Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

0
78
Rate this post

Đề bài: Anh/chị hãy phân tích để thấy được vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

ve dep cua ngon ngu nghe thuat qua doan trao duyen

Bài văn mẫu Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

Bạn đang xem: Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

 

Bài văn mẫu Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên

Đại thi hào Nguyễn Du, một tượng đài, một vầng tinh tú trọng lịch sử văn học Việt Nam, người đã để lại cho kho tàng văn chương nước nhà tuyệt tác “Truyện Kiều”. Tác phẩm không chỉ là tinh hoa của thể loại thơ Nôm mà còn là kết tinh của ngôn ngữ nghệ thuật sáng tạo, khéo léo, uyển chuyển. Đoạn trích “Trao duyên” trích trong ” Truyện Kiều” đã được tác giả vận dụng khả năng sử dụng ngôn từ linh hoạt, tinh tế, thể hiện tài năng trời phú, xứng đáng là chuẩn mực ngôn từ trong nền văn chương nhân loại.

Ngôn ngữ được sử dụng trong một tác phẩm văn học luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu, quyết định chỗ đứng của tác phẩm ấy trong bản đồ văn học. Ngay từ khi chắp bút, người nghệ sĩ cần cẩn trọng lựa chọn phong cách ngôn ngữ, đảm bảo cả về mặt nội dung và hình thức, vừa tuân theo những chuẩn mực nghệ thuật, vừa cần có cái tôi cá nhân.Ngôn từ là kênh giao tiếp duy nhất giữa tác giả và độc giả,vì vậy, thơ văn chính là sản phẩm tinh lọc từ cuộc sống đời thường, dưới con mắt và tâm hồn duy mĩ. Một tác phẩm thơ hay không chỉ là vần điệu, mà ngôn từ còn phải sắc sảo, ngắn gọn nhưng đủ ý, câu thơ ngắn nhưng ý tử phải khơi gợi, tạo ra cái nhìn đa chiều cho độc giả. Ngôn ngữ nghệ thuật là ngôn ngữ văn chương, ngôn từ văn học đòi hỏi phải có tính gợi, được sắp xếp và lựa chọn cẩn thận nhằm truyền tải nội dung, tư tưởng của người viết.

Trong đoạn trích Trao duyên, ngôn ngữ nghệ thuật được thể hiện ở ba khía cạnh: tính thông tin, đảm bảo nội dung, diễn biến sự kiện, tính hình tượng gợi tả, gợi cảm chân thực và tính cá thể hóa, bộc lộ được tâm tư, tình cảm cụ thể của nhân vật. Ba yếu tố đó được Nguyễn Du chắp bút hài hòa, điều độ, cân bằng, tạo nên một tổng thể cân đối nhưng không kém phần đặc sắc, mới mẻ.

Ngôn ngữ nghệ thuật trong “Trao duyên” thể hiện chức năng thông tin. Qua đoạn trích, người đọc có thể nắm bắt được hoàn cảnh của nhân vật Thúy Kiều, gia đình gặp biến cố, Kiều buộc phải bán mình chuộc cha, phải xa rời người thân và người yêu đã thề non hẹn biển. Rơi vào đường cùng, chẳng còn cách nào khác, nàng phải nhờ cậy vào người em gái Thúy Vân mong em hoàn thành mối duyên với Kim Trọng giúp mình. Mở đầu đoạn trích, người đọc nhận thấy sự xuất hiện của những từ “cậy”, “chịu”, “lạy”, “thưa” đều là những từ nhún nhường, nhờ vả. Tuy là chị gái, lớn tuổi hơn em, nhưng Thúy Kiều vẫn cung kính, van lơn mong em chấp nhận lời nhờ cậy của mình. Vài động từ vỏn vẹn đã mở ra hình dung về một số phận thấp kém, đáng thương, chỉ có thể phụ thuộc vào người khác. Cái cốt ở đây Nguyễn Du muốn làm rõ là tính thương tâm của số phận nàng Kiều, người con gái liễu yếu đào tơ tại sao lại có cuộc đời khốn khổ đến như vậy, phải lạy nhờ em gái mình. Tác giả không trực tiếp cung cấp thông tin về những diễn biến sự việc, mà qua lời nhân vật để thể hiện sự việc “trao duyên”. Tình cảm nhân đạo cũng được lồng ghép, thấm đẫm trong từng câu chữ, gửi gắm nỗi thương cảm và sẻ chia đối với số phận bất hạnh của người phụ nữ tài sắc vẹn toàn.

Vẻ đẹp ngôn ngữ nghệ thuật của đoạn trích được thể hiện ở tính hình tượng, khả năng gợi tả hình ảnh khiến cho nhân vật và sự việc như bước ra ngoài đời thật, mang lại cho độc giả cảm giác gần gũi, chân thực và đồng cảm. Tác giả khắc họa những cử chỉ, hành động của Thúy kiều để làm nổi bật lên suy nghĩ của nàng. Từ “cậy em” đặt ở đầu đoạn trích gợi ra một tình huống bắt buộc, không còn cách nào có thể giải quyết. Xét theo vai vế, Thúy Kiều là chị của Thúy Vân, nhưng vì thân phận đang đi nhờ vả em gái nên nàng chấp nhận “lạy”, “thưa” em mình. Nỗi lòng đắng cay của người con gái buộc phải bán mình chuộc cha, hi sinh cả hạnh phúc của bản thân để đổi lấy sự ấm êm của gia đình. Kiều van xin, lạy lục em, đồng thời khiến cho Thúy Vân cảm thấy phải có trách nhiệm thực hiện lời nhờ vả của chị vì chị đã bán thân chuộc cha, nay nàng chỉ có thể san sẻ với chị bằng cách hoàn thành trọn vẹn lời ước thề của chị với KIm Trọng. Chỉ với từ “cậy” thôi, tác giả cũng có thể gợi ra nhiều đặc điểm về nhân vật Kiều, một cô gái mỏng manh yếu đuối nhưng bất hạnh, phải đi trong nhờ vào người khác, hằng mong họ hãy tiếp tục giữ trọn lời hứa với người yêu của nàng.

Tác giả sử dụng những điển cố, điển tích điển hình để thể hiện nỗi đau đớn, xót xa của Thúy Kiều.””Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề”, “trâm gãy bình tan”, “ngậm cười chín suối”, “Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai”. Hàng loạt những hình ảnh gợi tả được tác giả đề cập đến nhằm làm nổi bật nỗi thống cổ trong hoàn cảnh éo le của nàng Kiều. Điển tích “quạt ước”, “chén thề”, những điển tích gợi sự kết duyên đôi lứa. Quạt ước là vật làm tin Thúy Kiều trao cho Kim Trọng, “chén thề” là chén rượu giao duyên, hai người vòng tay nhau cùng uống chén rượu lứa đôi thề nguyện bên nhau trọn đời. Tình cảm lứa đôi mơn mởn, tươi đẹp là thế, nhưng hạnh phúc chẳng tày gang. Giờ đây, Thúy Kiều sắp phải lìa xa người mình yêu, chẳng rõ khi nào tương phùng. Cái đau đớn nhất, khổ tâm nhất của cuộc đời là không thể cứu vãn được những điều mình trân quý, phải tự tay cắt đứt mối duyên, chấp nhận trao lại cho người khác. “Trâm gãy bình tan”, “trâm”, “bình” cũng là những vật được xuất hiện trong đám cưới thời phong kiến, “trâm gãy bình tan” là lứa đôi đổ bể, mối tình chia cắt. Thúy Kiều phải rời xa Kim Trọng khi thậm chí chàng còn đang ở quê nhà, không hay biết gì về tin người yêu mình bán thân. Còn gì đau xót bằng cho mối tình dở dang này, khi cả hai còn mặn nồng thắm thiết, nhưng”bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn”, Kiều chấp nhận bán mình chuộc cha, để lại mối tình dở dang. Hình ảnh “bồ liễu”, “trúc mai” gợi sự yếu ớt, mong manh của số phận người con gái trong xã hội cũ, nơi mà đạo tam tòng đã ăn mòn vào suy nghĩ của nhân dân, người phụ nữ không có tiếng nói. Đi kèm với “nát thân”, “đền nghì” và “ngậm cười chín suối”, người đọc dễ liên tưởng đến kết cục bi thảm, đến cái chết của Thúy Kiều. Đáng thương thay một cô gái đang đổ tuổi trăng tròn như vậy mà chỉ nghĩ đến sự kết thúc của cuộc đời đang cận kề. Bán mình chuộc cha, Kiều cũng đã xác định về cái chết, xác định mãi mãi không thể trở về bên gia đình thân thương. Hiện lên trên từng câu chữ là hình bóng tội nghiệp, đau khổ, yếu đuối của nàng Kiều, chọn báo hiếu nhưng sự chia rẽ tình cảm vẫn dày vò nàng khôn nguôi. Nỗi xót xa về tình yêu tan vỡ cùng sự mất phương hướng. tương lai mù mịt, trắc trở. Sự chân thật trong cách miêu tả của Nguyễn Du khiến người đọc đồng cảm, sẻ chia với nỗi đau của nhân vật, đồng thời thương xót cho một kiếp người nghiệt ngã kiếp người bé nhỏ như thân liễu trong gió, mỏng manh không thể chống cự. Vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật đã khắc họa rõ nét hình ảnh nhân vật, mang đến cho người đọc không chỉ hình tượng chân thực mà còn chạm đến trái tim và lòng trắc ẩn, nhân ái.

Vẻ đẹp ngôn từ của “Trao duyên” còn được thể hiện ở tính cá thể hóa. Có người từng nói, “Trao duyên” là đối thoại nhưng thực chất là độc thoại, độc thoại của Thúy Kiều thể hiện ý chí quyết tâm cắt bỏ đoạn tình cảm với chàng Kim, nhưng rồi lại khổ đau tột cùng khi nghĩ đến việc phải rời xa người yêu. Điều này thể hiện rất rõ qua những câu thơ:”Duyên này thì giữ, vật này của chung.”, ” Dù em nên vợ nên chồng/ Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.”/ Rõ ràng, Kiều đã trao cho Vân những kỉ vật làm tin giữa hai người, nhưng “Duyên này thì giữ, vật này của chung”, duyên đã trao đi rồi nhưng kỉ vật lại luyến tiếc, chẳng nỡ rời xa. Kiều vẫn muốn giữ lại chút tấm lòng, chút tình cảm sâu nặng giữa hai người, thể hiện lối suy nghĩ của một cô gái sắc sảo, thông minh. Chẳng cô gái nào muốn san sẻ tình yêu của mình với ai khác. “Dù em nên vợ nên chồng / Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên”. Du đã nhờ Thúy Vân thay mình kết duyên cùng Kim Trọng, nhưng xét đến cùng, chị mới thật sự là người chàng yêu thương. Nếu sau này có hạnh phúc, hãy nhớ đến chị là người đã nên duyên, đã chấp nhận trao lại mối tình này cho em. Có người cho rằng, Kiều là một cô gái ích kỉ, nhỏ nhen, rành rành thân phận nhờ vả mà còn đòi hỏi, yêu cầu. Nhưng nhìn về mặt tình cảm, sự ngập ngừng, không rõ ràng từ Kiều cũng chỉ bắt nguồn từ tình yêu chân thành, từ tấm lòng người con gái lần đầu biết yêu mà lại buộc phải chia lì. Nguyễn Du đã rất thành công trong việc khắc họa tính cách đặc trưng của nhân vật, tạo nên một hình tượng nàng Kiều tuy bị đưa đẩy vào bước đường cùng nhưng vẫn có cá tính, luôn mong muốn, mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Tính cá nhân hóa đảm bảo cho tác phẩm mang nét độc đáo, riêng biệt, không bị hòa lẫn với bất cứ tác phẩm nào khác.

Đặc sắc của ngôn ngữ nghệ thuật trong “Trao duyên” là đảm bảo nội dung, tiến trình câu chuyện, sử dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt những điển cố, điển tích, những câu nói mang tính thường nhật làm tăng sự gần gũi, chân thực, dễ hiểu và xây dựng hình tượng nhân vật nổi bật, sắc nét. Tính gợi tả, gợi cảm luôn được Nguyễn Du đảm bảo trong từng câu thơ, sử dụng từ ngữ chắt lọc nhưng mang nhiều ý nghĩa, để cho độc giả tự có cơ hội dàn trải suy nghĩ, cảm nhận nhân vật. Bút lực sắc bén cùng tư duy ngôn từ nghệ thuật phong phú, đa dạng đã tạo nên dấu ấn “Đại thi hào Nguyễn Du”.

——————HẾT——————-

Bài thơ Trao Duyên là đoạn trích trong tác phẩm Truyện Kiều, ngoài bài làm văn Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật qua đoạn Trao duyên, học sinh và giáo viên có thể dễ dàng tham khảo thêm những bài làm văn mẫu như Phân tích tâm trạng của Thúy Kiều trong đoạn thơ Trao duyên, Cảm nhận của em về 12 câu thơ đầu trong đoạn trích Trao duyên, Bình giảng đoạn Trao duyên trích trong Truyện Kiều, Phân tích diễn biến tâm trạng của Kiều qua các lời thoại trong đoạn trích Trao duyên, Cảm nhận về đoạn Trao duyên, hay cả phần Soạn văn lớp 10 – Trao duyên trích Truyện Kiều.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ve-dep-cua-ngon-ngu-nghe-thuat-qua-doan-trao-duyen/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp