Ý nghĩa triết lí nhân sinh trong hai lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích

0
78
Rate this post

Ý nghĩa triết lí nhân sinh trong hai lời thoại của Hồn Trương Ba – Dàn ý tham khảo và bài văn mẫu hay nhất.

Đề bài: Suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa triết lí nhân sinh, trong 2 lời thoại: Hồn Trương Ba trong cuộc trò chuyện giữa

Hồn Trương Ba với Đế Thích.

“Không thể bên trong một đằng bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn là tôi toàn vẹn”.

Bạn đang xem: Ý nghĩa triết lí nhân sinh trong hai lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích

“Sống nhờ vào đồ đạc của người khác đã là một chuyện không nên, mà đằng này đến cái thân tôi cũng sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghỉ đơn giản là tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”.

***

Lập dàn ý chi tiết:

I. Mở bài

– Trong cuộc trò chuyện của Hồn Trương Ba với Đế Thích trở thành nơi tác giả gửi gắm quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết.

– Hai lời thoại của Hồn Trương Ba có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang màu sắc triết lí nhân sinh sâu sắc.

II. Thân bài

1. Ý nghĩa triết lí của hai lời thoại

a. Lời thoại 1:

– Khẳng định con người là một thể thống nhất có sự hài hoà giữa thể xác và tâm hồn.

– Vì không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục tội lỗi.

– Khi con người bị chi phối bởi những nhu cầu bản năng của than xác thì đừng chỉ đổ tội cho thân xác. Không thể tự an ủi vỗ về mình bằng vẽ đẹp siêu hình của tâm hồn.

b. Lời thoại 2:

– Sống thật sự cho ra con người không phải dễ dàng đơn giản chút nào. Khi sống nhờ giả, sống chấp và không được sống cuộc sống của chính mình thì sự sống đó là vô nghĩa.

– Sự vênh lệch giữa tâm hồn và thể xác chính là bi kịch của cuộc đời của một con người.

2. Ý nghĩa đó có ảnh hưởng như thế nào đến thực tại

– Trong cuộc sống thực tại con người đang có nguy cơ chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ biết hưởng thụ vì thế mà trở thành phàm phu thô thiển (Vì thoả mãn nhu cầu ham muốn của bản thân mà con người xa vào các tệ nạn như: cờ bạc, rượu chè, có hành vi phạm pháp).

– Có người lấy cớ tâm hồn là cao quý đời sống tinh thần là đáng quý trọng mà chẳng chăm lo đến đời sống vật chất, như thế thì không thể có hạnh phúc toàn vẹn mà đó là biểu hiện của sự lười biếng.

– Cả 2 lối sống trên đều cực đoan đáng phê phán

– Tình trạng con người sống giả không giảm và không được sống bằng cuộc sống chính mình. Đó là nguyên nhân đẩy con người đến chổ tha hoá bởi vòng danh lợi.

3. Thái độ và hành động của bản thân.

– Đối với xã hội: phê phán lên án những lối sống cực đoan hoặc quá coi trọng vật chất, hoặc lười biếng không tưởng, phải đấu tranh chống lại lối sống giả tạo lừa đảo, những biểu hiện tiêu cực trong cuộc sống.

– Đối với bản thân: luôn đấu tranh với chính bản thân của mình để khắc phục những hạn chế tự hoàn thiện nhân cách của mình.

III. Kết bài

– Được sống đúng mình, sống toàn vẹn với những giá trị vốn có của mình mới thực sự đáng quý.

– Sự sống thực sự có ý nghĩa khi con người sống tự nhiên hài hoà giữa thể xác và tâm hồn.

– Con người phải tự đấu tranh để hoàn thiện nhân cách và giá trị tinh thần cao quý.

Tham khảo thêm: Giá trị nhân văn cao cả trong vở kịch Hồn Trương Ba – da hàng thịt của Lưu Quang Vũ

Bài văn mẫu phân tích ý nghĩa triết lí nhân sinh trong hai lời thoại của Hồn Trương Ba

Lưu Quang Vũ là một nhà thơ khá nổi tiếng trong những năm sáu mươi của thế kỉ XX, được nhiều bạn đọc yêu mến. Đến đầu những năm tám mươi thì Lưu Quang Vũ chuyển hẳn sang lĩnh vực sân khấu. Chỉ trong bảy, tám năm, ông đã sáng tác khoảng năm mươi kịch bản và hầu hết đều được dàn dựng. Kịch của Lưu Quang Vũ thể hiện khát vọng về cái đẹp, cái thiện, về sự hoàn thiện nhân cách con người, đấu tranh khá quyết liệt với cái ác, cái xấu, nhất là đấu tranh chống tiêu cực để làm cho cuộc sống sạch hơn, tốt đẹp hơn. Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt, mà đặc biệt là trong lời thoại sau đây giữa Hồn Trương Ba với tiên Đế Thích đã cho ta thấy cái khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp của Lưu Quang Vũ: Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn…. sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn gian là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!.

Lời thoại này chính là những lời Lưu Quang Vũ muốn gửi gắm những quan niệm về hạnh phúc, về lẽ sống và cái chết. Như chúng ta đã biết Hồn Trương Ba, da hàng thịt được Lưu Quang Vũ sáng tác theo hướng khai thác, cốt truyện dân gian để gửi gắm những suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, thể hiện một triết lí sâu sắc về lẽ sống, lẽ làm người, kết hợp phê phán một số tiêu cực trong lối sống hiện thời. Tuy khai thác đề tài từ cốt truyện dân gian, nhưng trong vở kịch này Lưu Quang Vũ có một sự sáng tạo rất độc đáo: trong truyện dân gian thì khi hồn Trương Ba được tiên Đế Thích cho nhập vào xác anh hàng thịt, hồn Trương Ba vẫn sống bình thản, còn trong vở kịch này thì hồn Trương Ba sống rất quay quắt, luôn có những xung đột nội tâm rất căng thẳng. Hồn Trương Ba đã phải trải qua những cuộc đấu tranh gay gắt với chính thể xác mà mình trú ngụ – thể xác đầy ham muốn bản năng của anh hàng thịt. Và Lưu Quang Vũ đã đẩy kịch tính lên tới điểm đỉnh là khi hồn Trương Ba sắp ngã vào tay chị vợ anh hàng thịt, suýt chút nữa sự thanh sạch của hồn Trương Ba bị thân xác lấn át, cộng với sự xa lánh của những người thân trong gia đình khiến hồn Trương Ba càng đau đớn, xót xa. Để gỡ nút thắt của tình huống kịch này, Lưu Quang Vũ đã để cho hồn Trương Ba đi đến một quyết định dứt khoát là không thể kéo dài mãi cuộc sống như thế nữa: “Không thể bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được. Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”. Lời thoại này đã nói lên tấn bi kịch, sự trớ trêu trong hồn Trương Ba, đó là sự mâu thuẫn giữa một tâm hồn đẹp với một thân xác thỗ lỗ, phàm phu tục tử. Lời thoại này đã cho ta thấy rõ quan điểm, triết lí về nhân sinh của Lưu Quang Vũ. Lưu Quang Vũ cho rằng: cuộc sống của con người là một thể thống nhất giữa hồn và xác. Hồn và xác phải hài hòa. Không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Khi con người bị chi phối hoàn toàn bởi những nhu cầu bản năng của thân xác, nghĩa là những nhu cầu vật chất chi phối hoàn toàn đời sống tinh thần thì không thể có một tâm hồn thanh cao trong sáng được. Nói như thế, ở đây Lưu Quang Vũ không phải phủ nhận hoàn toàn nhu cầu về đời sống vật chất, mà chỉ muốn trong cuộc sống chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Nếu chúng ta chỉ quan tâm đến đời sống tinh thần mà không lo đến đời sống vật chất thì cuộc sống của chúng ta cũng chẳng mấy tốt đẹp, chúng ta sẽ sống trong ảo tưởng bằng vỏ đẹp siêu hình của tâm hồn. Vì vậy chúng ta đừng bao giờ để đời sống vật chất làm sa ngã đời sống tinh thần.

Và trong lời thoại tiếp theo, Lưu Quang Vũ lại tiếp tục trình bày quan điểm của mình về cuộc sống: “Sống nhờ vào đồ đạc, của cải người khác, đã là chuyện không nên, đằng này đến cái thân tôi cũng phải sống nhờ anh hàng thịt. Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết!”. Lời thoại này chứng tỏ hồn Trương Ba đã ý thức rõ về hoàn cảnh trớ trêu, đầy tính chất bi hài của mình. Hồn Trương Ba đã thấm thía nỗi đau khổ vì nhận ra tình trạng ngày càng chênh lệch giữa hồn và xác. Sự chênh lệch này đã được thể hiện ngay từ khi hồn Trương Ba nhập vào xác của anh hàng thịt, hình dạng biến đổi, hành động biến đổi và những người thân trong gia đình ngày càng xa lánh, Trương Ba bây giờ đâu còn là Trương Ba như ngày trước nữa – “đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa” (lời vợ Trương Ba), “Tôi không phải là cháu của ông”, “ông nội tôi chết rồi”, “bàn tay giết lợn của ông làm gãy tiệt cái chồi non, chân ông to bè như cái xẻng, giẫm lên nát cả cây sâm quý mới ươm! Ông nội tôi đời nào thô lỗ phũ phàng như vậy! ”, “Ông xấu lắm, ác lắm! cút đi! Lão đồ tể, cút đi” (lời của Cái Gái)… Hồn Trương Ba không thể sống mãi trong sự đau khổ, dằn vặt như thế nữa; nên đã phản kháng, không chấp nhận việc tiên Đế Thích cho mình sống nhờ vào thân xác anh hàng thịt. Lời phản kháng này chuẩn bị cho hành động quyết liệt, dứt khoát của hồn Trương Ba là chọn cái chết, trả xác cho anh hàng thịt, để tâm hồn thanh thoát, không còn dằn vặt khổ đau.

Qua lời thoại này, Lưu Quang Vũ muốn bày tỏ quan điểm của mình về cuộc sống, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: thế nào là một cuộc sống thật sự có ý nghĩa? Theo ông, sống thực sự cho ra con người không phải dễ dàng, đơn giản. Cuộc sống thật sự có ý nghĩa là cuộc sống do chính bàn tay, khối óc mình tạo lập ra, sống cho chính mình, một cuộc sống thật sự có ích cho gia đình và xã hội. Nếu sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, sống không được là mình thì cuộc sống ấy vô nghĩa, không đáng sống, thà chết còn hơn.

Tóm lại, hai lời thoại trên của hồn Trương Ba với tiên Đế Thích đã bộc lộ quan điểm rất đúng đắn của Lưu Quang Vũ về cuộc sống. Đó cũng chính là sự suy ngẫm về nhân sinh, về hạnh phúc, là sự phê phán một số mặt tiêu cực trong lối sống của một số người trong xã hội đương thời của Lưu Quang Vũ. Thực tế trong cuộc sống hôm nay không ít những con người sống nhờ vào thân thể, uy quyền của kẻ khác, sống bằng luồn cúi, nịnh bợ để được thăng quan tiến chức, sống bằng đồng tiền không phải do năng lực của mình làm ra mà đó là những đồng tiền từ mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, của đồng chí, đồng đội, làm băng hoại cuộc sống xã hội. Sống như thế là một cuộc sống thật xấu xa, đê tiện, đáng lên án và phỉ nhổ. Lưu Quang Vũ đã thể hiện nỗi băn khoăn, trăn trở của mình về điều này qua những khổ đau, trăn trở của hồn Trương Ba khi phải sống nhờ vào xác anh hàng thịt. Chính điều này đã lay động trái tim người đọc và người xem vở kịch này.

Các bạn vừa tham khảo nội dung dàn ý chi tiết và bài văn nghị luận về ý nghĩa triết lí nhân sinh trong hai lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích. Có thể mở rộng phân tích tình huống éo le của nhân vật Trương Ba trong xác anh hàng thịt để dẫn dắt vấn đề vì đâu mà hồn Trương Ba có những suy nghĩ, triết lí như vậy.

Tuyển chọn những bài văn hay lớp 12 /

Ý nghĩa triết lí nhân sinh trong hai lời thoại của Hồn Trương Ba với Đế Thích

[Văn mẫu 12] Hướng dẫn lập dàn ý chi tiết và bài văn mẫu phân tích ý nghĩa triết lí nhân sinh trong hai lời thoại của Hồn Trương Ba trò chuyện với Đế Thích.

Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Tác giả: https://thcs-thptlongphu.edu.vn – Trường Lê Hồng Phong
Nguồn: https://thcs-thptlongphu.edu.vn/y-nghia-triet-li-nhan-sinh-trong-hai-loi-thoai-cua-hon-truong-ba-voi-de-thich/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp