2 Đề đọc hiểu Đợi mẹ (Vũ Quần Phương) có đáp án chi tiết

0
253
Rate this post

2 Đề đọc hiểu Đợi mẹ (Vũ Quần Phương) có đáp án chi tiết được tổng hợp từ các bài thi Ngữ Văn trên toàn quốc sẽ là tài liệu cho các em ôn luyện trước khi bước vào kì thi sắp tới. Hy vọng với 2 bộ đề Đợi mẹ đọc hiểu dưới đây, các em sẽ trả lời đúng toàn bộ các câu hỏi trong bài thi nhé.

Đề đọc hiểu Đợi mẹ (Vũ Quần Phương) có đáp án chi tiết
Đề đọc hiểu Đợi mẹ (Vũ Quần Phương) có đáp án chi tiết

Đọc hiểu Đợi mẹ (Vũ Quần Phương) – Đề số 1

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

ĐỢI MẸ

Em bé ngồi nhìn ra ruộng lúa
Trời tối trên đầu hè. Nửa vầng trăng non

Em bé nhìn vầng trăng, nhưng chưa nhìn thấy mẹ
Mẹ lẫn trên cánh đồng. Đồng lúa lẫn vào đêm

Bạn đang xem: 2 Đề đọc hiểu Đợi mẹ (Vũ Quần Phương) có đáp án chi tiết

Ngọn lửa bếp chưa nhen. Căn nhà tranh trống trải
Đom đóm bay ngoài ao. Đom đóm đã vào nhà

Em bé nhìn đóm bay, chờ tiếng bàn chân mẹ
Bàn chân mẹ lội bùn ì oạp phía đồng xa

Trời về khuya lung linh trắng vườn hoa mận trắng
Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ

(Vũ Quần Phương, Đợi mẹ, 29-11-1998)

Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt của bài thơ trên?

Lời giải:

– Thể loại thơ tự do

– Phương thức biểu đạt: biểu cảm kết hợp miêu tả, tự sự

Câu 2. Nêu nội dung chính của bài thơ trên?

Lời giải:

Bài thơ Đợi mẹ kể về câu chuyện muôn thuở của trẻ thơ, được viết lên từ những rung cảm chân thành, xúc động của một tâm hồn luôn khát khao tình yêu thương của mẹ. Nhà thơ Vũ Quần Phương xa mẹ từ nhỏ, có lẽ vì vật mà khi viết về mẹ, mỗi vần thơ của ông đều như chạm đến những cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng người đọc.

Qua “nỗi đợi” của em bé về mẹ, bài thơ giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của em dành cho mẹ, vị trí đặc biệt của mẹ trong tâm hồn em. Đồng thời, bài thơ còn khắc họa một cách chân thực, cảm động hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ vì mưu sinh, và vì con.

Câu 3. Anh/chị hình dung thấy điều gì khi đọc đoạn thơ này?

Lời giải:

Em hình dung được hình ảnh bạn nhỏ đang ngồi ngóng chờ mẹ về, nhìn hoài nhìn mãi không thấy mẹ đâu tới khi trăng đã lên mà mẹ vẫn ở trên đồng, bao quanh chỉ là sự cô đơn, trống trải.

Câu 4. Mẹ đã bế ai vào nhà? Dựa vào đâu anh/chị cho là như vậy?

Lời giải:

– Mẹ đã bế bạn nhỏ vào nhà.

– Dựa vào câu thơ “Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ”. Vì bạn nhỏ chính là người luôn chờ trông, ngóng đợi mẹ về từng ngày.

Câu 5. Xác định cách gieo vần và ngắt nhịp của bài thơ. Anh/chị có nhận xét gì về cách gieo vần và ngắt nhịp ấy?

Lời giải:

– Cách gieo vần: linh hoạt (Mẹ lẫn trên cánh đồng lúa lẫn vào đêm,… Đom đóm bay ngoài ao. Đom đóm đã vào nhà,… lung linh trắng vườn hoa mận trắng)

– Cách ngắt nhịp: độc đáo (dòng 2, 8 và dòng 3, 11)

=> Nhận xét: Cách gieo vần và ngắt nhịp độc đáo của bải thơ làm cho thay đổi, góp phần diễn tả tâm trạng chờ đợi mẹ của bé.

Câu 6. Nêu cảm nhận của em về hình ảnh “Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ”.

Lời giải:

Đây là một hình ảnh sáng tạo và đầy ấm áp. Dường như khi mẹ về em bé đã ngủ thiếp đi và trong giấc mơ em vẫn luôn đợi chờ mẹ.

Câu 7. Tìm và nêu tác dụng của những từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ thể hiện tâm trạng đợi mẹ của em bé.

Lời giải:

Hình ảnh, từ ngữ: Em bé nhìn vầng trăng nhưng chưa nhìn thấy mẹ, em bé nhìn vầng trăng, chời tiếng bàn chân mẹ.

Tâm trạng chờ đợi mong ngóng.

Câu 8. Bài thơ thể hiện tình cảm, cảm xúc gì của tác giả? Hãy tìm những từ ngữ, hình ảnh thể hiện tình cảm, cảm xúc ấy?

Lời giải:

– Bài thơ thể hiện tình cảm nhớ nhung, yêu thương, thấp thỏm, chờ đợi ngóng trông mẹ về.

– Những từ ngữ, hình ảnh thể hiện tình cảm, cảm xúc ấy:

  • Ngồi nhìn ra đồng lúa
  • Ngọn lửa bếp chưa nhen
  • Căn nhà tranh trống trải
  • Chờ tiếng bàn chân mẹ
  • Chân mẹ lội bùn ì oạp đồng xa

Câu 9. Theo em, tác giả muốn gửi gắm thông điệp gì qua bài thơ trên?

Lời giải:

Thông điệp tác giả gửi gắm: Tình cảm con với mẹ, mẹ với con là một trong những tình cảm thiêng liêng, trân quý nhất của con người.

Câu 10. Tình cảm của bé và mẹ dành cho nhau gợi cho em suy nghĩ gì về tình cảm giữa những người thân trong gia đình? Hãy viết một đoạn văn ngắn để bày tỏ suy nghĩ của em?

Lời giải:

Bài mẫu số 1:

Tình cảm giữa những người thân trong gia đình luôn là một tình cảm đáng quý và đáng trân trọng. Tình cảm ấy chính là sự yêu thương, giúp đỡ, chia sẻ, đùm đọc, chăm sóc lẫn nhau của một gia đình. Khi ta vấp ngã luôn được gia đình đùm bọc, che chở, vỗ về. Đồng thời bản thân mỗi người cũng cần cố gắng, chăm chỉ, yêu thương, bảo vệ tất cả mọi người trong gia đình. Tình cảm giữa những người thân trong gia đình chính là tình cảm máu mủ ruột già không gì có thể thay thế và ta luôn phải trân trọng tình cảm ấy.

Bài mẫu số 2:

Tình cảm gia đình trước hết nó chính là tình cảm của những người trong gia đình dành cho nhau đó là tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em. Mỗi tình cảm ấy đều mang lên ý nghĩa của nó, mỗi ý nghĩa của nó là một phần giúp tình cảm gia đình được bền chặt, sâu nặng. Tình cảm ấy không chỉ là tình cảm giữa những người có cùng huyết thống với nhau mà những người không chung huyết thống cũng có thể cảm nhận được từ cách họ quan tâm đến nhau, cộng tác với nhau trong công việc.

Bài mẫu số 3:

Tình cảm gia đình là thứ tình cảm thiêng liêng, cao đẹp. Như trong bài thơ “Đợi mẹ” của nhà thơ Vũ Quần Phương, tình cảm của nhân vật em bé dành cho mẹ của mình thể hiện qua sự chờ đợi, mong mỏi mẹ trở về trong màn đêm tĩnh lặng. Sự cô đơn không làm nhụt chí của em bé, em vẫn đợi mẹ như màn đêm đợi ngày mai. Như trong chúng ta, ai chả có những lúc phải chờ đợi, con chờ đợi mẹ đi chợ về, bố mẹ chờ đợi đứa con đi làm xa trở về… đó đều là cách mà những người trong gia đình thể hiện với nhau. Nó không giống với tình yêu, sự chờ đợi đem đến sự bồi hồi, hy vọng vào một điều gì sắp xảy ra khiến chúng ta khi thì lo lắng, sốt ruột, khi thì vui vẻ, hồ hởi. Dù được biểu hiện như thế nào, tình cảm gia đình vẫn là tình cảm đáng trân trọng. Chúng ta cần phải biết yêu mến người thân của mình và biết trân trọng những khoảnh khắc bên gia đình của mình.

Đọc hiểu Đợi mẹ (Vũ Quần Phương) – Đề số 2

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

ĐỢI MẸ

Em bé ngồi nhìn ra ruộng lúa
Trời tối trên đầu hè. Nửa vầng trăng non

(Vũ Quần Phương, Đợi mẹ, 29-11-1998)

Câu 1. Xác định nghĩa của từ “non” trong đoạn thơ trên. Dựa vào đâu em xác định được nghĩa của từ ấy?

Lời giải:

Từ “non” để chỉ sự mới, mới mọc, mới nhú được một phần của vầng trăng => Trăng non là vầng trăng đầu tháng chưa tròn, còn khuyết.

– Dựa vào từ “nửa vầng trăng” để xác định nghĩa của từ “non”.

Câu 2. Từ ví dụ trên, em hãy nêu cách xác định nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh.

Lời giải:

Cách xác định nghĩa của từ dựa vào ngữ cảnh:

– Trong mỗi ngữ cảnh, từ thể hiện khả năng kết hợp với các yếu tố khác, qua đó bộc lộ một nghĩa xác định nào đó.

– Khi xác định nghĩa của từ, cần phải lưu ý xem trong ngữ cảnh này, từ có được dùng với nghĩa thông thường hay dùng với nghĩa khác.

Câu 3. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản Đợi mẹ?

Lời giải:

Giá trị nội dung:

Bài thơ “Đợi mẹ” được viết lên từ những rung cảm chân thành, xúc động của một trái tim luôn khát khao tình yêu thương của mẹ.

Giá trị nghệ thuật:

– Lời thơ nhẹ nhàng, thiết tha, đầy cảm xúc

– Hình ảnh sinh động, từ ngữ gợi hình, gợi cảm

***

Tóm tắt tác phẩm Đợi mẹ

Mẫu 1:

Em bé ngồi đợi mẹ mãi đến tối, rồi em nhìn ra ruộng lúa, nhìn vầng trăng mà mẹ vẫn chưa về. Căn nhà thì trống trải, cảnh vật cũng buồn hắt hiu theo em. Em bé ngoan và yêu mẹ rất nhiều, em thương mẹ phải lao động cực khổ. Ngày nào em cũng ngóng trông mẹ về, giờ hành động đó đã quen đến nỗi trong mơ em vẫn mơ là mình đang đợi mẹ…

Mẫu 2:

Bài thơ “Đợi mẹ” được viết lên từ những rung cảm chân thành, xúc động của một trái tim luôn khát khao tình yêu thương của mẹ. Sau một ngày làm việc vất vả, mẹ trở về nhà, âu yếm yêu thương bế em bé đi ngủ. Em rất thương mẹ, nhưng dường như ngày nào mẹ cũng đi làm về muộn, em ngày nào cũng đợi ngóng mẹ về, giờ hành động đó đã quen đến nỗi trong mơ em vẫn mơ là mình đang đợi mẹ về.

Mẫu 3:

Bài thơ “Đợi mẹ” nói về một em bé có một trái tim luôn khát khao tình yêu thương của mẹ. Em bé ngày nào cũng ngóng đợi mẹ đi làm về. Em nhìn trăng, nhìn đồng ruộng để ngóng mẹ về…Mãi đến khuya mẹ mới trở về sau một ngày làm việc vất vả, mẹ âu yếm yêu thương bế em bé đi ngủ.

Mẫu 4:

Bằng lời thơ nhẹ nhàng, thiết tha bài thơ “Đợi mẹ” nói về một em bé ngoan yêu thương mẹ rất nhiều. Mẹ phải làm lụng vất vả để kiếm tiền nuôi em bé. Em rất thương mẹ, nhưng dường như ngày nào mẹ cũng đi làm về muộn, em ngày nào cũng đợi ngóng mẹ về, giờ hành động đó đã quen đến nỗi trong mơ em vẫn mơ là mình đang đợi mẹ về.

Đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về bài thơ Đợi mẹ

Bài thơ Đợi mẹ kể về câu chuyện muôn thuở của trẻ thơ, được viết lên từ những rung cảm chân thành, xúc động của một tâm hồn luôn khát khao tình yêu thương của mẹ. Nhà thơ Vũ Quần Phương xa mẹ từ nhỏ, có lẽ vì vật mà khi viết về mẹ, mỗi vần thơ của ông đều như chạm đến những cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng người đọc. Qua “nỗi đợi” của em bé về mẹ, bài thơ giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của em dành cho mẹ, vị trí đặc biệt của mẹ trong tâm hồn em. Đồng thời, bài thơ còn khắc họa một cách chân thực, cảm động hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ vì mưu sinh, và vì con.

Bài văn cảm nhận về bài thơ Đợi mẹ – Vũ Quần Phương

Những bài thơ viết về mẹ luôn có sức lay động, truyền cảm đặc biệt. Bởi tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng đối với mỗi con người. Ai trong thẳm sâu tâm hồn, trái tim mình đều có hình bóng người mẹ kính yêu. Bài thơ “Đợi mẹ” được viết lên từ những rung cảm chân thành, xúc động của một tâm hồn luôn khát khao tình yêu thương của mẹ. Nhà thơ Vũ Quần Phương xa mẹ từ khi còn nhỏ. Có lẽ vì vậy mà khi viết về mẹ, mỗi vần thơ của ông đều như chạm đến những cảm xúc sâu lắng nhất trong lòng người đọc:

Em bé ngồi nhìn ra ruộng lúa

Trời tối trên đầu hè. Nửa vầng trăng non

Em bé nhìn vầng trăng, nhưng chưa nhìn thấy mẹ

Mẹ lẫn trên cánh đồng. Đồng lúa lẫn vào đêm

Ngọn lửa bếp chưa nhen. Căn nhà tranh trống trải

Đom đóm bay ngoài ao. Đom đóm đã vào nhà

Em bé nhìn đóm bay, chờ tiếng bàn chân mẹ

Bàn chân mẹ lội bùn ì oạp phía đồng xa

Trời về khuya lung linh trắng vườn hoa mận trắng

Mẹ đã bế vào nhà nỗi đợi vẫn nằm mơ.

Bài thơ kể cho chúng ta nghe về câu chuyện muôn thuở của trẻ thơ: Đợi mẹ. Ai chẳng từng đợi mẹ đi chợ, đi làm. Ai chẳng từng trải qua cảm giác thắc thỏm đứng ngồi mong ngóng. Em bé trong bài thơ này cũng vậy. Trời đã tối. Những dấu hiệu của nhịp sống ồn ào ban ngày đã dừng lại. Từng hoạt động của đêm lần lượt diễn ra: Vành trăng non đã lên, đom đóm đã thắp lửa ngoài ao, đom đóm đã bay vào nhà. Vậy nhưng mẹ vẫn chưa làm đồng về.

Em bé có thể nhìn thấy vầng trăng treo cao tít trên bầu trời nhưng không thể nhìn thấy mẹ. Mẹ vẫn ở ngoài cánh đồng xa. Mẹ lẫn vào cánh đồng, còn cánh đồng lại lẫn vào đêm. Hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ bị lẫn, bị chìm vào trong bóng tối gợi bao niềm day dứt, ngậm ngùi. Đâu phải mẹ không mong về với con, đâu phải mẹ không biết còn đang trông ngóng mẹ, nhưng vì cuộc mưu sinh, vì con, mẹ phải đi sớm về muộn. Hình ảnh của mẹ khiến ta nhớ đến hình ảnh con cò trong câu ca dao xưa: “Con cò lặn lội bờ sông.” hay: “Cái cò mà đi ăn đêm”.. – thật tội nghiệp biết bao.

Mẹ chưa về, nên bếp chưa lên lửa, mẹ chưa về nên cửa nhà trống trải làm sao. Bóng tối ùa về kéo theo những nỗi sợ mơ hồ trong tâm hồn thơ trẻ. Vì thế, niềm mong mỏi bước chân mẹ càng thêm khắc khoải hơn. Em mong mẹ không phải vì “xu bánh đa gừng” hay củ khoai, lùi mía. Em mong mẹ vì với em, mẹ là ấm áp, mẹ là bình yên. Có mẹ, căn bếp kia mới trở nên ấm cúng, có mẹ, mái nhà tranh mới bớt hoang vắng quạnh hiu.

Vậy nhưng, trong khi em bé chờ từng khắc bước chân mẹ, thì bước chân ấy vẫn “ì oạp” nơi cánh đồng xa. Từ tượng thanh “ì oạp” thật giàu sức gợi. Nó gợi lên từng bước chân khó nhọc của mẹ khi phải băng lội giữa bốn bề nước ruộng mênh mông, và lần nữa gợi lên cảm xúc nghẹn ngào nơi trái tim bạn đọc. Thơ là tiếng nói của cảm xúc. Thơ là sợi dây truyền cảm đặc biệt giữa tác giả và độc giả. Nên đọc những vần thơ trên, người đọc không khỏi rưng rưng xúc động.

Có lẽ, ngày nào mẹ cũng đi làm về muộn như thế, ngày nào em bé cũng thắc thỏm chờ mẹ như thế, nên “nỗi đợi” đã vô thức ăn sâu vào tâm tưởng, đi cả vào giấc mơ của em. Em bé đợi mẹ cả trong mơ ở câu thơ cuối thật thương quá đi thôi. Đến bao giờ cuộc sống của mẹ và bé mới bớt nhọc nhằn, bao giờ mẹ mới được về sớm để em bé vui niềm vui bình dị bên mẹ mỗi khi chiều về chứ không phải đợi đến mỏi mòn rồi ngủ quên bên bậu cửa?

Bài thơ “Đợi mẹ” có số câu chữ không nhiều, lời thơ giản dị, tự nhiên, ngôn từ giàu sức gợi.. đã mang đến thật nhiều xúc cảm sâu lắng trong lòng người đọc. Qua “nỗi đợi” của em bé về mẹ, bài thơ giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của em dành cho mẹ, vị trí đặc biệt của mẹ trong tâm hồn em. Đồng thời, bài thơ còn khắc họa một cách chân thực, cảm động hình ảnh người mẹ tần tảo, lam lũ vì mưu sinh, và vì con.

*****************

Trên đây là 2 Đề đọc hiểu Đợi mẹ (Vũ Quần Phương) có đáp án chi tiết. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ tự tin trả lời đúng các câu hỏi trong kì thi sắp tới. Chúc các em ôn tập thật tốt trước khi bước vào kì thi học kì sắp tới.

 

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/doc-hieu-doi-me-vu-quan-phuong/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp