Ý kiến của em về vấn đề hiền tài là nguyên khí của quốc gia

0
81
Rate this post

Đề bài: Anh (chị) hãy bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề mà tác giả Thân Nhân Trung đã nêu trong Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

Văn mẫu về vấn đề Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Ý kiến của em về vấn đề hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Bài số 1

Bạn đang xem: Ý kiến của em về vấn đề hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Suy nghĩ về vấn đề hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Xuất phát từ Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ ba của Thân Nhân Trung (1418-1499), soạn năm 1448 thời Hồng Đức, đã nêu nên một quan điểm, một tư tưởng mang tính thời đại, có ý nghĩa lịch sử vô cùng sâu sắc: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”. Đây là một tư tưởng chính trị trọng đại, có giá trị muôn đời, không kể là trong quá khứ hay hiện tại, tương lai.

Hiền tài, xét từ mặt chữ ta có thể hiểu là người vừa hiền lại có tài, hiểu rộng hơn thì đó là những người giỏi giang, xuất chúng, học rộng tài cao, hiểu biết nhiều, có ý chí tiến thân lập nghiệp, sẵn sàng đem những gì bản thân có để phụng sự cho quốc gia, trên trung với vua, dưới hiếu với dân. Không chỉ có vậy người hiền tài còn cần phải biết rèn luyện tu dưỡng đạo đức, phẩm chất ngay thẳng chính trực, lập trường tư tưởng vững mạnh, không bị tha hóa theo thói xu nịnh tầm thường, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ muôn đời sau nhìn thấy mà phấn chấn, hâm mộ. Điều ấy hoàn toàn sát với quan điểm của Hồ Chủ tịch “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”, vậy nên để trở thành hiền tài là trụ cột của đất nước ắt phải thỏa mãn cả hai yếu tố là tài và đức, thiếu một thì chẳng còn nghĩa lý gì.

Nguyên khí theo như học thuyết âm dương là khí đầu tiên sinh ra những khí khác, ấy là những vật chất nguyên thủy, tiềm tàng, sẵn có, là động lực cho tất cả sự sống còn và sinh sôi phát triển của sự vật, nếu phần nguyên khí này bị tổn hại tương đương với việc đứng bên bờ của sự tiêu vong. Từ đó ta có thể suy rộng ra nguyên khí quốc gia tiềm lực, sức mạnh nội tại vốn có như con người, tài nguyên thiên nhiên,… từ phần nguyên khí này mà phát triển, sinh sôi ra những sức mạnh bên ngoài khác của quốc gia như văn hóa, kinh tế, chính trị,…

Thân Nhân Trung cho rằng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, điều này là hoàn toàn có cơ sở, bởi từ cổ chí kim, lịch sử đã chứng minh cho chúng ta thấy điều ấy. Về bậc hiền tài dưới thời Lý có Lý Thường Kiệt, Lý Đạo Thành, Thái úy Tô Hiến Thành, và thái hậu Ỷ Lan, khi những vị này mất đi, vua Cao Tông không còn người tài trợ giúp, đặc biệt là sau cái chết của Tô Hiến Thành, nhà Lý lâm vào đà trượt dốc mà không có cách nào cứu vãn được, ấy là lúc nguyên khí đã tận; sang thời Trần, có công lập nước phải kể đến Thái sư Trần Thủ Độ, bên quân sự có Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật,…văn học có Nguyễn Hiền, Chu Văn An, Trương Hán Siêu,… đất nước vì có nguồn nhân lực dồi dào mà thịnh trị suốt hơn 130 năm, nhưng sự sai lầm khi sát hại công thần, tin vào những kẻ xu nịnh của các vị vua cuối thời Trần đã đem lại sự suy tàn tất yếu, đầy đáng tiếc; đến thời Lê sơ thì nổi tiếng nhất là Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, ai ai cũng là những hiền tài bậc nhất, có những cống hiến vô cùng to lớn, được trọng vọng, vinh danh đến mãi muôn đời sau, nhưng cũng chính sự nghi kỵ lạm sát công thần, tin dùng gian thần mà triều Lê chỉ duy trì được trong gần 100 năm đầy biến động. Dưới thời những bậc hiền tài kể trên còn tại thế, đất nước thái bình thịnh trị, kinh tế, văn hóa, chính trị phát triển toàn diện, có thời đạt đến đỉnh cao, nếu ngược lại thì đất nước suy vong, tàn lụi đúng như lời Thân Nhân Trung đã viết: “nguyên khí thịnh thì thế mạnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu”. Tóm lược một chút như trên để thấy rằng qua các triều đại có thịnh vượng được cũng là nhờ có các bậc khai quốc công thần, danh thần xuất sắc như thế, người thông quân sự, người giỏi văn chương đem đến những cống hiến, đóng góp to lớn cho đất nước, phò tá minh quân đưa đất nước đến viễn cảnh của thời vua Nghiêu, Thuấn (Trung Quốc), đúng với cái danh xưng “nguyên khí của quốc gia”.

Hiểu được tầm quan trọng của hiền tài, những người được ví như nguyên khí của quốc gia, các bậc thánh đế, minh quân từ xưa đến nay luôn lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ ra giúp nước làm quốc sách hàng đầu, bởi một vị vua anh minh luôn hiểu rằng: “Một cây cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn”, ấy thế mới có Chiếu cầu hiền Quang Trung lệnh cho Ngô Thì Nhậm viết thay để chiêu mộ hiền tài ra giúp nước, hay chiếu cầu hiền của vua Lê Thái Tổ năm 1429, có đoạn: “Trẫm nghĩ, muốn thịnh trị phải được người hiền tài, muốn được người hiền tài phải do tiến cử. Cho nên người đứng đầu thiên hạ phải lo việc ấy trước tiên”. Trung Quốc thời kỳ Tam Quốc phân tranh cũng nổi tiếng chuyện Lưu Bị từng 3 lần mời Khổng Minh ra giúp sức, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có “Chiếu cầu hiền thời cách mạng” với tiêu đề “Tìm người tài đức” đăng trên báo Cứu Quốc ngày 20-11-1946. Thế mới thấy phàm là các bậc nguyên thủ, minh quân sáng suốt đều lấy việc chiêu mộ, bồi dưỡng hiền tài là việc đầu tiên phải làm, bởi “Kẻ sĩ có mối quan hệ thật là quan trọng đối với sự phát triển của đất nước” (Văn bia, 1487).

Tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” là một tư tưởng lớn, có ý nghĩa thời đại, cho đến hôm nay tư tưởng ấy vẫn còn nguyên giá trị như thuở ban đầu và được nâng tầm phát triển thành một nghệ thuật đặc sắc trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội . Nhưng nếu chỉ muốn cầu hiền mà không có chính sách thuyết phục, đãi ngộ xứng đáng thì liệu được mấy người có tâm muốn đứng ra gánh vác? Vậy nên thời Lê sơ mới có lệ ngoài ban khoa danh, tước trật, ban danh hiệu tiến sĩ, yến tiệc thiết đãi, áo đỏ về làng, còn có chuyện khắc tên lên bia đá để trước cửa Hiền Quan (Quốc Tử Giám). Đây là đỉnh cao của đãi ngộ hiền tài, bởi người hiền tài, kẻ sĩ được việc ấy thì phấn chấn hẳn, lưu danh thơm ngàn đời, trong lòng ắt quyết tâm phụng sự cho tổ quốc chẳng từ nan sao cho xứng với ân trạch được ban phát. Đến nay lệ ấy vẫn còn được tiếp diễn, người ta vẫn vinh danh thủ khoa của các trường đại học tại Văn miếu, lấy đấy là gương sáng cho lớp lớp các thế hệ thanh niên hâm mộ, phấn đấu thêm trong sự nghiệp học hành.

Để thành hiền tài, có ai mà không qua quá trình phấn đấu, rèn luyện, vậy nên việc bồi dưỡng nhân tài cũng là việc trọng yếu, song song với việc chiêu mộ hiền tài. Bác Hồ đã dạy: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, khi cả 90 triệu con người Việt Nam đều được sự giáo dục đàng hoàng, thì hẳn vận nước sẽ thay đổi, nguyên khí quốc gia dần thịnh vượng, hiền tài như mây. Trong thư gửi các học sinh buổi khai trường đầu tiên Bác viết rằng: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”, trước lúc đi xa, Người vẫn còn đau đáu mà căn dặn trong Di chúc: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục và bồi dưỡng các thế hệ tương lai, tạo ra nguồn nhân lực mới cho đất nước. Nắm bắt được tầm quan trọng của giáo dục, Hội nghị trung ương lần 2 khóa VIII (12/1996), Đảng ta đã thật sự khẳng định: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” và quan điểm này tiếp tục được Đảng và nhà nước giữ vững và phát huy trong suốt những năm về sau, điều ấy đã chứng tỏ được tầm quan trọng và tính đúng đắn của nó.

Hiện nay nước ta đang trên đà phát triển, cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới về cả kinh tế, chính trị lẫn văn hóa. Thứ vũ khí mạnh nhất mà ta có chính là ở nhân dân, ở những người hiền tài, những người được coi là nguyên khí của quốc gia, vận nước suy, thịnh, chính là ở nó. Long Tử Dân, một học giả Trung Quốc đã có một quan điểm hết sức thời đại, mà thiết nghĩ là phù hợp với tình hình của Việt Nam hiện nay: “Sự lãng phí lớn nhất là lãng phí nhân tài, sự cạnh tranh căn bản nhất là cạnh tranh nhân tài, năng lực chủ yếu của người lãnh đạo là phát hiện, bồi dưỡng nhân tài và sử dụng nhân tài”. Việt Nam trong những năm gần đây, liên tục đối diện với hiện trạng “chảy máu chất xám”, hầu hết những người tài giỏi, đều bị các nước bạn thu hút, mời về làm việc, hoặc là họ tự động thoát li khỏi Việt Nam để làm việc cho các công ty, tổ chức nước ngoài. Hiện tượng trên chẳng khác gì “nguyên khí” của chúng ta đang dần hư hao, tổn thương, rất đáng quan ngại. Vậy lý do là gì? Đa số các câu trả lời thu được đều là Việt Nam chưa có một chế độ đãi ngộ phù hợp, một trường tốt đủ cho họ phát triển, vấn đề này chúng ta hoàn toàn có thể khắc phục được trong thời gian gần, và hiện nay chúng ta đang làm rất tốt điều đó.

Chung quy lại, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” đây là một quan điểm mang tầm vóc thời đại, có giá trị vĩnh viễn. Chúng ta cần phải nắm vững và phát huy quan điểm này, đem đến sự phát triển thịnh vượng cho quốc gia, dân tộc. Mỗi một học sinh cần phải nghiêm túc tham gia học tập, bồi dưỡng đạo đức, để trở thành hiền tài, những trụ cột chính của quốc gia, đem đất nước sánh ngang với các cường quốc năm châu, xứng đáng với niềm mong mỏi của Hồ Chủ tịch.

Tác giả: Nguyễn Thuý Thanh 

Xem thêm: Văn mẫu Nghị luận Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Bài số 2

Bày tỏ ý kiến về vấn đề Hiền tài là nguyên khí của quốc gia hay nhất

Thân Nhân Trung (1418 – 1499) tên chữ là Hậu Phủ, người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng, nay thuộc tỉnh Bắc Giang, ông đỗ tiến sĩ năm 1469, từng là thành viên trong Hội Tao đàn do vua Lê Thánh Tông sáng lập. Là người có tài văn chương nên năm 1484, ông đã được nhà vua tin cậy giao cho soạn thảo Bài kí đề danh tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo thứ ba. Văn bản này giữ vai trò quan trọng như lời Tựa chung cho cả 82 tấm bia tiến sĩ ở nhà bia Văn Miếu, Hà Nội. Bài Hiền tài là nguyên khí của quốc gia trích từ bài kí này, trong đó có câu: Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp.

Vấn đề tác giả nêu ra trong đoạn trích là khẳng định vai trò, vị trí của các bậc hiền tài đối với đất nước. Đây là một nhận định sáng suốt và đúng đắn, được chiêm nghiệm và rút ra từ thực tế thăng trầm của lịch sử nước ta, chứng tỏ người viết có tầm nhìn xa trông rộng.

     Vậy hiền tài là gì và tại sao hiền tài lại là nguyên khí của quốc gia ?

Thế nào là hiền tài? Hiểu theo nghĩa hiển ngôn của từng từ thì hiền là ăn ở tốt với mọi người (phải đạo), hết lòng làm trọn bổn phận của mình đối với người khác; tài là khả năng đặc biệt làm một việc nào đó. Hiểu rộng ra theo nghĩa hàm ngôn thì hiền tài là người tài cao, học rộng và có đạo đức, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân, Tổ quốc.

Vấn đề tác giả nêu ra trong đoạn trích là khẳng định vai trò, vị trí của các bậc hiền tài đối với đất nước. Đây là một nhận định sáng suốt và đúng đắn, được chiêm nghiệm và rút ra từ thực tế thăng trầm của lịch sử nước ta, chứng tỏ người viết có tầm nhìn xa trông rộng.

Thế nào là nguyên khí? Nguyên khí là khí ban đầu tạo ra sự sống của vạn vật. Hiểu rộng ra, nguyên khí là yếu tố quyết định sự sống còn và phát triển của xã hội, đất nước.

     Vậy tại sao hiền tài là nguyên khí của quốc gia ?

Hiền tài là sự kết tụ tinh hoa của đất trời, của khí thiêng sông núi, của truyền thống dân tộc. Người xưa đã nói: Địa linh sinh nhân kiệt, nên hiền tài là nguyên khí của quốc gia.

Những người được coi là hiền tài có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng vong của một triều đại nói riêng và của quốc gia nói chung. Có thể lấy rất nhiều ví dụ trong lịch sử nước ta để chứng minh cho điều đó như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Giang Văn Minh, Tô Hiến Thành, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, Nguyễn Huệ… ở những thế kỉ trước và nhân vật nổi tiếng của thế kỉ XX là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – người đã lãnh đạo thành công sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến, giành lại chủ quyền độc lập, tự do cho đất nước và khẳng định tên tuổi Việt Nam trước toàn thế giới.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, có một số nhân sĩ, trí thức được đào tạo ở nước ngoài vì cảm phục đức hi sinh cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống vinh hoa phú quý, trở về nước trực tiếp đóng góp tài trí của mình cho sự nghiệp kháng chiến. Kĩ sư Trần Đại Nghĩa, người chế tạo ra nhiều thứ vũ khí lợi hại cho kháng chiến. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, bác sĩ Tôn Thất Tùng, bác sĩ Đặng Văn Ngữ… đã bỏ ra bao công sức nghiên cứu, tìm tòi và chế tạo ra những thứ thuốc kháng sinh quý giá để cứu chữa cho thương binh, bộ đội trên chiến trường. Nhà nông học Lương Định Của suốt đời trăn trở, nghiên cứu cải tạo ra những giống lúa mới có khả năng chống sâu rầy và cho năng suất cao để cải thiện cuộc sống nông dân, tăng nguồn lương thực tiếp tế cho chiến trường miền Nam đánh Mĩ… Đó là gương sáng của những bậc hiền tài một lòng một dạ vì quyền lợi chung của nhân dân và Tổ quốc.

Như đã nói ở trên, hiền tài có vai trò quan trọng đối với sự hưng vong của đất nước. Nhưng hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài thiên khiếu bẩm sinh, những người tài phải được phát hiện và giáo dục theo một quy củ nghiêm túc để họ nhận thức đúng đắn về mục đích học tập là rèn luyện đạo lí làm người, để bổi dưỡng lòng tương thân, tương ái và hiểu rõ trách nhiệm của bản thân đối với xã hội. Ngày xưa, theo quan niệm của Khổng giáo thì việc giáo dục con người phải lấy đức làm gốc (đức giả bản dã), còn tài là phần ngọn (tài giả mạt dã). Nguyễn Trãi cũng đặt đức lên trên tài: Tài thì kém đức một vài phân. Đại thi hào Nguyễn Du cũng khẳng định: Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Quan niệm đúng đắn ấy còn giữ nguyên giá trị cho đến tận ngày nay. Bác Hồ trong một lần nói chuyện với học sinh đã nhấn mạnh: Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó.

Hiền tài trước hết phải là người có đức. Trong chế độ phong kiến trước đây thì đức chính là lòng trung quân, ái quốc. Mọi suy nghĩ và hành động của các bậc hiền tài đều không ngoài bốn chữ đó. Những mưu cầu, toan tính vun vén cho lợi ích cá nhân không thể tác động và làm ảnh hưởng đến lí tưởng cao quý giúp vua, giúp nước của họ. Xét theo chuẩn mực đạo đức Nho giáo thì họ xứng đáng là những bậc chính nhân quân tử: phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (giàu sang không làm thay đổi, nghèo khó không thể chuyển lay, bạo lực không thể khuất phục). Hiền tài là những tấm gương quả cảm, tận trung với nước, tận hiếu với dân. Mạc Đĩnh Chi, trạng nguyên đời Trần được triều đình cử đi sứ phương Bắc đã tỏ rõ cho vua quan nhà Minh biết chí khí hiên ngang của người quân tử bằng tài ứng đối hùng biện của mình. Giang Văn Minh sẵn sàng hi sinh tính mạng để bảo vệ danh dự của vua Nam và quốc thể nước Nam, xứng đáng là sứ thần Đại Việt. Không thể kể hết tên tuổi các hiền tài của nước Nam, đúng như Nguyễn Trãi từng viết: Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có (Bình Ngô đại cáo).

Tuy nhiên, lịch sử mấy nghìn năm của đất nước ta có nhiều giai đoạn biến đổi thăng trầm, về đại cục, lịch sử luôn phát triển theo hướng đi lên; nhưng có lúc lịch sử gặp giai đoạn suy thoái, bi thương. Vận mệnh dân tộc, số phận đất nước đặt lên vai hiền tài, nhưng vì nhiều lí do, họ đã không đảm đương được trọng trách mà quốc gia giao phó. An Dương Vương oai hùng với thành Cổ Loa kiên cố và nỏ thần hiệu nghiệm, nhưng vì chủ quan khinh địch nên đã lâm vào cảnh nước mất nhà tan. Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống chỉ vì ham muốn lợi danh mà hèn nhát cam tâm làm tay sai cho quân xâm lược phương Bắc. Đó là lúc nguyên khí suy, thế nước yếu rồi xuống thấp.

Điều quan trọng nhất là hiền tài thì phải thực sự có tài. Có tài kinh bang tế thế thì mới nghĩ ra được những kế sách sáng suốt giúp vua và triều đình cai trị đất nước. Tài năng quân sự lỗi lạc của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã góp phần to lớn vào chiến công lừng lẫy của quân dân nhà Trần ba lần đánh thắng quân xậm lược Mông – Nguyên. Tài năng quân sự, ngoại giao xuất sắc của Nguyễn Trãi khiến ông trở thành vị quân sư số một của Lê Lợi, có vai trò quyết định chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, quét sạch mười vạn giặc Minh ra khỏi bờ cõi nước ta.

Một gương sáng hiền tài đã trở thành thần tượng không chỉ trong phạm vi đất nước mà mở rộng ra phạm vi toàn cầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tên tuổi của ông gắn liền với hai cuộc kháng chiến đau thương và oanh liệt của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, ông đã làm vẻ vang cho lịch sử và truyền thống bất khuất, hào hùng của đất nước. Nhắc đến ông, nhân dân ta và bè bạn năm châu yêu mến, tự hào; còn kẻ bại trận cũng phải nghiêng mình kính phục.

Xưa nay, các triều đại phong kiến đều quan tâm đến việc mở trường học và tổ chức thi cử để tuyển chọn nhân tài giúp nước.

Sau khi quét sạch quân xâm lược nhà Minh ra khỏi bờ cõi, mở ra nền thái bình muôn thuở, vua Lê Thái Tổ đã tỏ ra đặc biệt quan tâm đến vấn đề mở rộng và nâng cao nền giáo dục của nước nhà, trong đó có việc phát hiện và đào tạo nhân tài nhằm phục vụ cho mục đích chấn hưng đất nước. Các triều đại trước, việc tuyển chọn người ra làm quan chủ yếu thông qua con đường tiến cử, nhiệm cử…, nhưng đến thời Lê thì chủ yếu là thông qua khoa cử để chọn người tài giỏi giúp vua trị nước. Vua Lê Thánh Tông viết trong chiếu dụ như sau: Muốn có nhân tài, trước hết phải chọn người có học. Phải chọn người có học thì thi cử là đầu. Nước ta, từ khi trải qua binh lửa, nhân tài ít như lá mùa thu, tuấn sĩ thưa như sao buổi sáng. Thái Tổ ta mới dựng nước đã lập ngay trường học, nhưng lúc mới mở mang chưa đặt khoa thi. Ta noi theo chỉ tiên đế, muốn cầu được hiền tài để thỏa lòng mong đợi. Trong sắc dụ của mình, vua Lê Hiển Tông cũng khẳng định: Các bậc thánh đế minh vương, chẳng ai không lấy việc gây dựng người tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc đầu tiên.

 Người có tài, có đức giữ vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng đất nước ngày nay như thế nào?

Nếu hiểu theo nghĩa hiền tài là người tốt, có khả năng đặc biệt làm một việc nào đó thì hiền tài hiện nay trong lĩnh vực nào cũng có. Đó là những người vượt khó để thành đạt; là những doanh nhân có tâm, có tài, sản xuất ra những hàng hoá chất lượng cao đem lại lợi ích to lớn cho nhân dân, đất nước; là những nhà khoa học có nhiều công trình hữu ích, thiết thực; là những vị lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, hoạch định các chính sách phù hợp, khả thi để thúc đẩy nền kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội ngày càng phát triển. Tất cả hợp lại tạo nên nguyên khí quốc gia.

Hiền tài không phải tự nhiên mà có. Ngoài năng khiếu bẩm sinh mang tính chất truyền thống của gia đình, dòng họ, quê hương… thì người tài phải được phát hiện, giáo dục, đào tạo một cách nghiêm túc và bài bản để thực sự trở thành hiền tài của đất nước.

Nhân tài của một đất nước không nhiều nhưng cũng không quá hiếm hoi. Để có được hiền tài, Nhà nước phải có chính sách đảo tạo và sử dụng đúng đắn cùng chính sách đãi ngộ trân trọng, hợp lí. Tạo điều kiện thuận lợi để hiền tài phát triển tài năng và cống hiến có hiệu quả nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước giàu mạnh.

Nhận định của Thân Nhân Trung đúng với mọi quốc gia và mọi thời đại. Học sinh chúng ta cần phải rèn luyện, phấn đấu không ngừng để trở thành hiền tài, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, để có thể sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hổ hằng mong ước.

Theo: Thu Hương

Đề tài quen thuộc: Phân tích Hiền tài là nguyên khí của quốc gia

Trên đây là 2 bài văn mẫu nêu ý kiến về vấn đề hiền tài là nguyên khí của quốc gia do sưu tầm tuyển chọn, mong rằng với bài học này các em sẽ có cho mình một bài văn thật hay.

Ý kiến của em về vấn đề hiền tài là nguyên khí của quốc gia

[Văn mẫu 10] Em hãy bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề hiền tài là nguyên khí của quốc gia, top 2 bài văn nêu suy nghĩ về tư tưởng Hiền tài là nguyên khí quốc gia hay nhất

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/y-kien-cua-em-ve-van-de-hien-tai-la-nguyen-khi-cua-quoc-gia/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp