Vẻ đẹp thiên nhiên trong Thiên trường vãn vọng

0
77
Rate this post

Đề bài: Vẻ đẹp thiên nhiên trong Thiên trường vãn vọng

ve dep thien nhien trong thien truong van vong

Vẻ đẹp thiên nhiên trong Thiên trường vãn vọng

Bạn đang xem: Vẻ đẹp thiên nhiên trong Thiên trường vãn vọng

Bài làm:

Trong lịch sử nước ta, vị vua Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử thật đặc biệt: ông là một vị vua yêu nước, có phẩm chất anh hùng, từng có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân giặc xâm lược Mông – Nguyên, làm nên một hào khí Đông A ngút trời, khiến cho dân tộc mãi tự hào cho đến hôm nay; ông còn là một con người có tấm lòng yêu thương con người và yêu cái đẹp, có một tâm hồn nghệ sĩ tinh tế thể hiện trong các tác phẩm thơ đặc sắc. Bài thơ “Thiên Trường Vãn Vọng” là một bài tứ tuyệt được ông sáng tác khi về thăm quê ở phủ Thiên Trường (nay thuộc tỉnh Nam Định). Vẻ đẹp thiên nhiên trong bài thơ gợi những xúc cảm thật nhẹ nhàng mà thấm thía:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng
Bóng chiều man mác có dường không
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Có lẽ, mỗi khi bóng chiều phủ xuống, ở nơi nào chốn đồng quê Việt Nam cũng mang một nét đẹp yên ả. Và ở phủ Thiên Trường cũng vậy, sương chiều hay khói bếp nhà ai bắt đầu vương vấn trên cành cây ngọn cỏ, khiến cho nhà thơ để cái nhìn hết trước xóm, lại sau thôn rồi nhận xét:

Trước xóm sau thôn tựa khói lồng

Câu thơ như gợi ra cảnh làng mạc thanh bình: những ngôi nhà, và những khu vườn trầm mặc trong sương khói. Một không gian rộng lớn mà yên ả, mà ở đó, ta thấy một niềm vui đời thường của cuộc sống nông thôn chỉ có được trong một thời đại thái bình thịnh trị, dưới quyền một vị minh quân. Có lẽ tâm trạng của nhà vua khi ngắm cảnh phủ Thiên Trường cũng đang dâng trào một niềm vui nhẹ nhàng mà to lớn trước cảnh tượng yên lành này. Nhà thơ hạ bút viết tiếp:

Bóng chiều man mác có dường không

Câu sau bổ trợ ý cho câu trước, trong làn “khói lồng” cảnh xóm thôn, bóng chiều buông phủ cũng huyền ảo quá, khi có khi không, khiến cho hồn người phải bồi hồi, man mác. Tả sương khói, bóng chiều vốn là thi liệu quen thuộc trong thơ cổ. Nhà thơ Thôi Hiệu, đời Đường cũng từng tả cảnh chiều trong bài “Hoàng Hạc lâu” như sau:

“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

Nhưng ý thơ của Thôi Hiệu thì buồn quá, có lẽ vì ông đang phải xa quê, còn ý thơ của tác giả Trần Nhân Tông thì ẩn chứa niềm vui, bởi nhà thơ cảm nhận được sự sống yên bình của thiên nhiên và con người đang hòa quyện trong một không gian ấm cúng, thời gian giàu xúc cảm, trong ánh sáng dịu dàng của chiều tà và những màu sắc nhẹ của “tử yên”.

Vẻ đẹp thiên nhiên và phong cảnh phủ Thiên Trường lại được miêu tả thêm đẹp trong hai câu thơ cuối:

Mục đồng sáo vẳng trâu về hết
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng.

Cái đẹp cảnh chiều bây giờ được cảm nhận qua âm thanh “sáo vẳng” của mấy em bé mục đồng đang lùa đàn trâu về chuồng trước khi trời tối. Câu thơ khiến ta hình dung tiếng sáo ấy cứ từ xa đi đến ngày một gần hơn, du dương, vút cao niềm vui của tuổi nhỏ ngây thơ trong sáng. Đàn trâu cặm cụi đi trên cánh đồng trong ánh chiều bảng lảng thật là một chi tiết đẹp đẽ và yên bình. Cuộc sống nhân dân ấm no, vui tươi, nên cảnh chiều càng khiến người vui mừng khôn xiết.

Và với nét vẽ cuối trong bài thơ tứ tuyệt súc tích, thi sĩ hạ xuống một hình ảnh thân thuộc là “cò trắng từng đôi liệng xuống đồng”. Đây quả là câu thơ giàu chất hội họa, khi giữa nền xanh của cánh đồng lúa bỗng nổi bật lên màu trắng đẹp của mấy con cò siêng năng kiếm ăn nơi đồng ruộng. Nó khiến người đọc dễ nghĩ đến một cảnh tượng đẹp trong ca dao: “Con cò bay lả bay la, bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”. Và trong vị trí là một người đứng đầu tối cao của đất nước, nhà vua vẫn cảm động trước một âm thanh tiếng sáo, vài cánh cò trên đồng lúa xanh, thì chắc hẳn đó phải là một vị vua yêu nước, thương dân, có lối sống giản dị, và có một tâm hồn yêu thiên nhiên, lai láng tình người, tình đời.

Như vậy, bài thơ tứ tuyệt “Thiên Trường vãn vọng” đã góp vào khu vườn thi ca Việt Nam một bức tranh phong cảnh đẹp, với hình ảnh thân thuộc, bình dị, với sắc màu tao nhã, và âm thanh trong trẻo dịu êm. Từ đó, tác giả Trần Nhân Tông giúp cho chúng ta, những con người của thế hệ sau, có thể hình dung và cảm nhận được vẻ đẹp thiên nhiên và đời sống thanh bình no ấm của thời đại bấy giờ.

—————-HẾT—————–

Tìm hiểu về đặc sắc nội dung, nghệ thuật của bài thơ Thiên trường vãn vọng, bên cạnh bài văn mẫu trên đây, các em không nên bỏ qua những bài văn mẫu đặc sắc khác như: Phân tích bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra, Cảm nghĩ về bài thơ Thiên trường vãn vọng, Cảm nhận về bức tranh thiên nhiên trong bài thơ Thiên trường vãn vọng, Cảm nhận khi đọc bài thơ Thiên trường vãn vọng.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ve-dep-thien-nhien-trong-thien-truong-van-vong/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp