Tình huống truyện là gì? Vai trò của tình huống truyện

0
195
Rate this post

Tình huống truyện là gì? Có mấy loại tình huống truyện? Phân loại và vai trò của tình huống truyện sẽ là những nội dung chính mà gửi đến các em trong bài học hôm nay.

Một câu truyện hay và hấp dẫn đều được tạo nên bởi các tình huống. Tình huống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong bất cứ một câu chuyện nào. Việc nắm bắt được tình huống truyện sẽ giúp người học hiểu và biết cách viết tốt hơn.

Tình huống truyện là gì?

Tình huống truyện có thể hiểu là hoàn cảnh, bối cảnh tạo nên câu chuyện. Tình huống truyện là cái hoàn cảnh riêng được tạo nên bởi một sự kiện đặc biệt trong truyện, khiến tại đó cuộc sống hiện lên đậm đặc nhất và ý đồ tư tưởng của tác giả cũng được bộc lộ sắc nét nhất.

Tình huống truyện là gì?
Tình huống truyện là gì?

Ví dụ về tình huống truyện:

Tình huống truyện Vợ nhặt: Tràng là nhân vật chính, một anh chàng nghèo khó, con nhà nghèo lại thêm ngoại hình xấu xí nên không cưới được vợ. Trong những ngày đói kém, Tràng bất ngờ “nhặt vợ”, đưa Thị về làm vợ trong gia đình mình. => Tình huống truyện bất ngờ, độc đáo, tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời nhân vật Tràng.

Tình huống truyện Chữ người tử tù:

– Đó là cuộc gặp gỡ kì lạ đầy éo le, trớ trêu giữa Huấn Cao và viên quản ngục. Trớ trêu thay trên bình diện xã hội, Huấn Cao và quản ngục là những kẻ đối địch nhau, là kẻ thù của nhau. Trên phương diện tài hoa, nghệ sĩ, họ lại là những người bạn tri âm, tri kỉ của nhau. Một người là nghệ sĩ, sáng tạo cái đẹp; một người biết thưởng thức và trân trọng cái đẹp. Một người khí phách hiên ngang, cứng cỏi đỉnh thiên lập địa; một người ngưỡng mộ khí phách, biết “biệt nhỡn liên tài”.

– Đó là một cuộc gặp gỡ kì lạ: không gian diễn ra cuộc gặp gỡ là chốn ngục tù, ẩm thấp, bẩn thỉu. Thời gian diễn ra cuộc gặp gỡ cũng rất ấn tượng: đó là những ngày cuối cùng của người tử tù trước khi bị giải về kinh chịu án chém.

Ví dụ về Tình huống truyện Vợ nhặt
Ví dụ về Tình huống truyện Vợ nhặt

Vai trò và ý nghĩa của tình huống truyện

– Tình huống truyện trong tác phẩm tự sự có vai trò như chìa khóa vận hành cốt truyện, thúc đẩy cốt truyện phát triển

– Là hoàn cảnh để nhân vật bộc lộ rõ nét tính cách

– Thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm và tài năng nghệ thuật của tác giả.

Vai trò của tình huống truyện:

Đối với cốt truyện: Tình huống truyện có vai trò là bước ngoặt, là then chốt của cả một câu chuyện. Nhờ điều này, cốt truyện mới có thể phát triển đến cao trào, kịch tích, tạo sức hấp dẫn hơn đối với người thưởng thức.

Đối với nhân vật: Đối với nhân vật thì tình huống truyện chính là cơ hội để tính cách, tâm lí của nhân vật được bộc lộ một cách rõ nét nhất. Tâm lí nhân vật thường sẽ có sự biến đổi theo sự thay đổi của tình huống truyện.

Đối với tư tưởng, chủ đề của truyện: Việc lồng ghép tình huống chính là cách để tác giả làm nổi bật tư tưởng của mình. Chủ đề mà câu truyện hướng tới sẽ được khắc họa đậm nét hơn. Thông qua những thay đổi bằng tình huống truyện đó.

Phân loại tình huống truyện

Có 3 loại tình huống truyện phổ biến trong truyện ngắn

Tình huống hành động:

Chủ yếu xoay quanh hành động có tính bước ngoặt của nhân vật. Hành động này có chức năng làm thay đổi cảnh ngộ hoặc một đoạn đời của nhân vật.

Tình huống tâm trạng:

Chủ yếu xoay quanh tâm trạng, cảm xúc có tính phát khởi, gây biến đổi của nhân vật khi đối diện với tình thế đặc biệt diễn ra trong cảnh huống có liên quan đến bản thân.

Tình huống nhận thức:

Chủ yếu xoay quanh tình thế chứa đựng giây phút “giác ngộ” chân lí của nhân vật. Nhà văn đặt nhân vật vào một tình huống đầy bất ngờ, nghịch lí để từ đó nhân vật hiểu ra, vỡ lẽ ra và nhận thức được những vấn đề mà trước đó họ hiểu chưa đầy đủ hoặc chưa hiểu hay thậm chí đã ngộ nhận về nó.

Những điều cần lưu ý khi xây dựng tình huống truyện

Một câu chuyện không thể thiếu đi tình huống. Bởi thiếu đi tình huống là thiếu đi cao trào, thiếu đi nút thắt và nút mở. Từ đó khiến câu chuyện trở nên nhàm chán, kém hấp dẫn hơn.

Tình huống truyện có thể ngắn hoặc dài tùy vào dụng ý của tác giả. Có những tình huống chỉ diễn ra trong một khoảnh khắc tạo nên bước ngoặt tức thời. Cũng có những tình huống gắn liền với cả một câu chuyện dài, gắn liền với cuộc đời nhân vật.

Bất cứ câu chuyện nào cũng cần có tình huống truyện. Tuy nhiên, không phải tình huống nào cũng có câu chuyện trong đó.

Khi xây dựng tình huống truyện, người viết cần biết cách khéo léo lồng ghép. Sao cho tình huống ấy phải hợp tình hợp lý, phù hợp với mạch truyện và các tuyến nhân vật. Từ đó mới có thể làm nổi rõ tư tưởng, chủ đề mà câu chuyện hướng tới.

Phương pháp tiếp cận tình huống truyện

Xác định tình huống truyện

+ Đặt câu hỏi: Sự kiện nào bao trùm và chi phối toàn bộ thiên truyện này? Hay sự kiện bao trùm nào đã giúp tác giả dựng lên toàn bộ truyện ngắn này? Chuyện kể về ai? Ở đâu? Khi nào? Mối quan hệ giữa các nhân vật? Mối quan hệ giữa nhân vật với môi trường, hoàn cảnh có gì đặc biệt?…

+ các tình tiết: xác định những tình tiết chính có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện?

+ Gọi tên được tình huống truyện: Đây là khâu khá then chốt, chưa tìm được tên thích hợp thì xem như tình huống vẫn còn nằm ngoài tầm tay của ta vậy.

Phân tích tình huống: cần làm rõ được

+ Sự độc đáo, hấp dẫn của tình huống

+ Sự đóng góp tình huống truyện vào mạch phát triển của cốt truyện và từng nhân vật.

Rút ra ý nghĩa của tình huống:

+ Về nội dung: thể hiện giá trị tư tưởng của tác phẩm, toát lên quan niệm về nhân sinh, thẩm mĩ của tác giả.

+ Về nghệ thuật: tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn cho truyện

Tình huống truyện của một số tác phẩm Ngữ Văn

Tình huống truyện trong tác phẩm Làng (Kim Lân)

Tình huống: Ông Hai là một người nông dân yêu nước, có tinh thần cách mạng bỗng nhiên nghe tin làng Chợ Dầu – cái làng mà ông hết mực yêu thương theo giặc Tây.

Ý nghĩa: Kim Lân đã đặt ông Hai – nhân vật chính của tác phẩm vốn có lòng yêu mến và tự hào về cái làng lại nghe tin làng phản bội. Từ đó nhân vật rơi vào hoàn cảnh mâu thuẫn giữa một bên là lòng yêu làng với một bên là tình yêu nước, tinh thần cách mạng. Để dẫn đến lựa chọn cuối cùng: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù” – ông Hai đã đặt tình yêu nước (tình cảm chung) lên lòng yêu nước (tình cảm cá nhân).

Tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt (Kim Lân)

Tình huống:

  • Tình huống truyện Vợ nhặt thể hiện ngay từ nhan đề tác phẩm: Nhà văn Kim Lân lại sử dụng từ “nhặt” để tạo nên nhan đề của tác phẩm. Trong chính nhan đề này, ta đã thấy tình huống truyện Vợ nhặt được thể hiện rõ nét. Đây cũng là một nét độc đáo trong nghệ thuật của tác phẩm giúp thể hiện giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc.
  • Hoàn cảnh nhặt được vợ của Tràng đã thể hiện tình huống truyện Vợ nhặt: Thời điểm khó khăn trong hoàn cảnh, khi mà “Cái đói tràn đến xóm này từ lúc nào”. Tràng xuất thân là tên kéo xe bò, nghèo khổ, xấu xí, không ai thèm lấy. Đặc biệt hơn, Tràng lại có tính dở hơi… ấy mà Tràng lại đi lấy vợ lúc này, chẳng khác gì “đèo bồng”. Chính hoàn cảnh này đã làm nổi bật lên tình huống truyện cho tác phẩm.
  • Tình huống truyện Vợ nhặt còn thể hiện ở tâm lý thái độ của các nhân vật: Đầu tiên là tâm lý của những đứa trẻ nhỏ, thái độ của người dân xóm ngụ cư. Bà cụ Tứ cũng không tránh khỏi những ngạc nhiên khi con trai dẫn vợ về nhà và ngay cả chính bản thân nhân vật cũng không khỏi lạ lùng. Anh ta lấy làm lạ cho mình. Có thể thấy, chính tâm lý, thái độ, hành động của các nhân vật đã góp phần làm nổi bậy lên tình huống truyện Vợ nhặt hết sức éo le, trớ trêu, đùa mà lại như thật.

Ý nghĩa:

  • Tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn và lỗi cuốn cho thiên truyện, tạo nên những cao trào để các nhân vật tự bộc lộ tính cách và suy nghĩ của mình.
  • Tình huống truyện trong Vợ nhặt cũng bộc lộ hiện thực mâu thuẫn mang bản chất của cuộc sống lúc bấy giờ.
  • Tình huống truyện cũng làm nổi bật lên vẻ đẹp của những người nông dân. Họ là những con người lạc quan và tin tưởng vào tương lai tươi sáng của Cách mạng. Để khi lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh phấp phới, cách mạng sẽ luôn dẫn đường và làm sáng lên những con người giản dị nhưng có phẩm chất nhân đạo như cụ Tứ, như Tràng và cô “vợ nhặt” tội nghiệp….Họ sẽ viết tiếp truyện thống về phẩm giá con người Việt Nam trong tương lai.

Tình huống truyện trong tác phẩm Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)

Tình huống: Cuộc gặp gỡ giữa anh thanh niên làm công tác khí tượng thủy văn trên đỉnh núi Yên Sơn, với ông họa sĩ và cô kĩ sư.

Ý nghĩa: Tình huống đã góp phần khắc họa bức chân dung của anh thanh niên với phẩm chất, suy nghĩ tốt đẹp được hiện lên tự nhiên qua sự quan sát của các nhân vật trong truyện. Đồng thời qua đó làm nổi bật lên chủ đề tư tưởng của truyện: “Trong cái lặng lẽ, vắng vẻ trên núi cao Sa Pa, nơi mà nghe tên người ta chỉ nghĩ đến sự nghỉ ngơi, vẫn có bao nhiêu người đang ngày đêm làm việc miệt mài, say mê cho đất nước”.

Tình huống truyện trong tác phẩm Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng)

Truyện có 2 tình huống:

  • Cuộc gặp gỡ của cha con ông Sáu sau nhiều năm xa cách, nhưng bé Thu lại không nhận ra cha, đến khi em nhận cha thì cũng là lúc ông phải trở lại chiến khu.
  • Ở chiến khu, ông sáu dành hết tình yêu, nỗi nhớ để làm chiếc lược cho bé Thu nhưng chưa kịp trao cho con thì đã hy sinh.

Ý nghĩa: Đây là tình huống ngẫu nhiên song lại rất phổ biến trong cuộc chiến tranh. Đặt nhân vật vào tình huống éo le, nhà văn muốn bộc lộ tình cảm sâu sắc thắm thiết giữa bé Thu và ông Sáu giữa cuộc chiến tranh khốc liệt.

Tình huống truyện trong tác phẩm Bến quê (Nguyễn Minh Châu)

Truyện có 2 tình huống:

  • Khi còn trẻ, Nhĩ từng đi đến rất nhiều nơi, nhưng đến cuối đời căn bệnh hiểm nghèo quái ác đã khiến anh chỉ còn có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải nhờ cậy người thân trong gia đình. Nhĩ nhìn sang bãi bồi bên kia sông – một cảnh vật vốn quen thuộc của quê hương nhưng anh lại chưa từng đặt trên đến. Anh nhận ra sự tần tảo của người vợ mà lâu nay anh vẫn thường vô tâm. Nhĩ khao khát được sang bờ bên kia, nhưng bệnh tật không cho phép. Nhĩ nhờ anh con trai sang bên kia sông giúp mình, nhưng anh con trai không hiểu được khao khát đó của bố, anh đã bị hấp dẫn bởi đám đông chơi cờ thế bên hè phố, bỏ lỡ mất chuyến đò ngang trong ngày qua sông.

Ý nghĩa: Tình huống truyện chứa đựng những nghịch lý của cuộc sống. Từ đó, Nguyễn Minh Châu đã gửi gắm đến người đọc những chiêm nghiệm về cuộc sống. Đó là cái quy luật đầy nghịch lý “con người ta khó tránh được cái vòng vèo, chùng chình, phải dứt ra khỏi nó để hướng tới những giá trị đích thực của cuộc sống”.

Tình huống truyện trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê)

Tình huống: Ba cô gái thanh niên xung phong – mỗi người một xuất thân, tính cách khác nhau nhưng lại thuộc một tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ hàng ngày của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp, đánh dấu các trái bom chưa nổ và phá bom. Công việc tuy vất vả nhưng họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Ý nghĩa: Qua việc xây dựng tình huống trên, Lê Minh Khuê muốn thể hiện tâm hồn hồn nhiên trong sáng đầy mơ mộng và lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, tình đồng chí đồng đội của người lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

*****************

Nội dung bài học sẽ giúp các em giải đáp thắc mắc Tình huống truyện là gì? Có mấy loại tình huống truyện? Phân loại và vai trò của tình huống truyện. Hy vọng những thông tin trên giúp các em học tập tốt môn Ngữ Văn THCS, THPT.

 

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/tinh-huong-truyen-la-gi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp