Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết lớp 6 hay nhất (9 Mẫu)

0
325
5/5 - (1 bình chọn)

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết lớp 6 ngắn gọn bao gồm dàn ý chi tiết cùng 10 bài mẫu được biên soạn và chọn lọc từ các bài văn đạt điểm cao của các em học sinh giỏi sẽ giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới để dễ dàng hoàn thiện tốt bài tập làm văn theo văn phong riêng của mình thêm hay, cuốn hút nhất.

Đề bài: Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết lớp 6
Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết lớp 6

Dàn ý viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết lớp 6

1. Mở bài: 

Giới thiệu về cảnh gói bánh chưng ngày Tết.

2. Thân bài:

  • Khung cảnh ngày Tết ở quê em.
  • Quá trình gói bánh chưng.
  • Cảm xúc của mọi người khi gói bánh.

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận của em về cảnh gói bánh chưng ngày Tết.

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết – Mẫu 1

Hằng năm, cứ Tết, em và bố mẹ trở lại quê ăn Tết với ông bà. Sáng ngày 29 Tết, như thông lệ, ông bà thường gói bánh chưng.

Bà em vo gạo nếp và đãi đỗ xanh đã được ngâm từ tối hôm trước. Ông thái thịt lợn được bà đi chợ mua từ sớm thành từng miếng to bằng bàn tay em. Sau khi thái xong ông ướp thịt với muối và hạt tiêu. Mẹ em nhanh chóng trải chiếu ra trước hiên nhà, lau sạch lá rong đã được bà rửa sạch từ chiều hôm trước, phân ra hai loại lá to, lá nhỏ để chuẩn bị gói bánh. Bố em khuân những cây củi nhãn to từ góc vườn vào sân để chuẩn bị nấu bánh chưng.

Đến hơn 8 giờ sáng, mọi công đoạn chuẩn bị đã hoàn thành. Cả ngày ngồi quây quần trên chiếc chiếu cói và gói bánh. Mẹ xếp lần lượt 4 lượt lá sẵn trên mâm. Bà đổ một lượt gạo, một lượt đỗ, rồi để miếng thịt vào chính giữa, rồi lại một lượt đỗ, một lượt gạo. Sau khi xong, bà chuyển mâm đó sang cho ông gói. Ông với đôi tay khéo léo, nhanh thoăn thoắt đã gói thành một chiếc bánh chưng vuông vức mà không cần khuôn và buộc lạt thật chặt và xếp sang một bên. Vừa gói bánh mọi người vừa trò chuyện, vô cùng ấm cúng và náo nhiệt. Chẳng mấy chốc những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn đã được hoàn thành. Ông còn đặc biệt gói một chiếc bánh chưng nhỏ xíu bằng lòng bàn tay cho em.

Ông và bố xếp những chiếc bánh vào một chiếc nồi to, rồi mang ra giữa sân, chỗ cái bếp mà bố vừa “thiết kế” từ những viên gạch cũ ông xếp ở góc vườn. Lửa được nhóm rồi nhanh chóng bùng lên. Một lúc sau nồi bánh chưng đã sôi sùng sục. Cả ngày hôm ấy, em và bố cùng trông bánh chưng. Em rất thích được ngồi cạnh bếp lửa để sưởi ấm và vùi những củ khoai lang lấy từ trong bếp của bà vào trong đám than đang cháy hồng rực để nướng.

Đến 12 giờ đêm, lúc này bánh đã chín, cả nhà vớt bánh. Em háo hức lại thật gần để nhìn từng chiếc bánh cho thật rõ. Từng chiếc bánh lần lượt được vớt ra khỏi nồi toả khói nghi ngút. Mùi thơm của bánh chưng mới luộc xong thật hấp dẫn. Dù đã luộc khá lâu nhưng em vẫn nhìn thấy màu xanh rất đẹp của lá dong và màu đã hơi ngả vàng của lạt buộc bên ngoài. Bánh vớt xong được xếp cẩn thận trên chiếc bàn. Bà bảo em là để qua đêm cho ráo nước, đến sáng mai là có bánh chưng để thắp hương ông bà tổ tiên.

Gói bánh chưng ngày Tết là tục lệ đẹp của gia đình em nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Em luôn mong đến Tết để được về gói bánh chưng với ông bà. Cảnh gói bánh chưng ngày Tết ở nhà em thật yên bình và ấm áp. Nó cho em thấy được tình cảm gia đình gắn bó, ý nghĩa của ngày Tết đối với mỗi người dân Việt Nam và thêm yêu mến, trân trọng những truyền thống tốt đẹp của quê hương.

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết – Mẫu 2

Ẩm thực Việt Nam phong phú và đa dạng hơn từng ngày, nhưng có lẽ người Việt chúng ta sẽ không bao giờ quên được món bánh truyền thống của dân tộc vào mỗi dịp Tết xuân về – bánh chưng. Bánh chưng không chỉ là một món ngon bổ dưỡng mà còn là một món ăn mang đậm hương vị dận tộc, quê hương.

Chắc hẳn ai là con dân Việt Nam đều cũng đã nghe về Sự tích bánh chưng, bánh giày, đó chính là câu chuyện bắt nguồn cho sự ra đời của bánh chưng. Món bánh này chính lễ vật mà Lang Liêu đã dâng lên vua Hùng thứ 6. Đây là món ăn của trời đất, nhắc nhớ đến tổ tiên.

Để có thể gói được một chiếc bánh chưng, nguyên liệu cần chuẩn bị vô cùng đơn giản, trong đó không thể thiếu là lá bánh. Lá để gói bánh có thể là lá dong hoặc lá chuối nhưng gói bánh bằng lá dong sẽ giúp bánh thơm và xanh hơn. Tiếp đến là lạt buộc được chẻ khéo léo từ cây tre bánh tẻ (cây tre không quá non hay quá già), giúp cho việc buộc bánh được dẻo dai và chắc. Một trong những nguyên liệu quan trọng nhất là gạo. Gạo làm bánh phải là gạo nếp thơm, hạt tròn đều, chắc mẩy, giúp cho bánh thêm dẻo và mang trọn hương vị đồng quê. Đỗ xanh, thịt lợn cũng là những nguyên liệu không thể thiếu. Thịt lợn thường được dùng là loại thịt ba chỉ, lí do dùng loại thịt này là bởi khi ăn, bánh sẽ có độ béo vừa phải. Ngoài ra, bánh chưng còn có thêm một số loại gia vị như muối, hạt tiêu… Tất cả sẽ góp phần tạo nên một món ăn truyền thống đặc biệt và khó quên.

Quy trình gói một chiếc bánh chưng đòi hỏi sự cẩn thận và khéo léo. Lá bánh sẽ được rửa sạch và phơi khô cho ráo nước, sau đó tước bỏ phần cuống cứng để không làm rách lá khi gói. Đỗ và gạo được vo rồi ngâm thật kĩ, nhặt bỏ những hạt bị hỏng, sau đó để ráo nước. Thịt lợn có thể được ướp gia vị như muối và hạt tiêu cho mùi vị thêm hấp dẫn. Sau khi khâu chuẩn bị đã hoàn tất sẽ đến quy trình gói bánh. Bánh có thể gói bằng tay hoặc khuôn cho vuông vắn. Lá bánh được xếp so le lên xuống, rồi người ta bắt đầu đổ miệng bát gạo san đều, tiếp đến là một bát đỗ rồi đặt thêm hai miếng thịt, tiếp tục rải đỗ và gạo chồng lên. Gói bánh phải thật khéo tránh để gạo và đỗ rơi ra ngoài. Chiếc bánh được cố định bằng lạt. Bánh gói xong được đem luộc trong thời gian khoảng 10-12 tiếng. Bánh sau khi vớt ra khỏi nồi phải để một ngày cho bánh ráo nước và bớt dính, sau đó có thể sử dụng.

Bánh chưng là một món ăn đặc trưng của chúng ta, luôn luôn được sử dụng vào dịp lễ Tết, là một món ăn mang đậm nét đẹp văn văn hóa dân tộc. Dù có đi đâu hay làm gì thì vào mỗi dịp Tết, trong mỗi gia đình Việt Nam cũng không thể thiếu món bánh chưng để cúng ông bà Tổ Tiên.

Dù hiện nay có muôn vàn loại bánh ngon nhưng bánh chưng vẫn mãi là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Là một người con Việt Nam mỗi chúng ta nên giữ gìn món bánh cổ truyền ấy.

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết – Mẫu 3

Cứ vào ngày 28 tháng Chạp hằng năm, gia đình em sẽ ngồi lại cùng nhau gói bánh chưng ngày Tết. Dù cho công việc có bộn bề ra sao thì đến ngày này, tất cả mọi người đều gác lại để quây quần bên gia đình. Điều này làm em mong chờ ngày Tết đến.

Để chuẩn bị cho ngày gói bánh chưng, ai nấy trong nhà đều rất bận rộn. Bà và mẹ đi chợ Tết để mua nguyên liệu gói bánh. Trong khi đó, ông nội và bố em sẽ dọn rửa chiếc nồi nấu bánh rất lớn của gia đình. Là người nhỏ nhất trong nhà, em được phân công rửa lá dong để chuẩn bị cho công đoạn gói bánh. Vì đã được cùng ông bà, bố mẹ gói bánh từ nhiều năm nay nên em khá thành thạo công việc này. Vào dịp Tết, được cùng mọi người làm việc, em thấy thích thú và háo hức vô cùng.

Khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong xuôi, cả gia đình em sẽ bắt tay vào việc gói bánh. Để chiếc bánh có hình dáng đẹp nhất, ông nội đã đóng những chiếc khuôn vuông vắn, gọn gàng. Bằng cách gói theo khuôn thế này, bánh chưng sẽ không bị méo mó. Những chiếc lá dong sau khi rửa sạch sẽ được xếp ngay ngắn từng lá một trong khuôn sau đó sẽ lần lượt đổ nếp, thịt lợn, đậu xanh,… Cuối cùng là dùng lá giang buộc chặt bánh lại. Công đoạn gói bánh nghe qua có vẻ hết sức đơn giản. Thế nhưng để tạo nên một chiếc bánh chưng đẹp mắt ngày Tết đòi hỏi người gói phải thành thục, cẩn thận và tỉ mỉ. Trong suốt buổi gói bánh, gia đình em trò chuyện cùng nhau. Mọi người vừa gói bánh vừa lắng nghe ông nội kể những câu chuyện về ngày Tết của thời xưa. Tiếng cười vang vọng khắp gian nhà.

Trong những ngày lễ đặc biệt này, được quây quần, sum họp bên những người mà mình yêu thương là niềm hạnh phúc vô bờ. Em sẽ mãi ghi nhớ những phút giây, khoảnh khắc ý nghĩa này.

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết – Mẫu 4

Tôi luôn chờ mong đến Tết, xuân sang vì Tết mang đến cho tôi bao niềm vui háo hức, bao say mê ngập tràn. Và tôi yêu, tôi yêu lắm Tết với bánh chưng xanh. Cảnh gói bánh chưng ngày Tết luôn là một phần đặc biệt trong tâm trí tôi.

Bánh chưng là loại bánh cổ truyền của dân tộc ta. Chẳng người dân Việt Nam nào mà không biết đến bánh chưng, không biết đến Tết. Hình ảnh bánh chưng xanh đi vào tiềm thức người Việt và là nét đẹp văn hóa nghìn đời.

Gói bánh chưng không phải việc đơn giản, dễ dàng. Khi nguyên liệu như gạo nếp đã được ngâm kĩ càng, trắng phau phau, lá dong được rửa sạch, đỗ xanh đã thơm lừng, thịt lợn đã ngào ngạt tiêu và tinh thần ai nấy đều sẵn sàng thì hoạt động gói bánh diễn ra.

Đôi bàn tay bố thoăn thoắt gói bánh. Những chiếc lá chồng lên nhau thành hình chữ thập. Lá nào lá nấy xanh mơn mởn, to bản và cứng cáp lắm thay. Xếp được hai lớp lá lên, thì một lớp gạo trắng sẽ được đổ vào. Lớp gạo ấy được dải đều ra và chính là phần vỏ thơm của bánh mà chúng ta hay ăn. Lớp đỗ mịn màng, vàng sẽ được cho vào sau đó. Lớp đỗ được san đều trên mặt gạo. Chẳng mấy chốc, hai lớp áo xinh đã xong. Bố nhanh chóng cho miếng thịt thơm ngon vào để lên bánh. Thịt to, thơm mùi tiêu. Trông cứng cáp thế đấy nhưng rồi nó sẽ mềm oặt đi trong sự bảo vệ của lớp lá và bao lớp nhân ngọt ngào. Thao tác được lặp lại và trong một vài phút, bố bắt đầu vén chiếc bánh để tạo hình. Chẳng cần một chiếc khuôn, bàn tay bố khéo léo dốc gạo sau khi đã cuộn lá thật chắc. Những chiếc lá dưới bàn tay bố như hóa phép màu. CHúng vuông lúc nào chẳng hay. Chỉ trong vài phút, một chiếc bánh chưng ra đời. Bánh được xếp gọn gàng để chờ đi luộc.

Trông gói thì dễ dàng, tả thì thấy sao mà đơn giản. Nhưng thực tế, gói bánh chưng là một hành trình dài mà chúng ta phải cứng cáp, phải chắc tay thì mới có thể rèn luyện. Chiếc bánh chưng thơm ngon là hương vị Tết mà mỗi người đều cần phải nâng niu.

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết – Mẫu 5

Hằng năm, cứ dịp Tết đến, xóm em lại tổ chức gói bánh chưng để dành tặng cho những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Có thể nói đây là một trong những trải nghiệm có ý nghĩa sâu sắc đối với em.

Từ sáng sớm tinh mơ, em đã cùng mẹ và các cô đi chợ mua sắm các nguyên liệu cần thiết để chuẩn bị gói bánh chưng. Ở đầu làng, mọi người vừa rửa lá dong vừa trò chuyện rôm rả. Những anh thanh niên trong làng được giao nhiệm vụ bưng bê dụng cụ làm bánh, bàn ghế,… để chuẩn bị cho việc gói. Không khí đông vui, nhộn nhịp làm sao. Khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong, bác trưởng thôn nói về ý nghĩa của buổi gói bánh chưng hôm ấy. Mỗi người một việc, ai cũng bận rộn nhưng ánh lên trên khuôn mặt là sự phấn khởi, hào hứng.

Mọi người ngồi quây quần bên nhau giữa sân nhà văn hoá để gói bánh. Những chiếc lá dong sau khi rửa sạch và lau khô đã được xếp gọn vào từng khuôn bánh. Mọi người lần lượt cho các nguyên liệu vào trong khuôn. Sau đó những bàn tay khéo léo nhanh chóng gói ghém và buộc dây cố định trên những chiếc bánh chưng có khuôn hình vuông vắn.

Gói xong, bánh được đem cho vào nồi gang, đun trên bếp củi. Những chiếc bánh chưng sau khi được nấu chín tỏa ra mùi thơm rất đặc biệt. Có vị ngào ngạt của nếp, mùi béo ngậy của thịt lợn và xen lẫn hương thơm của đậu xanh. Sau khi đã hoàn thành, những chiếc bánh này sẽ được gửi tặng đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người già neo đơn trong xóm. Bằng cách này, mọi người mong muốn mang đến một cái Tết ấm no và trọn vẹn hơn cho những số phận kém may mắn ấy.

Được gói bánh chưng cùng mọi người thực sự là trải nghiệm đáng quý. Tết trở nên ý nghĩa hơn khi đong đầy tình người. Hi vọng rằng, truyền thống này sẽ được giữ gìn và phát huy.

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết – Mẫu 6

Vậy là sắp đến Tết, dịp mà ai ai cũng mong chờ. Đối với mỗi người, Tết lại đẹp theo một cách riêng. Em thích nhất khoảnh khắc cả gia đình sum vầy, cùng nhau gói bánh chưng ngày Tết.

Sau những tháng ngày làm việc và học tập căng thẳng, gia đình em chỉ chờ đợi Tết đến để được về quê thăm ông bà. Năm nào em cũng hào hứng, hân hoan trong suốt chuyến xe đi về quê. Khoảnh khắc nhìn thấy ông bà đang đợi sẵn ở đầu ngõ, em xúc động vô cùng.

Cứ đến ngày 28 Tết, cả nhà lại quây quần gói bánh chưng. Ông em được mệnh danh là nghệ nhân gói bánh trong làng. Bánh chưng tự tay ông làm có hương vị rất đặc biệt. Tay ông thoăn thoắt xếp từng tấm lá dong lên khuôn bánh. Sau đó, từng nguyên liệu một được đổ đầy vào trong khuôn. Ông khéo léo gấp lá dong và dùng sợi lạt để buộc bánh. Chẳng mấy chốc mà chồng bánh cao dần, cao dần lên. Anh trai cùng em phụ trách canh bếp lửa. Hai anh em trong lúc chờ bánh chín nói không biết bao nhiêu là chuyện. Sau sáu tiếng, một mùi hương thơm phức xộc lên mũi. Bánh chưng ở quê khác hẳn với thành phố. Khuôn bánh nhỏ nhưng hương vị lại đậm đà và ngon hơn. Ai nấy đều xuýt xoa khen ông nội khéo gói bánh.

Gói bánh chưng ngày Tết là một phong tục truyền thống ý nghĩa, cần được gìn giữ bởi: “thấy bánh chưng là thấy Tết”. Ngày Tết sẽ không thể trọn vẹn nếu thiếu đi bánh chưng xanh.

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết – Mẫu 7

Tết Nguyên Đán ở Việt Nam là cái Tết cổ truyền đã có tự ngàn xưa với “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Trên bàn thờ ngày Tết của mỗi nhà, nhất thiết phải có bánh chưng. Truyền thuyết kể rằng hoàng tử Lang Liêu con vua Hùng đã được thần linh mách bảo, dùng lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn,.. làm ra thứ bánh này để cúng Trời Đất, Tiên Vương và dâng lên vua cha. Nhờ đó mà chàng được vua cha truyền cho ngôi báu. Cũng từ đấy, bánh chưng được dùng để cúng vào dịp Tết. Tục lệ tốt đẹp ấy còn tổn tại cho tới ngày nay. Nhìn hình thức chiếc bánh chưng, chúng ta thấy mộc mạc, giản dị vô cùng; nhưng để làm ra nó thì lại tốn không ít công phu. Cứ đến hai mưới bảy, hai mươi tám Tết là các bà phải lo đi chợ mua lá dong cùng với mấy bó lạt giang. Lá dong phải to bản, lành lặn. Tốt nhất là lá dong bánh tẻ, không già, không non thì gói bánh mới đẹp. Lạt giang chẻ sẵn, mỏng và mềm, màu vàng ngà, rất ăn ý với lá dong xanh.

Gạo nếp cái hoa vàng vừa dẻo vừa thơm được ngâm từ đêm trước, đem xả rồi xóc cho ráo nước. Đậu xanh đãi sạch vỏ. Thịt lợn xắt miếng to cỡ nửa bàn tay, ướp muối, tiêu cho thấm. Lá dong đã được cắt cuống, rửa sạch, lau khô. Tất cả bày sẵn ra chiếc nong, chờ người gói. Cảnh gói bánh chung ngày Tết mới vui vẻ và đầm ấm làm sao, cả nhà quây quẩn quanh bà. Bà trải lá ra mâm rổi đong một bát gạo đổ vào, dàn đểu rổi đổ nửa bát đỗ, xếp hai miếng thịt, lại thêm nữa bát đỗ, một bát gạo nữa. Tay bà khéo léo tãi gạo che kín đỗ và thịt rồi nhẹ nhàng bẻ bốn gốc lá cho vuông vức, sau đó xiết chặt từng chiếc lạt. Chẳng mấy chốc, chiếc bánh chưng đã dược gói xong. Suốt một buổi sáng tíu tít, bận rộn, bà mới gói hết thúng gạo. Bố tôi buộc bánh thành từng cặp rồi xếp vào chiếc nổi thật lớn chuyên dùng để luộc bánh. Đám trẻ được bà gói cho mỗi đứa một chiếc bánh chưng be bó. Chùm bánh ấy để ở trôn cùng và sẽ vớt ra trước nhất.

Phía góc sân, bếp lửa đã cháy đều. Năm nào, ông tôi hoặc bô’ tôi cũng chịu trách nhiệm vụ canh lửa, canh nước cho nổi bánh. Những gộc tre, gộc củi tích trữ quanh năm giờ được đem ra đun. Ngọn lửa nhảy nhót réo ù ù, tàn than tí tách bắn ra xung quanh những chấm đỏ rực trông thật vui mắt. ông tỏi bảo phải đun cho lửa cháy thật đểu thì bánh mới rền, không bị hấy. Anh em tôi xúm xít bên ông, vừa hơ tay cho khỏi cóng, vừa nghe ông kể chuyện ngồi xửa ngày xưa. Đến những đoạn thú vị, ông cười khà khà, rung cả chòm râu bạc .

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết – Mẫu 8

Tết đến, xuân về, khắp mọi nẻo đường mọi người tấp nập đi mua sắm nào đào, quất, bánh kẹo và không quên chuẩn bị nguyên liệu để làm món bánh chưng – món bánh truyền thống của dân tộc.

Đã từ lâu, bánh chưng là thứ không thể thiếu vào ngày Tết của mỗi gia đình. Từ xa xưa, trong câu chuyện về các vua Hùng, bánh chưng được coi là thứ tượng trưng cho đất, thể hiện sự biết ơn của con người gửi tới tổ tiên, các vị thần với ước mong mùa màng bội thu. Nguyên liệu để làm bánh chưng cũng khá đơn giản: gạo nếp, đỗ xanh, thịt mỡ, lá dong và lạt để buộc. Tuy nhiên, để gói được một chiếc bánh chưng ngon, đẹp mắt thì không đơn giản chút nào. Gạo để làm bánh chưng phải là gạo nếp ngon, hạt to và dẻo, thông thường người ta thường làm bằng gạo nếp Điện Biên, đó là loại gạo ngon đặc trưng. Gạo được đãi qua nước, sau đó để ráo và chúng ta trộn thêm vài hạt muối để khi bánh chín có vị đậm đà. Chúng ta chọn đỗ xanh là nguyên liệu để làm nhân bánh cùng với thịt lợn. Đỗ xanh cũng phải được làm rất cẩn thận để không lẫn các viên sỏi, còn thịt lợn thì chúng ta chọn thịt ba chỉ có cả mỡ và nạc sẽ mang lại vị béo cho nhân bánh. Riêng thịt để làm nhân bánh chúng ta thường thái miếng dài và ướp thêm gia vị: nước mắm, hạt tiêu để thêm vị đậm đà và thơm ngon. Điều đặc biệt của bánh chưng là được gói bằng lá dong, trước khi gói lá phải được rửa sạch và để ráo nước. Sau đó chúng ta cắt bỏ cuống lá và sống lưng để lá bớt cứng và dễ gói. Lạt buộc bánh chưng thường dùng từ ống cây giang. Lạt có thể được ngâm muối hay hấp cho mềm trước khi gói.

Khi làm bánh, chúng ta cần chuẩn bị nguyên liệu một cách cẩn thận và kỹ lưỡng. Ta đặt lạt xuống trước, sau đó xếp lá dong lên, tùy người gói mà chúng ta dùng 2,3 lá hoặc nhiều hơn, có người dùng khuôn để bánh vuông hơn và các nguyên liệu hòa quyện với nhau hơn, nhưng có người thì chỉ cần dùng tay để gói bánh cũng vẫn đẹp mắt và ngon. Khi trải lá dong ra, chúng ta lần lượt cho các nguyên liệu vào, dưới cùng là lớp gạo sau đó là lớp đỗ xanh, thịt lợn và trên cùng lại là một lớp gạo. Lượng nguyên liệu gói bánh cũng phụ thuộc vào từng người gói. Tuy nhiên, lượng gạo phải đủ để phủ kín nhân bên trong. Sau khi cho đầy đủ các nguyên liệu, chúng ta dùng lạt buộc lại chắc chắn. Như vậy là chúng ta đã tự tay gói được một chiếc bánh chưng hoàn chỉnh. Công đoạn cuối cùng là luộc bánh. Thời gian luộc bánh phụ thuộc vào số lượng bánh nhiều hay ít nhưng thông thường từ 8 – 12 tiếng. Lửa nấu bánh không nên cháy to quá, vì như vậy bánh sẽ chín không đều, ta nên đun với lượng nhiệt vừa phải.

Bánh chưng là biểu tượng của ngày Tết cổ truyền, chúng ta dùng bánh chưng để thắp hương cho tổ tiên như một truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Khoảnh khắc cả gia đình ngồi quây quần bên nồi bánh chưng thật đầm ấm và quây quần. Dù cuộc sống có hiện đại, con người thích thưởng thức những món ăn lạ nhưng sẽ không ai quên được những món ăn truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc và mang lại không khí gia đình ấm áp đặc biệt là những dịp lễ, Tết.

Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết – Mẫu 9

Bánh chưng là biểu tượng không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền. Từ xa xưa đến nay, mỗi dịp Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại chuẩn bị những nồi bánh chưng rất to để đón Tết. Bởi trong tâm thức của mỗi người thì bánh chưng là món ăn mang ý nghĩa sum vầy, đoàn viên bình dị nhưng ấm áp.

Người xưa vẫn lưu truyền rằng bánh chưng ngày Tết có từ rất lâu. Mọi người vẫn tin rằng bánh chưng bánh giầy có từ thời vua Hùng thứ 6, và cho đến ngày nay thì nó đã trở thành biểu tượng của Tết truyền thống tại Việt Nam. Người đời vẫn luôn cho rằng bánh chưng minh chứng cho sự tròn đầy của trời đất và sự sum vầy của gia đình sau một năm trời làm việc tất bật, vội vã.

Cho dù là ở miền Bắc, Trung hay Nam thì bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Có thể nói đây là món ăn được chờ đợi nhiều nhất, vì ngày Tết mới đúng là ngày thưởng thức bánh chưng ngon và ấm áp nhất.

Về nguyên liệu, bánh chưng được làm từ những thứ rất đơn giản và dễ chuẩn bị; kết hợp với bàn tay khéo léo của người gói bánh. Nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp, lá dong, thịt, đậu xanh giã nhỏ. Mỗi nguyên liệu đều được chọn lọc thật kĩ để có thể tạo nên món ăn ngon đậm đà nhất. Về phần gạo nếp thì người ta chọn những hạt tròn lẳn, không bị mốc để khi nấu lên ngửi thấy mùi thơm lừng của nếp. Đậu xanh chọn loại đậu có màu vàng đẹp, nấu nhừ lên và giã nhuyễn làm nhân. Người ta sẽ chọn thịt ba chỉ hoặc thịt nạc, trộn với tiêu xay, hành băm nhuyễn. Một nguyên liệu khác không kém phần quan trọng chính là lá dong để gói bánh. Ở một số vùng khác người ta dùng lá chuối gói bánh nhưng phổ thông nhất vẫn là lá dong.

Lá dong cần có màu xanh đậm, có gân chắc, không bị héo và rách nát. Hoặc nếu những chiếc lá bị rách người ta có thể lót bên trong chiếc lá lành để gói. Khâu rửa lá dong, cắt phần cuống đi cũng rất quan trọng vì lá dong sạch mới đảm bảo vệ sinh cũng như tạo mùi thơm sau khi nấu bánh..

Sau khi đã chuẩn bị tất cả các nguyên vật liệu thì đến khâu gói bánh. Gói bánh chưng cần sự tẩn mẩn, tỉ mỉ và khéo léo để tạo nên chiếc bánh vuông vắn cúng viếng ông bà tổ tiên. Nhiều người cần phải có khuôn vuông để gói nhưng nhiều người thì không cần, chỉ cần gấp bốn góc của chiếc lá dong lại là có thể gói được. Bao bọc xung quanh nhân đậu và thịt là một lớp sếp dày. Chuẩn bị dây để gói, giữ cho phần ruột được chắc, không bị nhão ra trong quá trình nấu bánh.

Công đoạn nấu bánh được xem là khâu quan trọng. Thông thường mọi người nấu bánh bằng củi khô, nấu trong một nồi to, đổ đầy nước và nấu trong khoảng từ 8-12 tiếng. Thời gian nấu lâu như thế là vì để đảm bảo bánh chín đều và dẻo. Khi nước bánh sôi, mùi bánh chưng bốc lên nghi ngút. Lúc đó mọi người bắt đầu cảm nhận được không khí Tết đang bao trùm lấy căn nhà.

Bánh chưng sau khi chín được mang ra và lăn qua lăn lại để tạo sự săn chắc cho chiếc bánh khi cắt ra đĩa và có thể để được lâu hơn.

Đối với mâm cơm ngày Tết thì đĩa bánh chưng là điều tuyệt vời không thể thiết. Cũng như trên bàn thờ ngày tết, một cặp bánh chưng cúng tổ tiên là phong tục lưu truyền từ bao đời nay. Bánh chưng tượng trưng cho sự trọn vẹn của trời đất, cho những gì phúc hậu và ấm áp nhất của lòng người.

Trong ngày Tết có rất nhiều lấy bánh chưng làm quà biếu, và đây chính là món quà ý nghĩa tượng trưng cho lòng thành, cho sự chúc phúc tròn đầy nhất.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, bánh chưng bốc lên nghi ngút chính là báo hiệu cho sự ấm áp của gia đình. Bánh chưng là biểu tượng ngày Tết mà không có bất cứ loại bánh nào có thể thay thế được. Vì đây là truyền thống, là nét đẹp của con người Việt Nam, cần gìn giữ và tôn trọng từ quá khứ, hôm nay và cả ngày mai nữa.

**************

Trên đây là 9 bài mẫu Viết bài văn tả cảnh gói bánh chưng ngày Tết lớp 6 hay nhất. Hy vọng sẽ giúp các em có thêm nhiều ý tưởng để hoàn thành tốt bài tập làm văn của mình trong các bài thi, bài kiểm tra trên lớp nhé.

 

 Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/viet-bai-van-ta-canh-goi-banh-chung-ngay-tet-lop-6/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp