Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

0
146
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

cam nhan ve ve dep khuat lap cua nguoi dan ba hang chai trong chiec thuyen ngoai xa

Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa
 

Bạn đang xem: Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

I. Dàn ý Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

1. Mở bài

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm, nhân vật người đàn bà làng chài.

2. Thân bài

a. Tình huống truyện:
– Trên bãi biển, đương lúc nghệ sĩ Phùng đang vui mừng, hạnh phúc vì chụp được một cảnh đắt trời cho, thì dưới cái cảnh đẹp ngần ấy lại xuất hiện một cuộc ẩu đả từ hai con người xấu xí, khiến anh chết sững, sau là bất bình với kẻ vũ phu nỡ đánh đập người vợ yếu đuối và cam chịu.
– Lòng nhân hậu và tâm hồn chuộng công lý lẽ phải đã khiến Phùng cùng với Đẩu – chánh án huyện sắp xếp cho người phụ nữ khốn khổ một cuộc ly hôn giải thoát. Thế nhưng người đàn bà ấy sống chết không chịu ly hôn, đồng thời cái cách giãi bày tâm sự của người đàn bà làng chài dường như đã làm vỡ ra trong lòng của Phùng và Đẩu những chân trời mới, những cái nhìn mới toàn vẹn và sâu sắc hơn.

b. Hoàn cảnh của người đàn bà làng chài:
– Ngoại hình thô kệch, xấu xí, mặt rỗ chi chít, trạc tuổi 40, cuộc sống lam lũ nghèo khó khiến chị thảm hại, tàn tạ, và thô cứng.
– Từng là con gái nhà giàu có, nhưng chẳng may bị đậu mùa rồi rỗ mặt thành ra ế chồng, được anh chồng hiện tại cứu vớt bằng một cuộc hôn nhân.
– Cái đói cái nghèo bắt đầu bủa vây tra tấn và hành hạ chị, cuộc sống thật ngày càng bấp bênh, đói kém đến độ không còn gì ăn phải cố nuốt cả xương rồng luộc chấm muối.
– Anh chồng đổi tính trở thành kẻ cục cằn vũ phu và tàn ác. Còn người đàn bà làng chài trước cảnh ấy chỉ biết nghiến răng chịu đựng, nhẫn nhục cho qua chuyện.

c. Vẻ đẹp tâm hồn của người đàn bà làng chài:

* Tấm lòng yêu thương, hy sinh vì con cái:
– Chị không muốn ly hôn chồng vì chị cần một người đàn ông có sức vóc để chống đỡ những ngày mưa gió, cần “một người đàn ông chèo chống lúc phong ba”, để kiếm cơm nuôi đàn con xấp xỉ chục đứa.
– Không muốn bỏ chồng bởi vì chị muốn cho những đứa con của mình được một gia đình hoàn chỉnh, có cả cha lẫn mẹ, không muốn chúng bị mặc cảm, khuyết thiếu tâm lý.
– Bảo chồng có đánh mình thì xuống thuyền tìm một chỗ xa xa để đánh, chị không muốn những đứa con trông thấy cái cảnh đổ vỡ, sứt sẹo trong gia đình, không muốn chúng nó buồn khổ, u uất.
– Chị đã phải gửi vội thằng Phác về nhà ngoại, vì sợ nó làm ra chuyện giết cha.
=> Tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng, sự hy sinh, nhẫn nhục mọi giá vì con cái, với chị hạnh phúc là những khi các con của chị được ăn no và gia đình cũng có những lúc được hòa thuận vui vẻ bên nhau.

* Vẻ đẹp của tâm hồn biết bao dung, thấu hiểu và cảm thông:
– Cho rằng chồng mình cũng là một người đáng thương, cần được thông cảm:
+ Chị nhớ về ký ức xa xăm khi còn trẻ chồng chị tuy “cục tính nhưng hiền lành không bao giờ đánh đập tôi”.
+ Việc trốn đi lính, rồi cảnh gia đình nghèo khó, những đứa con liên tục ra đời khiến gánh nặng trên vai người chồng càng thêm nhiều, điều ấy khiến hắn cảm thấy thống khổ, mệt mỏi, bất lực và cần chỗ trút gánh nặng.
+ Đem hết tội lỗi đổ về mình “giá mà tôi đẻ ít đi”.
+ Ghi nhớ cái ơn nghĩa tuổi trẻ chồng chị đã cứu chị ra khỏi cảnh quá lứa lỡ thì vì xấu xí.
– Là một con người thấu tình đạt lý, thâm trầm và có cái nhìn sâu sắc về cuộc đời.

3. Kết bài

Nêu cảm nhận.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa

Nguyễn Minh Châu là một trong những tác giả tiêu biểu nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, là người đã mở đường tiên phong cho văn học nước ta thời kỳ đổi mới bằng một loạt các sáng tác ấn tượng giai đoạn những năm 80-90. Bước ra từ cuộc kháng chiến chống Mỹ vĩ đại của dân tộc, Nguyễn Minh Châu không viết nhiều về cuộc chiến hay lấy sự khốc liệt của chiến trường làm chủ đề chính trong tác phẩm của mình, thay vào đó ông bắt đầu chú ý đến những con sau cuộc chiến, số phận của những con người thời hậu chiến. Nhà văn tập trung vào các đề tài đạo đức, đi tìm những cái đẹp đang lẩn khuất trong tâm hồn của những phận đời nhỏ bé nhất và cả những nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu, từ đó đem đến cho người đọc những góc nhìn, những triết lý mới mẻ sâu sắc về cuộc đời. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm thành công và gây được tiếng vang lớn trong văn đàn Việt Nam của Nguyễn Minh Châu, trong đó nổi bật lên hình ảnh người đàn bà làng chài lam lũ khổ cực, xấu xí nhưng lại mang trong mình những vẻ đẹp tiềm ẩn đáng quý.

Nguyễn Minh Châu đã xây dựng lên hai tình huống truyện độc đáo, vừa đủ làm nổi bật và khai thác được hết các góc khuất số phận của nhân vật người đàn bà làng chài. Cảnh đầu tiên trên bãi biển, đường lúc nghệ sĩ Phùng sung sướng, hạnh phúc vì chụp được một cảnh đắt trời cho, thì vợ chồng người đàn bà làng chài bước xuống dường như đã xé toang đi cái cảnh như mộng ấy của Phùng. Người nghệ sĩ không thể tin nổi dưới cái cảnh đẹp ngần ấy lại xuất hiện một cảnh bạo lực khiến anh chết sững, sau là bất bình trước kẻ vũ phu nỡ đánh đập người vợ yếu đuối và cam chịu. Lòng nhân hậu và tâm hồn chuộng công lý lẽ phải đã khiến Phùng cùng Đẩu – chánh án huyện sắp xếp cho người phụ nữ khốn khổ một cuộc ly hôn giải thoát. Thế nhưng người đàn bà ấy sống chết không chịu ly hôn, đồng thời cái cách giãi bày tâm sự của người đàn bà làng chài dường như đã làm vỡ ra trong lòng của Phùng và Đẩu những chân trời mới, những cái nhìn mới toàn vẹn và sâu sắc hơn.

Người đàn bà làng chài không có tên mà trong truyện ngắn tác giả gọi chị bằng những đại từ nhân xưng rất phổ biến như “chị”, “mụ”, điều ấy đã gợi ra rằng cuộc đời của nhân vật này nhỏ bé, đồng thời cũng là số phận chung của nhiều những người phụ nữ khác trong xã hội lúc bấy giờ. Về ngoại hình, nhân vật này là một người phụ nữ không được trời thương xót mà cho chị một cái ngoại hình thô kệch, xấu xí, mặt rỗ chi chít, đã thế cái tuổi 40 và những lam lũ vất vả ngoài biển khơi lại càng đem đến cho chị cái vẻ thảm hại, tàn tạ, thô cứng. Và số phận của chị nó cũng khốn khổ y như cái ngoại hình của chị vậy, thuở nhỏ từng là con gái nhà giàu có, nhưng chẳng may bị đậu mùa rồi rỗ mặt thành ra ế chồng, sau khi được anh chồng hiện tại cứu vớt bằng một cuộc hôn nhân, thì chị cũng chẳng được sung sướng gì. Cái đói cái nghèo bắt đầu bủa vây tra tấn và hành hạ chị, đi qua những năm tháng chiến tranh tàn phá, gia đình chị vẫn đùm bọc, dựa dẫm vào nhau mà sống, thế nhưng cuộc sống thật ngày càng bấp bênh, đói kém đến độ không còn gì ăn phải cố nuốt cả xương rồng luộc chấm muối. Nhưng dẫu khổ cực mà giá như được người chồng hiền lành, thương vợ thì có lẽ đời chị bớt khổ, nhưng không, cái gánh nặng của ngôi nhà hơn chục miệng ăn, lênh đênh trên cái thuyền nhỏ, hứng nhiều bão tố, cái nghèo đói đã làm anh chồng đổi tính trở thành kẻ cục cằn vũ phu và tàn ác. Hắn liên tục trút hết những tức giận, những khó nhọc lên tấm lưng người đàn bà ăn ở với hắn gần hai chục năm trời, có với nhau cả chục mặt con bằng những trận đòn như mưa và những tiếng chửi rủa, đay nghiến tựa như thú dữ. Còn người đàn bà làng chài trước cảnh ấy chỉ biết nghiến răng chịu đựng, nhẫn nhục cho qua chuyện, đôi lúc khiến người ta cảm thấy chị thật cam chịu đầy vô lí.

Thế nhưng ai biết được rằng cái người đàn bà có vẻ “gàn dở” vì không chịu ly hôn gã chồng vũ phu ấy lại có những nỗi khổ riêng trong lòng. Giữa biết bao cái đắng cay, tủi nhục đang bao trùm cuộc đời chị là một tâm hồn thật đẹp và thật đáng quý. Chị không muốn ly hôn chồng là vì một nỗi sợ, nhưng không phải chị sợ chồng, mà chị sợ rằng nếu bỏ chồng thì đàn con gồm hơn chục đứa của chị sẽ chết đói mất. Một mình thân đàn bà như chị biết chèo chống thế nào để nuôi con trong những ngày mưa bão biển động, hơn ai hết chị cần một người đàn ông có sức vóc để chống đỡ những ngày mưa gió, cần “một người đàn ông chèo chống lúc phong ba”, sức của hai người trong gia đình sẽ đủ để nuôi từng ấy cái miệng đang há ra đòi ăn. Thế nên đối với chị chị có bị chồng đánh đập hành hạ, chì chiết đay nghiến cũng được, hắn đánh chán cho thỏa giận rồi sẽ lại quay về thuyền tiếp tục lao động kiếm cơm, hắn cũng chẳng bỏ hẳn cái gia đình này được. Lòng người mẹ thương con bao đời nay vẫn luôn ấm áp và rộng rãi như thế, họ sẵn sàng hy sinh tất cả chỉ để những đứa con mình nuôi lớn được ăn ngon, ngủ yên. Không chỉ vậy tấm lòng người mẹ còn thể hiện ở việc chị không muốn bỏ chồng bởi vì chị muốn cho những đứa con của mình được một gia đình hoàn chỉnh, có cả cha lẫn mẹ, không muốn chúng bị mặc cảm, khuyết thiếu tâm lý. Điều đó còn bộc lộ ở việc chị bảo chồng có đánh mình thì xuống thuyền tìm một chỗ xa xa để đánh, chị không muốn những đứa con trông thấy cái cảnh đổ vỡ, sứt sẹo trong gia đình, không muốn chúng nó buồn khổ, u uất. Chính vì thế khi chị phát hiện ra thằng Phác con chị có ý định thù ghét cha và định làm ra những chuyện trái luân thường, chị đã phải gửi vội nó về nhà ngoại, chị không muốn cái gia đình này còn tồn tại một mối căm hận nào ngoài việc chồng chị hay giở thói vũ phu. Cuối cùng sau tất cả người ta thấy rằng vẻ đẹp hiện rõ nhất trong tâm hồn của người đàn bà làng chài ấy là tình mẫu tử thiêng liêng, sâu nặng, sự hy sinh, nhẫn nhục mọi giá vì con cái. Lòng chị luôn quan niệm rằng “ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ” cho nên họ “phải sống cho con chứ không thể sống cho mình”, thế nên với người khác hạnh phúc là cuộc sống thảnh thơi, kim tiền, nhưng với chị hạnh phúc là những khi các con của chị được ăn no và gia đình cũng có những lúc được hòa thuận vui vẻ bên nhau.

Người đàn bà làng chài không chỉ hiện lên với vẻ đẹp của tình mẫu tử thiêng liêng, mà còn hiện lên với một tâm hồn biết bao dung, thấu hiểu và cảm thông. Trong cuộc nói chuyện với Phùng và Đẩu, để giải thích cho cái căn nguyên vũ phu của chồng, chị đã tỏ ý rằng chồng mình cũng là một người đáng thương, cần được thông cảm. Chị nhớ về ký ức xa xăm khi còn trẻ chồng chị tuy “cục tính nhưng hiền lành không bao giờ đánh đập tôi”, rồi chỉ lại chỉ ra những nguyên cớ khiến chồng mình đổi tính nết, ấy là việc trốn đi lính, rồi cảnh gia đình nghèo khó, những đứa con liên tục ra đời khiến gánh nặng trên vai người chồng càng thêm nhiều, điều ấy khiến hắn cảm thấy thống khổ, mệt mỏi, bất lực và cần chỗ trút gánh nặng ấy là chị. Rồi người đàn bà làng chài lại đem hết tội lỗi đổ về mình “giá mà tôi đẻ ít đi”, lòng chị thật bao dung và rộng rãi với kẻ khác quá, nhưng duy chỉ riêng mình thì lại không, chị chấp nhận tất cả những đắng cay tủi nhục trong cuộc đời để đổi lấy những phút thư thả của đứa con, của người chồng. Ấy rồi, chị không những không căm ghét người chồng mà bản thân chị lại vẫn luôn ghi nhớ cái ơn nghĩa tuổi trẻ chồng chị đã cứu chị ra khỏi cảnh quá lứa lỡ thì vì xấu xí. Có được cái sự hy sinh và nhân hậu ấy, chị thực đã gần là bậc thánh nhân của cuộc đời. Thế rồi từ cách chỉ kể, chị phân tích bằng những lý lẽ mộc mạc nhưng rất chân thực và thuyết phục, người ta bỗng nhận ra đây không phải là một người đàn bà chỉ biết nhẫn nhục, hy sinh mà còn là một con người thấu tình đạt lý, thâm trầm và có cái nhìn sâu sắc về cuộc đời. Có phải chị không biết đến chuyện ly hôn để được tự do thoát khỏi những trận đòn vũ phu hay cái lối sống tân tiến, bình đẳng mà Phúng với Đẩu đề cập đâu, chỉ là trên vai chị còn ràng buộc và gánh nặng quá nhiều thứ, khiến chị không thể làm khác được. Một người đàn bà mà vứt bỏ hay để con mình đói thì còn xứng đáng làm mẹ gì nữa? Chính cái góc nhìn và sự thấu hiểu của chị đã mang đến cho Phùng và Đẩu những chân trời mới, phát hiện ra được một điều rằng đôi lúc cái có lý vẫn thường tồn tại trong những cái nghịch lý nhất, mà con người phải có một cái nhìn đa diện nhiều chiều để có thể nhìn ra được nó.

Người đàn bà làng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu là một nhân vật được xây dựng rất hay và đặc sắc, cuộc đời của chị không phải là một cuộc đời riêng rẽ mà là cuộc đời chung của rất nhiều con người Việt Nam ta thời bấy giờ, là cuộc đời của rất rất nhiều người phụ nữ miền biển từ bao đời nay, đắng cay khổ cực, nhẫn nhục và hy sinh nhiều điều vì gia đình. Thế nhưng ẩn khuất sâu bên trong cái vẻ lam lũ, xấu xí và thô kệch ấy là một tâm hồn rất đáng trân trọng và đáng quý, họ có tấm lòng yêu thương gia đình, con cái sâu sắc, biết thấu hiểu, hy sinh và sẻ chia, suy cho cùng cuộc đời họ là chuỗi những hy sinh cho những con người bên cạnh mình, họ luôn rộng lượng vì người khác còn để bản thân mình bị thiệt thòi mà vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc. Mở ra cho người đọc những góc nhìn mới, những tư duy mới mẻ về cuộc đời và số phận của con người trong xã hội.

——————-HẾT——————–

Ẩn sâu bên trong dáng vẻ thô kệch, xấu xí, người đàn bà hàng chài khuất lấp những vẻ đẹp đáng trân trọng. Tìm hiểu về vẻ đẹp của tình yêu thương, sự hi sinh, thấu hiểu của người đàn bà, bên cạnh bài Cảm nhận về vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, các em có thể mở rộng thêm vốn hiểu biết qua bài: Phân tích tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích hình tượng chiếc thuyền ngoài xa, Phân tích nhân vật người đàn bà hàng chài trong Chiếc thuyền ngoài xa, Cách nhìn cuộc sống và con người của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-ve-dep-khuat-lap-cua-nguoi-dan-ba-hang-chai-trong-chiec-thuyen-ngoai-xa/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp