Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong khổ thơ đầu và cuối bài thơ Sóng

0
99
Rate this post

Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong khổ thơ đầu và cuối bài thơ Sóng

cam nhan ve ve dep tinh yeu trong kho tho dau va cuoi bai tho song

Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong khổ thơ đầu và cuối bài thơ Sóng
 

Bạn đang xem: Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong khổ thơ đầu và cuối bài thơ Sóng

I. Dàn ý Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong khổ thơ đầu và cuối bài thơ Sóng

1. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm
– Dẫn dắt vào khổ đầu và khổ cuối bài thơ

2. Thân bài

a. Vẻ đẹp tình yêu trong khổ đầu:
– Các cặp tính từ trái nghĩa “dữ dội” – “dịu êm”; “ồn ào”, “lặng lẽ”: đặc điểm của sóng
– Khắc họa sóng để gửi gắm tình cảm của em nơi sóng. “Sóng” và “em” song hành cùng nhau.
– Cảm xúc của em trong tình yêu cũng như sóng vậy: khi nhẹ nhàng, khi mãnh liệt,…
– “Em” vượt thoát khỏi những tù túng, chật chội để vươn ra biển lớn của tình yêu
=> Trái tim giàu cảm xúc, chủ động tìm đến tình yêu của mình.

b. Vẻ đẹp tình yêu trong khổ cuối:
– Trăn trở và ước vọng chân thành của “em” muốn được tận trăm con sóng nhỏ
– Khát khao hòa vào biển lớn của tình yêu
– Tin tưởng vào sự bất tử, bền vững của tình yêu “ngàn năm vẫn vỗ”
=> Trái tim lạc quan, khát khao yêu mãnh liệt, hoà tình yêu cá nhân trong tình yêu quê hương, đất nước.

3. Kết bài

Khái quát lại giá trị của hai khổ thơ trong bài

II. Bài văn mẫu Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong khổ thơ đầu và cuối bài thơ Sóng

Xuân Quỳnh là một trong những nữ nhà thơ tiêu biểu của văn học Việt Nam. Thơ bà luôn nổi bật và độc đáo với cái tôi riêng, đa sầu, đa cảm, nhẹ nhàng, da diết với những khát khao yêu và được yêu trong hạnh phúc lứa đôi. Thi phẩm thành công và để lại nhiều ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng người đọc bao thế hệ của Xuân Quỳnh là tác phẩm “Sóng” – khúc ca mãnh liệt, chân thành về tình yêu.

Sóng được sáng tác vào năm 1967, những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt. Bài thơ như một bông hoa rừng của chiến trận, ngát hương cảm xúc, niềm tin, sự chân thành và khát vọng yêu. Khổ đầu và khổ cuối bài thơ đã thể hiện sâu sắc nhất vẻ đẹp ấy.

” Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

Những con sóng biển ngày đêm vẫn vỗ, vẫn miệt mài với nguồn nước mênh mang của biển cả. Những cặp tính từ trái nghĩa được tác giả liệt kê có chủ đích để khắc hoạ đặc điểm vốn có của sóng “dữ dội” – “dịu êm”; “ồn ào”, “lặng lẽ”,..Sóng biển vốn vẫn vậy, có lúc ồn ào như những khúc hùng ca giữa đất trời, có lúc lại âm thầm lặng lẽ như vương nỗi nhớ nhung, chờ đợi. Những ngày bão giông, gió riết, sóng lại dữ dội như thể muốn nhấn chìm tất thảy những ưu tư, mệt nhoài của cuộc sống, và rồi phút chốc biển lại trở nên dịu dàng, êm ái trong sắc xanh bình yên của mây trời, làn nước trong lành, tinh khôi. Những đặc tính ấy chẳng hề đối lập, triệt tiêu nhau mà nó cộng hưởng, bổ sung cho nhau tạo nên một “sóng” lạ lùng và đặc biệt. Và không đơn thuần tác giả chỉ khắc hoạ sóng biển thôi đâu, mà qua đó thi sĩ muốn gửi gắm tình cảm của em nơi sóng. “Sóng” và “em” song hành cùng nhau, “sóng” mang màu tâm trạng, “em” mang màu cảm xúc. Những trạng thái của sóng biển kia cũng chính là bao xúc cảm trỗi dậy trong lòng “em” – trái tim người phụ nữ đang yêu. Em bước vào biển lớn của tình yêu như những con sóng nhỏ chảy ra biển lớn của đại dương, bằng cả sự cuồng nhiệt, háo hức, sôi nổi và bằng cả sự dịu dàng, đằm thắm, e thẹn của người con gái. Tình yêu trong “em” vẫn như thế, êm ái, dạt dào, âm thầm, bối rối, cồn cào, mãnh liệt. Sóng là em, em cũng chính là sóng, sóng biển và sóng lòng – tuy hai mà một.

“Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”

Lòng sông vốn sâu rộng đấy thôi nhưng làm sao sâu rộng hơn biển cả. Bởi thế mà có lúc sống vẫn chẳng thế mà sông nào “hiểu nổi” chính mình, muốn băng qua mọi gian nan để vươn tới đại dương rộng lớn. Nghệ thuật nhân hoá được tác giả sử dụng tinh tế đã khắc hoạ hình ảnh sông, sóng đầy sinh động, giàu cảm xúc. Chính sông cũng đang cố hiểu chính mình, chính sóng cũng muốn “tìm ra tận bể”, vượt thoát khỏi những chật chội, tù túng để hoà bình vào biển cả. Lòng “em” lúc này cũng như sóng vậy, trái tim vẫn khát khao yêu đương, chối bỏ những nhỏ nhen, ích kỉ, lắng lo tầm thường để vùng vẫy, hoà mình vào khúc nhạc tình của sống bể, khúc hoan ca tình yêu của lòng em. Ít khi trong tình yêu con gái là người chủ động bày tỏ, với Xuân Quỳnh lại khác, tình yêu ấy xuất phát từ người con gái, khát khao yêu là động lực và sức mạnh để “em” chủ động kiếm tìm, tỏ bày. Qua đó, ta thấy được một trái tim trưởng thành nơi sâu thẩm nhân vật trữ tình.

“Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Xuất biển lớn tình yêu
Để ngàn năm vẫn vỗ”

Nếu mở đầu bài thơ là hình ảnh sóng vượt muôn trùng để tìm ra bể lớn thì kết thúc bài tác giả chọn hình ảnh sóng vỗ ngàn năm để thể hiện khát vọng về một tình yêu trường tồn, bất tử theo năm tháng. Cuộc sống dài rộng mà đời người thì ngắn ngủi, vô thường, những lắng lo ấy có khi khiến “em” mệt nhoài bởi sợ rằng tình yêu sẽ có lúc bỗng phút chốc mất đi. Nhưng sau tất cả, niềm tin và sự lạc quan nơi tâm hồn đã thôi thúc trong người con gái ấy những khát vọng lớn lao mà đầy bình dị. “Làm sao được tan ra” – câu cầu khiến mang cấu trúc của câu nghi vấn đã thể hiện được tâm hồn mang bao nỗi niềm trăn trở và ước vọng thành thực, da diết của em. Làm sao đây? Làm sao để tan được thành “trăm con sóng nhỏ”, hoà mình vào biển cả tình yêu, được đắm mình trong cả khổ đau và hạnh phúc. Em muốn được thoả sức vùng vẫy trong tình yêu mênh mang ấy cho thoả những khát khát yêu đương bùng cháy trong lòng.

“Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm vẫn vổ”

Nếu không gian tình yêu được đo bằng sự rộng lớn của vũ trụ thì thời gian được đo bằng sự vĩnh hằng “ngàn năm”. Với người thi nhân, điều hạnh phúc nhất là được sống hết mình, sống trọn vẹn với tất thảy những cảm xúc chính mình cũng là lúc tình yêu đẹp nhất, rực rỡ nhất. Và tình yêu ấy được hoà mình giữa biển cả bao la, giữa đất trời rộng lớn, tình yêu ấy vượt thoát cả không gian, thời gian, trở nên trường tồn qua bao năm tháng. Đặt trong bối cảnh lúc bấy giờ, ta còn có thể hiểu được rằng đó không chỉ là tình yêu hẹn hò đôi lứa, mà “biển lớn tình yêu” ấy còn là tình yêu gia đình, yêu quê hương, Tổ quốc mình. Hãy sống và chiến đấu hết mình, hy sinh trọn vẹn vì tình yêu đất nước, gian khó sẽ vượt qua, rồi một ngày đất nước được độc lập, ngàn năm thái bình, thịnh trị.

Bằng thể thơ năm chữ kết hợp với cách viết mộc mạc mà không kém phần tinh tế, giàu triết lí, Xuân Quỳnh đã tạo nên một thi phẩm đầy giá trị. Hai đoạn thơ đầu và cuối bài đã thể hiện thật đẹp đẽ ước vọng cao đẹp của con người trong tình yêu đôi lứa nói riêng và tình yêu nói chung.

Các em vừa tham khảo nội dung bài văn mẫu Cảm nhận về vẻ đẹp tình yêu trong khổ thơ đầu và cuối bài Sóng. Ngoài ra, để trau dồi thêm kỹ năng làm văn cũng như mở rộng vốn hiểu biết của mình, các em có thể tham khảo thêm Phân tích bài thơ Sóng, Bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh, Vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài Sóng của Xuân Quỳnh, Phân tích bài thơ Sóng để làm nổi bật rõ quan điểm về tình yêu của Xuân Quỳnh. Chúc các em học tập hiệu quả.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/cam-nhan-ve-ve-dep-tinh-yeu-trong-kho-tho-dau-va-cuoi-bai-tho-song/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp