cơ số người như chị. Cùng với chị Dậu (Tắt đèn), Mị (Vợ chồng A Phủ) và sau này còn là những chị Đào (Mùa lạc), người vợ nhặt đã góp phần xây dựng nên bức tượng đài về người phụ nữ lao động Việt Nam. Từ hình tượng nhân vật này, chúng ta còn được chứng kiến một tấm lòng nhân đạo cao cả, một tâm hồn nghệ sĩ gắn bó sâu nặng với cuộc đời, với con người.
Phân tích vai trò của nhân vật vợ Tràng bài số 3:
Trong cuộc sống không thể thiếu đi màu xanh của niềm tin và hi vọng. Niềm tin và hi vọng ấy ta cũng có thể tìm thấy trong rất nhiều tác phẩm văn chương mà Vợ nhặt của Kim Lân là một trong số đó. Đọc tác phẩm, ta không thể không ấn tượng trước hình ảnh người “vợ nhặt”, người vợ của anh cu Tràng. Người phụ nữ ấy đóng vai trò không nhỏ trong truyện ngắn này.
Nhân vật đóng vai trò rất quan trọng trong tác phẩm tự sự. Nhân vật là chìa khóa giúp người đọc mở cánh cửa bước vào thế giới hình tượng của tác phẩm, một thế giới nghệ thuật đầy bí ẩn. Thêm vào đó nhân vật còn đóng vai trò quan trọng trong việc thể hiện tư tưởng tình cảm của nhà văn. Nhân vật ở đây vốn không phải là cái loa phát ngôn cho những tư tưởng tình cảm của tác giả mà thông qua hàng loạt biện pháp nghệ thuật, nhân vật hiện lên rất sinh động và chuyển hóa được vào tư tưởng, tình cảm của tác giả một cách tự nhiên. Vì vậy, tên tuổi những tác giả lớn thường gắn với nhân vật mà họ khắc họa thành công như Nam Cao gắn liền với Chí Phèo, lão Hạc,…gắn liền với Huấn Cao, Nguyễn Du gắn liền với Thúy Kiều…nhắc đến tên tuổi của Kim Lân và những người trong nạn đói năm 1945.
Cùng với anh cu Tràng, bà cụ Tứ, người phụ nữ “vợ nhặt” là nhân vật chính của tác phẩm Vợ nhặt. Đây là một trong những nhân vật có vai trò rất lớn trong việc giúp người đọc khám phá giá trị của tác phẩm và giúp tác giả thể hiện tư tưởng chủ đề của mình.
Nhân vật vợ Tràng trong Vợ nhặt trước tiên giúp ta khám phá được nội dung tác phẩm Vợ nhặt. Đây là một trong những nhân vật có vai trò rất lớn trong việc giúp người đọc khám phá giá trị của tác phẩm và giúp tác giả thể hiện tư tưởng chủ đề của mình.
Nhân vật vợ Tràng trong Vợ nhặt trước tiên giúp ta khám phá được nội dung tác phẩm. Nhân vật này giúp ta hiểu hơn về cuộc sống đói khổ của nhân dân ta năm 1945. Được miêu tả trong bối cảnh là nạn đói khủng khiếp của dân tộc, người phụ nữ “vợ nhặt” hiện lên khi đang “ngồi yên ở trước cửa kho thóc” chờ “nhặt hạt rơi hạt vãi” và với ngoại hình là: Thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt. Nhìn thị, ta nhận ra sự phá hoại khủng khiếp của cái đói lên con người. Ngoại hình ấy khiến cho Tràng ngạc nhiên, không nhận ra. Không chỉ phá hoại ngoại hình, cái đói còn tàn phá cả nhân phẩm con người. Chỉ gặp Tràng có một lần thị dám sầm sầm chạy đến rồi xưng xỉa nói với Tràng, đòi được ăn. Còn đâu là danh dự của một người phụ nữ khi dám ngồi xuống ăn liền bốn bát bánh đúc của một người đàn ông mới gặp có một lần. Hơn nữa, thị còn theo không Tràng về làm vợ. Một lời nói vu vơ lại trơ thành lời cầu hôn chính thức. Chưa ở tác phẩm nào, nhân cách của người phụ nữ, giá trị của người vợ lại bị hạ thấp như ở Vợ nhặt: Kim Lân đã hình thành ba định nghĩa nghiệt ngã về người vợ: Thứ nhất, vợ như thể một cọng rơm có thể nhặt được ở bất cứ nơi nào ở đầu đường xó chợ. Hai là với người dân xóm ngụ cư, vợ là cái nợ đời. Ba là với Tràng, vợ là miếng ăn. Những định nghĩa hết sức đau đớn đó cũng là nỗi đau xót của nhà văn.
Như vậy, nhân vật người vợ Tràng đã giúp ta khám phá thành công tác phẩm Vợ nhặt ở cả nội dung hiện thực và giá trị nhân đạo. Bên cạnh việc giúp người đọc khám phá tác phẩm, nhân vật còn giúp tác giả thể hiện sâu sắc chủ đề tư tưởng, tình cảm của chính mình. Kim Lân đã gửi gắm vào Vợ nhặt một niềm tin mãnh liệt vào con người, con người dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất vẫn có thể sống yêu thương và cùng nhau hướng tới tương lai. Người phụ nữ vợ nhặt đã góp phần thể hiện rõ tư tưởng này của tác phẩm. Ở người phụ nữ này, khi được sống trong tình cảm gia đình thực sự, cô đã được trả về với những nét đẹp thực sự của chính mình: dịu dàng, ngoan hiền, hiếu thảo. Câu chuyện về cướp kho thóc cô khơi dậy trong bữa ăn không chỉ tạo không khí cho gia đình, cho tác phẩm mà còn vẽ nên một tương lai tươi sáng như chính buổi ban mai khép lại tác phẩm vậy!
Nhân vật người phụ nữ “vợ nhặt” cũng thể hiện được những phát hiện sâu sắc của Kim Lân trong tâm lí nhân vật, nghệ thuật trần thuật sử dụng ngôn ngữ.
Với vai trò giúp người đọc khám phá giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, giúp tác giả thể hiện tư tưởng tình cảm của mình, nhân vật người phụ nữ vợ Tràng là một sáng tạo độc đáo của Kim Lân. Nhân vật ấy sẽ sống mãi trong lòng người đọc cùng tác phẩm Vợ Nhặt.
Xem thêm:
- Phân tích nhân vật Tràng trong Vợ nhặt
- Giá trị nhân đạo nổi bật của truyện Vợ nhặt
Như vậy là đã giới thiệu đến các em tham khảo 3 trong số những bài văn hay phân tích vai trò của nhân vật vợ Tràng trong truyện Vợ Nhặt do các em học sinh khá giỏi thực hiện. Với việc tham khảo những bài văn này, hi vọng các em sẽ mở rộng thêm vốn từ, cách trình bày cũng như học hỏi thêm được những kĩ năng hữu ích khi làm bài. Chúc các em học tốt môn Văn !
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp