Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô

0
99
Rate this post

Đề bài: Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô

phan tich nhung phat hien cua nhan vat phung lien he voi cai chet cua vu nhu to

Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô

Bạn đang xem: Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô

I. Dàn ý Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về những phát hiện của nhân vật Phùng trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”.

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả Nguyễn Minh Châu và tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”:
– Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là một trong những nhà văn có phong cách sáng tác giàu tính triết lí, ông đi sâu vào khía cạnh đạo đức để khám phá về cuộc sống con người.
– Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” xa được sáng tác vào tháng 8 năm 1983 và được in lần đầu tiên trong tập “Bến quê” (1985).

b. Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng:
– Để chụp bức ảnh có cảnh thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã tới một vùng biển từng là chiến trường cũ của anh để chụp ảnh.
– Sau nhiều ngày tác nghiệp, anh đã bắt gặp hình ảnh biển trời mờ sương đẹp như bức tranh mực tàu → Anh thấy tâm hồn mình như được gột rửa bỗng trở nên trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hoà, lãng mạn của cuộc đời.

c. Phát hiện thứ hai của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng:
– Từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra một người đàn bà xấu xí, cam chịu và nhẫn nhục. Một gã đàn ông thô kệch, dữ dằn và coi việc đánh vợ như là một cách thức để giải tả uất ức. Một đứa con trai phản ứng quyết liệt với cha để bảo vệ mẹ.
– Đây là sự thực đằng sau cái đẹp toàn bích mà anh vừa phát hiện ra trên biển.
– Phùng đã từng là một người lính chiến đấu nhưng anh cũng không thể chịu được khi chứng kiến cảnh gã đàn ông đánh vợ thô bạo.
– Phùng nhận ra rằng không thể đơn giản, dễ dãi trong việc nhìn nhận mọi sự việc, hiện tượng của cuộc sống.

d. Liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng đài”:
– Vũ Như Tô là một kiến trúc sư chân chính, có hoài bão, có tâm huyết, muốn điểm to cho đất nước bằng những công trình tuyệt mĩ.
– Lợi dụng quyền thế, tiền của của vua để thực hiện hoài bão lớn lao. Mục đích thì chân chính nhưng con đường để thực hiện thì sai lầm khiến cho Vũ Như Tô trở thành kẻ thù của nhân dân.
– Vũ Như Tô rơi vào bi kịch: Muốn thực hiện lí tưởng thì phải trở thành kẻ thù của nhân dân.
– Vũ Như Tô có khát vọng, có lí tưởng nhưng xa rời thực tiễn đã khiến cho ông phải trả giá bằng cái chết.
=> Ta có thể thấy Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Minh Châu đều thể hiện nhận thức chung sâu sắc, thấm thía về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống mà nó phải được gắn với những mục đích thiết thực của nhân dân lao động.

e. Đánh giá:
– Cả hai tác phẩm đã xây dựng thành công những nhân vật hết lòng đam mê nghệ thuật. Đều khẳng định được quan niệm về nghệ thuật: nghệ thuật phải được gắn liền với cuộc sống và không được xa rời cuộc sống.
– Nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế, cách xây dựng nhân vật gần gũi với đời thường nhưng giàu tính triết lí nhân văn sâu sắc.

3. Kết bài:

– Khái quát lại những phát hiện của nhân vật Phùng và cái chết của Vũ Như Tô.

II. Bài văn mẫu Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô (Chuẩn)

Mỗi một nhà văn đều có một phong cách sáng tác riêng biệt nhằm tạo nên dấu ấn riêng của mình. Bởi vậy mà họ được coi như là một thứ chim, một bông hoa đem tiếng hót hay hương thơm ngào ngạt cho cánh rừng văn học. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cũng vậy, ông trầm lặng suy tư về cuộc đời với rất nhiều sáng tác mang đậm tính triết lí. Đặc biệt trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”, những triết lí nhân sinh sâu sắc ấy được thể hiện rõ ở những phát hiện của nhân vật Phùng.

Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là một trong những nhà văn có phong cách sáng tác giàu tính triết lí, ông đi sâu vào khía cạnh đạo đức để khám phá về cuộc sống con người. Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” xa được sáng tác vào tháng 8 năm 1983 và được in lần đầu tiên trong tập “Bến quê” (1985). Tác phẩm đã kể về chuyến đi của một nghệ sĩ nhiếp ảnh đến một vùng biển để chụp ảnh nghệ thuật từ đó có những phát hiện mới mẻ về cuộc sống.

Phát hiện thứ nhất của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng chính là ở một vùng biển. Để có tấm ảnh nghệ thuật về thuyền và biển theo yêu cầu của trưởng phòng, Phùng đã trở về vùng biển từng là chiến trường cũ của anh để chụp ảnh. Để bắt trọn từng khoảnh khắc mà mẹ thiên nhiên ban tặng thì anh đã “phục kích” mấy buổi sáng để “chộp” được một cảnh thật ưng ý. Sau bao buổi chờ đợi thì khoảnh khắc anh mong chờ nhất cũng đã tới khiến anh phát hiện ra vẻ đẹp “trời cho” trên mặt biển mờ sương “trước mặt tôi là bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ”…Mũi thuyền in một nét loè nhoè vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”, “toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp”. Dường như trong hình ảnh “Chiếc thuyền ngoài xa” giữa biển trời mờ sương anh đã bắt gặp cái “tận thiện tận mĩ”, anh thấy tâm hồn mình như được gột rửa sau những ngày u tối không chụp được bức ảnh nào ưng ý bỗng trở nên trong trẻo, tinh khôi bởi cái đẹp hài hoà, lãng mạn của cuộc đời.

Đúng là mọi thứ trên đời đều không có gì là trọn vẹn, khi đang ngất ngây trước vẻ đẹp của tự nhiên, vẻ đẹp của tạo hóa mang lại thì Phùng lại bất chợt chứng kiến cảnh tượng mà bản thân không thể ngờ tới. Từ chiếc thuyền ngư phủ đẹp như trong mơ ấy bước ra là một người đàn bà xấu xí, với dáng vẻ cam chịu và nhẫn nhục: “Người vợ đi trước, chị ta trạc ngoài 40…thân hình cao lớn với những đường nét thô kệch”, “mụ mặt giỗ, khuôn mặt mệt mỏi sau những đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và giường như đang buồn ngủ”. Cùng với đó là sự xuất hiện của một người đàn ông dáng vẻ thô kệch, dữ dằn; hắn coi việc đánh vợ như một thói quen để trút bỏ cơn giận trong lòng, người chồng đi sau “Tấm lưng rộng và cong”, “mái tóc tổ quạ, đi chân chữ bát”. Người đàn bà thì chấp nhận sự hành hạ đó, như thể đó là lỗi lầm của mình còn người chồng thì không mảy may với hành vi bạo lực này. Ngay sau đó, đứa con trai phản ứng quyết liệt với người cha để bảo vệ mẹ mình, đứa trẻ ngây thơ đó chỉ có mong muốn duy nhất là bảo vệ mẹ khỏi những trận đòn. Đây dường như là sự thật đằng sau vẻ đẹp toàn bích mà anh vừa phát hiện trên biển, những nét gợn phía sau bức tranh thiên nhiên tươi đẹp giường như bị lu mờ, chỉ khi ta thật tâm tìm kiếm mới có thể phát hiện được.

Từng là một người lính trở đấu tranh cho hòa bình, hạnh phúc, anh không thể làm ngơ trước cái ác. Trước cảnh người đàn ông kia đánh vợ một cách thô bạo “trút cơn giận như lửa cháy”, “vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két”. Anh lao vào cứu giúp nhưng bị thương nhẹ. Khi đi sâu vào câu chuyện, Phùng mới chợt nhận ra, mọi chuyện không thể dễ dàng phán xét mà nên nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là trong những hiện tượng cuộc sống hàng ngày. Đằng sau vẻ căm chịu, nhịn nhục, cam chịu đó lại là một mong ước cao cả, bao la của người vợ, người mẹ. Người đàn bà thấu hiểu cuộc sống của gia đình đã đủ thiếu thốn, nên cố gắng cho đứa con không phải chịu cảnh gia đình li tán.

Qua phát hiện thứ hai của phùng, tác giả cũng muốn nhắn nhủ với người đọc một thông điệp, cuộc sống luôn chứa đựng những nghịch lí, mâu thuẫn không thể lí giải. Khi đánh giá một sự việc hay một con người phải đi sâu vào bên trong, đừng dựa vào vẻ bề ngoài để đánh giá.

Từ những phát hiện mới mẻ của nhân vật Phùng trong “Chiếc thuyền ngoài xa” khiến ta cùng liên tưởng đến cái chết của nhân vật Vũ Như Tô trong “Vĩnh biệt Cửu Trùng đài”. Vũ Như Tô là một kiến trúc sư chân chính, có hoài bão, có tâm huyết, muốn đem lại cái đẹp cho muôn đời nhưng lạ lợi dụng quyền thế, tiền bạc của vua để thực hiện hoài bão lớn lao của mình mà không nghĩ rằng để thực hiện được công trình đó thì biết bao dân lành phải đổ máu. Mục đích của Vũ Như Tô thì chân chính nhưng con đường để thực hiện thì sai lầm khiến cho Vũ Như Tô đã vô tình trở thành kẻ thù của nhân dân. Kể từ đó, Vũ Như Tô rơi vào vòng quay của bi kịch. Ông muốn thực hiện lí tưởng thì phải trở thành kẻ thù của nhân dân còn nếu xuất phát từ lợi ích của nhân dân thì không thực hiện được lí tưởng. Có lẽ, chính những khát vọng, có lí tưởng xa rời thực tiễn đã khiến cho ông phải trả giá quá đắt đó chính là bằng cái chết với tiếng kêu gào thảm thiết: “Ôi đảng ác! Ôi căm giận muôn phần! Trời ơi! Phú cho ta cái tài để làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài!”. Ta có thể thấy ở nhân vật Phùng và Vũ Như Tô đều có những điểm chung nhất định đó là yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp. Thế nhưng thật may mắn khi nhân vật Phùng biết sửa sai ngay từ đầu chứ không phải đánh đổi cả mạng sống như Vũ Như Tô. Qua hai nhân vật chính, Nguyễn Huy Tưởng và Nguyễn Minh Châu đều thể hiện nhận thức chung sâu sắc, thấm thía về mối quan hệ giữa nghệ thuật và đời sống. Nghệ thuật không thể tách rời cuộc sống mà nó phải được gắn với những mục đích thiết thực của nhân dân lao động.

Cả hai tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” và “Vĩnh biệt Cửu Trùng đài” đã xây dựng thành công những nhân vật hết lòng đam mê nghệ thuật và chịu hi sinh về nghệ thuật. Nhưng điều cốt yếu nhất vẫn là nghệ thuật phải được gắn liền với cuộc sống và không được xa rời cuộc sống thì nó mới có thể trở nên hoàn hảo được. Qua hai nhân vật Phùng và Vũ Như Tô, ta thấy được nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật tinh tế, cách xây dựng nhân vật gần gũi với đời thường nhưng giàu tính triết lí nhân văn sâu sắc của hai tác giả Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Huy Tưởng.

Với ngòi bút tài ba, chắt lọc nhiều tinh hoa của ngôn từ của cả hai nhà văn đã đem đến cho chúng ta những bài học sâu sắc và vô cùng thấm thía về cuộc đời. Mỗi chúng ta cần sống có đam mê, có ước mơ nhưng không được bất chấp tất cả để thực hiện đam mê, ước mơ đó mà chà đạp lên sự sống của người khác. Chúng ta cần phải biết yêu thương, trân trọng vẻ đẹp của những người dân lao động.

—————–HẾT——————-

Trên đây là bài Phân tích những phát hiện của nhân vật Phùng, liên hệ với cái chết của Vũ Như Tô. Để giúp các em nắm chắc kiến thức về hai tác phẩm hơn thì mời các em cùng tham khảo thêm những bài viết sau: Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nhân vật Vũ Như Tô trong Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, Phân tích nhân vật Phùng trong Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích tấn bi kịch Vũ Như Tô trong Vĩnh Biệt Cửu Trùng Đài.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-nhung-phat-hien-cua-nhan-vat-phung-lien-he-voi-cai-chet-cua-vu-nhu-to/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp