Văn hóa nhà trường là gì?

0
168
Rate this post

Văn hóa nhà trường là một nội dung quan trọng của quản lý và lãnh đạo nhà trường. Trong bài viết dưới đây THPT Thành Phố Sóc Trăng sẽ cũng cấp cho bạn những thông tin cần thiết về văn hóa nhà trường.

Văn hóa nhà trường là gì?

Xây dựng văn hóa nhà trường theo chuẩn nghề nghiệp | giaoduc.edu.vn

Văn hoá nhà trường (VHNT) là hệ thống niềm tin, giá trị, chuẩn mực, thói quen và truyền thống hình thành trong quá trình xây dựng và phát triển của nhà trường, được các thành viên trong nhà trường thừa nhận, làm theo và được thể hiện trong các hình thái vật chất và tinh thần, từ đó tạo nên bản sắc, đặc trưng riêng cho mỗi nhà trường.

VHNT có tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của nhà trường, VHNT quyết định đến việc các thành viên trong nhà trường cùng tập trung vào mục tiêu chung, cam kết và nỗ lực cho mục tiêu đó. VHNT giúp các thành viên xác định và xây dựng cam kết cho mỗi cá nhân và của nhà trường đối với các giá trị cốt lõi. Một nhà trường có nền văn hóa tích cực sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện hiệu quả làm việc, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Vai trò của văn hóa nhà trường:

Tổ chức dạy học hiệu quả gắn với đảm bảo an toàn trong nhà trường | Giáo dục | Vietnam+ (VietnamPlus)

Văn hóa nhà trường có thể tác động tích cực hoặc cản trở đến sự vận hành của nhà trường. Khi nhà trường có văn hóa tích cực mang tính chuyên môn cao thì ở đó sẽ có sự phát triển đội ngũ, phương pháp dạy – học có sự đổi mới, cải cách chương trình thành công và sử dụng số liệu về người học một cách có hiệu quả. Ở những nhà trường như vậy, người dạy và người học đều phát triển, khẳng định được uy tín của nhà trường đối với xã hội.

Văn hóa nhà trường tạo động lực làm việc. Động lực sư phạm được hình thành bởi nhiều thành tố, trong đó văn hóa là một động lực vô hình có sức mạnh tiềm tàng và nổi trội hơn các biện pháp khác. VHNT giúp các thành viên nhận thức rõ mục tiêu, định hướng và mục đích công việc mình làm. VHNT phù hợp, tiến bộ sẽ tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong tập thể sư phạm, giữa người dạy và người học; hình thành môi trường làm việc dân chủ, lành mạnh. Đây là nền tảng tinh thần cho sự sáng tạo, điều vô cùng quan trọng đối với hoạt động sư phạm mà đối tượng là tri thức và con người.

Văn hóa nhà trường với chất lượng đào tạo và thương hiệu nhà trường. VHNT ảnh hưởng nhiều chiều tới chất lượng và hiệu quả của quá trình giảng dạy trong nhà trường theo hướng phát triển con người toàn diện. Nó tác động trực tiếp đến cách suy nghĩ, cảm nhận và hành động của mỗi thành viên trong nhà trường, do đó có thể nâng cao hoặc cản trở động cơ, kết quả dạy- học. VHNT có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với xây dựng thương hiệu nhà trường, bởi lẽ, tính văn hóa là một tính chất đặc thù của nhà trường, hơn bất kỳ một tổ chức nào.

Văn hóa nhà trường tích cực giúp cho người dạy, người học có cảm giác tự hào, hãnh diện vì được là thành viên của tổ chức nhà trường, được làm việc vì những mục tiêu cao cả của nhà trường. Đồng thời hỗ trợ, điều phối và kiểm soát hành vi của các cá nhân bằng các chuẩn mực, thủ tục, quy trình, quy tắc và bằng dư luận, truyền thống do những thế hệ trong nhà trường xây dựng lên. Khi nhà trường phải đối mặt với vấn đề phức tạp, chính VHNT là điểm tựa tinh thần, giúp các nhà quản lý và đội ngũ giảng viên hợp tác, phát huy trí lực để có quyết định và sự lựa chọn đúng đắn.

Văn hóa nhà trường giúp các thành viên trong nhà trường thống nhất về cách nhận thức vấn đề, cách đánh giá, lựa chọn, định hướng và hành động Nó tựa như chất keo gắn kết các thành viên lại thành một khối, tạo ra những dư luận tích cực, hạn chế những biểu hiện tiêu cực trái với quy tắc, chuẩn mực thông thường của nhà trường. Nó hạn chế những nguy cơ, mâu thuẫn và xung đột và khi xung đột là không thể tránh khỏi thì VHNT tạo ra hành lang đạo lý phù hợp để góp phần khắc phục, giải quyết xung đột trên nguyên tắc không để phá vỡ tính chỉnh thể của tổ chức nhà trường.

Các tiêu chí cơ bản của việc xây dựng văn hóa nhà trường:

Quy định về các khoản chi phí được thu trong nhà trường

Trường học có tình yêu thương: là nơi mà thày cô, phụ huynh và học sinh đều cảm thấy hạnh phúc. Đó là nơi mà các thày cô tìm được niềm đam mê, nhiệt huyết giảng dạy của mình và tích cực đưa ra các phương pháp dạy học chủ động, sáng tạo, luôn hỗ trợ, giúp đỡ học sinh trong quá trình học tập, thiết lập được mối quan hệ thân thiết, gắn bó và chia sẻ với học sinh. Trường học có tình yêu thương và hạnh phúc là nơi học sinh có hứng thú với những giờ học, hứng thú với thời gian học tập, sinh học tại trường. Không có áp lực, căng thẳng, mệt mỏi, được thỏa sức vui đùa, hòa đồng với bạn bè.

Trường học an toàn: là nơi không có bạo lực học đường, không có những vụ đánh nhau, xô xát, bắt nạt giữa học sinh, không có những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Ở đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh được đảm bảo sức khỏe thể chất và tâm lý.

Trường học có sự tôn trọng: ở đó không có những hành vi, lời lẽ vi phạm đạo đức xã hội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự của nhà giáo. Đặc biệt, đó là nơi phải biết tôn trọng sự khác biệt, không áp đặt quan điểm cá nhân lên cái chung của tập thể. Trong ngôi trường đó, mọi thành viên đều có cơ hội để phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, không có ai bị bỏ lại phía sau, tất cả cùng thay đổi và tiến bộ.

Xây dựng văn hóa nhà trường gồm những nội dung sau:

Học sinh nhiều địa phương đồng loạt trở lại trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới

Một là, xây dựng bầu không khí dân chủ, lành mạnh trong nhà trường: Xây dựng bầu không khí trong nhà trường bao gồm các hoạt động xây dựng và cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa các thành viên trong nhà trường. Quan tâm xây dựng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên trong nhà trường. Đảm bảo sự an toàn trong quá trình giảng dạy và học tập tại nhà trường. Bầu không khí lành mạnh, dân chủ là môi trường chứa đựng nhiều điều tốt đẹp và những chuẩn mực để nhà trường luôn luôn cải tiến, vươn tới. Đó không chỉ là môi trường có không gian xanh – sạch – đẹp – tiện nghi,… mà ở đó còn chứa đựng không khí cởi mở, dân chủ, hợp tác, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong nhà trường.

    Hai là, xây dựng văn hóa quản lý chuyên nghiệp và chuẩn mực trong nhà trường: Xây dựng văn hóa quản lý trong nhà trường chính là phát triển các nội dung quản lý của người quản lý hay lãnh đạo trong nhà trường. Nội dung quản lý nhà trường bao gồm các nội dung về xây dựng chiến lược, sứ mạng, tầm nhìn, quản lý hoạt động chuyên môn, quản lý hoạt động truyền thông, quản lý các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của nhà trường, quản lý môi trường sư phạm, cảnh quan nhà trường… Đó là những giá trị tích cực trong phong cách, năng lực và hiệu quả quản lý.

    Ba là, xây dựng văn hóa giảng dạy tích cực của giáo viên trong nhà trường: Nội dung trong xây dựng văn hóa giảng dạy của giáo viên bao gồm phát triển về phẩm chất, đạo đức; năng lực giảng dạy và giáo dục; năng lực nghiên cứu khoa học; khả năng đổi mới và sáng tạo của giáo viên. Để xây dựng văn hóa giảng dạy tích cực giáo viên phải thi đua dạy tốt, có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực cho giáo viên, đặc biệt hướng vào đổi mới phương pháp dạy học để phát triển năng lực cho người học.

    Bốn là, xây dựng văn hóa học tập tích cực, chủ động và sáng tạo của người học: Xây dựng văn hóa học tập chính là phát triển những nội dung trong hoạt động học tập và rèn luyện của học sinh. Người học là chủ thể năng động của quá trình dạy học, là trung tâm của hoạt động dạy học. Để xây dựng văn hóa học tập sáng tạo, tích cực, chủ động, phát huy phẩm chất và năng lực của người học, người giáo viên phải xây dựng các bài giảng phát huy được tính sáng tạo, khả năng hợp tác của người học. Giáo dục cho người học động cơ học tập đúng đắn; học nghiêm túc, có nề nếp và có kỷ luật; học tích cực, chủ động; học nghiên cứu, sáng tạo; học thân thiện, hợp tác.

    Năm là, xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh và chuẩn mực trong nhà trường: VHNT một phần được đánh giá qua mối quan hệ ứng xử của các thành viên trong nhà trường và môi trường sư phạm của nhà trường. Những mối quan hệ đó tạo nên văn hóa ứng xử trong nhà trường. Xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường là duy trì những yếu tố tích cực trong các mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường. Nhà trường là nơi hình thành nhiều mối quan hệ  đan chéo như: nhà quản lý – cán bộ và giáo viên, thầy – thầy, thầy – trò, trò – thầy, trò – trò… Để những mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp, nhà trường cần phải xây dựng bầu không khí dân chủ: cởi mở, hợp tác, cùng chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau.

    Sáu là, xây dựng cảnh quan và môi trường sư phạm hiện đại và an toàn trong nhà trường: Xây dựng một môi trường nhà trường đầy đủ về cơ sở vật chất, tiện nghi và an toàn tạo nên một cảnh quan nhà trường kiểu mẫu. Nhà trường cần tiến hành xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn theo quy định, một môi trường cảnh quan an toàn, sạch đẹp. Đồng thời, làm cho nhà trường trở thành môi trường giáo dục tốt, thân thiện, qua đó người dạy, người học gắn bó yêu thương nhau hơn, yêu mến trường hơn, trên cơ sở đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên trong nhà trường trong việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên.

    Bảy là, xây dựng các giá trị văn hóa cốt lõi trong của nhà trường: Giá trị là điều mà nhà trường cam kết thực hiện cho các bên có liên quan, các nguyên tắc chỉ đạo hành vi của các thành viên trong nhà trường. Giá trị chính là các nguyên tắc và niềm tin cơ bản và lâu dài, để định hướng làm việc, hành vi, các quan hệ và ra quyết định. Đó là cái mà nhà trường cố gắng theo đuổi, thậm chí ngay cả khi môi trường bên ngoài thay đổi. Xây dựng các giá trị văn hóa trong nhà trường chính là việc xác định hệ thống giá trị văn hóa của nhà trường, xem đâu là giá trị văn hóa đặc trưng, cốt lõi để xây dựng và phát triển trở thành hệ giá trị xuyên suốt của nhà trường. Giá trị cốt lõi của một nhà trường tạo ra bản sắc riêng của nhà trường

Video về văn hóa nhà trường

Kết luận

Như vậy, việc xây dựng văn hóa nhà trường là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nó đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp quản lý và đặc biệt là sự chủ động, quyết tâm và cầu thị của các Trường. Cảm ơn bạn đã theo dõi!

 

 

 

 

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/van-hoa-nha-truong-la-gi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp