Vì sao kết quả có thể chuyển hóa thành nguyên nhân?

0
238
Rate this post

Quan hệ nhân quả là gì?

Quan hệ nhân quả là quan hệ giữa hành vi và hậu quả mà trong đó hành vi phải xảy ra trước và có mối quan hệ nội tại, tất yếu với hậu quả.

Quan hệ nhân quả tiếng Anh là: “Causality”.

Quan hệ nhân quả là gì? Cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả?
Quan hệ nhân quả là gì?

Cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả theo Mác – Lênin:

Khái niệm nguyên nhân – kết quả:

Nguyên nhân là phạm trù dùng để chỉ sự tác động lẫn nhau giữa các mặt trong cùng một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau, gây ra một biến đổi nhất định nào đó.

Kết quả là một phạm trù dùng để chỉ những biến đổi xuất hiện do tác động lẫn nhau giữa các mặt trong một sự vật hoặc giữa các sự vật với nhau gây ra.

Nội hàm của khái niệm nguyên nhân vừa trình bày đưa lại cho chúng ta nhận thức đầu tiên rất quan trọng, đó là sự vật hiện tượng không bao giờ là chính bản thân nguyên nhân, chỉ có sự tác động của các sự vật hiện tượng mới là nguyên nhân.

Một số tính chất của mối liên hệ nhân quả:

Tính khách quan

Mối liên hệ nhân quả là mối liên hệ khách quan của bản thân các sự vật. Nó tồn tại ngoài ý muốn của con người, không phụ thuộc vào việc ta có nhận thức được nó hay không.

Vì mối quan hệ nhân quả là vốn có trong bản thân sự vật nên không thể đồng nhất nó với khả năng tiên đoán.

Tính tất yếu

– Tính tất yếu ở đây không có nghĩa là cứ có nguyên nhân thì sẽ có kết quả. Mà phải đặt nguyên nhân trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định.

Một nguyên nhân nhất định trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định chỉ có thể gây ra một kết quả nhất định. Đó là tính tất yếu của mối liên hệ nhân quả trong những điều kiện nhất định.

– Nếu những sự vật, hiện tượng về cơ bản là giống nhau, tác động trong những hoàn cảnh tương đối giống nhau thì sẽ gây nên những kết quả giống nhau về cơ bản.

Nếu các nguyên nhân và hoàn cảnh càng ít khác nhau bao nhiêu thì các kết quả do chúng gây nên càng ít khác nhau bấy nhiêu.

Tính phổ biến

Tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội đều được gây ra bởi những nguyên nhân nhất định.

Không có sự vật, hiện tượng nào không có nguyên nhân của nó. Vấn đề là chúng ta đã phát hiện, tìm ra được nguyên nhân hay chưa.

Con gà có trước hay quả trứng có trước?
Con gà có trước hay quả trứng có trước?

Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả:

Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, nguyên nhân và kết quả có mối quan hệ qua lại như sau

Nguyên nhân sản sinh ra kết quả.

– Nguyên nhân là cái sinh ra kết quả, nên nguyên nhân luôn có trước kết quả. Còn kết quả chỉ xuất hiện sau khi nguyên nhân xuất hiện và bắt đầu tác động.

Tuy nhiên, không phải sự nối tiếp nào trong thời gian của các hiện tượng cũng đều biểu hiện mối liên hệ nhân quả.

– Nếu nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo cùng một hướng thì sẽ gây nên ảnh hưởng cùng chiều, đẩy nhanh sự hình thành kết quả. Ngược lại, nếu các nguyên nhân khác nhau tác động lên sự vật theo các hướng khác nhau thì sẽ làm suy yếu, thậm chí triệt tiêu các tác dụng của nhau.

– Cùng một nguyên nhân có thể gây ra nhiều kết quả khác nhau tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể. Ngược lại, cùng một kết quả có thể được gây nên bởi những nguyên nhân khác nhau tác động riêng lẻ hoặc cùng một lúc.

– Căn cứ vào tính chất, vai trò của nguyên nhân đối với sự hình thành kết quả, có thể phân loại nguyên nhân thành:

+ Nguyên nhân chủ yếu và nguyên nhân thứ yếu.

+ Nguyên nhân bên trong và nguyên nhân bên ngoài.

+ Nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Sự tác động trở lại của kết quả đối với nguyên nhân

Nguyên nhân sản sinh ra kết quả. Nhưng sau khi xuất hiện, kết quả không giữ vai trò thụ động đối với nguyên nhân, mà sẽ có ảnh hưởng tích cực ngược trở lại đối với nguyên nhân.

Ví dụ: Nhúng một thanh sắt vừa mới nung đỏ vào chậu nước nguội, thì nhiệt độ của nước trong chậu sẽ tang lên. Sau đó, nước trong chậu do tăng nhiệt độ sẽ kìm hãm tốc độ tỏa nhiệt của thanh sắt.

Sự thay đổi vị trí giữa nguyên nhân và kết quả

Nguyên nhân và kết quả có thể thay đổi vị trí cho nhau Điều này có nghĩa là một sự vật, hiện tượng nào đó trong mối quan hệ này là nguyên nhân, nhưng trong mối quan hệ khác lại là kết quả và ngược lại. Engels nhận xét rằng:

” Nguyên nhân và kết quả là những khái niệm chỉ có ý nghĩa là nguyên nhân và kết quả khi được áp dụng vào một trường hợp riêng biệt nhất định. Nhưng một khi chúng ta nghiên cứu trường hợp riêng biệt ấy trong mối liên hệ chung của nó với toàn bộ thế giới, thì những khái niệm ấy lại gắn với nhau trong một khái niệm về sự tác động qua lại một cách phổ biến, trong đó nguyên nhân và kết quả luôn thay đổi vị trí cho nhau. Chuỗi nhân quả là vô cùng, không có bắt đầu và không có kết thúc. Một hiện tượng nào đấy được coi là nguyên nhân hay kết quả bao giờ cũng ở trong một quan hệ xác định cụ thể”

Ông cũng khẳng định:

” Nguyên nhân và kết quả là những biểu tượng có ý nghĩa là nguyên nhân và kết quả khi nào được áp dụng vào một trường hợp riêng biệt, nhưng khi ta xét trường hợp riêng biệt ấy trong mối liên hệ chung của nó với toàn bộ thế giới, thì nguyên nhân hội tụ lại và quyện vào nhau trong biểu tượng về sự tác động qua lại phổ biến trong đó nguyên nhân và kết quả luôn đổi chỗ cho nhau: cái ở đây hay bây giờ là nguyên nhân, thì ở chỗ khác hay lúc khác lại trở thành kết quả và ngược lại..”

Điều này xảy ra khi ta xem xét sự vật, hiện tượng trong các mối quan hệ khác nhau. Một hiện tượng nào đó trong mối quan hệ này là nguyên nhân thì trong mối quan hệ khác là kết quả và ngược lại.

Một hiện tượng nào đó là kết quả do một nguyên nhân nào đó sinh ra, đến lượt mình sẽ trở thành nguyên nhân sinh ra hiện tượng thứ ba… Và quá trình này tiếp tục mãi không bao giờ kết thúc, tạo nên một chuỗi nhân quả vô cùng tận. Trong chuỗi đó không có khâu nào là bắt đầu hay cuối cùng.

Ý nghĩa của phương pháp luận:

Từ việc phát hiện mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả, Triết học Mác-Lenin nêu ra một số ý nghĩa phương pháp luận cho mối quan hệ này để ứng dụng vào thực tiễn và tư duy, cụ thể là:

– Mối liên hệ nhân quả có tính khách quan và tính phổ biến, nghĩa là không có sự vật, hiện tượng nào trong thế giới vật chất lại không có nguyên nhân. Nhưng không phải con người có thể nhận thức ngay được mọi nguyên nhân.

Nhiệm vụ của nhận thức khoa học là phải tìm ra nguyên nhân của những hiện tượng trong tự nhiên, xã hội và tư duy để giải thích được những hiện tượng đó. Muốn tìm nguyên nhân phải tìm trong thế giới hiện thực, trong bản thân các sự vật, hiện tượng tồn tại trong thế giới vật chất chứ không được tưởng tượng ra từ trong đầu óc của con người, tách rời thế giới hiện thực.

– Một kết quả có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra. Những nguyên nhân này có vai trò khác nhau đối với việc hình thành kết quả. Vì vậy trong hoạt động thực tiễn chủ thể cần phân loại các nguyên nhân, tìm ra nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân bên trong, nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân khách quan… Đồng thời phải nắm được chiều hướng tác động của các nguyên nhân, từ đó có biện pháp thích hợp tạo điều kiện cho nguyên nhân có tác động tích cực đến hoạt động và hạn chế sự hoạt động của nguyên nhân có tác động tiêu cực. Vì nguyên nhân luôn có trước kết quả nên muốn tìm nguyên nhân của một hiện tượng nào đấy cần tìm trong những sự kiện những mối liên hệ xảy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện.

Cặp phạm trù nguyên nhân - kết quả?
Cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả?

Sự vận dụng cặp phạm trù nguyên nhân – kết quả trong thực tiễn:

Đối với những mối liên hệ nhân – quả ở trong tự nhiên, con người càng nghiên cứu được càng nhiều càng tốt. Nhờ biết được những hậu quả do các tác động lẫn nhau giữa các sự vật hiện tượng trong tự nhiên, con người ta có thể lợi dụng được những nguồn năng lượng lớn để phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của con người.

Ví dụ biết được về hiện tượng của thủy triều là do sức hút của mặt trăng tạo nên làm cho nước biển bị cuốn theo gây nên những đợtt thủy triều tràn vào đất liền, người ta có thể lợi dụng nó để tạo ra nguồn điện.

Đồng thời người ta sử dụng mối quan hệ nhân – quả của các hiện tượng tự nhiên để thấy được những tác hại mà các hiện tượng đó gây ra.

Mối liên hệ nhân – quả ở trong lĩnh vực xã hội, tức là lĩnh vực hoạt động của con người phức tạp hơn rất nhiều. Mối quan hệ nhân – quả này có đặc điểm trước hết là nó chỉ xuất hiện khi có hoạt động của con người. Đặc điểm này có thể đúng, không đúng ở trong những lĩnh vực khác nhau. Có những hoạt động được coi là hoạt động có ý thức của cá nhân, nhưng lại là hoạt động vô ý thức đối với cộng đồng. Chủ thể hoạt động bao giờ cũng xuất phát từ lợi ích của chính bản thân mình, nhưng tác động của nó tới đời sống xã hội còn tùy thuộc vào những mối liên hệ và những hậu quả xã hội mà nó gây ra.

Ví dụ, lợi nhuận buôn ma túy là rất cao, cho nên bọn buôn bán ma túy không từ bỏ một hành vi nào thúc giục việc buôn bán ma túy để kiếm lợi. Xét từ phía cộng đồng, đó là hành động rất có hại, hành động có thể nói là một hành động tự sát. Tuy nhiên, những tác động đó người ta không thể ngăn chặn một sớm một chiều, nếu không nghiên cứu những quan hệ lợi ích tác động vào quan hệ nhân – quả.

Do đó nghiên cứu mối quan hệ nhân-quả ở trong đời sống xã hội cũng chính là nghiên cứu mối quan hệ tác động về mặt lợi ích. Những lợi ích nào được sinh ra từ những tác động nào, nó đưa lại những hậu quả nào, đó chính là mục tiêu đề nghiên cứu mối quan hệ nhân – quả trong đời sống cộng đồng.

Tóm lại, mối quan hệ nhân – quả được thể hiện ở rất nhiều lĩnh vực. Nhưng dù ở lĩnh vực nào thì con người cũng phải luôn luôn tìm hiểu, nghiên cứu để khắc phục, tránh những hậu quả xấu do các tác động gây ra. Ngược lại, chúng ta cũng có thể lợi dụng mối quan hệ nhân – quả này để phục vụ cho cuộc sống của mình.

Sự tác động của dòng điện lên dây dẫn chính là nguyên nhân khiến cho dây dẫn nóng lên và khi dây dẫn nóng lên đó chính là kết quả.

Sự tác động qua lại giữa cung và cầu dẫn đến quá trình thực hiện giá cả đó là nguyên nhân của hàng hóa khiến cho giá cả xoay quanh giá trị của hàng hóa và giá cả xoay quanh giá trị của hàng hóa đó chính là kết quả.

Sự tác động của các yếu tố về mặt tự nhiên, đặc biệt những yếu tố tác động từ con người như con người chặt phá rừng một cách bừa bãi, con người vứt rác một cách tùy tiện đó chính là những nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm môi trường.

Mối quan hệ nhân quả

– Quan hệ nhân quả là quan hệ có tính tất yếu khách quan, không có nguyên nhân phi kết quả và ngược lại không có kết quả nào, tức là sự biến đổi nào mà không có nguyên nhân của nó. Đây là quan hệ có tính quy luật, trong đó, nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả, kết quả luôn luôn phụ thuộc tất yếu vào nguyên nhân. Do vậy, khi nắm bắt được nguyên nhân có thể dự báo được kết quả xảy ra và ngược lại trước mỗi sự biến đổi cần đặt vấn đề nghiên cứu xác định nguyên nhân của nó, bởi vì, không có kết quả không do những nguyên nhân nhất định.

Ví dụ: khi khảo sát được thực trạng của các nhân tố tác động đến sự biến đổi của khí hậu, người ta có thể dự đoán được các diễn biến của thời tiết có thể diễn ra trong thời gian gần hoặc xa.

– Mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả là mối quan hệ hết sức phức tạp, đa chiều. Một nguyên nhân có thể sinh ra một hoặc nhiều kết quả, có thể có kết quả chính, có kết quả phụ. Ngược lại, một kết quả có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân tác động sinh ra, có thể là nguyên nhân chính, nguyên nhân phụ, nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân không cơ bản….

Kết quả là cái xảy ra sau nguyên nhân, nhưng khi kết quả đã xuất hiện thì kết quả này lại có thể tác động trở lại các nhân tố vốn là tác nhân sản sinh ra nó, đồng thời nó cũng có thể trở thành nguyên nhân tạo ra sự biến đổi mới, đó cũng chính là mối quan hệ chuyển hóa biện chứng của quan hệ nhân quả.

Vì vậy, không thể đơn giản hóa việc phân tích và giải quyết mối quan hệ nhân quả trong thực tế. Mặt khác, cũng có thể sử dụng tính phức tạp này để lựa chọn phương án tối ưu trong hoạt động thực tiễn. Ví dụ: hoạt động của con người là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự biến đổi của môi trường, sự sống trên trái đất, ngược lại chính sự biến đổi của chiều hướng không tốt hiện nay lại trở thành nguyên nhân tác động trở lại những chiều hướng bất thuận lợi cho hoạt động của con người.

Quan điểm về mối quan hệ nhân quả

+ Theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng: Mối liên hệ nhân quả là mối liên hệ khách quan của bản thân sự vật, hiện tượng, nó tồn tại bên ngoài ý thức của con người, bên ngoài ý muốn của con người không phụ thuộc vào việc ta có nhận thức được nó hay không. Con người chỉ có thể tìm ra mối liên hệ nhân quả ấy trong giới tự nhiên khách quan chứ không phải tạo nó ra trong đầu óc của mình.

+ Theo chủ nghĩa duy tâm khách quan và tôn giáo tìm nguyên nhân của mọi hiện tượng ở một thực thể tinh thần tồn tại bên ngoài con người hoặc ở thượng đế (họ cho rằng thượng đế là nguyên nhân biến đổi mọi hiện tượng trên thế giới này). Chủ nghĩa duy tâm khách quan coi khái niệm nguyên nhân và kết quả chỉ là những ký hiệu mà con người để ghi những cảm giác của mình.

********************

 

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/vi-sao-ket-qua-co-the-chuyen-hoa-thanh-nguyen-nhan/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp