Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa

0
66
Rate this post

Đề bài: Em hãy phân tích vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long.

ve dep cua nhan vat anh thanh nien trong doan trich truyen lang le sa pa

Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa

Bạn đang xem: Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa

I. Dàn ý Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa
 

1. Mở bài

– Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Thành Long và tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa.
– Khái quát sơ lược về vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên.
 

2. Thân bài

a. Giới thiệu sơ lược về hoàn cảnh của nhân vật

– Anh thanh niên 27 tuổi, sống trên đỉnh núi cao 2600m cùng mây mù và cây cỏ, hằng ngày chống chọi với sự cô đơn.
– Công việc hằng ngày của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây…”, báo ốp đúng giờ.
– Sống và làm việc trong môi trường và thời tiết khắc nghiệt.

b. Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên

– Là người lao động có lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với công việc.
+ Anh thanh niên vẫn làm việc hết mình và tự giác: luôn báo “ốp” đúng giờ suốt mấy năm ròng rã, không ngần ngại làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
+ Anh hăng say nói về công việc một cách say mê và đầy tự hào và coi đó là lẽ sống.

– Là người có nếp sống văn minh và ngăn nắp.
+ Cách bài trí bình dị nhưng khoa học trong căn nhà nhỏ: “một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”.
+ Ngoài công việc, anh còn nuôi dưỡng tâm hồn, làm giàu trí tuệ, mở mang hiểu biết bằng thú vui đọc sách, trồng hoa, nuôi gà.

– Là người chân thành, cởi mở và hiếu khách.
+ Cuộc đối thoại và hành động ân cần của anh đối với bác lái xe
+ Sự vui vẻ, thái độ tiếp đón chu đáo, nồng nhiệt khi bất ngờ có khách ghé thăm.

3. Kết bài

Đánh giá ý nghĩa nghệ thuật của hình tượng nhân vật anh thanh niên.

 

II. Bài văn mẫu Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa

Xuất hiện trên diễn đàn văn học Việt Nam với lối viết tinh tế, lịch lãm, nhà văn Nguyễn Thành Long được biết đến qua những sáng tác được ví như “một thứ thơ bằng văn xuôi về cuộc sống mới, con người mới”. Điều này đã được thể hiện qua trích đoạn “Lặng lẽ Sa Pa”. Qua tác phẩm, tác giả đã khám phá, khẳng định và ngợi ca vẻ đẹp của con người lao động. Điều này đã được thể hiện rõ qua hình tượng anh thanh niên qua những nét đẹp về phẩm chất, tâm hồn và tinh thần trách nhiệm trong công việc cũng như sự cống hiến thầm lặng đầy cao đẹp.

Trong bối cảnh bức tranh thiên nhiên thơ mộng, mờ ảo, tác giả đã ngợi ca những con người lao động luôn sống và làm việc với lòng say mê nhiệt thành, đặc biệt là hình tượng nhân vật anh thanh niên với những nét đẹp đáng trân trọng. Anh thanh niên xuất hiện trong trang văn của tác giả qua hoàn cảnh sống và làm việc hết sức khắc nghiệt. Sống trên đỉnh núi cao 2600m cùng mây mù và cây cỏ, công việc hằng ngày của anh là “đo gió, đo mưa, đo nắng,tính mây và đo chấn động mặt đất, dự báo thời tiết hằng ngày để phục vụ sản xuất và phục vụ chiến đấu”. Dù sống trong không gian heo hút cùng khí hậu khắc nghiệt “Nửa đêm dù mưa tuyết, gió lạnh, đúng giờ ốp thì cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm việc”, đặc biệt là phải chống chọi với sự cô đơn nhưng anh vẫn vượt lên mọi trở ngại, khó khăn bằng những phẩm chất cao đẹp.

Trước hết, bức chân dung về nét đẹp của con người lao động được tái hiện qua lòng yêu nghề và tinh thần trách nhiệm với công việc. Dù làm việc trên đỉnh núi cao và không có người thúc giục, giám sát nhưng anh thanh niên vẫn làm việc hết mình và tự giác: luôn báo “ốp” đúng giờ suốt mấy năm ròng rã, không ngần ngại làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt: “Nửa đêm dù mưa tuyết, gió lạnh, đúng giờ ốp thì cũng phải trở dậy ra ngoài trời làm việc”. Động lực để chàng thanh niên có thế vượt qua mọi khó khăn chính là lòng yêu nghề, thể hiện qua việc anh hăng say nói về công việc một cách say mê và đầy tự hào và coi đó là lẽ sống:”[…] khi ta làm việc, ta với công việc là đôi, sao gọi là một mình được? Huống chi công việc của cháu gắn liền với việc của bao anh em đồng chí dưới kia. Công việc của cháu gian khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”. Quan điểm của anh thanh niên đã thể hiện rõ triết lí: “Không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người, mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp”.

Sống trên đỉnh núi cao giá lạnh cùng sự cô đơn nhưng anh thanh niên vẫn tạo ra cho mình một nếp sống văn minh và ngăn nắp. Điều này thể hiện qua cách bài trí bình dị nhưng khoa học trong căn nhà nhỏ: “một căn nhà ba gian, sạch sẽ, với bàn ghế, sổ sách, biểu đồ, thống kê, máy bộ đàm”. Ngoài công việc, anh còn nuôi dưỡng tâm hồn, làm giàu trí tuệ, mở mang hiểu biết bằng thú vui đọc sách, xem sách là phương tiện để tìm hiểu, giao lưu với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, những thú vui tao nhã như trồng hoa, nuôi gà cũng góp phần làm cho cuộc sống của anh trở nên phong phú, đa dạng hơn.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngay từ những trang văn đầu tiên của thiên truyện, anh thanh niên còn xuất hiện với vẻ đẹp của sự chân thành, cởi mở và lòng hiếu khách. Cuộc đối thoại và hành động ân cần của anh đối với bác lái xe cùng niềm vui khi có khách ghé thăm bất ngờ đã cho thấy sự trân trọng giá trị tình cảm và khao khát được gặp gỡ, trò chuyện của nhân vật. Ngoài ra, đây còn là chàng trai khiêm tốn và thành thực. Mặc dù làm việc trong hoàn cảnh khắc nghiệt và đem đến những cống hiến vĩ đại nhưng khi ông họa sĩ ngỏ lời phác họa chân dung, anh nhiệt thành giới thiệu những người khác và cho rằng những đóng góp của mình chỉ là bé nhỏ.

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể thấy được nhân vật anh thanh niên ngời sáng những vẻ đẹp về cách nghĩ, tinh thần, tình cảm cũng như cách sống và làm việc, trở thành một biểu tượng đẹp, minh họa cho bức chân dung của những con người lao động trong công cuộc xây dựng cuộc sống mới. Đồng thời thể hiện rõ tài năng xây dựng tình huống truyện và xây dựng nhân vật của nhà văn Nguyễn Thành Long.

—————HẾT——————

Trên đây là nội dung bài Vẻ đẹp của nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích truyện Lặng lẽ Sa Pa, để việc học đạt hiệu quả cao, các em học sinh có thể tìm đọc thêm một số bài văn hay lớp 9 khác như: Phân tích triết lí sống trong Lặng lẽ Sa pa, Hãy phân tích tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Phân tích vẻ đẹp thiên nhiên và con người trong Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, Nghị luận về nhân vật ông họa sĩ trong Lặng lẽ Sa Pa.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ve-dep-cua-nhan-vat-anh-thanh-nien-trong-doan-trich-truyen-lang-le-sa-pa/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp