Ý nghĩa chi tiết khiêng bàn thờ má trong Những đứa con trong gia đình

0
113
Rate this post

Đề bài: Nêu ý nghĩa chi tiết khiêng bàn thờ má trong Những đứa con trong gia đình

y nghia chi tiet khieng ban tho ma trong nhung dua con trong gia dinh

Tuyển tập 2 bài văn mẫu phân tích ý nghĩa hình ảnh Việt và Chiến khiêng bàn thờ sang gửi nhà chú Năm

Bạn đang xem: Ý nghĩa chi tiết khiêng bàn thờ má trong Những đứa con trong gia đình

 

1. Ý nghĩa chi tiết khiêng bàn thờ má trong Những đứa con trong gia đình, mẫu 1:

– Không khí thiêng liêng đã biến Việt trở thành người lớn: “lần đầu tiên Việt thấy rõ lòng mình”, “Việt thấy thương chị lạ”, cảm thấy được trách nhiệm lớn lao của mình vì mối thù với thằng Mỹ “đang đè nặng trên vai”.

– Bàn thờ má còn là chứng tích tội ác do bọn giặc Mỹ tàn ác để lại, là động lực thúc đẩy chị em Việt ra đi đánh giặc để trả thù nhà, đền nợ nước.

– Hình ảnh còn có ý nghĩa tượng trưng, thể hiện sự trưởng thành của hai chị em là có thể gánh vác việc gia đình và viết tiếp khúc sông của mình trong dòng sông truyền thống gia đình. Hơn thế nữa, thế hệ sau cứng cáp, trưởng thành hơn và có thể đi xa hơn.

– Hình ảnh này còn là hình ảnh lãng mạn “ở tạm bên nhà chú” và đến khi “nước nhà độc lập con lại đưa má về”, đây là giai đoạn kháng chiến chống Mỹ ác liệt, nhưng Nguyễn Thi vẫn mang một niềm tin vào tương lai tất thắng.
 

2. Phân tích Ý nghĩa chi tiết khiêng bàn thờ má trong Những đứa con trong gia đình, mẫu 2:

Nếu sức chinh phục của hình tượng nghệ thuật là ở sự truyền cảm thì góp phần quyết định tạo ra sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc ấy là nhờ chi tiết nghệ thuật.

Chi tiết nghệ thuật truớc hết là những yếu tố về ngôn ngữ, lời văn được dùng để diễn tả nội dung tư tưởng của tác phẩm.. Nếu trong thơ, chi tiết có thể là một từ như: “Vèo” (Thu điếu – Nguyễn Khuyến), một hình ảnh tu từ như: “Hồn tôi là một vườn hoa lá” (Từ ấy – Tố Hữu) v.v… Thì trong tác phẩm tự sự thì chi tiết có thể là lời nói của nhân vật, bộ điệu, cử chỉ, nét mặt, đồ vật, cảnh tượng, hoặc có khi là một tình tiết của cốt truyện.

Đọc”Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi, chúng ta mãi không thể quên cảnh tượng hai chị em Chiến Việt khiêng bàn thơ má sang nhà chú Năm

Tình thương mẹ sâu sắc, tình chị em cảm động: Sau khi được chú Năm ủng hộ, xin anh cán bộ tuyển quân ghi tên cho cả hai cùng đi tòng quân một đợt, chị em Chiến, Việt cắt đặt việc nhà gọn gàng chu đáo. Buổi sáng ngày lên đường, hai chị em làm cơm cúng má. Chị Chiến vào bếp nấu cơm, Việt đi câu cá. Cúng má, cơm nước xong, mấy chú cháu thu xếp đồ đạc dời nhà. Hai chị em mỗi người một đầu khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm, băng tắt qua bãi đất cày trước cửa, men theo chân vườn thoảng mùi hoa cam, con đường hồi trước má vẫn đi để lội hết đồng này sang bưng khác…

Chỉ trong gần nửa trang giấy nhưng đoạn văn trên đã gây xúc động sâu sắc cho người đọc. Xúc động bởi đoạn văn đã chạm tới một miền tâm tưởng thuộc thế giới tâm linh của người Việt. Trong đời sống tinh thần, người Việt tin rằng có một thế giới khác, thế giới mà con người sẽ trú ngụ sau khi rời khỏi chốn dương gian. Quan niệm như vậy cho nên họ luôn cho rằng người đã chết chỉ thác về thể xác còn linh hồn thì vẫn tinh anh. Linh hồn vẫn có thể đi về giữa hai thế giới ấy. Từ đó người Việt lập ra bàn thờ để cúng người đã khuất. Bàn thờ trở thành nơi gặp gỡ của vong linh người đã khuất với những người thân trong gia đình.

Trong buổi sáng trước giờ lên đường tòng quân, hai chị em Chiến, Việt đã cho mượn hoặc đem cho hết đồ đạc trong nhà riêng bàn thờ má thì đem gửi. Điều đó chứng tỏ bàn thờ má là những gì thiêng liêng nhất trong cuộc sống mà hai chị em đều trân trọng, giữ gìn, nâng niu. Má đã mất nhưng trong giờ phút khiêng bàn thờ má đem gửi, hai chị em cảm nhận được sự hiện diện gần gũi của má đâu đây. Hai chị em dường như đang nói cùng má: “Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập, chúng con lại đưa má về”. Những cảm nhận của hai chị em Chiến, Việt cho ta hiểu đã không còn khoảng cách của hai thế giới của người còn sống và người đã khuất. Những đứa con đã thấy hình bóng mẹ trở về trong tâm tưởng, trong không gian thoảng mùi hoa cam. Và hình như còn có cả bước chân lội đồng bì bõm của má trên con đường quen thuộc xưa má đi và nay hai chị em đang bước qua. Đoạn văn xúc động bởi tác giả cho chúng ta tin rằng đã có một cuộc gặp gỡ cảm động giữa hai chị em Chiến Việt và người mẹ đã khuất. Còn cuộc gặp gỡ nào cảm động hơn cuộc gặp gỡ ấy!

Tình yêu nước gắn liền lòng căm thù giặc cướp nước: Đoạn văn còn xúc động bởi vì nhắc tới và miêu tả một trạng thái của cảm xúc rất khó diễn tả thành lời đó là niềm căm thù. Chưa bao giờ Việt thấy rõ như thế mối thù thằng Mỹ. Mối thù ấy có thể rờ thấy được vì nó đang nằm trên vai, có thể cân đong được vì nó đang đè nặng trên vai. Bàn thờ má đã “vật chất hóa” cái vốn vô hình đó là mối thù đối với thằng giặc đã giết ba má Việt. Nếu không có bom thù thì giờ này Việt sẽ được má xoa đầu, lấy cơm cho ăn. Nếu không có bom thù thì giờ này đâu có bàn thờ má nặng trên vai. Cảm nhận sức nặng của bàn thờ chính là hiểu được gánh nặng của mối thù phải trả. Hai chị em Chiến, Việt đã đi qua những trận đánh khốc liệt chính là từ những cảm nhận cụ thể này về mối thù sâu nặng của gia đình đối với kẻ thù xâm lược. Đoạn văn của Nguyễn Thi đã nói lên một cách cô đọng nhất, hình ảnh nhất về cuộc chiến đấu của dân tộc: có yêu thương thì có căm thù, người đã mất nhưng mối thù ở lại đang lên tiếng đòi phải trả. Dân tộc Việt Nam bước đến ngày khải hoàn chính từ những nỗi yêu thương, những niềm căm thù cụ thể đó.

Mặc dù truyện ngắn “Những đứa con trong gia đình” có rất nhiều đoạn, khung cảnh xúc động nhưng khó có thể tìm được đoạn, cảnh truyện nào xúc động hơn đoạn truyện này. Sự giản dị, ngắn gọn đã đem đến cho đoạn văn những sâu lắng, chân thực và sâu sắc. Chỉ cần không nhiều những đoạn văn như thế cũng đủ để tác phẩm sống mãi!

————– HẾT —————

Như vậy chúng tôi đã gợi ý Ý nghĩa chi tiết khiêng bàn thờ má trong Những đứa con trong gia đình. Tiếp theo, để hiểu rõ hơn về nội dung truyệncác em chuẩn bị cho phần Ý nghĩa nhan đề Những đứa con trong gia đình, Màu sắc Nam Bộ trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình, Vẻ đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua nhân vật Tnú trong Rừng Xà Nu và nhân vật Việt trong Những đứa con trong gia đình và phần Ý nghĩa cuốn sổ gia đình trong Những đứa con trong gia đình,…

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/y-nghia-chi-tiet-khieng-ban-tho-ma-trong-nhung-dua-con-trong-gia-dinh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp