Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 4 – Với đề bài này, sẽ hướng dẫn em cách làm bài văn thuyết minh về một số danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử như Vịnh Hạ Long, bãi biển Sầm Sơn, chùa Dâu, chùa Một Cột, sông Hương,…
Cùng tham khảo dàn ý chi tiết cùng các bài văn mẫu chọn lọc dưới đây để nắm được cách làm bài em nhé!
Bạn đang xem: Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 4
Đề bài: Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em.
————–
Dàn ý viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 4 – Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em.
I. Mở bài
- Giới thiệu về danh lam thắng cành bạn cần thuyết minh.
- Nêu cảm nhận chung về danh lam thắng cảnh đó
II. Thân bài
1. Giới thiệu vị trí địa lí:
- Địa chỉ / nơi tọa lạc?
- Diện tích nơi đó? Rộng lớn hay nhỏ?
- Cảnh vật xung quanh ra sao?
- Có thể đến đó bằng phương tiện gì?
- Phương tiện du lịch: xe du lịch,…
- Phương tiện công cộng: xe máy, xe buýt,…
2. Nguồn gốc: (Nói rõ hơn là lịch sử hình thành)
- Có từ khi nào?
- Do ai khởi công (làm ra)?
- Xây dựng trong bao lâu?
3. Cảnh bao quát đến chi tiết
a) Cảnh bao quát
- Từ xa,…
- Nổi bật nhất là…
- Cảnh quan xung quanh…
b) Chi tiết:
- Cách trang trí:
- Mang đậm nét văn hóa dân tộc.
- Mang theo nét hiện đại.
- Cấu tạo.
4. Giá trị văn hóa, lịch sử:
- Lưu giữ: Tìm hiểu nhiều hơn về lịch sử, quá khứ của ông cha ta.
- Tô điểm cho… ( TP HCM, Nha Trang, Việt Nam,…), thu hút khách du lịch.
- Một trong các địa điểm du lịch nổi tiếng/ thú vị/ hấp dẫn/ thu hút khách du lịch.
III. Kết bài
- Nêu cảm nghĩ về đối tượng và địa danh.
- Tóm lại các nét đặc biệt từ bài viết đó
Dàn ý chi tiết thuyết minh về vịnh Hạ Long
I. Mở bài: giới thiệu về danh lam thắng cảnh (Vịnh Hạ Long)
Ví dụ:
Đất nước ta được biết đến với những bức tranh thiên nhiên đẹp và cứ ngỡ như là tranh vẽ, một trong những vẻ đẹp ấy là Vịnh Hạ Long. Vịnh Hạ Long được biết đến với vẻ đẹp được vẽ từ bàn tay của mẹ thiên nhiên. Người mẹ ấy đã cho đất nước ta một kiệt tác thiên nhiên hết sức tuyệt vời và cô cùng hùng vĩ, xinh đẹp.
II. Thân bài: thuyết minh về danh lam thắng cảnh (Vịnh Hạ Long)
1. Khái quát về danh lam thắng cảnh (Vịnh Hạ Long)
– Vịnh Hạ Long nằm tại thành phố Hạ Long
– Là nơi du lịch nổi tiếng của nước ta và các du khách quốc tế
– Là nơi có vẻ đẹp hùng vĩ, một kiệt tác của thiên nhiên
– Được công nhận là di sản văn hóa thế giới
2. Chi tiết về danh lam thắng cảnh (Vịnh Hạ Long)
– Lịch sử danh lam thắng cảnh (Vịnh Hạ Long)
+ Theo truyền thuyết cho rằng, nước Việt bị giặc ngoại xâm xâm lược, Ngọc Hoàng cho Rồng mẹ mang theo rồng con giúp nước Việt
+ Có truyền thuyết nói rằng khi nước ta bị xâm lược thì có một con rồng cuộn mình tạo nên bức tường thành vững chắc ngăn giặc ngoại xâm
+ Nhưng theo địa lí học thi đây là do kiến tạo địa chất
– Các điểm tham quan lại Vịnh Hạ Long:
- Hòn Gà Chọi
- Hòn Con Cóc
- Đảo Ngọc Vừng
- Đảo Ti Tốp
- Đảo Tuần Châu
- Động Thiên Cung
- Hang Đầu Gỗ
– Ý nghĩa của danh lam thắng cảnh (Vịnh Hạ Long)
+ Là di sản văn hóa của thế giới, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam
+ Là nơi du khách đến thăm quan du lịch
III. Kết bài : nêu cảm nghĩ của em về danh lam thắng cảnh (Vịnh Hạ Long)
Ví dụ:
Vịnh Hạ Long là một danh lam thắng cảnh rất đẹp. vịnh Hạ Long là niềm tự hào của con người Việt Nam.
Trên đây là Hướng dẫn lập dàn ý đề bài “Thuyết minh về danh lam thắng cảnh” chi tiết và ngắn gọn nhất dành cho bạn. hi vọng qua bài lập dàn ý bạn đã có được những sự tham khảo để làm văn tốt hơn. Chúc các bạn thành công, học tập tốt.
Bài văn mẫu viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 4 – Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em
Bài văn mẫu 1:
Thuyết minh về Vịnh Hạ Long
Sáu mươi tư tỉnh thành trên đất nước Việt Nam ,mỗi tỉnh thành đều mang mỗi nét đặc trưng riêng mỗi bản sắc riêng và tất nhiên sẽ có những danh làm thắng cảnh riêng. Tôi may mắn được sinh ra trên vùng đất Quảng Ninh xinh đẹp nơi có rất nhiều những danh lam thắng cảnh riêng. Nói đến Quảng Ninh chúng ta không thể không nhắc đến một địa danh nổi tiếng nơi đây đó chính là Hạ Long. Các bạn hãy cùng theo chân tôi lên đường để đến với danh lam đặc sắc này nhé.
Theo truyền thuyết xa xưa, một vài gia đình rồng nhà trời, đứng đầu là một con rồng mẹ bay tới vùng Long Đồ (rốn rồng) thuộc phường Hà Khẩu ở Đông Đô. Được ngày lành tháng tốt, gia đình nhà rồng bay cả lên bầu trời, ca ngợi cảnh thái bình và phồn vinh. Rồi rồng bay xuống vịnh Hạ Long là nơi đắc địa, có phong cảnh diệu kì. Ở đây, rồng thiêng phun ra muôn ngàn những viên châu ngọc và sinh ra nhiều rồng con. Những viên châu ngọc đó trở nên những hòn đảo trong vịnh. Vịnh nhỏ Bái Tử Long là vịnh của những đàn rồng con chầu về mẹ rồng. Theo truyền thuyết xa xưa, một vài gia đình rồng nhà trời, đứng đầu là một con rồng mẹ bay tới vùng Long Đồ (rốn rồng) thuộc phường Hà Khẩu ở Đông Đô. Được ngày lành tháng tốt, gia đình nhà rồng bay cả lên bầu trời, ca ngợi cảnh thái bình và phồn vinh. Rồi rồng bay xuống vịnh Hạ Long là nơi đắc địa, có phong cảnh diệu kì. Ở đây, rồng thiêng phun ra muôn ngàn những viên châu ngọc và sinh ra nhiều rồng con. Những viên châu ngọc đó trở nên những hòn đảo trong vịnh. Vịnh nhỏ Bái Tử Long là vịnh của những đàn rồng con chầu về mẹ rồng.
Từ trên cao nhìn xuống, vịnh Hạ Long như một bức tranh thuỷ mặc khổng lồ vô cùng sống động. Đó là những tác phẩm tạo hình tuyệt mỹ, tài hoa của tạo hoá, của thiên nhiên biến hàng ngàn đảo đá vô tri tĩnh lặng kia trở nên những tác phẩm điêu khắc, hội họa hoàn mỹ với muôn hình dáng vẻ yêu kiều, vừa rất quen thuộc vừa như xa lạ với con người. Hàng ngàn đảo đá nhấp nhô trên sóng nước lung linh huyền ảo, vừa khỏe khoắn hoành tráng nhưng cũng rất mềm mại duyên dáng, sống động. Đi giữa Hạ Long với muôn ngàn đảo đá, ta ngỡ như lạc vào một thế giới cổ tích bị hóa đá nơi đây. Đảo thì giống hình ai đó đang hướng về đất liền – hòn Đầu Người; đảo thì giống như một con rồng đang bay lượn trên mặt nước – Hòn Rồng; đảo thì lại giống như một ông lão đang ngồi câu cá – hòn Lã Vọng; và kia hai cánh buồm nâu lực lưỡng đang rẽ sóng nước ra khơi – hòn Cánh Buồm; rồi hai con gà đang âu yếm vờn nhau trên sóng nước – hòn Trống Mái; đứng giữa biển nước bao la một lư hương khổng lồ như một vật cúng tế trời đất – hòn Lư Hương. . . Vịnh Hạ Long cũng là nơi gắn liền với những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc Việt Nam với những địa danh nổi tiếng như Vân Đồn – nơi có thương cảng cổ sầm uất vào thế kỷ thứ 12; có núi Bài Thơ lịch sử; cách đó không xa dòng sông Bạch Đằng – là chứng tích của hai trận thuỷ chiến lẫy lừng của các thế hệ ông cha chống giặc ngoại xâm. Không chỉ có vậy, Hạ Long còn là một trong những cái nôi của con người với nền Văn hoá Hạ Long huy hoàng thời Hậu kỳ đồ đá mới tại những địa danh khảo cổ học nổi tiếng như Đồng Mang, Xích Thổ, Soi Nhụ, Thoi Giếng.
Hạ Long cũng là nơi tập trung đa dạng sinh học cao với những hệ sinh thái điển hình như hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái tùng áng, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới. . . Với hàng ngàn loài động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng như tôm, cá, mực. . . Có những loài đặc biệt quý hiếm chỉ có ở nơi đây. Đảo Ba Mùn là một hòn đá đảo rừng nguyên sinh, xanh ngợp cây đại ngàn. Nơi đây không hiếm các loại cây, cỏ làm thuốc quý như: ngũ gia bì, đằng đằng, ngưu tất, tam thất… Trên các đảo của vịnh có đủ các loại sơn cầm, dã thú như vượn, khỉ, sơn dương, kì đà, bói cá, hươu sao, sóc bay, đại bàng, cò lửa, chim xanh, chim gõ mõ…
Bãi Cháy là dải bờ biển nằm ở phía tây bắc Vịnh Hạ Long, là một bãi tắm trải dài, uốn khúc. Nơi đây mọc lên nhiều khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ. Các cửa hàng buôn bán sầm uất ngay bên cạnh bãi biển. Đi phà chừng 15 phút, sẽ tới Thành phố Hạ Long có mùi cá và mùi than. Đi về phía bên trái một chút là đến đảo Khỉ. Khách có thể đến thăm nơi sinh sống của gần 2000 con khỉ. Chúng kéo nhau đi nhận phần cơm khi có tiếng kẻng báo giờ ăn. Xem chúng bồng con bế cái, đùa giỡn, chòng ghẹo nhau. Chúng cũng vui, giận, yêu, ghen…
Với những giá trị đặc biệt như vậy, ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản thiên nhiên, khẳng định giá trị mang tính toàn cầu của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Đến với Hạ Long bạn không những sẽ cảm nhận được tất cả cái hay cái đẹp của thiên nhiên nơi đây mà bạn còn có thể cảm nhận được cái chân chất thật thà lương thiện của người dân nơi đây. Tất cả chắc chắn sẽ cho bạn một buổi du lịch rất có ý nghĩa và đầy sự lí thú.
Bài văn mẫu 2:
Thuyết minh về biển Sầm Sơn
Nằm cách thành phố Thanh Hóa chừng 17km về phía Đông và cách trung tâm Hà Nội khoảng 170km về phía Nam, Sầm Sơn là một trong những khu du lịch nổi tiếng khu vực Bắc Trung bộ từ những năm đầu thế kỷ 20 với bãi biển chạy dài gần 6km từ chân núi Trường Lệ ra đến cửa Lạch Hới. Năm 1906, dựa trên một số tiêu chí như độ thoải dốc của bờ biển, độ mặn của nước và độ mạnh của sóng, người Pháp đã đánh giá “Sầm Sơn là địa danh nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương”.
Ngay từ năm 1907, người Pháp đã bắt đầu khai thác du lịch làng núi Sầm Sơn cùng bãi biển chân núi Sầm phục vụ quan chức Pháp và quan lại Nam triều. Le Breton, một học giả người Pháp đã có nhận xét khá xác đáng về bãi biển Sầm Sơn “đây là bãi tắm tốt nhất để phục hồi sức khỏe…”. Với bãi tắm có dãi cát trắng mịn chạy thoai thoải ra khơi, sóng vỗ vừa phải, không có đá ngầm và người tắm có thể ra xa bờ đến hàng trăm mét mà vẫn an toàn…, khu nghỉ mát này đã nhanh chóng trở thành bãi tắm lý tưởng thu hút du khách thập phương. Từ đó đến nay, Sầm Sơn vẫn được xem là một trong những bãi biển nổi tiếng nhất nước. Sau khi thị xã Sầm Sơn được thành lập ngày 18-12-1981 đến nay, Sầm Sơn đã thực sự trở thành thị xã du lịch và nghỉ mát nổi tiếng của tinh Thanh Hóa. Vào dịp hè năm 2007, thị xã Sầm Sơn đã long trọng kỷ niệm “100 năm du lịch Sầm Sơn”.
Tại phía Nam dãy núi Trường Lệ còn có một bãi tắm đẹp với cảnh quan môi trường còn rất nguyên sơ. Đó là bãi tắm Tiên ẩn vào chỗ lùi của chân dãy Trường Lệ như một thung lũng nhỏ, hứa hẹn trở thành khu nghỉ dưỡng đầy triển vọng trong tương lai. Xuôi về phía Bắc, du khách còn có dịp tham quan khu sinh thái Vạn Chài với những ngôi nhà lá đậm đà bản sắc Việt, cùng ngư dân kéo chài, gỡ lưới hay tắm nắng mai và thưởng thức bữa tiệc nướng đầy hấp dẫn ngay trên bờ biển. Du khách có thể thuê những chiếc xe đạp đôi để cùng bạn bè, người thân hoặc tự mình khám phá cuộc sống của một thị xã sôi động lúc đêm về. Du khách cũng có thể cùng những chiếc cyclo xinh xắn đi dạo theo con đường ven biển. Chủ nhân của loại phương tiện này vừa thân thiện vừa mến khách, rất sẵn lòng giới thiệu những thắng cảnh của Sầm Sơn giúp khách có dịp hiểu hơn về con người và ngoại cảnh nơi đây.
Đến với biển Sầm Sơn, du khách không thể không biết đến nguồn hải sản phong phú và chất lượng hơn nhiều địa phương khác. Hải sản Sầm Sơn có đặc điểm là thịt chắc, vừa dai ngon lại cũng rất đậm đà. Du khách có thể thưởng thức từ Mực ống, Tôm he, Cua gạch… đến các loại cá ngon như Chim, Thu, Nục… đặc biệt món gỏi Cá và lẩu Rắn biển được nhiều du khách ưa thích. Để có món gỏi cá ngon, người ta phải chọn một số loại cá vừa đánh bắt còn tươi nguyên và chế biến cá sống từ ngoài khơi, rồi khi đưa về nhà mới ướp thêm một số gia vị. Riêng món đặc sản rắn chế biến cầu kỳ hơn, người ta bắt những con Rắn biển được nuôi sẵn trong thùng thủy tinh, treo ngược đầu để cắt tiết rồi mới lóc da và đem nấu lẫu. Theo người dân địa phương, thịt Rắn biển chữa được các chứng bệnh đau lưng.
Quả là thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Xứ Thanh một vùng biển tuyệt vời. Du khách đến với biển Sầm Sơn không chỉ được hòa mình vào với thiên nhiên thơ mộng, được nghe bản hòa tấu du dương của biển cả, của núi non, của những hàng dừa hay những rặng phi lao đung đưa trong gió…, mà còn được đắm mình vào một vùng đất thấm đẫm huyền thoại, truyền thuyết, một vùng đất được biết đến với những lễ hội dân gian đặc sắc như lễ hội đền Độc Cước, lễ hội An Dương Vương, lễ hội chùa Khải Minh… Sầm Sơn luôn để lại những dấu ấn thú vị cho những ai đã một lần tìm đến…
Xem thêm:
- Thuyết minh về Nhà đày Buôn Ma Thuột
- Thuyết minh về Hồ Gươm
Bài văn mẫu 3
Thuyết minh về sông Hương
Đất nước ta là một đất nước nhiệt đới nổi tiếng với danh lam thắng cảnh hữu tình. Vì thế hầu hết ở nhiều nơi trên đất nước nơi nào cũng có danh lam thắng cảnh và sông núi hết sức hùng vĩ. Những nơi nổi tiếng như sông Mã núi Mường Hung ở Sơn La, sông Lam núi Hồng ở Nghệ An, sông Kỳ Cùng núi Mẫu Sơn ở Lạng Sơn hay sông Trà Khúc núi Thiên Ấn ở Quảng Nam,… Thế nhưng giữa vô vàn những danh lam thắng cảnh đó thì có thể nói sông Hương chính là một trong những con sông nổi tiếng và đẹp nhất.
Nghe cái tên sông Hương ngắn gọn như thế nhưng mang trong nó là cả một câu chuyện dài và mang những dư vị của lịch sử. Sông Hương còn được biết đến qua khá nhiều cái tên trong những tập sách, trong thơ văn. Như trong sách Dư địa chí (1435) của Nguyễn Trãi sông Hương có tên là sông Linh, sách Ô Châu cận lục (1555) tên là Kim Trà đại giang, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ( 1776) tên là Hương Trà. Ngoài ra còn có những cái tên như sông Dinh, sông Yên Lục, Lô Dung,… Cái tên sông Hương không chỉ như vậy mà còn có khá nhiều cách lí giải được nhân gian tương truyền.
Theo như dã sử ghi lại rằng, vua Quang Trung khi đi qua đây và có hỏi tên con sông là gì. Người thấy những cái tên trước đó của con sông không có sự hữu hạn và không gợi sự trường tồn cho dòng sông nên nhà vua quyết định từ nay gọi tên Hương Giang. Cũng có tương truyền rằng bởi vì hai bên bờ sông có một loại cỏ thạch hương bồ tỏa ra hương thơm nên dòng sông có tên gọi là sông Hương. Ông Phan Thuận An, một nhà nghiên cứu văn hóa Huế cho rằng vì có nhiều giả thuyết khác nhau về sông Hương nên ông thiên về giả thuyết cái tên sông Hương bắt nguồn từ địa danh Hương Trà. Dòng sông nào cũng có một cái tên của vùng đất. Ngày xưa địa điểm của Phú Xuân-Huế thuột đất Hương Trà, là một lưu vùng có dòng sông chảy qua. Vì vậy người ta đã đặt tên cho dòng sông bằng cái tên huyện Hương Trà. Từ cái tên ban đầu là sông Hương Trà nhưng theo thời gian được biến đổi và gọi tắt là sông Hương. Trong tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường tên con sông lại được lí giải như một huyền thoại. Kể rằng bởi vì sự yêu quý con sông vô kể của người dân nên họ đã nấu nước muôn loài hoa đổ xuống sông để con sông tạo nên hương thơm ngát. Điều đó thể hiện sự gửi gắm mộng ước của nhân dân khi muốn đem tiếng thơm và cảnh đẹp để xây dựng lê văn hóa lịch sử lâu đời đẹp đẽ của ta.
Sông Hương có vị trí thuộc miền Trung Việt Nam. Hai dòng chính của dòng sông đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn huyền thoại. Cho đến khi về đến đồng bằng thì nó không như những dòng sông trước mà nằm gọn gàng chỉ trong một thành phố Thừa Thiên-Huế. Sông Hương có thủy trình 80km là điều hấp dẫn với nhiều nhà địa lý và cả những nghệ sĩ yêu thích cái đẹp. Sông Hương gồm có thượng nguồn Tả Trạch và Hữu Trạch. Hành trình chảy qua bắt đầu từ thượng nguồn này hết sức phong phú bởi vì nó chảy quanh các chân núi, qua các làng mạc, qua nhiều thác ghềnh và những cánh rừng rậm. Với hành trình phong phú như thế nên khi ngồi trên thuyền và xuôi theo sông Hương thì chúng ta cũng được thưởng ngoạn nhiều cảnh đẹp. Thủy trình của sông Hương sẽ cho bạn đi qua kinh thành Huế, đến thăm lăng Minh Mạnh, chùa Thiên Mụ, vượt qua cả cầu Dã Viên, Phú Xuân,… hay là xuôi cả về Thuận An để bạn có thể tận hưởng vẻ đẹp của biển cả đất trời.
Tuy nhiên điều mà dòng sông nổi tiếng này sở hữu và ý nghĩa hơn tất cả chính là giá trị văn hóa nghệ thuật của nó. Sông Hương là địa điểm quen thuộc được nhắc đến trong những bài văn, bài thơ nổi tiếng như Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tiếng hát sông Hương của tác giả Tố Hữu,… Hình ảnh của sông Hương được nhắc đến trong tác phẩm này là hình ảnh êm đềm của dòng sông, sự ngọt ngào mà dòng chảy đem lại như những vần thơ văn được viết ra vậy. Sông Hương dễ dàng đem đến cho những người nghệ sĩ cảm hứng sáng tác từ hình dáng mềm mại, vẻ thanh bình của nó và màu sắc lung linh. Không chỉ có thơ văn mà sông Hương cũng xuất hiện nhiều trong những lời ca êm ái như bài Ai ra xứ Huế, Diễm xưa,… Dòng sông này còn chính là không gian diễn xướng của những loại hình âm nhạc cổ truyền. Từ câu hát dân gian, điệu hò hay âm nhạc bác học trong những khúc Nhã nhạc cung đình Huế.
Ai ra xứ Huế thì ra
Ai về là về núi Ngự
Ai về là về sông Hương
Nước sông Hương còn vương chưa cạn
Chim núi Ngự tìm bạn bay về
Người tình quê ơi người tình quê thương nhớ xin trở về…
Không chỉ mang trong mình nguồn cảm hứng vô tận của nghệ thuật mà sông Hương còn chính là một chứng nhân lịch sử trung thành. Giống như nguồn gốc lịch sử ngàn năm của đất nước ta, sông Hương cũng đã tồn tại trường tồn như thế. Nó xuất hiện nhiều trong ghi chép của người xưa. Nguyễn Trãi có viết ra quyển sách địa dư và sông Hương lúc này mang tên là Linh Giang. Dòng sông viên châu có công lớn góp phần bảo vệ biên giới phía nam của đất nước. Hay như Hoàng Phủ Ngọc Tường từng nói rằng: Hiển nhiên là sông Hương đã sống những thế kỉ quang vinh với nhiệm vụ lịch sử của nó, từ thuở nó còn là một dòng sông biên thuỳ xa xôi của đất nước các vua Hùng. Đến thế kỉ XVII dòng sông Hương lại phản chiếu trên mình Kinh thành Phú Xuân của Nguyễn Huệ.
Cứ như thế dòng sông Hương đã tồn tại và sống mãi với lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Đến cả thời đại kháng chiến với những chuyến công rung chuyển của Cách mạng tháng Tám. Dòng sông này đã lưu giữ biết bao hương vị và nét đẹp của dân tộc ta. Nó đã trở thành biểu tượng trường tồn cho mảnh đất này và những người dân nơi đây. Sông Hương, hồn thơ của những con người xứ Huế.
Bài văn mẫu 4
Thuyết minh về chùa Một Cột
Ngày nay, phương tiện giao thông phát triển, cuộc sống của con người ngày càng sung túc hơn và cũng là lúc họ bắt đầu hành trình đi khám phá đất mẹ Việt Nam. Trong suốt ngần ấy thời gian của một đời người, thủ đô Hà Nội là nơi tiếp chân của rất nhiều vị khách du lịch đến tham quan và một trong những địa điểm tiêu biểu, nơi in dấu cho cuộc hành trình ấy, là chùa Một Cột.
Cuộc sống ngày càng hiện đại, con người lại càng thích thú với những công trình kiến trúc của thời xưa. Nếu Thánh địa Mỹ Sơn ở Tỉnh Quảng Nam hay Tháp Bà Ponagar ở tỉnh Khánh Hòa là những kiến trúc nghệ thuật, văn hóa của người Chăm Pa thời xưa thì chùa Một Cột là đài tượng niệm về những giá trị lịch sử, văn hóa thêm vào những nét kiến trúc độc đáo của phong kiến thời xưa, của nước Đại Việt một thuở. Vốn nằm trong quần thể chùa Diên Hựu trên đất thôn Thanh Bảo, huyện Quảng Đức, chùa ngự trị ở phía tây của hoàng thành Thăng Long đời Lý thời xưa nhưng giờ đây thuộc phố chùa Một Cột, quận Ba Đình, Hà Nội. Nằm bên tay phải là lăng của chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng chính là một trong những thuận lợi để nhiều du khách biết đến ngôi chùa và những giá trị văn hóa, tâm linh mà ngôi chùa này mang theo.
Chùa Một Cột hay còn có tên gọi khác là chùa Diên Hựu hoặc Liên Hoa Đài. Chùa được xây dựng vào năm Kỷ Sửu, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo 1 ( 1049) thuộc đời Lý Thái Tông- theo Đại Việt sử ký toàn thư. Hay nói cách khác, chùa được xây xựng vào tháng 10 năm 1049 âm lịch. Chùa Một Cột là một trong số hình ảnh biểu tượng cho thủ đô Hà Nội. Chùa được xây dựng và tồn tại cho đến ngày nay là nhờ vào giấc mộng trong đêm của vua Lý Thái Tông. Theo sử sách kể lại, trong một đêm nọ, khi vua lý Thái Tông đang ngủ thì gặp chiêm bao. Trong mơ, ông thấy Phật Bà Quan Âm xuất hiện ngồi thiền trên một tòa đài hình bông sen đang phát sáng, ánh sáng vô cùng rực rỡ, đưa tay dắt vua lên đài. Sáng hôm sau, khi thức giấc, trong buổi chầu vua, Lý Thái Tông kể cho bề tôi nghe về giấc mộng đêm qua. Có người cho rằng đó là điềm xấu nhưng nhà sư Thiên Tuế lại bảo rằng đấy là điều tốt và khuyên vua nên xây chùa. Hiểu được suy nghĩ của nhà sư, vua Lý Thái Tông liền ra lệnh xây chùa và dưới thiết kế của nhà sư dựa trên giấc mơ đêm đó, vua cho xây dựng một cây cột lớn giữa hồ và đài hoa sen có tượng phật Bồ Tát Quan Âm, giống y hệt như trong giấc mơ của vua Lý Thái Tông. Kể từ khi chùa được xây dựng, hằng năm cứ đến ngày rằm mồng một, vua lại đến đặt lễ để cầu phúc.
Ngoài ra, theo một số sách lại viết rằng vua Lý Thái Tông khi ấy đã gần hết tuổi thanh xuân nhưng vẫn chưa có con kế thừa. Trong một đêm nằm ngủ, vua gặp chiêm bao. Trong mơ, Lý Thái Tông, ông nhìn thấy phật Bà Quan Âm xuất hiện ngồi trên tòa đài hình bông sen sáng rực rỡ và trên tay , phật đang bồng bế một đứa bé trai. Vài ngày sau đó, kể từ khi mơ thấy giấc mơ ấy, hoàng hậu bỗng nhiên có thai và sinh ra được một hài tử vô cùng đáng yêu. Vua lấy làm mừng và nghĩ về giấc mơ gặp phật Quan Âm liền sai người xây dựng chùa dưới thiết kế của nhà sư Thiên Tuế dựa trên giấc mơ đó để xây thành như một lời cảm ơn, một lời đa tạ. Nhưng dù theo sử sách nào kể lại thì chùa Một Cột cũng được người đời biết tới là được khơi nguồn từ giấc mơ của vua thời Lý.
Kể từ khi được xây dựng cho đến ngày nay, chùa đã nhiều lần được trùng tu, sửa chữa. Chùa Một Cột ngày nay là thành quả của cuộc tu sửa vào năm 1954, khi thực dân Pháp chính thức đặt thuốc nổ phá chùa vào tối ngày 10 tháng 9 năm 1954 và sang ngày 10 tháng 10 năm 1954, chùa chính thức được tu sửa. Dù trải qua trên dưới hơn 1000 nghìn năm, chịu sự tàn phá của thời gian và bom đạn, chùa Một Cột vẫn giữa được nguyên vẹn những giá trị lịch sử, văn hóa của một thời phong kiến, giúp ta hiểu thêm về nghệ thuật kiến trúc cũng như lịch sử của dân tộc.
Đến với chùa Một Cột, khách du lịch như bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Tránh khỏi sự ồn ào của nơi đô thị bon chen, vội vã, chùa Một Cột là nơi vô cùng hoàn hảo cho những vị khách yêu chuộng sự yên tĩnh, an bình. Chùa được xây dựng với một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo mà từ trước tới nay chưa một ngôi chùa nào có được. Chùa Một Cột được xây dựng trên một cây cột lớn nằm giữa hồ Linh Chiểu và cũng bởi nó là ngôi chùa duy nhất được xây bằng một cột nên người dân thường gọi là chùa Một Cột.
Chùa có dạng hình vuông mỗi chiều khoảng ba mét, mái cong, được lợp bằng bốn mái ngói được đắp hình đầu rồng dựng trên một cột đá lớn với đường kính khoảng 1,2 mét, cao chừng bốn mét ( chưa tính tới phần dưới hồ của cây cột). Dưới cây cột, có hai khối đá lớn được khít chặt với nhau, gắn liền như một. Phần giữa thân cột được xem là một hệ thống tám thanh gỗ tạo thành một khung sườn đỡ phần trên của ngôi chùa. Thông thường, ở mỗi ngôi chùa, trên đỉnh chùa đều có một con rồng và chùa Một Cột cũng không ngoại lệ. Trên nốc chùa có đắp hình ” Rồng chầu mặt nguyệt ” hay còn gọi là “Lưỡng long chầu nguyệt”. Hình ảnh của ngôi chùa giống như một đóa hoa sen vươn lên giữa mặt hồ nên chùa còn có tên gọi là Liên Hoa Đài. Nhưng người dân nơi đây vẫn thường gọi là chùa Một Cột.
Đến với chùa Một Cột, du khách sẽ phải đi qua 13 bậc thang được xây dựng để bước vào chùa. Bậc thang rộng 1,4 mét. Hai bên có hai vách tường chắn. Phía bên tay trái trên bậc thang là một bia đá do Tỳ Khưu Lê Tất Đạt ghi với chiều dài 40cm và chiều rộng 30cm. Bên trong chùa, khách du lịch sẽ nhìn thấy một tượng Quan Âm Bồ Tát đang ngồi thiền trên một tòa tháp hoa sen ở phần cao nhất chùa và trên cửa có đề dòng chữ ” Liên Hoa Đài ” nhằm để du khách nhớ lại câu chuyện nằm mộng rồi xây dựng nên chùa Một Cột như ngày hôm nay của vua Lý Thái Tông. Tượng phật và đài hoa sen được làm giống y hệt như trong giấc mơ. Theo lời kể, xưa, cứ vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, vua Lý Thái Tông lại đến chùa để làm lễ tắm phật và làm lễ phóng sinh trong tiếng hò reo của nhân dân. Sức mạnh của thời gian cùng với bom đạn đã tàn phá, dù đã trãi qua nhiều lần tu sữa nhưng chùa vẫn giữ nguyên giá trị lịch sử muôn đời của nó và mang một tính chất tâm linh muôn đời.
Theo triết học của phương Đông, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng không gian chùa được xây dựng theo triết lý âm-dương. Chùa được dựng với dạng hình vuông tượng trưng cho âm ( đất ) trong khi đó cột đỡ chùa có hình tròn tượng trưng cho dương ( trời). Từ đó có thể thấy được sự hài hòa giữa âm và dương, giữa trời và đất như mong muốn một cuộc sống yên vui, ấm no , sung túc cho nhân dân. Đến với chùa, du khách không những được hít bầu không khí thanh bình, tĩnh lặng mà còn có mùi hương ngào ngạt của những bông sen dưới hồ Linh Chiểu. Những bông hoa dù sống trong bùn lấy vẫn giữ được vẻ đẹp tinh khiết, trong trắng của một bông hoa đồng nội.
Được xếp vào hạng ” Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia ” vào ngày 28 tháng 4 năm 1962, chùa Một Cột cho đến ngày nay vẫn thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Muốn hiểu thêm về chùa Một Cột, bạn nên đến đây và tự mình cảm nhận. Tôi chắc chắn rằng bạn sẽ có một chuyến đi tuyệt vời khi đến với ngôi chùa độc đáo này.
Bài văn mẫu 5
Thuyết minh về chùa Dâu
Có ý kiến cho rằng: Trong nền văn hóa cổ nước ta có rất nhiều viên ngọc bị che lấp bởi lớp bụi thời gian mà nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm tòi, bảo vệ cho nó sáng mãi. Khu di tích lịch sử văn hóa chùa Dâu là một viên ngọc như thế.
Xây dựng từ những năm đầu Công nguyên, chùa Dâu lại mang một giá trị đặc biệt của trung tâm truyền giáo đạo Phật đầu tiên ở nước ta. Chùa Dâu nay thuộc xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh xưa thuộc Tống Khương, huyện Luy Lâu, quận Giao Chỉ.
Từ xa xưa người dân nơi đây thường sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm, dân gian vẫn thường gọi là vùng dâu hoặc kẻ dâu. Chất mộc mạc thôn dã và giản dị nơi đây đã góp phần không nhỏ tạo lên nét đẹp dân gian tự nhiên của chùa. Khoảng đầu Công nguyên một số nhà sư từ Ấn Độ đi theo đường biển vào Luy lâu để truyền đạo. Nhanh chóng chùa đã trở thành một trung tâm truyền giáo đạo Phật đầu tiên để từ đây lan rộng sang Lạc Dương (Trung Quốc) và một số nơi khác. Bấy nhiêu thôi cũng đã đủ làm cho chúng ta tự hào và trân trọng bởi ý nghĩa của giá trị văn hóa nơi đây. Nhưng không dừng lại ở đó, chùa còn đào tạo được 500 vị tăng ni, dịch được 15 bộ kinh, làm được hàng chục bảo tháp có các vị cao tăng nổi tiếng đã đến đây trụ trì như Mâu Bát, Pháp Hiền,:) Chi Y Cương Nương, Khâu Đà La… Ban đầu chùa Dâu chỉ là một cái am nhỏ, sau phát triển lên thành một ngôi chùa với tên gọi đầu tiên là Cổ Châu tự (nghĩa là một viên ngọc quý). Đến thế kỷ thứ II sau Công nguyên (khoảng 187-226, thời Sỹ Nhiếp) hệ tư pháp được ra đời chùa Dâu thời bà Pháp Vân nên gọi là Pháp Vân tự.
Vào thế kỷ XIV (1313), có thể nói đây là đợt hưng công lớn nhất. Dưới đời vua Trần Nhân Tông, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã cho xây lên chùa to lớn như ngày nay: Chùa có hàng trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp mà bao đời nay khách từ muôn phương vẫn về đây chiêm ngưỡng. Hành động ấy, việc làm ấy của ông cha ta thời xưa đã thể hiện ý thức dân tộc, sự tôn trọng, đề cao văn hóa, bản sắc dân tộc.
Chùa Dâu được coi là nơi rất thiêng liêng nên đã có lần chùa được gọi là Diên Ứng tự (tức cầu gì được nấy). Điều đó đã được minh chứng qua các đời vua của triều đại xa xưa cũng từng về chùa Dâu như vua Lý Thánh Tông cầu tự (tức cầu con) và gặp được nguyên phi Ỷ Lan khi đi thuyền trên sông Dâu. Năm Đinh Tị 1737 có rất nhiều vua chúa cung tần mĩ nữ qua lại lễ Phật cầu đảo thăm chùa, vãn cảnh,…
Với diện tích khoảng 1730m2 trên khu đất rộng bằng phẳng nằm cạnh sông Dâu, chùa được xây dựng mang đậm phong cách nghệ thuật, kiến trúc của thời Lý, Trần do được tu sửa vào thời kỳ này. Quan trọng nhất là tháp Hòa Phong, tháp có chín tầng song trải qua thời gian lịch sử lâu dài nay chỉ còn ba tầng có chiều cao khoảng 15m. Chân tháp hình vuông, trong lòng tháp có bốn bệ gạch bốn bên, trên mỗi bệ là một tượng hộ pháp bằng gỗ cao 1,6m. Ở tầng hai của tháp có biển đá khắc chữ “Hòa Phong tháp”. Đặc biệt hơn nữa tháp dùng để đặt các xá lị, bên trên là một chiếc khánh đồng và một chiếc chuông đồng lớn có niên đại từ 1893. Màu thời gian đã bao phủ lên tháp những lớp rong rêu xanh màu cổ kính. Song có thể nói giá trị của tháp Hòa Phong trong quần thể di tích chùa Dâu là không nhỏ bởi đã gây sự chú ý đặc biệt của khách du lịch thăm quan từ bốn phương về đây.
Đến với chùa Dâu ngoài cảnh quan đồ sộ, chúng ta còn được chiêm ngưỡng những pho tượng quý giá như Pháp Vân, Kim Đồng, Ngọc Nữ, những bức phù điêu chạm khắc trên những bức trống, cốn, giá chiêng mà ngày nay ít khi có được. Tất cả đều được tạc và rèn đúc rất tinh xảo trong bàn tay các nghệ nhân đời xưa. Tiêu biểu đó là tượng Pháp Vân cao 1m85cm tạo trong thế ngồi ở tòa sen toàn thân sơn màu cánh dán. Với chân dung tai to, lông mày cong lá liễu, cổ cao ba ngấn tay phải dơ 5 ngón lên trời, trong lòng bàn tay có một viên ngọc sáng. Nét thanh thoát, mềm mại của bức tượng đã toát lên vẻ nhân từ, độ lượng của nhà Phật thiêng liêng, cao quý. Ta còn nhận thấy rằng tín ngưỡng phật giáo Ấn Độ đan xen trong tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam như thờ các vị thần: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện. Gửi gắm vào đó là những mong ước cho mùa màng bội thu, cơm no áo ấm cho mọi chúng sinh của nhân dân khi trời đất được mưa thuận, gió hòa.
Một điểm đáng nói nữa trong công trình kiến trúc của chùa Dâu là hình trạm trổ trên đá. Đó là phong cảnh thiên nhiên chim muông, hoa lá, đặc biệt là rồng. Theo một số nhà nghiên cứu thì một số hiện vật bằng đá, gạch đất nung trang trí có hình vẽ rồng phần lớn là kiến trúc nghệ thuật rồng có niên đại vào thời Lý Trần. Con rồng không chỉ là biểu tượng văn hóa quý trong di sản văn hóa vật thể mà còn hiện diện rất phong phú trong di sản văn hóa phi vật thể. Nó đi vào đời sống hôm nay như một nhu cầu văn hóa không thể thiếu trong các lễ hội. Ngày nay kiến trúc của chùa Dâu vẫn giữ nguyên như cũ: Nhà tiền thất, tháp Hòa Phong, Tiền Đường, tòa Tam Bảo, Thượng Điện, Hạ Điện, Hậu Đường, hai dãy hành lang,… Tuy nhiên thì cầu chín nhịp và Điện Tam quan đã không còn. Hằng năm cứ vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, không ai bảo ai người dân từ thập phương đều kéo về nơi đây lễ Phật cầu may. Đó cũng là ngày hội chính của chùa Dâu, ngày mà bà Man Nương sinh hạ.
Hội Dâu mở trong 3 ngày: mồng 7, mồng 8, mồng 9 âm lịch với một quy chế rất chặt chẽ. 11 kiệu Phật được rước ra ngoài trời, đi khắp 12 làng xã trong Tổng Khương. Các kiệu Phật được phong áo rất lộng lẫy uy nghi. Gắn với lễ hội còn có các trò chơi dân gian như thi cướp nước, múa trống, múa gậy, múa sư tử. Ban đêm có hát chầu văn, hát chèo, hát trống quân,… Đi theo các pho tượng rước còn có các tán, long, tù và, trống chiêng… tất cả đã tạo nên cho ngày hội thêm đông vui, náo nhiệt.
Về với chùa Dâu ta còn được nghe kể rất nhiều chuyện, truyền thuyết dân gian về Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, về sự tích giữa ông Khâu Đà La và bà Man Nương đầy ly kỳ, hấp dẫn. Trong hiện tại và tương lai chùa Dâu mãi là một nơi mang đậm màu sắc dân tộc Việt Nam, là một nơi mang nhiều ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Không biết tự bao giờ, hội Dâu đã thành lịch trong dân gian với những câu ca quen thuộc:
Mồng bảy hội Khám
Mồng tám hội Dâu
Mồng chín đâu đâu
Cũng về hội Gióng.
Đồng thời chùa Dâu – hội Dâu đã trở thành tiếng gọi tâm linh đối với tất cả mọi người:
Dù ai đi đâu, về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Tháng tư, ngày tám, nhớ về hội Dâu.
Ngược dòng lịch sử, bóc trần từng lớp bụi thời gian ta mới thấy hết được ý nghĩa và vẻ đẹp truyền thống của khu di tích văn hóa chùa Dâu. Tôi tin rằng cả ngày hôm nay và mai sau viên ngọc quý đó sẽ mãi được trường tồn và bảo vệ bởi những lớp người tiến bộ của xã hội chủ nghĩa. Để chùa Dâu xứng đáng với tên gọi là một trung tâm phật giáo đầu tiên của nước ta. Niềm tự hào ấy không chỉ của những người dân Kinh Bắc mà của cả dân tộc, của cả trang sử vẻ vang trong nét đậm đà bản sắc quê hương.
Bài văn mẫu 6
Thuyết minh về bến cảng Nhà Rồng
Bến Nhà Rồng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Không những vậy còn mang nét kiến trúc hết sức độc đáo của lịch sử. Chính nơi đây là địa điểm khởi đầu cho con đường giải phóng dân tộc của Bác Hồ vĩ đại, gắn liền với con đường cách mạng nên đã sớm là niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung, người dân Sài Gòn nói riêng.
Đã một thế kỉ rưỡi trôi qua với biết bao biến cố thăng trầm nhưng bến Nhà Rồng vẫn đứng uy nghiêm trên con đường Nguyễn Tất Thành quận 4 thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng chính là bến ra vào của một thương cảng sầm uất nhất nước, hay được gọi là cảng Sài Gòn. Ngay trước mặt bến Nhà Rồng chính là bến Bạch Đằng lộng gió nằm ngay trung tâm. Với danh xưng là “hòn ngọc Viễn Đông” thì hình ảnh khu vực này khi thành phố lên đèn hết sức lung linh và huyền ảo.
Khi thực dân Pháp chiếm được thành Gia Định vào ngày 4/3/1863 thì liền tiến hành mở cảng Sài Gòn. Bọn chúng cho xây dựng trụ sở công ty vận tải Hoàng Đế là một tòa nhà 3 tầng xây dựng với lối kiến trúc phương Tây. Thế nhưng lại trang trí trên nóc nhà 2 con rồng lớn bằng đất hình dáng trái cầu, chúng được miêu tả theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt”. Bởi vì vậy có tên gọi là Nhà Rồng và bến cảng được gọi là Bến Nhà Rồng. Tuy nhiên cho đến thời kì Mỹ xâm chiếm thì chúng đã cho sửa đầu rồng quay qua 2 phía. Cho đến năm 1979 nơi đây được Ủy ban nhân dân thành phố trao cho Sở văn hóa thông tin thành phố để xây dựng thành khu lưu niệm Bác Hồ kính yêu. Vào tháng 10 năm 1995 nơi đây tiếp tục được chỉnh lý và nâng cấp trở thành bảo tàng Hồ Chí Minh.
Nói về kiến trúc thì tòa nhà là sự kết hợp giữa cả hai lối kiến trúc phương Tây và phương Đông. Phía trên nóc nhà được thiết kế và trang trí với những kiến trúc đền chùa. Đến tháng 10 năm 1865 nơi đây được xây dựng cột cờ thủ ngữ để có thể treo cờ hiệu cho tàu thuyền thấy và cập bến. Mãi cho đến năm 2001 khi đất nước đã hòa bình, ngay chính diện của tòa nhà đã có thêm bức tượng Nguyễn Tất Thành được tạc nên tạo thêm sự uy nghi của bảo tàng.
Bến Nhà Rồng không chỉ là một nơi mang kiến trúc lịch sử mà còn là nơi lưu giữ những kỉ niệm về Bác đối với người Việt Nam. Nơi đây, bến cảng Nhà Rồng là một địa điểm đánh dấu bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta. Là nơi mà một người thầy đã xả thân đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc ta. Khi rời trường Dục Thanh thì thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã xin học tại trường Bách nghệ. Ngôi trường này có chuyên môn chính là chuyên đào tạo công nhân tại Sài Gòn. Người đã nuôi dưỡng giấc mơ của mình bằng cách từ bỏ công việc ổn định để chuẩn bị tìm tòi công cuộc cứu nước như thế. Vào ngày 5/6/1911, chỉ với hai bàn tay trắng người thanh niên có tên Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu hành trình “30 năm ấy chân không nghỉ” khi đặt bước lên con tàu Latouche Treville.
Trong khoảng thời gian không ngừng tìm tòi và kiếm tìm những điều mới lạ tại nước ngoài, cuối cùng người đã tìm thấy ánh sáng cho con đường giải phóng của mình. Ánh sáng đó chính là ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Tháng 8 năm 1945, sau khi người trở về liền lãnh đạo cả dân tộc tổng khởi nghĩa thắng lợi và lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đó nhân dân liền theo tư tưởng của Người và tiếp tục “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhờ có vậy mà từ mùa xuân 1975 non sông gấm vóc thân thương của ta đã nối liền một dải.
Trong xuyên suốt lịch sử chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mĩ thì bến Nhà rồng là địa điểm được nhân dân chọn để tổ chức những cuộc mít-ting, bãi công, biểu tình,… Những cuộc vận động này được đông đảo người dân mọi tầng lớp tham gia để chống đối bọn tay sai và chính quyền thực dân. Vào ngày 13/5/1975 đã xảy ra sự kiện mang ý nghĩa lịch sử quan trọng trong năm tháng gắn liền hai miền Nam-Bắc đó là con tàu sông Hồng cập bến chính thức đã nối con đường biển thương giữa 2 miền.
Có biết bao tư liệu lịch sử và hiện vật quý hiếm đã được lưu giữ tại bến Nhà Rồng để giúp cho mọi người có cái nhìn gần gũi và chân thật nhất về sự nghiệp cách mạng và cuộc đời của vị lãnh tụ vĩ đại. Trải qua nhiều lần chỉnh sửa và gia cố thì đến nay bảo tàng được xây dựng thành 12 phòng trưng bày. Bao gồm khoản 170 tư liệu, hiện vật, hình ảnh,… Nếu đã từng đến xem những hiện vật thì bạn sẽ phải lặng người trước những hiện vật về Người. Đôi dép cao su mòn vẹt, đôi dép mà Bác đã bước trên đó để mở ra con đường giải phóng cho dân tộc ta. Nó chính là biểu tượng cho sự bình dị và gần gũi với đời sống nhân dân của Bác. Đặc biệt hơn nữa chính là những vết bút người đã ghi chép lại trong văn kiện đã góp phần làm thay đổi số mệnh của cả dân tộc. Ngày nay bảo tàng là nơi để nhân dân đến nghiên cứu về lịch sử và giao lưu, tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Bác. Không ồn ào náo nhiệt như những khu du lịch nổi tiếng thế nhưng hằng năm bảo tàng vẫn thu hút hàng triệu người đến tham quan từ trong và ngoài nước.
Ngoại trừ diện tích xây dựng tòa nhà thì có 1200 mét vuông có hàng trăm các loại cây tạo nên bầu không khí xanh mát và cũng góp phần thanh lọc không khí của thành phố. Trong đó nổi bật là cây đa Tân trào do cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mang từ Bắc vào, chậu mai chiếu thủy trồng từ năm 1946 hay cây bồ đề của Tổng thống Ấn độ tặng trong chuyến thăm nước ta vào năm 1946 . Không chỉ vậy còn có 23 cây Hoàng nam được sứ quán Thái Lan tặng.
Bến Nhà Rồng đã được chọn làm biểu tượng của thành phố nhân kỉ niệm 300 năm Sài Gòn. Thời gian qua đi thế nhưng lòng tôn vinh của tầng lớp nhân dân vẫn luôn như vậy, không hề phai nhạt đi với Người. Ngày ngày vẫn có tầng tầng lớp lớp các thế hệ đến cúi đầu để bày tỏ sự tri ân tới Người đã đem lại một đất nước Việt Nam tự do như ngày nay.
Bến Nhà Rồng hay còn được gọi là Bảo tàng Hồ Chí Minh, nơi đây lưu giữ những kỉ vật cũng như hành trình tìm đường giải phóng dân tộc khỏi bể khổ lầm than của Bác. Qua những bài viết trên về đề tài thuyết minh về Bến Nhà Rồng, chúng tôi hi vọng các em hiểu biết thêm về một di tích lịch sử của nước mình, con đường giải phóng dân tộc gian nan đầy khó khăn của Bác – một người đã hi sinh cả cuộc đời vì nước, vì dân. Chúng ta tự hào vì Việt Nam có Bác – chủ tịch Hồ Chí Minh.
************
Trên đây là hướng dẫn làm bài Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 4 với nội dung thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích cho các em trong quá trình học tập môn Ngữ văn lớp 9. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao!
Tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu khác tại :
- Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 1
- Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 2
- Viết bài tập làm văn số 1 lớp 9 đề 3
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp