Bộ đề đọc hiểu Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân hay nhất

0
81
Rate this post

Cùng tìm hiểu một số đề đọc hiểu Chữ người tử tù. 4 bộ đề đề đọc hiểu Chữ người tử tù dưới đây sẽ giúp các em làm quen với các dạng câu hỏi trong các kì thi sắp tới

Đề đọc hiểu Chữ người tử tù – Đề số 1

Đọc đoạn trích trong Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới.

Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ.

(Trích “Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân)

Câu 1: Những câu văn trên miêu tả suy nghĩ của nhân vật nào?

Câu 2: Nhân vật đó nói về điều gì?

Câu 3: Văn bản trên đã sử dụng thành công biện pháp tu từ nào? Nêu tác dụng của phép tu từ đó?

Câu 4: Tìm các từ láy trong văn bản và đặt câu với mỗi từ láy đó

Lời giải

Câu 1: Những câu văn trên miêu tả suy nghĩ của nhân vật Huấn Cao.

Câu 2: Điều mà Huấn Cao muốn nói đến đó là: đánh giá về vẻ đẹp phẩm chất, tính cách và tâm hồn của nhân vật quản ngục.

Câu 3: Văn bản trên đã sử dụng thành công biện pháp tu từ so sánh: tính cách dịu dàng, lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quản ngục được ví như một âm thanh trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ.

– Tác dụng của phép tu từ đó là: Hình ảnh so sánh này có ý nghĩa gợi dậy ở người đọc sự hình dung khái quát nhất về hoàn cảnh và phẩm chất của nhân vật quản ngục. Đây là hình ảnh súc tích, tạo ra sự đối lập sắc nét giữa trong và đục, thuần khiết và ô trọc, cao quý và thấp hèn, giữa cá thể nhỏ bé, mong manh
với thế giới hỗn tạp, xô bồ. Nó là một hình ảnh so sánh hoa mĩ, đắt giá, gây ấn tượng mạnh, thể hiện sự khái quát nghệ thuật sắc sảo, tinh tế, có ý nghĩa làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.

Câu 4: Các từ láy được sử dụng : dịu dàng ,trong trẻo

– Đặt câu: Học sinh được tùy ý đặt câu theo ý của mình nhưng phải đúng về ngữ pháp.

…………………………………………………………..

Đề đọc hiểu Chữ người tử tù – Đề số 2

“Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quan ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:

– Ở đây lẫn lộn.Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?…Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.

Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo. Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau. Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh”.

Câu 1: Đoạn trích trên đây trong tác phẩm nào? của tác giả nào? mô tả cảnh tượng gì ? (0,5 điểm)

Câu 2: Cảnh tượng trên hàm chứa nhiều yếu tố tương phản. Hãy chỉ ra những yếu tố tương phản đó. (1,0 điểm)

Câu 3: Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm nghệ thuật gì qua lời khuyên của Huấn Cao đối với quản ngục; ý nghĩa của cái Đẹp với cuộc sống con người cũng được khẳng định như thế nào qua cử chỉ, thái độ và lời nói của quản ngục với Huấn Cao? (0,5 điểm)

Lời giải

Câu 1: Đoạn trích trên đây trong tác phẩm nào ? của tác giả nào ? mô tả cảnh tượng gì ?

– Đoạn văn trên đây trích trong truyện ngắn Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân. Đoạn trích miêu tả cảnh Huấn Cao cho chữ quản ngục.

Câu 2: Cảnh tượng cho chữ, xin chữ là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có” bởi sự hàm chứa những yếu tố tương phản đầy ấn tượng:

– Thứ nhất là sự tương phản trong tình huống sáng tạo nghệ thuật. Bản chất của nghệ thuật chân chính là sáng tạo tự do, nay người nghệ sĩ tài hoa đang say mê tô từng nét chữ lại là một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng. Nghệ thuật giúp cho cái đẹp bất tử, nhưng người sáng tạo nghệ thuật, người tạo ra cái đẹp bất tử lại là một tử tù đang ở đêm cuối cùng của cuộc đời, chỉ sớm mai, Người phải vào kinh lĩnh án tử hình. Nghịch lí xót xa ấy khiến cái đẹp trở nên mong manh, quí giá và giờ khắc tạo ra cái đẹp càng trang trọng, thiêng liêng.

– Tiếp nữa là sự tương phản xuất hiện trong hoàn cảnh sáng tạo nghệ thuật. Người nghệ sĩ thư pháp thường viết chữ ở những thư phòng thanh sạch, cao khiết với bạch lạp, hương trầm…; nay HC cho chữ QN trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Những tương phản không chỉ làm hiện ra sự khắc nghiệt của hoàn cảnh mà còn cho thấy ý chí phi thường của những con người yêu cái đẹp, dám vượt lên trên mọi sự nghiệt ngã chốn ngục tù để sáng tạo, chiêm ngưỡng và lưu giữ cái đẹp.

– Sự tương phản sâu sắc nhất thể hiện trong vị thế của người tù và kẻ coi tù: Người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng thì uy nghi, đàng hoàng, hiên ngang, đĩnh đạc viết chữ, cho chữ và dạy bảo, khuyên nhủ; những người coi tù thì run run… khúm núm; thậm chí nghẹn ngào khóc … vái người tù một vái. Trước cái đẹp, cái thiện, mọi trật tự thông thường ở nhà tù đã bị đảo lộn: không còn người tù và kẻ coi tù; chỉ có HC, người cho chữ, người sáng tạo, ban phát cái đẹp, cũng là người dạy bảo những bài học về cái thiện; còn QN,TL là người xin chữ, người chiêm ngưỡng và may mắn được tiếp nhận cái đẹp của nghệ thuật và thiên lương – và trật tự mới giữa họ được thiết lập theo tiêu chí của cái đẹp, cái thiện.

Câu 3: Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm nghệ thuật gì qua lời khuyên của Huấn Cao đối với quản ngục; ý nghĩa của cái Đẹp với cuộc sống con người cũng được khẳng định như thế nào qua cử chỉ, thái độ và lời nói của quản ngục với Huấn Cao?

– Lời khuyên của Huấn Cao với quản ngục cho thấy quan điểm tiến bộ của NT về sự thống nhất giữa cái đẹp và cái thiện, không thể chiêm ngưỡng cái đẹp ở nơi ngự trị của cái ác, không thể hướng tới cái đẹp cao cả ở chốn mà thiên lương khó giữ cho lành vững.Trước khi đến với cái đẹp của nghệ thuật phải giữ trọn cái đẹp của thiên lương, cái đẹp không tách rời cái thiện.

– Cử chỉ, thái độ và lời nói quản ngục với Huấn Cao là sự minh chứng rõ nét cho sức mạnh cảm hóa của cái đẹp, như sự khẳng định của một nhà văn nước ngoài: Cái đẹp sẽ cứu thế giới.

………………………………………………………..

Đề đọc hiểu Chữ người tử tù – Đề số 3

“Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ.

Ông trời nhiều khi chơi ác, đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt”.

(Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 11, Tập một, NXB Giáo dục)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản?

Câu 2. Những biện pháp nghệ thuật nào được sử dụng trong đoạn văn bản? Phân tích hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp nghệ thuật đó.

Câu 3. Đoạn văn bản trên đã thực hiện những nét đặc sắc nào của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân?

Lời giải

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản là: tự sự, biểu cảm.

Câu 2. Những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn bản là:

+ Biện pháp đối lập tương phản: hoàn cảnh đề lao, nghề nghiệp quản ngục >< tính cách, tấm lòng của viên quan coi ngục.

+ Biện pháp so sánh: “…là một thanh âm trong trẻo”

– Hiệu quả nghệ thuật của thủ pháp nghệ thuật đó là: khắc họa, ngợi ca nhân cách cao quý của quản ngục.       Đây không phải là một cai ngục bình thường, chỉ là do hoàn cảnh mà bị đẩy vào chỗ cặn bã, thực chất ở con người ấy vẫn ngời lên những phẩm chất tốt đẹp.

Câu 3: Những nét đặc sắc của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân được thể hiện trong đoạn văn trên là:

– Cái nhìn đầy lãng mạn nhưng cũng là cái nhìn mang tính thẩm mĩ cao cả của Nguyễn Tuân đối với con người.

– Xây dựng nhân vật bằng bút pháp lãng mạn, độc đáo.

– Ngôn ngữ trang trọng, mực thước.

………………………………………………………………

Đề đọc hiểu Chữ người tử tù – Đề số 4

Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi :

Ngục quan lấy làm nghĩ ngợi về câu nói ban chiều của thầy thơ lại: ”Có lẽ lão bát này ,cũng là một người khá đây. Có lẽ hắn cũng như mình chọn nhầm nghề mất rồi. Một kẻ biết kính mến khí phách, một kẻ biết tiếc, biết trọng người có tài, hẳn không phải là kẻ xấu hay là vô tình.Ta muốn biệt đãi ông Huấn Cao, ta muốn cho ông ta đỡ cực trong những ngày cuối cùng còn lại, nhưng chỉ sợ tên bát phẩm thơ lại này đem cáo giác với quan trên thì khó mà ở yên. Để mai ta dò ý tứ hắn lần nữa xem sao rồi sẽ liệu .

Câu 1: Đoạn văn trên nói về vấn đề gì ?

Câu 2: Xác định những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn và cho biết tác dụng của những biện pháp nghệ thuật đó .

Câu 3: Em hãy viết một đoạn văn trình bày suy nghĩ của mình về việc chọn nghề của học sinh ,thanh niên ngày nay.

Lời giải

Câu 1: Đoạn văn trên nói về tâm trạng băn khoăn của Viên Quản Ngục khi cho răng lão bát phẩm thơ lại cũng chọn nhầm nghề giống như mình. Ông muốn biệt đãi Huấn Cao trong những ngày cuối cùng còn lại nhưng lại sợ tên bát phẩm thơ lại cáo giác với quan trên (0,75đ)

Câu 2: Nghệ thuật: So sanh “cũng như mình “,độc thoại nội tâm Tác dụng :Làm nổi bật tâm trạng của Viên Quản Ngục khi Huấn Cao bị giải đến trại giam do ông cai quản, muốn biệt đãi Huấn Cao nhưng lại sợ người khác cáo giác. (0,75đ)

Câu 3: Học sinh viết được đoạn văn về việc chọn nghề của học sinh, thanh niên ngày nay

-Chọn nghề theo sở thích, theo khả năng của mình

-Chọn nghề theo ý muốn của bố me, người thân, bạn bè …

-> Những ưu điểm và hạn chế của những cách chọn nghề đó  1.5đ

…………………………………………..

Trên đây là một số đề đọc hiểu Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân mà đã sưu tầm được, mong rằng sẽ giúp ích cho các em trong quá trình ôn tập tại nhà!

Cùng tham khảo các đề đọc hiểu Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để làm quen với các dạng câu hỏi đọc hiểu về văn bản này trong các kì thi em nhé!

 

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/de-doc-hieu-chu-nguoi-tu-tu/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp