Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào? – Tiếng Việt lớp 5

0
191
Rate this post

Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào? là câu hỏi ôn tập trong SGK Tiếng Việt lớp 5. Mời các em theo dõi bài học hôm nay để biết cấu tạo đầy đủ của một bài văn kể chuyện nhé.

Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào?
Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào?

Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào?

Cấu tạo của bài văn kể chuyện bao gồm 3 phần chính:

– Mở bài (trực tiếp hoặc gián tiếp).

– Thân bài: Diễn biến câu chuyện.

– Kết bài: Kết thúc câu chuyện (không mở rộng hoặc mở rộng).

Dàn bài của một bài văn kể chuyện lớp 5

– Mở bài: Giới thiệu hoàn cảnh và nhân vật (chuyện xảy ra ở đâu? Bao giờ? Có những nhân vật nào?…).

– Thân bài: Kể lại toàn bộ diễn biến của câu chuyện theo cốt chuyện đã thấy hoặc đã nghe hoặc do mình tưởng tượng ra.

(Cần chọn từ, đặt câu, chọn chi tiết,…và có thể sử dụng cả văn đối thoại để làm câu chuyện thêm phần sinh động).

– Kết bài: Nêu phần kết của câu chuyện (Câu chuyện kết thúc ra sao? Có chiều hướng tốt hay xấu? Gợi cho em cảm giác gì? Bài học rút ra từ câu chuyện là gì?)

Thế nào là kể chuyện?

Kể chuyện là kể một chuỗi sự việc có đầu có cuối liên quan đến một hay một số nhân vật.

Yêu cầu bài văn kể chuyện

Mỗi câu chuyện cần nói lên được một điều có ý nghĩa.

Khi viết bài văn kể chuyện, ta phải xác định được cốt chuyện, xem chúng gồm những sự việc gì, diễn biến và kết thúc ra sao. Các nhân vật trong chuyện có hành động, lời nói, ý nghĩ, tình cảm như thế nào,…

Một bài văn kể chuỵen hay phải bộc lộ được một cách rõ ràng chủ ý của người kể, có cốt chuyện rõ ràng, có nhân vật xác định với những đặc điểm tính cách rõ nét, lời kể sinh động, có cảm xúc.

* Có nhiều cách kể chuyện, song chủ yếu là 3 cách sau:

  • Cách 1: Kể lại một câu chuyện mà em đã được đọc, được nghe hoặc trực tiếp tham gia.
  • Cách 2: Loài vật, đồ vật, cây cối,…tự kể chuyện của mình (tự thuật). Muốn làm đúng thể loại này, chúng ta phải biến sự vật thành con người (nhân hoá) và cần vận dụng nhiều về trí tưởng tượng.
  • Cách 3: Kể chuyện theo trí tưởng tượng.

* Khi viết văn kể chuyện, cần lưu ý mấy điểm sau:

+ Nội dung câu chuyện phải có ý nghĩa nhất định. Để xác định được ý nghĩa của câu chuyện, cần tự giải đáp các câu hỏi: Những điều ta sắp kể nhằm chứng minh hoặc khẳng định điều gì? Nó gợi cho người đọc những suy nghĩ và tình cảm như thế nào?

+ Nắm được cốt chuyện và những chi tiết chính. Cốt chuyện ấy có thể lấy nguyên từ thực tế, cũng có thể tự nghĩ ra (những cái tự nghĩ ra phải có sự hợp lí “y như thật”). Cốt chuyện chính là sự nối tiếp nhau của một chuỗi các chi tiết lớn, sau đó sẽ được bổ sung các chi tiết nhỏ hơn (tình tiết) để câu chuyện thêm sinh động.

+ Xây dựng được một dàn bài linh hoạt và hợp lí, nhằm dẫn dắt câu chuyện phát triển theo chiều hướng hấp dẫn, lôi cuốn. Muốn vậy phải biết xây dựng nhân vật, chọn lọc các chi tiết có ý nghĩa nhất, sắp xếp các sự việc một cách tự nhiên…

+ Tìm một giọng kể phù hợp với nội dung câu chuyện. (Ngôn ngữ dân gian nếu câu chuyện có tính khôi hài, ngôn ngữ trữ tình đằm thắm nếu câu chuyện cảm động,…). Giọng kể góp phần tạo nên cái duyện cho bài viết.

Phương pháp làm bài bài văn kể chuyện

Bước 1: Đọc (tái hiện) lại nội dung câu chuyện cần kể. Chú ý nhớ kĩ những sự việc chính, những chi tiết quan trọng để có thể kể lại đúng và đủ theo thứ tự nội dung cốt chuyện.

(Cốt chuyện là một chuỗi sự việc làm nòng cốt cho diễn biến của chuyện. Cốt chuyện thường có 3 phần: Mở đầu, diễn biến, kết thúc).

Bước 2: Tóm tắt nội dung chuyện theo ý lớn của từng đoạn (trong 5-7 câu).

Bước 3: Ghi vào vở nháp dàn ý vắn tắt của chuyện (các nhân vật chính, các tình tiết chính trong phần mở đầu, diễn biến và kết thúc câu chuyện).

Bước 4: Dựa vào dàn ý vắn tắt, dùng lời văn của mình kể lại từ đầu đến cuối câu chuyện một cách rõ ràng, rành mạch và đầy đủ.

Tính cách của nhân vật được thể hiện qua những mặt nào?

Tính cách của nhân vật được thể hiện qua

– Hành động của nhân vật

– Lời nói, ý nghĩ của nhân vật

– Những đặc điểm ngoại hình tiêu biểu.

Bài tập vận dụng về văn kể chuyện lớp 5

Bài 1. Đọc câu chuyên dưới đây và trả lời các câu hỏi bằng cách chọn ý trả lời đúng nhất:

Ai giỏi nhất?

Trong rừng, Thỏ, Nhím và Sóc đều nổi tiếng là thông minh, nhanh trí. Nhưng ai giỏi nhất thì chưa có dịp thi tài. Vì thế, không ai chịu ai. Mấy cậu liền tổ chức một cuộc thi và mời cô Gõ Kiến làm trọng tài, ra đề thi rồi chấm luôn.

Gõ Kiến phát cho mỗi bên hai chục hạt đậu ván và ra điều kiện: Ai ăn lâu hết nhất thì thắng cuộc.

Thỏ ăn dè mỗi ngày nửa hạt, ăn được 40 ngày. Nhím cứ ba ngày mới ăn một hạt, được 60 ngày. Sóc ăn mỗi ngày 6 hạt. Ba ngày sau, túi của Sóc rỗng không.

Sang ngày thứ 61, Gõ Kiến cho biết:

– Nhím ăn được lâu nhất là giỏi nhất!

Sóc không chịu. Cậu ta kêu :

– Tôi vẫn còn !

Gõ Kiến hỏi :

– Còn mà túi lại rỗng không thế này ?

Sóc thủng thẳng mời Gõ Kiến cùng Thỏ, Nhím đến một góc rừng và trỏ vào hai cây đậu ván lúc này đã leo vấn vít trên giàn :

– Đây ! Tôi ăn ba ngày hết 18 hạt. Còn hai hạt nữa của tôi đấy !

Tất cả đều chịu Sóc là giỏi. Giỏi nhất.

Cái gì cũng thế, chỉ ăn thì mấy cũng hết.

Nhưng biết gieo trổng thì mãi mãi vẫn còn cái ăn.

Theo PHONG THU

1. Câu chuyện trên có mấy nhân vật?

Bạn đang xem: Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào? – Tiếng Việt lớp 5

A. Hai

B. Ba

C. Bốn

Đáp án đúng: C – Bốn

Bốn nhân vật đó là: Thỏ, Nhím, Sóc và Gõ Kiến

2. Tính cách của các nhân vật được thể hiện qua những mặt nào?

A. Lời nói

B. Hành động

C. Cả lời nói và hành động

Đáp án đúng: C – cả lời nói và hành động

3. Ý nghĩa của câu chuyện trên là gì?

A. Khen ngợi Sóc thông minh và có tài trồng cây, gieo hạt.

B. Khuyên người ta tiết kiệm.

C. Khuyên người ta biết lo xa và chăm chỉ làm việc.

Đáp án đúng: C – Khuyên người ta biết lo xa và chăm chỉ làm việc.

Bài 2. Bài văn sau có phải là bài văn kể chuyện không? Vì sao?

Hồ Ba Bể

Hồ Ba Bể nằm giữa bốn bề vách đá, trên độ cao 1200 mét so với mực nước biển. Chiều dài của hồ bằng một buổi chèo thuyền độc mộc. Hai bên hồ là những ngọn núi cao chia hồ thành ba phần liền nhau: Bể Lầm, Bể Lèng, Bể Lù.

Mỗi hòn đá, gốc cây, mỗi loài thú, loài chim, cho đến từng loài thủy tộc nơi đây đều gắn với một sự tích li kì, sắc nước, hương trời ở đây cũng mang màu sắc huyền thoại. Các cô gái ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm soi bóng xuống hồ. Người Việt Bắc nói rằng: “Ai chưa biết hát bao giờ đến Ba Bể sẽ biết hát. Ai chưa biết làm thơ đến Ba Bể sẽ làm được thơ.” Ai chưa tin điều đó xin hãy đến Ba Bể một lần.

Theo DƯƠNG THUẤN

– Thuyền độc mộc: thuyền dài và hẹp. làm bằng một cây gỗ to khoét trũng.

– Thủy tộc: các loài vật sống dưới nước.

– Huyền thoại: câu chuyện lạ kì, hoàn toàn do tưởng tượng.

– Thổ cẩm: vải dệt bằng sợi nhiều màu sặc sỡ, tạo thành những hình đa dạng.

Trả lời: Bài văn Hổ Ba Bể không phải là bài văn kể chuyện mà chỉ là bài văn giới thiệu về hồ Ba Bể.

Lý do:

  • Bài văn không có nhân vật
  • Bài văn không có sự kiện nào xảy ra.
  • Bài văn giới thiệu về độ cao, vị trí, chiều dài, địa hình, cảnh đẹp của hồ Ba Bể

Chú ý: Bài “Sự tích hồ Ba Bể” có nhân vật, có cốt truyện, có ý nghĩa câu chuyện => Là văn kể chuyện.

 ***********

Trên đây là nội dung bài học giúp các em lớp 5 trả lời được câu hỏi Bài văn kể chuyện có cấu tạo như thế nào? Hy vọng sẽ giúp các em học tốt và luôn đạt điểm cao trong các bài thi, bài kiểm tra trên lớp.

 

 Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/bai-van-ke-chuyen-co-cau-tao-nhu-the-nao-tieng-viet-lop-5/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp