Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích lớp 9 ngắn gọn, hay nhất (14 Mẫu)

0
283
Rate this post

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích lớp 9 ngắn gọn bao gồm dàn ý chi tiết cùng 10 bài mẫu hay nhất do thầy cô trường biên soạn. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có thêm nhiều gợi ý mới lạ để hoàn thành tốt bài tập trên lớp của mình.

Đề bài: Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ mà em thích

Các em cũng có thể tham khảo thêm đề bài: Viết đoạn văn khoảng 5 đến 7 câu nêu cảm nhận về một đoạn thơ mà em yêu thích trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích lớp 9 ngắn gọn
Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích lớp 9 ngắn gọn

Dàn ý viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài Mùa xuân nho nhỏ mà em thích

1. Mở đoạn: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn thơ yêu thích.

2. Thân đoạn:

– Nêu cảm nhận về nội dung của đoạn thơ.

– Nêu cảm nhận về nghệ thuật của đoạn thơ.

3. Kết đoạn: Khái quát cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm về đoạn thơ.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mùa xuân nho nhỏ (10 Mẫu)

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 1

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải, em đặc biệt yêu thích đoạn thơ “Mọc giữa dòng sông xanh”. Hình ảnh thơ giàu sức gợi đã khơi gợi cho em những liên tưởng về bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi vui, rộn rã. Bức tranh ấy được pha trộn bởi hai gam màu chủ đạo là màu xanh của dòng sông và màu tím biếc của bông hoa. Hoa xuất hiện làm bừng sáng cả không gian. Bức tranh ấy không hề tĩnh lặng mà bị phá vỡ bởi âm thanh rộn ràng của tiếng chim. Khung cảnh thiên nhiên tràn đầy nhựa sống khiến chủ thể trữ tình phải đưa tay hứng “từng giọt long lanh rơi”. Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn, hình ảnh thơ gần gũi cũng từ ngữ giàu sức gợi hình, tác giả đã thể hiện tâm trạng phấn khởi và tình yêu thiên nhiên say đắm. Bức tranh tươi đẹp mà nhà thơ khắc họa đã làm lay động trái tim em.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 2

Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao

Đọc bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”, em thích nhất là khổ thơ thứ hai. Khung cảnh mùa xuân của đất nước được khắc họa tinh tế thông qua hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng”. Đây đều là những hình ảnh biểu tượng, tượng trưng cho hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng ở thời điểm bài thơ ra đời. Nếu như câu thơ “Lộc giắt đầy bên lưng” gợi liên tưởng về hình ảnh những người chiến sĩ dùng lá ngụy trang, bảo vệ Tổ quốc thì dòng “Lộc trải dài nương mạ” lại đem đến cho em hình dung về cánh đồng mênh mông, tươi tốt. Điệp từ “tất cả” kết hợp với từ láy “hối hả”, “xôn xao” làm cho nhịp thơ trở nên khẩn trương, gấp gáp, diễn tả được không khí lao động đầy nhiệt huyết, hăng say. Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn, từ ngữ cô đọng và điệp ngữ “mùa xuân”, “lộc”, “tất cả như”, tác giả đã miêu tả chân thực vẻ đẹp mùa xuân. Đoạn thơ đã cho em cảm nhận về một nhịp sống sôi động trong nhiệm vụ dựng xây, bảo vệ Tổ quốc.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 3

Ðất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Ðất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.

Bạn đang xem: Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích lớp 9 ngắn gọn, hay nhất (14 Mẫu)

Mỗi lần đọc bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải, em đều ấn tượng với đoạn thơ “Đất nước bốn ngàn năm/ Vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao/ Cứ đi lên phía trước.”. Nhà thơ nhắc lại quá khứ hào hùng, vẻ vang của dân tộc thông qua từ ngữ “vất vả”, “gian lao” kết hợp với số từ “bốn ngàn năm” đã cho thấy chặng đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vô cùng khó khăn, gian khổ. Đặc biệt, hình ảnh so sánh “Đất nước như vì sao” đã bày tỏ niềm tin của tác giả vào ngày mai tươi sáng của đất nước. Bằng thể thơ năm chữ ngắn gọn cùng cách gieo vần, ngắt nhịp uyển chuyển, đoạn thơ đã đem đến cho em cảm nhận về niềm tin vào tương lai tươi sáng của tác giả khi chứng kiến mùa xuân đất nước.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 4

Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.

Đoạn thơ “Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến” thực sự gây ấn tượng mạnh đối với em. Đoạn thơ thể hiện khát vọng được dâng hiến cho đời của tác giả. Điệp ngữ “ta làm” nhấn mạnh ước muốn được hóa thân thành những sự vật trong tự nhiên để làm đẹp cho đời. Ông muốn làm chim để dâng tiếng hót tươi vui, rộn rã, làm hoa để góp hương thơm tô điểm cuộc đời. Đây đều là những ước muốn vô cùng bình dị, nhỏ bé. Hai câu thơ “Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến” càng cho thấy khát vọng được cống hiến thầm lặng, đơn sơ của ông. Thể thơ năm chữ ngắn gọn cùng điệp ngữ “ta làm” đã góp phần thể hiện tâm nguyện hiến dâng của nhà thơ. Đoạn thơ để lại trong em nhiều suy nghĩ về khát vọng sống cống hiến.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 5

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Đối với em, khổ thơ “Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc” là đoạn thơ hay nhất trong bài “Mùa xuân nho nhỏ” của tác giả Thanh Hải. Hình ảnh “mùa xuân” ẩn dụ cho tuổi trẻ, những điều tốt đẹp nhất của đời người kết hợp với từ láy “nho nhỏ”, “lặng lẽ” đã nhấn mạnh ước muốn dâng hiến âm thầm, lặng lẽ. Đặc biệt, điệp ngữ “dù” kết hợp với số từ “hai mươi” và hình ảnh hoán dụ “tóc bạc” càng cho thấy tình yêu quê hương đất nước sâu sắc và ước vọng góp sức mình vào sự nghiệp chung của dân tộc một cách lặng thầm. Với thể thơ năm chữ ngắn gọn, từ láy giàu sức gợi và các biện pháp nghệ thuật độc đáo, Thanh Hải đã cho chúng ta thấy được khát vọng cống hiến mãnh liệt, bất chấp tuổi tác của ông.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 6

Mở đầu bài thơ, tác giả đã phác họa lên một bức tranh mùa xuân trước mắt chúng ta giữa khung cảnh thiên nhiên và đất trời, vũ trụ:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi! Con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời…

Khung cảnh mùa xuân dần dần được hiện ra với một vẻ đẹp thật bình dị, đơn sơ nhưng cũng không kém phần nên thơ và sâu sắc. Ở đây, mùa xuân của Thanh Hải đến với ta không rực rỡ kiêu sa với cành đào Hà Nội, với những nụ mai vàng đang phô trương sắc thắm, mà chỉ đơn giản là một bông hoa tím đang mọc lên giữa dòng sông nước xanh như lọc. Cành hoa nghiêng mình xuống mặt nước tựa như gương ấy để nổi bật lên trên một khung trời được in bóng dưới lòng sông, với màu sắc thật nhẹ, thật hài hòa mà cũng rất dễ thương, Thanh Hải đã tạo nên cho bức tranh mùa xuân của mình một nét gì đó vô cùng độc đáo. Và bức tranh ấy lại càng được đẹp hơn, có “hồn” khi cái màu tím kia được nhà thơ tô đậm lên thành “tím biếc”. Gam màu ấy đã được tô vẽ vào bức tranh thật khéo léo, tài tình, làm cho người đọc chúng ta có thể hình dung ra ngay trước mắt cả một bông hoa tím biếc, thật nhỏ, thật xinh, nhưng dường như cũng có đủ khả năng để nhuộm tím cả bầu trời, cả không gian mùa xuân đang căng tràn sức sống. Cái màu tím ấy lan ra, chơi vơi, và khẽ lay động theo những ngọn gió xuân đang thổi lên từ lòng sông xanh mát rượi. Cảnh vật mùa xuân trong bài thơ có lẽ cũng bình dị, giản đơn, và thâm trầm, tĩnh lặng như vùng đất miền Trung quê hương tác giả. Xứ Huế vốn nổi tiếng mộng mơ với núi Ngự sông Hương, với những điệu hò mái nhì mái đẩy, giờ lại càng thêm xinh đẹp dưới ngòi bút tô vẽ của nhà thơ…

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 7

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.

Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm được nhà thơ Thanh Hải sáng tác vào những ngày cuối đời mình, khi ông đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ là những gửi gắm về khát vọng được sống có ích, được cống hiến cho xã hội. Đoạn thơ chính là lời tác giả bộc bạch về khát vọng của bản thân. Trong khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, Thanh Hải muốn được dâng hiến “mùa xuân nho nhỏ” của bản thân mình vào mùa xuân chung của cuộc đời. Tính từ “nho nhỏ” và “lặng lẽ” đã thể hiện được đức tính khiêm tốn tốt đẹp của tác giả, ông muốn được cống hiến mà không cần được biết tới, chỉ muốn lặng lẽ đem những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống. Khát vọng ấy luôn luôn nguyên vẹn, cháy hừng hực nhiệt huyết cho dù là khi còn trẻ hay là khi về già. Đây chính là một thông điệp sống cao đẹp, có ý nghĩa gửi tới chúng ta.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 8

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

Khổ thơ đầu mở một bức tranh mùa xuân thiên nhiên bình dị, đơn sơ nhưng không kém phần nên thơ và sâu sắc. Mùa xuân của Thanh Hải chỉ đơn giản là một bông hoa tím mọc lên giữa dòng sông xanh, và tiếng chim chiền chiện trong trẻo, màu sắc nhẹ, hài hòa, tràn đầy sức sống. Những thanh âm, màu sắc, hình ảnh ấy kết tụ thành “giọt long lanh”, để rồi tác giả không ngần ngại mà “hứng” lấy. Mùa xuân đất trời thiên nhiên tươi đẹp không chỉ được cảm nhận bằng thị giác, thính giác, mà còn bằng xúc giác nữa.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 9

“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”

Khổ thơ trên là lời ước nguyện thiết tha mà chân thành của nhà thơ, mong muốn được cống hiến cho đất nước. Điệp từ “ta” được lặp lại ba lần đi cùng với những động từ “làm”, “nhập” đã thể hiện một cách trực tiếp tư thế sẵn sàng nhập cuộc, sẵn sàng cống hiến của nhà thơ. Nhà thơ muốn trở thành một “con chim hót”, “một cành hoa”, “một nốt trầm xao xuyến”, những điều tuy giản đơn, bé nhỏ nhưng đẹp đẽ, ý nghĩa. Nhà thơ ý thức được sự nhỏ bé của cá nhân trước tầm vóc của cả một dân tộc. Ước nguyện của nhà thơ là trở thành một “mùa xuân nho nhỏ” hòa cùng với sắc điệu mùa xuân của cả đất nước, chỉ khi có thể góp sức mình cho dân tộc thì cuộc sống mới trở nên có ý nghĩa, đáng sống. Tấm lòng cao đẹp, tinh thần dân tộc sáng ngời được gửi gắm đằng sau cách nói khiêm tốn nhưng đầy chân thành khiến cho ý nghĩa của đoạn thơ càng trở nên sâu sắc, cảm động.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 10

Mùa xuân nho nhỏ là bài thơ đã thể hiện một cách sâu sắc tư tưởng cống hiến và lẽ sống đẹp cho cuộc đời, nổi bật với khổ thơ:

“Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc”

Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” cùng với sự “lặng lẽ” khiến ta hình dung về sự cống hiến một cách thầm lặng trong suốt cả cuộc đời. Mùa xuân – tuổi trẻ của Thanh Hải chỉ là một phần nhỏ trong mùa xuân lớn của cả dân tộc. Ông biết điều ấy, và ông cũng tự nhận cống hiến của mình như một nốt trầm trong bản hòa ca bất tận của cuộc đời. Điệp từ “Dù là” cùng với hai hình ảnh ẩn dụ mang tính đối lập “hai mươi”, “tóc bạc” làm cho hai câu thơ vang lên như một lời thề của con người cao cả ấy. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, khi tác giả đang phải chống chọi với căn bệnh xơ gan hiểm nghèo ta mới thấy hết được tinh thần và khao khát rất đỗi nhân văn của một con người có trái tim nhân hậu như Thanh Hải. Khổ thơ đã khiến ta càng thêm yêu mến và trân trọng hơn tấm lòng của Thanh Hải, người con của xứ Huế mộng mơ.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 11

Thanh Hải đã để lại cảm nhận sâu sắc trong lòng người đọc tình yêu cuộc sống, yêu quê hương đất nước tha thiết, đặc biệt qua khổ thơ đầu bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Một màu xanh tươi sáng trải rộng mênh mông làm nền và tôn thêm vẻ đẹp nổi bật của “bông hoa tím biếc”. Một màu “tím biếc” lung linh giữa “dòng sông xanh” lại càng thơ mộng. Từ “mọc đặt ở đầu câu thơ khiến ta phải chú ý. “Mọc” là vươn lên, trỗi dậy từ lòng đất. Đặt từ “mọc” ngay từ đầu câu thơ, bài thơ đã gây cho người đọc về sức sống mãnh liệt, bất ngờ đến ngạc nhiên của thiên nhiên, tạo vật. Bức tranh mùa xuân không chỉ có hình ảnh, màu sắc mà còn có cả âm thanh. Đó là âm thanh tiếng chim chiền chiện hót ngân vang, thánh thót càng làm cho buổi sớm xuân có không khí náo nức lạ thường. Tình yêu thiên nhiên, lòng yêu đời, yêu cuộc sống trào dâng chan chứa, tràn đầy. Tiếng thơ là tiếng lòng tác giả thốt lên từ trái tim rung động dào dạt:

“Ơi, con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời!”

Tiếng chim trong vắt làm xao động một không gian yên tĩnh. Tiếng hót vút cao giữa khoảng không bao la khiến lòng người xao xuyến. Nhà thơ đã thốt lên “ơi…chi mà” thật tha thiết ,nhỏ nhẹ. Âm thanh đã ngân vào lòng tác giả những cung bậc diệu kì…

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 12

Ở khổ thơ thứ tư trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải đã để lại cho em nhiều ấn tượng:

“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến”

Đầu tiên, cách xưng hô của tác giả chuyển từ “tôi” sang “ta” kết hợp với các động từ “làm”, “nhập” nhằm thể hiện khát vọng được hòa nhập cái riêng với cái chung. Thanh Hải muốn hóa thân vào muôn loài vạn vật làm tươi đẹp rộn ràng cho cuộc sống. Đó là “một tiếng chim hót” trong buổi sáng mai bắt đầu một ngày mới. Đó là “một nhành hoa” tô điểm cho vườn hoa cuộc đời. Và đó là “một nốt trầm” làm xao xuyến vạn trái tim để cùng nhau cống hiến. Những hình ảnh giản dị, gần gũi nhưng đã thể hiện niềm khát khao sống, khát khao hiến dâng đến khôn cùng của Thanh Hải. Đặc biệt hơn khi đặt vào hoàn cảnh sáng tác bài thơ là lúc nhà thơ đang nằm trên giường bệnh. Trước khoảnh khắc phải đối mặt với bệnh tật và cái chết, Thanh Hải vẫn giữ được một niềm lạc quan, yêu đời với mong muốn được cống hiến mãnh liệt. Có thể khẳng định, khổ thơ gửi gắm một khát vọng thật đẹp đẽ, cao cả.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 13

Trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ, tôi ấn tượng nhất với những dòng thơ:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Nếu ai biết được hoàn cảnh ra đời của bài thơ cũng sẽ có chung cảm xúc như tôi khi đọc những dòng thơ trên. Mùa xuân trong thơ Thanh Hải không hô hào, kêu gọi, không phải những điều gì lớn lao, to tác, mà chỉ là những điều giản dị, “nho nhỏ”, lặng lẽ. Đến phút cuối đời, tác giả vẫn có khát khao cống hiến cho cuộc đời những âm sắc đẹp đẽ. Cả đời người, từ lúc xuân xanh – “tuổi hai mươi”, đến khi “tóc bạc”, cuối đời vẫn trước sau như môt, vẫn “lặng lẽ dâng cho đời”, vẫn nhập vào bản hòa ca mà mình là một nốt trầm xao xuyến. Sẽ nhiều người cho rằng khát vọng cống hiến được thể hiện trong thơ có nhiều. Nhưng khát vọng trong thơ Thanh Hải lại rất bình dị, “lặng lẽ”, êm xuôi, dễ đi vào lòng người bởi đó là khát vọng chân thành và trong trẻo.

Viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích – Mẫu 14

Có những con người đã dành cả cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp phát triển đất nước. Họ thấy hạnh phúc trước sự đổi thay da đổi thịt hàng ngày của quê hương mình. Thanh Hải là một con người như thế. Ông yêu quê, khao khát cống hiến cho cuộc đời ngay cả lúc ông đang nằm trên giường bệnh đấu tranh từng ngày để giành giật sự sống. Nhà thơ muốn được dâng hiến cho cuộc đời, nhưng chỉ dâng hiến một cách thầm lặng, như chính ông đã viết trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ:

Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc

Thanh Hải sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Huế giàu truyền thống. Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên, là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải. Thơ ông mang một giọng điệu ngọt ngào như những làn điệu dân ca trữ tình với ngôn ngữ bình dị cùng sự chân thật, đôn hậu như bản chất của con người xứ Huế. Mùa xuân nho nhỏ được coi là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Thanh Hải, ra đời trên giường bệnh, trước lúc ông mất không lâu. Bài thơ là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước, với cuộc đời. Đồng thời cũng thể hiện ước nguyện chân thành của nhà thơ được cống hiến cho đất nước. Thời gian vẫn cứ trôi, bốn mùa vẫn chuyển nhưng cuộc đời con người chỉ có một lần duy nhất, và lần duy nhất ấy Thanh Hải muốn sống trọn vẹn với quê hương. Hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” cùng với sự “lặng lẽ” khiến ta hình dung về sự cống hiến một cách thầm lặng trong suốt cả cuộc đời. Mùa xuân – tuổi trẻ của Thanh Hải chỉ là một phầnnhỏ trong mùa xuân lớn của cả dân tộc. Ông biết điều ấy, và ông cũng tự nhận cống hiến của mình như một nốt trầm trong bản hòa ca bất tận của cuộc đời. Thế nhưng, nhiều hạt cát nhỏ mới tạo nên sa mạc mênh mông; đại dương bao la kia cũng được tạo thành bởi muôn vàn giọt nước. Điều đó cũng có nghĩa đất nước được như ngày hôm nay chính là nhờ sự cống hiến không ngừng nghỉ của những con người giống như Thanh Hải. Điệp từ “Dù là” cùng với hai hình ảnh ẩn dụ mang tính đối lập “hai mươi”, “tóc bạc” làm cho hai câu thơ vang lên như một lời thề của con người cao cả ấy. Thanh Hải đã cống hiến cho đất nước của ông từ những ngày hai mươi, khi sức trẻ, nhiệt huyết của ông vẫn căng đầy trong lồng ngực. Nhưng sự hăng say, hồ hởi ấy vẫn luôn tồn tại ngay cả khi mái tóc ông đã bạc trắng. Suốt cả cuộc đời mình, Thanh Hải chưa bao giờ thôi trăn trở, suy tư về nghĩa vụ của một người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất anh hùng, trong một dân tộc với 4000 năm văn hiến. Đặt trong hoàn cảnh ra đời của bài thơ, khi ông đang phải chống chọi với căn bệnh xơ gan hiểm nghèo ta mới thấy hết được tinh thần và khao khát rất đỗi nhân văn của một con người có trái tim nhân hậu như Thanh Hải. Có thể nói, đây là khổ thơ vừa mang khao khát vừa là lời thề suốt cả cuộc đời ông. Qua đó ta cũng càng thêm yêu mến và trân trọng hơn tấm lòng của Thanh Hải, người con của xứ Huế mộng mơ.

***********

Trên đây là 14 bài mẫu viết một đoạn văn bình một khổ thơ trong bài mà em thích lớp 9 ngắn gọn, hay nhất do thầy cô biên soạn kĩ càng. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có nhiều ý tưởng để hoàn thành tốt bài tập của mình. Thầy cô chúc các em học tập thật tốt và luôn đạt điểm cao trong các bài kiểm tra, bài thi trên lớp nhé.

 Trường

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/viet-mot-doan-van-binh-mot-kho-tho-trong-bai-ma-em-thich-lop-9/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp