Vì sao Nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long? Lý Thái Tổ với việc định đô ở Thăng Long

0
180
1/5 - (1 bình chọn)

Đầu năm 1010, Lý Công Uẩn tự tay viết Chiếu dời đô nói rõ lý do dời đô và quyết định chọn thành Đại La (Hà Nội) làm đô thành của nước Đại Việt. Vậy bạn có biết vì sao Nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long không? Bài viết sau sẽ  bạn giải đáp thắc mắc.

Nhà Lý dời đô về Thăng Long vì:

– Kinh đô Hoa Lư không còn phù hợp với tình hình đất nước.

– Muốn chọn một nơi có địa thế thuận lợi (Đại La nằm trung tâm đồng bằng Bắc Bộ), để ổn định về chính trị làm cơ sở để phát triển kinh tế, đưa đất nước đi lên.

Lý Thái Tổ với việc định đô ở Thăng Long

Quét 3D chi tiết rồng thời Lý

“Đây Thăng Long đất sắp tròn nghìn tuổi

Rồng bay lên ngày tháng tốt tâu vua

Lý Công Uẩn mắt thần nhìn nước non mở hội

Bốn phương trời Đại Việt lập kinh đô”

Đó là bốn câu đầu trong bài thơ “Thăng Long nghìn tuổi” của nhà thơ Huy Cận nói về một sự kiện cách đây gần 1.000 năm. Vào mùa thu năm Canh Tuất (1010), Lý Công Uẩn, vị vua sáng lập vương triều Lý dời đô từ Hoa Lư về Đại La.

Vua Lý Công Uẩn, trong gần 20 năm trị vì (1009-1028), ngoài những công lao to lớn đối với nhà Lý trên các phương diện kinh tế, văn hóa, củng cố thế độc lập tự chủ dân tộc, ông đã có một đóng góp nổi bật mang ý nghĩa lịch sử, đó là công cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của nhà nước phong kiến độc lập và mở ra một giai đoạn lịch sử mới có ý nghĩa quyết định với vận mệnh dân tộc của đất Thăng Long.

Nước Đại Việt kể từ các triều đại vua Hùng đã diễn ra nhiều cuộc định đô và dời đô, mỗi lần như vậy hoặc là phản ánh yêu cầu khác nhau của từng giai đoạn lịch sử, hoặc là chọn vùng ảnh hưởng hoặc quê hương của vị vua triều đại đó. Vì vậy mà có đất Phong Châu của vua Hùng, Cổ Loa của Thục Phán, Mê Linh của Hai Bà Trưng, Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh.

Nhưng đến Lý Công Uẩn thì ông lại không chọn quê hương Kinh Bắc, mặc dầu đó là quê gốc của ông, mà lại chọn Đại La làm kinh đô.

Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) là kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới hai triều Đinh (968-979) và Tiền Lê (980-1009). Đó là vùng núi hiểm trở, thích hợp với yêu cầu quân sự của một chính quyền độc lập non trẻ còn phải đối phó với nhiều mối đe dọa của giặc ngoài, thù trong.

Với địa thế lợi hại của Hoa Lư, triều Đinh đã đánh bại các thế lực cát cứ địa phương, khôi phục và củng cố nền thống nhất quốc gia; triều Tiền Lê đã đập tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Tống, bảo vệ vững chắc nền độc lập dân tộc. Trong vòng 41 năm (968-1009), kinh đô Hoa Lư đã xứng đáng với sự lựa chọn của Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành và đã làm tròn vai trò lịch sử của nó.

Lý Công Uẩn thấy rõ tầm quan trọng của kinh thành đối với vận mệnh của đất nước và vương triều. Theo ông, việc định đô phải nhằm “Mưu toan nghiệp lớn, tính kế cho con cháu muôn vạn đời”. Ông nhận thấy “thành Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác”.

Đầu năm 1010, Lý Công Uẩn tự tay viết Chiếu dời đô nói rõ lý do dời đô và quyết định chọn thành Đại La (Hà Nội) làm đô thành của nước Đại Việt.

Bài chiếu có đoạn viết: “Chỉ vì muốn đóng đô ở trung tâm mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu, trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy thuận tiện thì thay đổi. Cho nên vận nước lâu dài, phong tục phồn thịnh được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây, lại tiện hướng nhìn sông, tựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng.

Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ, ngập lụt, muôn vật rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn hội tụ trọng yếu của bốn phương đất nước. Cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Tháng 8 năm 1010, Lý Công Uẩn từ Hoa Lư ra Đại La. Thuyền đỗ ở dưới thành thấy “có rồng vàng hiện lên thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành là thành Thăng Long”. Tên gọi Thăng Long tượng trưng thế đi lên của kinh đô và cũng là cả nước.

Việc Lý Công Uẩn quyết định dời đô ra Thăng Long ngay sau khi ông lên ngôi vua một năm, không đơn giản chỉ là việc di chuyển kinh đô từ địa điểm này sang địa điểm khác, mà nó thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng của người khởi nghiệp nhà Lý; phản ánh sự trưởng thành của dân tộca, thể hiện sức sống của một dân tộc anh hùng.

Thực tế đã chứng minh đúng như vậy, cuộc chuyển đô lịch sử đã mang lại nhiều hệ quả tích cực. Chuông Quy Điền, tháp Báo Thiên, vạc Phổ Minh, tượng đồng Quỳnh Lâm, bốn vật được coi là tứ đại khí, chính là sản phẩm của giai đoạn này, giai đoạn mà công việc xây dựng và hưng thịnh đất nước bắt đầu bước vào quy mô lớn.

Tiếp theo là hàng loạt các công trình khác đã được các vua kế nghiệp nhà Lý phát huy: Năm 1042 ban bộ hình thư, năm 1070 dựng Văn miếu, năm 1076 thành lập Quốc tử giám, bắt đầu hình thành nền đại học Việt Nam.

Đặc biệt, cuộc Nam chinh, Bắc phạt dưới thời Lý thắng lợi đã chứng tỏ sự vững mạnh về kinh tế và quân sự của thời đại này.

Từ một sự lựa chọn sáng suốt của Vua Lý Thái Tổ ở thế kỷ XI, Thăng Long – Hà Nội đã đi vào lịch sử đất nước như một thủ đô của muôn đời. Điều đó càng cho thấy giá trị trường tồn của Chiếu dời đô mà nhà vua đã công bố cách đây gần 1.000 năm.

Đối với lịch sử Việt Nam, Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ không chỉ có ý nghĩa là một tuyên cáo cho kỷ nguyên độc lập và phát triển lớn mạnh của dân tộc mà còn là những phác thảo đầu tiên cho cả một hệ tư tưởng Lý.

Ở hệ tư tưởng này, các yếu tố Phật, Nho, Đạo đã kết hợp nhuần nhuyễn với tín ngưỡng và truyền thống dân tộc, tạo nên áng thiên cổ hùng văn, để rồi tiếp nối sau đó là các áng văn hùng tráng như Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Cáo bình Ngô và Tuyên ngôn độc lập đã làm thành một dòng văn hùng khí Thăng Long mà vua Lý Thái Tổ đã khơi nguồn.

Lịch sử ghi công cho tầm nhìn chiến lược ấy của nhà vua. Khai sáng nhà Lý, Vua Lý Thái Tổ đã nêu gương sáng một đấng minh quân, xuất thân từ quần chúng, nhờ gian khổ rèn luyện mà thành tài, thành danh, khi ở ngôi cao sang vẫn dốc tâm lo việc dân thường. Công lao của Vua Lý Thái Tổ và triều Lý (1009-1225) đã đặt nền móng cho hưng thịnh, trường tồn cả nghìn năm đến tận hôm nay.

Vua Lý Công Uẩn, tự Lý Thái Tổ sinh ngày 12/2 năm Giáp Tuất (8/3/974), tại làng Cổ Pháp (nay thuộc xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).

Năm lên 3 tuổi, Lý Công Uẩn được nhận làm con nuôi của nhà sư Lý Khánh Văn; sau đó đến học ở chùa Lục Tổ của Nhà sư Vạn Hạnh. Lớn lên ông được cử giữ chức chỉ huy quân Điện tiền, được thăng dần lên chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Năm 1009, nhà Tiền Lê suy thoái, được quần thần nhất loạt tôn kính, Lý Công Uẩn lên ngôi Vua, tự Lý Thái Tổ – sáng nghiệp nhà Lý lúc 35 tuổi.

Vua Lý Thái Tổ băng hà ngày 3/3 năm Mậu Thìn (31/3/1028), hưởng dương 54 tuổi, ở ngôi 19 năm, hiệu là Thuận Thiên.

Nhà Lý

nhà lý | Nghiên Cứu Lịch Sử

Nhà Lý (chữ Nôm: 茹李, chữ Hán: 李朝, Hán Việt: Lý triều), đôi khi gọi là nhà Hậu Lý (để phân biệt với triều đại Tiền Lý do Lý Bí thành lập) là một triều đại trong nền quân chủ Việt Nam. Triều đại này bắt đầu khi Lý Công Uẩn lên ngôi vào tháng 10 âm lịch năm 1009 sau khi giành được quyền lực từ tay nhà Tiền Lê. Triều đại này trải qua 9 vị hoàng đế và chấm dứt khi Lý Chiêu Hoàng, lúc đó mới có 7 tuổi, bị ép thoái vị để nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh vào năm 1225 – tổng cộng là 216 năm.

Trong thời đại này, lần đầu tiên nhà Lý đã giữ vững được chính quyền một cách lâu dài đến hơn 200 năm, khác với các vương triều cũ trước đó chỉ tồn tại hơn vài chục năm. Vào năm 1054, Lý Thánh Tông đã đổi quốc hiệu từ Đại Cồ Việt (大瞿越) thành Đại Việt (大越), mở ra kỷ nguyên Đại Việt rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.

Trong nước, mặc dù các vị Hoàng đế đều sùng bái Phật giáo nhưng ảnh hưởng của Nho giáo cũng rất cao với việc mở các trường đại học đầu tiên là Văn miếu (1070) và Quốc Tử giám (1076) và tổ chức các khoa thi để chọn người hiền tài không có nguồn gốc xuất thân là quý tộc ra giúp nước. Khoa thi đầu tiên được mở vào năm 1075, và Trạng nguyên đầu tiên là Lê Văn Thịnh. Về thể chế chính trị, đã có sự phân cấp quản lý rõ ràng hơn và sự cai trị đã dựa nhiều vào pháp luật hơn là sự chuyên quyền độc đoán của cá nhân. Sự kiện nhà Lý chọn thành Đại La làm kinh đô, đổi tên thành Thăng Long (昇龍) đã đánh dấu sự cai trị dựa vào sức mạnh kinh tế và lòng dân hơn là sức mạnh quân sự để phòng thủ như các triều đại trước. Những danh thần như Lê Văn Thịnh, Bùi Quốc Khái, Doãn Tử Tư, Đoàn Văn Khâm, Lý Đạo Thành, Tô Hiến Thành,… đã góp sức lớn về văn trị và chính trị, tạo nên một nền văn hiến rực rỡ của triều đại nhà Lý.

Quân đội nhà Lý được xây dựng có hệ thống đã trở nên hùng mạnh, ngoài chính sách Ngụ binh ư nông, các Hoàng đế nhà Lý chủ trương đẩy mạnh các lực lượng thủy binh, kỵ binh, bộ binh, tượng binh,… cùng số lượng lớn vũ khí giáo, mác, cung, nỏ, khiên và sự hỗ trợ công cụ công thành như máy bắn đá, những kỹ thuật tiên tiến nhất học hỏi từ quân sự Nhà Tống. Việc trang bị đầu tư và quy mô khiến quốc lực dồi dào, có đủ khả năng thảo phạt các bộ tộc man di ở biên giới, cũng như quốc gia kình địch phía Nam là Chiêm Thành hay cướp phá thường xuyên, bảo vệ thành công lãnh thổ và thậm chí mở rộng hơn vào năm 1069, khi Lý Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành và thu về đáng kể diện tích lãnh thổ. Quân đội nhà Lý còn vẻ vang hơn khi đánh bại quân đội của Vương quốc Đại Lý, Đế quốc Khmer và đặc biệt là sự kiện danh tướng Lý Thường Kiệt dẫn quân đội đánh phá vào lãnh thổ Nhà Tống vào năm 1075, dẫn đến Trận Như Nguyệt xảy ra trên đất Đại Việt và quân đội hùng mạnh của nhà Tống hoàn toàn thất bại.

Bên cạnh quân sự, nhà Lý còn nổi tiếng về nghệ thuật với kinh đô Thăng Long – một quần thể kiến trúc vĩ đại và hoa lệ. Những hiện vật về mái ngói, linh thú trang trí trên nóc mái và các loại gạch lót cho thấy trình độ mỹ nghệ cao của các nghệ nhân thời Lý. Con Rồng thời Lý được xem là hình tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình đương thời, bên cạnh các tượng Phật lớn còn lại cho thấy tư duy đồ sộ của người thời Lý là rất lớn. 3 trong 4 bảo vật của An Nam tứ đại khí là Tháp Báo Thiên, Chuông Quy Điền và Tượng phật Chùa Quỳnh Lâm được tạo ra trong thời đại nhà Lý. Cùng với sự sùng đạo Phật, những tinh hoa nhất của nghệ thuật thời Lý đa phần đều thể hiện qua các bức tượng Phật, chùa chiền.

Video Nhà Lý dời đô về Thăng Long

https://www.youtube.com/watch?v=O_9ceZ7iD4c

Kết luận

Hy vọng qua bài viết trên bạn đã biết vì sao Nhà Lý dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long . Cảm ơn bạn đã theo dõi!

 

 

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/vi-sao-nha-ly-doi-do-tu-hoa-lu-ve-thang-long-ly-thai-to-voi-viec-dinh-do-o-thang-long/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp