Phân tích tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc

0
119
Rate this post

Đề bài: Phân tích tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc

phan tich tinh dan toc trong 8 cau dau bai tho viet bac

Phân tích tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc

Bạn đang xem: Phân tích tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc

I. Dàn ý Phân tích tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu bài thơ Việt Bắc và 8 câu thơ đầu tiên của bài

2. Thân bài

a. Khái quát về hoàn cảnh sáng tác:
+ Sáng tác năm 1954, khi hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết,cơ quan trung ương Đảng và những người cách mạng rời chiến khu Việt Bắc để trở về Hà Nội.
+ Việt Bắc là lời khẳng định về tình cảm thủy chung, tha thiết của người cách mạng về xuôi với con người và chiến khu Việt Bắc.

b. Tính dân tộc trong 8 câu thơ đầu:

– Biểu hiện của tính dân tộc được thể hiện trong 8 câu thơ:
+ Thể thơ lục bát tha thiết, giàu nhạc điệu
+ Lối đối đáp và cách xưng hô mình- ta quen thuộc trong ca dao
=> Tố Hữu đã tái hiện sống động khung cảnh chia li đồng thời làm cho lời thơ ngọt ngào, tha thiết tựa như một lời tâm tình.

– Bốn câu thơ đầu: Lời của người ở lại
+ “Mình – ta” là xưng hô thường được sử dụng trong ca dao, ở đây được sử dụng để chỉ người cách mạng (người ra đi) và người chiến khu (người ở lại).
+ Câu hỏi tu từ “Mình về mình có nhớ ta” mở ra khung cảnh chia li và cuộc đối thoại thân tình, lưu luyến của người chiến khu với những người cách mạng.
→ Gợi ra những kỉ niệm, không gian cội nguồn, nghĩa tình thủy chung giữa người đi và người ở.
+ Chữ “mình” được lặp lại hai lần trong câu thơ lục cùng sự xuất hiện của nhiều thanh bằng làm cho câu thơ như trùng xuống, cảm xúc cũng như khắc khoải, da diết hơn.
+ Từ “nhớ” được lặp lại 4 lần càng khắc sâu thêm nỗi nhớ nhung, sự lưu luyến không nỡ rời xa.
=> Người ở lại đặt ra những câu hỏi tu từ vừa như nhắc nhở người trở về hãy nhớ về những ân tình, kỉ niệm đã có với Việt Bắc, vừa khẳng định tình cảm chân thành, tha thiết.

– Bốn câu thơ sau: Lời tâm tình của người ra đi
+ “Tiếng ai” ở đây là đại từ không xác định, đó có thể là âm thanh của một nhân vật xuất hiện trong buổi chia tay, đó cũng có thể là tiếng nói đầy thương nhớ của Việt Bắc nói chung.
+ Những từ láy “bâng khuâng, bồn chồn, tha thiết” đã tái hiện đầy xúc động tình cảm nhớ thương của những người cách mạng.
→ Nỗi nhớ tựa như con sóng lòng đang dồn nén nhưng cũng vô cùng mãnh liệt trong con tim mỗi người cách mạng.
+ Trong câu 7, 8, nhịp thơ biến đổi linh hoạt 3/3, 3/3/2 gợi ra tâm trạng bối rối, bước chân ngập ngừng như muốn đi mà không nỡ của người ta đi.
+ Hình ảnh “áo chàm” không chỉ gợi liên tưởng về màu áo bình dị, thân thuộc mà còn gợi ra tình cảm thủy chung, son sắc không bao giờ có thể phai mờ trong trái tim người cách mạng.
+ Sự lưu luyến, bịn rịn còn thể hiện trong cái ngập ngừng, muốn nói nhưng lại thôi “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”.

3. Kết bài

Khái quát chung

II. Bài văn mẫu Phân tích tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc (Chuẩn)

Tố Hữu là nhà thơ trữ tình chính trị nổi tiếng của nền thơ ca cách mạng Việt Nam. Ông thường viết về những sự kiện trọng đại của dân tộc bằng tâm hồn sôi nổi, nhiệt huyết cùng tình cảm thiết tha của một người chiến sĩ trẻ. Bởi vậy mà viết về chính trị nhưng những bài thơ của Tố Hữu không hề khô khan mà sâu lắng, tha thiết. Bên cạnh cảm hứng trữ tình, tính dân tộc cũng là một đặc trưng tiêu biểu trong thơ Tố Hữu. Việt Bắc là một trong những đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Tố Hữu, đây cũng là kết tinh tiêu biểu nhất cho tài năng và phong cách trữ tình chính trị của ông. Tính dân tộc và cảm hứng trữ tình được thể hiện rõ nét trong tám câu thơ đầu tiên khi vừa khắc họa được không khí lưu luyến, bịn rịn của buổi chia ly, vừa thể hiện được nỗi nhớ, tình cảm thủy chung của người kháng chiến với con người và mảnh đất chiến khu.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thành công, hiệp định Giơ-ne-vơ được kí kết. Tháng 10 năm 1954, cơ quan trung ương Đảng và những người cách mạng rời chiến khu Việt Bắc để trở về Hà Nội. Việt Bắc được ra đời trong hoàn cảnh đầy đặc biệt ấy, bài thơ được ra đời như một lời khẳng định về tình cảm thủy chung, tha thiết của người đi với người ở lại.

“Mình về mình có nhớ ta
Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng
Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Lựa chọn thể thơ lục bát và lối đối đáp quen thuộc trong ca dao, nhà thơ Tố Hữu đã tái hiện sống động khung cảnh chia li đồng thời làm cho lời thơ ngọt ngào, tha thiết tựa như một lời tâm tình. “Mình – ta” là xưng hô thường được sử dụng trong ca dao, ở đây được sử dụng để chỉ người cách mạng (người ra đi) và người chiến khu (người ở lại). Ta cũng từng bắt gặp lối xưng hô này trong ca dao xưa như:

“Mình về ta chẳng cho về
Ta nắm vạt áo ta đề câu thơ”

Hay:

“Mình về mình có nhớ chăng
Ta về như lạt buộc khăn nhớ mình”

Sử dụng lối xưng hô “mình-ta”quen thuộc trong ca dao làm cho câu thơ trở nên ngọt ngào, sâu lắng. Bên cạnh đó cũng làm nổi bật được tình cảm tha thiết, gắn bó, thân mật giữa người đi và người lại. Câu hỏi tu từ “Mình về mình có nhớ ta” mở ra khung cảnh chia li và cuộc đối thoại thân tình, lưu luyến của người chiến khu với những người cách mạng. Tiễn bước người cách mạng trở về xuôi nhưng trong lòng người ở lại nặng trĩu một nỗi niềm tâm sự, đó không chỉ là sự bịn rịn, không nỡ mà còn là nỗi suy tư, trăn trở về tình cảm của người ra đi. Liệu rằng những tình cảm thắm thiết “mặn nồng” được xây dựng, vun đắp trong những ngày tháng gian khó nhưng đầy ắp nghĩa tình “mười lăm năm ấy” liệu mình còn nhớ chăng? Và khi về với cuộc sống mới, những người kháng chiến còn nhớ về những kỉ niệm đã có với chiến khu Việt Bắc hay không?

“Mình về mình có nhớ không
Nhìn cây nhớ núi nhìn sông nhớ nguồn”

Chữ “mình” được lặp lại hai lần trong câu thơ lục cùng sự xuất hiện của nhiều thanh bằng làm cho câu thơ như trùng xuống, cảm xúc cũng như khắc khoải, da diết hơn. Từ “nhớ” được lặp lại 4 lần càng khắc sâu thêm nỗi nhớ nhung, sự lưu luyến không nỡ rời xa. Người ở lại đặt ra những câu hỏi tu từ vừa như nhắc nhở người trở về hãy nhớ về những ân tình, kỉ niệm đã có với Việt Bắc, vừa khẳng định tình cảm chân thành, tha thiết. Bốn câu thơ đầu bình dị như một cuộc đối đáp nhưng lại gợi ra những cảm xúc mãnh liệt, đó không chỉ là sự bồi hồi, xúc động trong trái tim, tâm hồn của người đi mà còn đánh thức những rung động đẹp đẽ trong trái tim độc giả.

Nếu bốn câu thơ đầu là lời của người ở lại thì bốn câu thơ sau lại là lời hồi đáp của người ra đi:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn
Bâng khuâng trong dạ bồn chồn bước đi
Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Không trực tiếp trả lời những câu hỏi của người ở lại, Tố Hữu đã thay mặt những người cách mạng về xuôi khẳng định tình cảm thủy chung, tấm lòng gắn bó với con người và mảnh đất Việt Bắc. Bước chân của người ra trở nên nặng nề, không nỡ bước bởi bên tai tha thiết tiếng nói cười, trong lòng trống vắng, khắc khoải một tình cảm tha thiết với con người chiến khu. “Tiếng ai” ở đây là đại từ không xác định, đó có thể là âm thanh của một nhân vật xuất hiện trong buổi chia tay, đó cũng có thể là tiếng nói đầy thương nhớ của Việt Bắc nói chung. Những từ láy “bâng khuâng, bồn chồn, tha thiết” đã tái hiện đầy xúc động tình cảm nhớ thương của những người cách mạng. Nỗi nhớ tựa như con sóng lòng đang dồn nén nhưng cũng vô cùng mãnh liệt trong con tim mỗi người cách mạng.

“Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Trong câu 7, 8, nhịp thơ biến đổi linh hoạt 3/3, 3/3/2 đã thành công tái hiện tâm trạng bối rối, bước chân ngập ngừng như muốn đi mà không nỡ của người ta đi. Hình ảnh “áo chàm” không chỉ gợi liên tưởng về màu áo bình dị, thân thuộc của những người Việt Bắc mà còn gợi ra tình cảm thủy chung, son sắc không bao giờ có thể phai mờ trong trái tim người cách mạng. Sự lưu luyến, bịn rịn còn thể hiện trong cái ngập ngừng, muốn nói nhưng lại thôi “Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”, có quá nhiều thứ để nói, để giãi bày nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu. Thế nhưng chỉ một cái “nắm tay” thôi cũng đã thay tất cả những điều muốn nói.

Nhà thơ Tố Hữu đã rất khéo léo lối sử dụng đối đáp vốn quen thuộc trong ca dao kết hợp với ngôn ngữ mượt mà, uyển chuyển, nhà thơ không chỉ mở ra khung cảnh chia ly đầy lưu luyến mà còn làm nổi bật được tình cảm tha thiết, mặn nồng giữa người ra đi và người ở lại.

—————–HẾT——————

Bên cạnh Phân tích tính dân tộc trong 8 câu đầu bài thơ Việt Bắc, để củng cố kiến thức về tác phẩm, các em có thể tham khảo thêm: Phân tích tình cảm của người ra đi trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu, Cảnh thiên nhiên và con người trong bài thơ Việt Bắc, Cảm nhận về bức tranh tứ bình trong bài thơ Việt Bắc, Bình giảng 20 dòng đầu của bài thơ Việt Bắc.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-tinh-dan-toc-trong-8-cau-dau-bai-tho-viet-bac/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp