6 Đề đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc (Thanh Thảo) có đáp án chi tiết

0
14713
4.5/5 - (2 bình chọn)

6 Đề đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc (Thanh Thảo) có đáp án chi tiết được chọn lọc từ các bài kiểm tra học kì sẽ là tài liệu giúp các em ôn tập thật tốt tại nhà, nắm vững kiến thức trước khi bước vào bài thi sắp tới. Các em hãy ôn luyện thật kỹ 6 đề Thử nói về hạnh phúc đọc hiểu để trả lời đúng toàn bộ câu hỏi trong phần đọc hiểu nhé.

Đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc (Thanh Thảo) có đáp án chi tiết
Đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc (Thanh Thảo) có đáp án chi tiết

Đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc – Đề số 1

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

[…] Những tình yêu thật thường không ồn ào

chúng tôi hiểu đất nước đang hồi khốc liệt

chúng tôi hiểu điều ấy bằng mọi giác quan

Bạn đang xem: 6 Đề đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc (Thanh Thảo) có đáp án chi tiết

bằng chén cơm ăn mắm ruốc

bằng giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc

bằng những nắm đất mọc theo đường hành quân

có những thằng con trai mười tám tuổi

chưa từng biết nụ hôn người con gái

chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời

câu nói đượm nhiều hơi sách vở

khi nằm xuống

trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời

hạnh phúc nào cho tôi

hạnh phúc nào cho anh

hạnh phúc nào cho chúng ta

hạnh phúc nào cho đất nước

có những thằng con trai mười tám tuổi

nhiều khi cực quá, khóc ào

nhiều lúc tức mình chửi bâng quơ

phanh ngực áo và mở trần bản chất

mỉm cười trước những lời lẽ quá to

nhưng nhất định không bao giờ bỏ cuộc […]

(Trích Thử nói về hạnh phúc – Thanh Thảo, 1972)

Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong đoạn trích.

Lời giải:

Thể thơ được sử dụng trong đoạn trích là Thể thơ tự do

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm.

Câu 3. Tác giả đã nói về đất nước đang hồi khốc liệt bằng những hình ảnh nào?

Lời giải:

Tác giả đã nói về đất nước đang hồi khốc liệt bằng những hình ảnh: chén cơm ăn mắm ruốc, giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc, những nắm đất mọc theo đường hành quân.

Câu 4. Sự hi sinh của người lính được tác giả biểu đạt trong những dòng thơ nào? Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp nghệ thuật sử dụng trong những dòng thơ đó.

Lời giải:

Sự hi sinh của người lính được tác giả biểu đạt trong những dòng thơ:

– bằng những nắm đất mọc theo đường hành quân

– khi nằm xuống

Biện pháp nghệ thuật sử dụng trong những dòng thơ trên: Nói giảm, nói tránh (nắm đất, nằm xuống chỉ cái chết).

Tác dụng: làm giảm đi cảm giác bi thương khi viết về cái chết.

Câu 5. Em hiểu câu “Những tình yêu thật thường không ồn ào” như thế nào?

Lời giải:

Câu “Những tình yêu thật thường không ồn ào” có thể hiểu:

Những tình cảm chân thật không nhất thiết phải nói ra bằng lời hoa mĩ hay bằng những hành động khoa trương.

Câu 6. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ chủ đạo trong những dòng thơ sau:

hạnh phúc nào cho tôi

hạnh phúc nào cho anh

hạnh phúc nào cho chúng ta

hạnh phúc nào cho đất nước

Lời giải:

– Biện pháp: Điệp ngữ, điệp cấu trúc câu: “Hạnh phúc nào cho..”,

– Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự trăn trở, nghĩ suy của người lính trẻ về hạnh phúc của mỗi cá nhân, của mọi người và của đất nước.

+ Tạo nhịp điệu dồn dập, gấp gáp cho câu thơ, giọng điệu suy tư, trăn trở.

Câu 7. Anh chị hiểu “hạnh phúc cho tôi” và “hạnh phúc cho chúng ta” như thế nào? Khi nào cần đặt “hạnh phúc cho chúng ta” lên trước “hạnh phúc cho tôi”?

Lời giải:

– “Hạnh phúc cho tôi” có thể hiểu là hạnh phúc mang tính chất cá nhân, còn “hạnh phúc cho chúng ta” là hạnh phúc cho cộng đồng, tập thể.

– Thường khi đất nước có chiến tranh thì con người cần hi sinh hạnh phúc cá nhân, hòa cái tôi vào cái ta để đấu tranh, bảo vệ cho hạnh phúc cộng đồng, lúc ấy “hạnh phúc cho chúng ta” cần được ưu tiên đặt lên trước “hạnh phúc cho tôi”.

Câu 8. Em hiểu được điều gì về lí tưởng của người thanh niên “mười tám tuổi” qua câu thơ: nhưng nhất định không bao giờ bỏ cuộc?

Lời giải:

Câu thơ: nhưng nhất định không bao giờ bỏ cuộc cho ta hiểu lí tưởng cao đẹp của những người thanh niên “mười tám tuổi”: bền bỉ, quyết tâm chiến đấu đến cùng vì “hạnh phúc cho đất nước”.

Câu 9. “Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người trí thức nhiều suy tư, trăn trở về các vấn đề xã hội và thời đại.” (SGK Ngữ văn 12). Đặc điểm thơ Thanh Thảo được thể hiện trong đoạn thơ trên như thế nào?

Lời giải:

Đặc điểm thơ Thanh Thảo được thể hiện trong đoạn thơ trên: Đoạn thơ trên thể hiện những suy tư, trăn trở của nhà thơ, của cả thế hệ trẻ về hạnh phúc của bản thân, của mọi người và của dân tộc. Những suy tư, trăn trở ấy càng trở nên nhức nhói khi đất nước đang gồng mình đánh đuổi giặc ngoại xâm, khi hạnh phúc của mỗi cá nhân và cả dân tộc đang bị đe dọa. Thanh Thảo đã mượn tiếng nói của thơ để đề cập đến vấn đề lớn lao của thời đại.

Câu 10. Hãy chỉ ra những khó khăn của đất nước trong hồi khốc liệt được nhắc đến trong đoạn trích trên?

Lời giải:

Những khó khăn của đất nước trong hồi khốc liệt được nhắc đến trong đoạn trích trên:

-Chén cơm ăn mắm ruốc

– Giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc

– Những nấm đất mọc theo đường hành quân

Đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc – Đề số 2

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

[…] và em ơi, ngày sum họp ngày mai

giữa chúng mình

còn tên những bạn bè ngã xuống

những người hay mơ mộng

tha thiết yêu và muốn làm được chút gì

cho em, cho anh

cho đất nước

đôi tay họ

đôi bàn tay trong sạch

đã vùi sâu trong đất

sẽ vươn giữa hai ta như những nhành cây

những nhành cây ôm chặt cuộc đời này

giữ cho những người yêu tròn hạnh phúc.

(Trích Thử nói về hạnh phúc – Thanh Thảo, 1972)

Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong đoạn trích.

Lời giải:

Thể thơ được sử dụng trong đoạn trích: tự do

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: biểu cảm

Câu 3. Trong suy tư của Thanh Thảo, điều quý giá mà những người đã ngã xuống để lại cho cuộc đời là gì?

Lời giải:

Trong suy tư của Thanh Thảo, điều quý giá mà những người đã ngã xuống để lại cho cuộc đời chính là giữ tròn hạnh phúc cho anh, cho em, cho đất nước.

Câu 4. Hình ảnh đôi bàn tay của những người đã ngã xuống được so sánh với hình ảnh nào? Tác dụng của hình ảnh so sánh đó.

Lời giải:

– Hình ảnh đôi bàn tay của những người đã ngã xuống được so sánh với hình ảnh “những nhành cây”, những nhành cây “ôm chặt cuộc đời” và “giữ cho những người yêu tròn hạnh phúc.”

– Tác dụng của hình ảnh so sánh: tăng tinh gợi hình, biểu cảm cho sự diễn đạt; nhấn mạnh ý nghĩa của sự hi sinh cao cả: mang lại hạnh phúc cho cuộc đời, cho những người yêu nhau; thể hiện lòng biết ơn của tác giả đối với sự hi sinh của họ.

Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ “thử nói về hạnh phúc” theo quan niệm cá nhân.

Lời giải:

Mỗi người có một quan niệm không giống nhau về hạnh phúc. Người cho rằng hạnh phúc là phải có thật nhiều tiền, để được thỏa mãn mọi sở nguyện. Người khác lại cho rằng hạnh phúc là khi đứng trên đỉnh vinh quang, đạt được thành công rực rỡ… Với tôi, hạnh phúc thật đơn giản, gắn với niềm vui thường nhật mỗi ngày. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà tôi thuộc lòng những câu thơ trong bài thơ “Hạnh phúc” của Thanh Huyền, trong đó câu tôi tâm đắc nhất là câu kết: “Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường.” Trong suy nghĩ của tôi, mỗi ngày được sống cùng bố mẹ, được bố mẹ yêu thương, quan tâm đã là hạnh phúc. Mỗi ngày được thấy bố mẹ và những người thân mạnh khỏe, bình an cũng là hạnh phúc. Mỗi ngày vui vẻ đến trường, nô đùa cùng lũ bạn, được cô ghi sổ điểm 9, 10 cũng là hạnh phúc. Hay đơn giản chỉ là cảm nhận được ánh mắt ấm áp, nụ cười dịu dàng của ai đó đang dành riêng cho mình cũng thấy trong lòng như có nắng. Và khi ước mơ được toại nguyện: được điểm cao trong kì thi quan trọng, được bước chân vào ngôi trường mình mơ ước… thì niềm hạnh phúc càng trọn vẹn hơn. Vậy đó, với tôi, mỗi ngày được khỏe mạnh, vui vẻ là mỗi ngày hạnh phúc. Ba vạn sáu ngàn ngày hạnh phúc là một đời hạnh phúc, mãn nguyện.

Đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc – Đề số 3

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

[…] với những thằng con trai mười tám tuổi

đất nước là nhịp tim có thể khác thường

là một làn mây mỏng đến bâng khuâng

là mùi mồ hôi thật thà của lính

đôi khi là một giọng nữ cao nghe từ Hà Nội

hay một bữa cơm rau rừng

chúng tôi không muốn chết vì hư danh

không thể chết vì tiền bạc

chúng tôi lạ xa với những tin tưởng điên cuồng

những liều thân vô ích

đất nước đẹp mênh mang

đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt

chỉ riêng cho Người, chúng tôi dám chết [..]

(Trích Thử nói về hạnh phúc – Thanh Thảo, 1972)

Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong đoạn trích.

Lời giải:

Thể thơ được sử dụng trong đoạn trích: Tự do

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Lời giải:

Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Biểu cảm

Câu 3. Để đi đến sự khái quát đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt, tác giả đã đi từ những hình ảnh, chi tiết nào?

Lời giải:

Để đi đến sự khái quát đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt, tác giả đã đi từ những hình ảnh, chi tiết: Nhịp tim, làn mây mỏng, mùi mồ hôi, giọng nữ cao, bữa cơm rau rừng.

Câu 4. “Người” mà tác giả nhắc đến trong câu thơ cuối là ai? “Người” được viết hoa trang trọng như vậy có ý nghĩa như thế nào?

Lời giải:

– “Người” mà tác giả nhắc đến trong câu thơ cuối là: Đất nước.

– “Người” được viết hoa trang trọng như vậy có ý nghĩa thể tình yêu, tình cảm thành kính, thiêng liêng của con người dành cho đất nước.

Câu 5. Anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ về: Sự cần thiết phải biết sống cống hiến.

Lời giải:

Nếu là con chim, là chiếc lá

Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh

Lẽ nào vay mà không trả

Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình.

Những vần thơ của Tố Hữu là lời nhắn nhủ tha thiết đến mỗi người về lẽ sống phải biết cống hiến, biết cho đi. Sống cống hiến là dâng hiến trí tuệ, tài năng, công sức.. cho một điều gì đó vì mục tiêu chung mà không đòi hỏi nhận lại. Sống cống hiến là cần thiết bởi mỗi cá nhân không phải là một cá thể đơn độc, không phải là ốc đảo giữa đại dương. Con người là một mắt xích của xã hội, nên không phải chỉ biết sống cho mình mà phải biết cống hiến cho cộng đồng, vì cộng đồng để sợi dây gắn kết với mọi người thêm bền chặt và để tạo nên những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống. Sống cống hiến là cần thiết bởi đó là lối sống đẹp, giúp con người hoàn thiện nhân cách, khẳng định được giá trị bản thân. Khi ta biết cống hiến cho cuộc đời những điều tốt đẹp, ta cũng nhận về thật nhiều. Ta nhận về hạnh phúc, sự an yên. Ta nhận về niềm tin yêu, quý mến của mọi người. Ta nhận về sự kết nối bền chặt với đoàn thể, xã hội. Sống cống hiến là cần thiết bởi lối sống ấy có khả năng lan tỏa những điều tốt đẹp, nhân lên trong cuộc sống những hành vi đẹp. Mỗi người đều có tinh thần cống hiến sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội, của đất nước. Thậm chí, những cống hiến lớn lao còn tác động đến cả nhân loại. Chẳng phải những cống hiến của Thomas Edison, Albert Einstein, Chales Darwin.. đã có tầm ảnh hưởng vĩ đại đến nhân loại đó sao? Cuộc sống sẽ trì trệ, đáng buồn đến thế nào nếu con người không có tinh thần cống hiến mà chỉ biết sống cho mình? Để mang đến sắc màu, thanh âm cuộc sống, đến chiếc lá còn tận xanh đời lá, con chim còn tận hót đời chim, vậy cớ gì con người không biết cống hiến cho đời những điều đẹp đẽ? Nếu chưa thể cống hiến những gì lớn lao, hãy cống hiến cho đời những điều bình thường, giản dị. Bởi mọi sự cống hiến, dù nhỏ bé cũng đều mang lại ý nghĩa nhất định. Và bởi, “thước đo của cuộc đời không phải thời gian, mà là cống hiến” – Peter Marshall.

Đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc – Đề số 4

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

[…] Cuộc chiến tranh đã đi qua một phần tư thế kỉ
tôi nhớ người con gái xưa tìm chồng
như cơn gió lang thang giữa trời đất mênh mông
nỗi tuyệt vọng khiến tình yêu hoá đá

tôi đã gặp những người con gái
mở đường cho chúng tôi ra trận
qua bóng hòn Vọng Phu

có nhiều em chưa tìm được người yêu
đã giáp mặt hàng trăm lần cái chết
hòn núi cô đơn đứng ngàn năm chất ngất
mà hạnh phúc bình thường vẫn quá tầm tay

các em mấy năm bám trụ nơi đây
gánh đá phá bom tải hàng dựng lán
đào sẵn huyệt cho mình khi ngã xuống
mà tình yêu không hoá đá bao giờ
xe chúng tôi qua các em mừng vẫy tay
chắc sau ròn rã tiếng cười
nước mắt sẽ thầm rơi
trên những gương mặt lành màu nắng gió […]

(Trích Thử nói về hạnh phúc – Thanh Thảo, 1972)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích.

Lời giải:

Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích: nghệ thuật.

Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Lời giải:

Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: biểu cảm

Câu 3. Đoạn thơ đã đặt “những người con gái mở đường” trong sự đối sánh với hình tượng nào? So sánh để chỉ ra điểm khác biệt gì?

Lời giải:

– Đoạn thơ đã đặt “những người con gái mở đường” trong sự đối sánh với hình tượng: Núi Vọng Phu.

– So sánh để chỉ ra điểm khác biệt:

+ Người con gái trong sự tích Núi Vọng Phu tuyệt vọng chờ chồng đến nỗi tình yêu hóa đá, hạnh phúc bình thường vẫn quá tầm tay.

+ Người con gái mở đường dù chưa tìm được người yêu, dù phải làm những nhiệm vụ gian khổ, thậm chí đào cả huyệt để chuẩn bị cho cái chết của chính mình mà tình yêu không hoá đá bao giờ.

Câu 4. Chỉ ra và nêu tác dụng của 2 biện pháp tu từ sừ dụng trong 4 câu thơ sau:

các em mấy năm bám trụ nơi đây
gánh đá phá bom tải hàng dựng lán
đào sẵn huyệt cho mình khi ngã xuống
mà tình yêu không hoá đá bao giờ

Lời giải:

– Hai biện pháp tu từ sừ dụng trong 4 câu thơ trên:

  • Liệt kê: gánh đá, phá bom, tải hàng, dựng lán (liệt kê những công việc của người con gái mở đường)
  • Ẩn dụ: tình yêu không hoá đá (tình yêu không chết).

– Tác dụng:

  • Phép liệt kê giúp người đọc hiểu được những công việc gian khổ của những cô gái mở đường, giúp khẳng định, ca ngợi vẻ đẹp anh dũng, bất khuất của họ.
  • Phép ẩn dụ tạo ấn tượng về sức sống vững bền của tình yêu đất nước, yêu tự do… trong tâm hồn những cô gái trẻ.
  • Tăng tính gợi hình, biểu cảm cho lời thơ.

Câu 5. Nêu cảm nhận của anh chị về vẻ đẹp của những cô gái mở đường trong đoạn thơ trên bằng một đoạn văn ngắn.

Lời giải:

Trong những năm tháng chiến tranh rực lửa, hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ mở đường, phá bom, san hố xuất hiện giữa đời thực và giưa trang thơ như một biểu tượng đẹp về tình yêu đất nước, về tinh thần dũng cảm, gan góc kiên cường. Trong đoạn thơ trên, họ không được gọi bằng những cái tên cụ thể mà là “nhiều em”, “các em”, là “những gương mặt lành”… nhưng vẻ đẹp của họ vẫn sáng ngời, lấp lánh sau mỗi dòng thơ. Những cô gái ấy dù chưa tìm được người yêu, hàng trăm lần đối mặt cùng cái chết, nhưng vẫn sẵn sàng hi sinh tình yêu cá nhân, kiên cường bám trụ “mấy năm”, đảm đương những nhiệm vụ vốn không dành cho phái nữ: gánh đá, phá bom, tải hàng, dựng lán… Tất cả những điều đó xuất phát từ tình yêu tha thiết dành cho Tổ quốc; từ khát vọng hòa bình, độc lập cho đất nước, quê hương. Tình yêu trong trái tim các cô là bất tử, là vĩnh hằng, không bao giờ hóa đá. Có thể nói hình ảnh những cô gái mở đường ấy đã góp phần dệt nên biết bao trang sử hào hùng cho lịch sử dân tộc những năm kháng chiến.

Đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc – Đề số 5

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

[…] máu đỏ thật không ồn ào

máu lặng lẽ ướt đầm ngực áo

hạnh phúc nào cho tôi

hạnh phúc nào cho anh

hạnh phúc nào cho chúng ta

hạnh phúc nào cho đất nước

những câu hỏi chưa bao giờ nguôi được

mảnh đất hôm nay bè bạn chúng tôi nằm

nơi máu đổ phải sống bằng thực chất

không ai nỡ lo vun vén riêng mình

khi mộ bạn chính bàn tay anh đắp […]

(Trích Thử nói về hạnh phúc – Thanh Thảo, 1972)

Câu 1. Những câu hỏi chưa bao giờ nguôi được mà nhà thơ nói đến là những câu hỏi nào? Việc lặp lại những câu hỏi đó thể hiện suy tư gì của tác giả?

Lời giải:

Những câu hỏi chưa bao giờ nguôi được mà nhà thơ nói đến là những câu hỏi:

hạnh phúc nào cho tôi

hạnh phúc nào cho anh

hạnh phúc nào cho chúng ta

hạnh phúc nào cho đất nước

Việc lặp lại những câu hỏi đó thể hiện những trăn trở, suy tư thường trực, đau đáu trong tâm trí tác giả và cả một thế hệ trẻ lúc bầy giờ về hạnh phúc cho chính mình, hạnh phúc cho mọi người và hạnh phúc cho đất nước.

Câu 2. Những hình ảnh nào nhắc đến sự hi sinh của người lính? Đó là sự hi sinh cho hạnh phúc của ai?

Lời giải:

Những hình ảnh nhắc đến sự hi sinh của người lính: máu ướt đầm ngực áo, máu đổ, mảnh đất bè bạn nằm, mộ bạn.

Đó là sự hi sinh không chỉ cho hạnh phúc của chính họ, mà còn cho hạnh phúc của mọi người và hạnh phúc của đất nước.

Câu 3. Trước sự hi sinh của những người bạn, nhà thơ đã có suy nghĩ như thế nào về hạnh phúc cá nhân?

Lời giải:

Trước sự hi sinh của những người bạn, nhà thơ đã có suy nghĩ: “không nỡ” vun vén cho hạnh phúc riêng mình – Tạm hi sinh hạnh phúc cá nhân vì hạnh phúc chung của mọi người, của đất nước.

Câu 4. Theo anh/chị, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, cần đặt hạnh phúc “cho tôi”, “cho anh” hay hạnh phúc cho “đất nước” lên trên hết? Vì sao?

Lời giải:

Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, cần đặt hạnh phúc cho “đất nước” lên trên hết. Vì hạnh phúc cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào hạnh phúc của đất nước. Nước chung mà mất, nhà riêng cũng không còn. Nếu đất nước không được độc lập, hòa bình, thì cuộc sống cá nhân cũng chìm trong nô lệ, hạnh phúc của mỗi người cũng không thể có được. Con người cần phải sống, sống trong độc lập, tự do thì mới có thể hạnh phúc. Vì vậy, trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, cần đặt trách nhiệm với đất nước lên trên hết, phải đấu tranh vì hạnh phúc của đất nước, thì hạnh phúc cá nhân mới lâu bền.

Câu 5. Trong hoàn cảnh đất nước hòa bình, theo anh/chị, con người nên sống vì hạnh phúc cá nhân hay vì hạnh phúc cho đất nước?

Lời giải:

Trong hoàn cảnh đất nước hòa bình, mỗi người đều được sống trong tự do, độc lập; chúng ta bên cạnh việc phần đấu cho hạnh phúc cá nhân, gia đình thì cũng cần quan tâm đến hạnh phúc cho đất nước. Vì mỗi cá nhân, mỗi gia đình không tồn tại độc lập, mà là một tế bào của xã hội. Muốn tế bào khỏe mạnh, phát triển thì xã hội cũng phải lành mạnh, vững bền. Vậy nên, mỗi người cần sống, làm việc, cống hiến sao cho hài hòa giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc đất nước.

Đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc – Đề số 6

Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Những tình yêu thật thường không ồn ào

chúng tôi hiểu đất nước đang hồi khốc liệt

chúng tôi hiểu điều ấy bằng mọi giác quan

bằng chén cơm ăn mắm ruốc

bằng giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc

bằng những nắm đất mọc theo đường hành quân

có những thằng con trai mười tám tuổi

chưa từng biết nụ hôn người con gái

chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời

câu nói đượm nhiều hơi sách vở

khi nằm xuống

trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời

hạnh phúc nào cho tôi

hạnh phúc nào cho anh

hạnh phúc nào cho chúng ta

hạnh phúc nào cho đất nước

(Thử nói về hạnh phúc, Thanh Thảo, 1972)

Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào?

Lời giải:

Đoạn trích trên được viết theo thể thơ: Tự do

Câu 2. Trong đoạn trích, hoàn cảnh khốc liệt của đất nước được tác giả thể hiện thông qua những hình ảnh nào?

Lời giải:

Trong đoạn trích, hoàn cảnh khốc liệt của đất nước được tác giả thể hiện thông qua những hình ảnh: “chén cơm ăn mắm ruốc”, “giấc ngủ bị cắt ngang cắt dọc”, “những nắm đất mọc theo đường hành quân”.

Câu 3. Anh/Chị hiểu như thế nào về nội dung của những câu thơ sau:

có những thằng con trai mười tám tuổi

chưa từng biết nụ hôn người con gái

chưa từng biết những lo toan phức tạp của đời

câu nói đượm nhiều hơi sách vở

khi nằm xuống

trong đáy mắt vô tư còn đọng một khoảng trời

Lời giải:

Sáu câu thơ thể hiện sự hi sinh, dâng hiến tuổi thanh xuân cho đất nước của những người lính trẻ. Họ “nằm xuống” để đất nước vươn lên khi tâm hồn vẫn hồn nhiên, vô tư, trong sáng và đầy mơ mộng.

Bộc lộ niềm trân trọng, tự hào xen lẫn tiếc thương của nhà thơ dành cho thế hệ mình trong những năm chống Mĩ đầy ác liệt.

Câu 4. Theo anh/chị, giữa hạnh phúc…cho tôi và hạnh phúc…cho chúng ta, điều gì quan trọng hơn? Vì sao?

Lời giải:

* Nếu lựa chọn hạnh phúc …cho tôi:

– Hạnh phúc… cho tôi là sự tự ý thức sâu sắc về hạnh phúc của bản thân, là sự lựa chọn đặt hạnh phúc riêng tư cá nhân lên trên hạnh phúc chung.

– Khẳng định sự lựa chọn coi trọng hạnh phúc cá nhân là một quan niệm sống sâu sắc. Bởi lẽ, đời người ngắn ngủi, hữu hạn nên chúng ta cần trân trọng những khoảnh khắc phút giây được sống để làm cho chính mình hạnh phúc. Hơn nữa khi bản thân ta hạnh phúc, ta sẽ làm cho những người xung quanh ta hạnh phúc, ta sẽ góp sức làm nên hạnh phúc cho mọi người, hạnh phúc cho đất nước.

* Nếu lựa chọn hạnh phúc cho đất nước:

– Hạnh phúc …cho đất nước là sự tự ý thức sâu sắc về hạnh phúc của quê hương đất nước, là sự lựa chọn đặt hạnh phúc chung, hạnh phúc lớn của dân tộc lên trên hạnh phúc riêng tư cá nhân.

– Khẳng định sự lựa chọn hạnh phúc cho đất nước là một quan niệm sống đẹp. Bởi lẽ, sự lựa chọn ấy thể hiện một lí tưởng sống cao cả, sẵn sàng cống hiến cho quê hương đất nước. Và khi có được lí tưởng ấy, mỗi người sẽ coi việc tự nguyện hi sinh cho tổ quốc là niềm hạnh phúc và giá trị sống của chính mình.

Câu 5. Anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về sự cần thiết của tinh thần cống hiến ở tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay.

Lời giải:

Bài văn mẫu 1:

Mỗi con người chúng ta được sống trong nền hòa bình, yên ấm như hiện nay là một điều vô cùng may mắn phải cảm ơn sự hi sinh của thế hệ đi trước. Chính vì thế, chúng ta phải biết ơn họ và có trách nhiệm sống cống hiến cho quê hương, đất nước. Trách nhiệm sống cống hiến của tuổi trẻ đối với quê hương, đất nước là trách nhiệm của mỗi cá nhân cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, giữ gìn nền độc lập, tích cực xây dựng nước nhà ngày càng vững mạnh. Mỗi người một hành động, dù nhỏ dù lớn nhưng cùng hướng về một mục tiêu xây dựng nước nhà giàu đẹp sẽ khiến cho cộng đồng tốt đẹp và vững mạnh hơn. Mỗi người khi học tập, lao động, tạo lập cho mình một cuộc sống tốt đẹp cũng chính là cống hiến cho tổ quốc. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải yêu thương, giúp đỡ đồng bào, đoàn kết không chỉ giúp cho chúng ta được yêu thương, trân trọng trong mắt mọi người mà nó còn thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Là một học sinh trước hết chúng ta cần học tập thật tốt, nghe lời ông bà cha mẹ, lễ phép với thầy cô. Có nhận thức đúng đắn về việc giữ gìn và bảo vệ tổ quốc. Luôn biết yêu thương và giúp đỡ những người xung quanh, cố gắng trở thành một công dân tốt và cống hiến trọn vẹn cho nước nhà. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng trong cuộc sống hiện nay vẫn còn có nhiều bạn chưa có nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước, chỉ biết đến bản thân mình, coi việc chung là việc của người khác,… những người này đáng bị lên án. Đất nước này là của chúng ta, bầu trời này là của chúng ta, do chúng ta làm chủ. Chính vì thế, chúng ta cần có ý thức bảo vệ và phát triển nước nhà ngày càng giàu đẹp hơn.

Bài văn mẫu 2:

Chúng ta có được một cuộc sống ấm êm, tốt đẹp như hiện tại là một ân huệ rất lớn bởi sự hi sinh của những người đi trước. Chính vì thế, chúng ta cần biết ơn những công lao to lớn đó và phải cống hiến hết mình cho sự nghiệp phát triển nước nhà. Sự cống hiến là tinh thần trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi con người làm cho lí tưởng, mục tiêu chung ngày càng tốt đẹp, làm cho tập thể ngày càng đi lên. Sự cống hiến của thế hệ trẻ hiện nay là việc mỗi người trẻ, đặc biệt là các bạn học sinh có tinh thần tự giác, ý thức học tập thật tốt, trau dồi bản thân để trở thành một công dân gương mẫu, xây dựng nước nhà ngày càng giàu đẹp. Nhiệm vụ của thế hệ trẻ trước hết là cố gắng học tập, rèn luyện để hoàn thiện bản thân, sau đó là tiếp cận tới những tiến bộ của thời đại, ra sức cống hiến cho xã hội, luôn trong trạng thái sẵn sàng lao động và chiến đấu vì tương lai của đất nước. Bên cạnh đó còn là việc chúng yêu thương, giúp đỡ đồng bào, đoàn kết thành khối sức mạnh. Cống hiến là nền tảng của đoàn kết, khi tất cả con người đoàn kết lại với nhau thì đất nước ngày càng vững mạnh hơn. Bên cạnh đó, sự cống hiến sẽ giúp con người đẩy xa cái tôi cá nhân, sự ích kỉ, nhỏ nhen của mình để từ đó hướng tới những điều tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, trong xã hội hiện nay vẫn còn có một số thanh niên sống vô trách nhiệm, quên đi trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp chung của dân tộc; sống ích kỷ, tư lợi cá nhân, chỉ muốn hưởng thụ… Đó là những hiện tượng lệch lạc cần bị lên án, phê phán, chấn chỉnh, bài trừ trong nếp sống và lối sinh hoạt hiện nay. Mỗi người chỉ được sống một lần và chỉ có một quỹ thời gian hữu hạn để cống hiến những điều tốt đẹp cho đất nước, cho xã hội. Chúng ta hãy ý thức được điều đó và cố gắng hơn nữa để bản thân tốt lên cũng như cống hiến được những điều tốt đẹp hơn cho xã hội.

Bài văn mẫu 3:

Peter Marshall – thượng nghị viện Mỹ từng nói: “Thước đo của đời người không phải thời gian mà là sự cống hiến”. Cống hiến là đóng góp công sức của mình cho xã hội, là góp phần xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp hơn. Thế giới luôn không đủ, vì vậy, cống hiến của mỗi con người là để lấp đầy những khoảng trống đó để tạo nên những điều giá trị. Nếu ta có trí tuệ hãy dâng tặng trí tuệ, dùng trí tuệ để đưa ra những sáng kiến, phát minh, phát triển khoa học. Nếu ta chỉ có cơ bắp, hãy cống hiến cho lao động để tạo ra những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Việc của chiếc lá là phải xanh vì màu diệp lục kia sẽ tỏa bóng mát cho đời. Xã hội sẽ đẹp hơn nếu ai cũng biết cống hiến, thế giới sẽ văn minh hơn nếu nhân loại vô cùng kia ai ai cũng luôn sẵn sàng đem hết trí tuệ, tài năng của bản thân để phục vụ lợi ích chung. Cống hiến cũng chính là đức hi sinh, hi sinh lợi ích cá nhân vì sự phát triển chung của cộng đồng, hi sinh thời gian và công sức của mình vì sự tiến bộ của nhân loại. Bởi vậy nhân danh sự tiến bộ của thế giới, mỗi chúng ta hãy học tập, lao động và cống hiến hết mình vì một thế giới tốt đẹp.

********************

Trên đây là 6 Đề đọc hiểu Thử nói về hạnh phúc (Thanh Thảo) có đáp án chi tiết. Hy vọng sẽ là tài liệu giúp các em ôn luyện tại nhà thật tốt và tự tin trước khi bước vào kì thi học kì sắp tới. Chúc các em thi thật tốt và đạt điểm cao.

 

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/doc-hieu-thu-noi-ve-hanh-phuc-thanh-thao/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp