Đề bài: Em hãy phân tích hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đêm trăng trong Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận.
Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đêm trăng trong Đoàn thuyền đánh cá
Bạn đang xem: Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đêm trăng trong Đoàn thuyền đánh cá
Bài làm:
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá là một trong những tác phẩm xuất sắc và tiêu biểu của nhà thơ Huy Cận trong giai đoạn sau cách mạng tháng tám thành công. Có thể nhận xét rằng nếu như Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là bài ca về tinh thần quả cảm, về ý chí và trái tim thiết tha đối với miền Nam của những người lính chiến trên tiểu đội xe không kính, thì Đoàn thuyền đánh cá lại là khúc ca hùng tráng về công cuộc lao động của con người trong quá trình xây dựng và đổi mới đất nước ở miền Bắc trong những năm đầu sau giải phóng. Trong bài thơ, một trong những hình ảnh đẹp và ấn tượng nhất đó là hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đêm trăng.
Huy Cận (1919-2005), tên khai sinh là Cù Huy Cận, quê tại làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông có rất nhiều tác phẩm xuất sắc, trước cách mạng, ông là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của phong trào thơ mới, sánh ngang với các ngôi sao chói lọi nhất trên thi đàn lúc bấy giờ như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính,… Các tác phẩm chính phải kể đến bao gồm tập thơ Lửa thiêng, Vũ trụ ca hay Kinh cầu tự, nội dung bao trùm là nỗi buồn có tầm vóc vũ trụ, mênh mang, bao la, bát ngát có phần xa rời với đời sống. Sau cách mạng tháng 8, Huy Cận dần hòa nhập với cuộc sống mới, hăng hái cho ra đời những tác phẩm tập trung ca ngợi vẻ đẹp của con người trong lao động, con người làm chủ xã hội, làm chủ hoàn cảnh, làm chủ thiên nhiên với âm hưởng vui tươi, lạc quan, phấn chấn, say mê. Tác phẩm chính phải kể đến Trời mỗi ngày lại sáng.
Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá được sáng tác vào tháng 10/1958 sau khi nhà thơ có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng biển Hạ Long, Quảng Ninh. Tác phẩm về sau được in trong tập thơ Trời mỗi ngày lại sáng (1858). Nhịp bài thơ là hành trình của đoàn thuyền đánh cá theo nhịp tuần hoàn của vũ trũ từ lúc hoàng hôn cho đến lúc bình minh.
Nếu ở hai khổ thơ đầu bài là tình cảm náo nức say mê của con người trước cảnh đoàn thuyền giăng buồm biển ra khơi thì ở bốn khổ thơ tiếp theo tác giả Huy Cận tập trung thể hiện khúc ca đánh cá trên biển thật lãng mạn, vừa thi vị vừa hào hùng, mạnh mẽ với hình ảnh đoàn thuyền đánh cá ngập ánh trăng vàng soi.
“Thuyền ta lái gió với buồm trăng,
Lướt giữa mây cao với biến bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển
Dàn đan thế trận lưới vây giăng.”
Cảm hứng của nhà thơ đã men theo hình ảnh đoàn thuyền đánh cá để bộc lộ vì vậy nó rất chân thực, Huy Cận đã nhập thân vào những người lao động đánh cá để cùng bày tỏ nỗi niềm suy nghĩ và nội tâm của mình. Cách nói “Thuyền ta” bao hàm cả niềm tự hào của nhà thơ về sự gắn bó thân thiết với con thuyền, về cảm giác được làm chủ thiên nhiên, làm chủ cuộc sống. Con thuyền mà nhà thơ miêu tả có những nét hết sức kỳ vĩ, lớn lao, thơ mộng và thi vị, đó là con thuyền được lái bằng sức gió, lấy ánh trăng làm buồm. Cứ tưởng tượng rằng đoàn thuyền ra khơi vào một đêm trăng sáng, trên trời có ánh trăng sáng tỏ phủ xuống đoàn thuyền một cái màu nhàn nhạt tươi mát như dát vàng, lấp lánh trên cánh buồm, khiến nhà thơ có cảm nhận cánh buồm của đoàn thuyền được dệt nên từ ánh trăng. Gió vừa là động lực để khiến buồm căng đẩy thuyền ra khơi xa vừa đóng vai trò là người cầm lái cho con thuyền. Dường như con thuyền ấy không còn lướt trên mặt biển mà đang lướt giữa “mây cao với biển bằng”, động từ “lướt” khiến ta liên tưởng đến tốc độ đi của con thuyền, cái nhịp đi ấy là một nhịp đi khá thanh thản, nhẹ nhàng và nhanh chóng. Vốn dĩ khi ra trước biển khơi mênh mông con thuyền sẽ trở nên mong manh nhỏ bé nhưng chỉ bằng vài dòng thơ Huy Cận đã đưa con thuyền lên tầm vóc mới, là con thuyền nổi bật giữa thiên nhiên, mượn sức thiên nhiên mà tiến về khơi xa trong phong thái hiên ngang, hùng dũng. Đoàn thuyền ra giữa biển khơi “dò bụng biển” cho thấy con người đang tìm kiếm khai thác nguồn tài nguyên vô tận của thiên nhiên, đoàn thuyền và con người đang được làm chủ thiên nhiên hùng vĩ, đang nắm nó trong lòng bàn tay mà định đoạt. Biển cả lúc này đây không còn mênh mông, bao la, đáng sợ nữa mà trở thành nơi để con người lao động, là nơi cung cấp nguồn sống cho con người. Trong đêm trăng thơ mộng ấy, đoàn thuyền đánh cá “Dàn dan thế trạn lưới vây giăng” trong đôi mắt nhìn của Huy Cận, thì công cuộc lao động không đơn giản chỉ là những công việc tay chân bình thường mà nó là cả một cuộc chiến, đòi hỏi cân sức cân tài, thi triển binh pháp, chiến đấu với thiên nhiên để thu được những thành quả tốt đẹp nhất.
“Cá nhụ cá chim cùng cá đé,
Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,
Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,
Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.”
Tác giả dùng thủ pháp liệt kê tên các loài cá nhằm khơi gợi cho ta liên tưởng về sự giàu có, phì nhiêu nơi biển cả, cùng với đó là vẻ đẹp của thiên nhiên biển khơi đầy màu sắc rực rỡ. Câu “Cá đuôi em quẫy trăng vàng chóe” là một thủ pháp nghệ thuật nhân hóa để qua đó làm nổi bật vẻ đẹp lấp lánh ánh trăng đang phát ra từ đuôi của những con cá đang quẫy, một mặt lời thơ gợi được cái ánh trăng lấp lánh, mặt khác lại gợi được vẻ đẹp của những con cá. Trong dòng thơ cuối “Đêm thở: Sao lùa nước Hạ Long”, màn đêm vẫn tĩnh tại, vô hình bỗng trở nên có sức sống có linh hồn qua cái hơi thở của con người cũng hồi hộp, cũng bồi hồi, vì vậy cảnh thơ càng trở nên thi vị và lãng mạn biết mấy. Hóa ra những con người lao động trên biển cả mênh mông ấy không chỉ biết vùi mình vào công việc mà họ cũng tinh tế để cảm nhận được cái vẻ đẹp kỳ vĩ, thơ mộng như hơi thở của thiên nhiên vào buổi đêm trăng sáng.
“Ta hát bài ca gọi cá vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao,
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào.”
Việc sử dụng liên tục đại từ nhân xưng “ta” cho thấy Huy Cận đã thực sự nhập mình vào những người ngư dân, trở thành một phần không thể thiếu được của đoàn người đang hối hả say mê lao động trên biển cả. Dường như cảnh lao động ấy giống như một bài ca đầy đắm say, nhịp nhàng, ngay cả thiên nhiên cũng như đang hòa nhịp ngân vang, thế nên nhà thơ mới viết câu “Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao” tưởng tượng như ánh trắng chiếu xuống mặt biển dập dềnh sóng nước, sóng lại vỗ vào mạn thuyền như cánh trăng đang gõ vào mạn thuyền để xua cá vào lưới, đây là hình ảnh giàu chất thơ, chất thi vị và cũng giàu nhạc tính. Hai câu thơ tiếp theo “Biển cho ta cá như lòng mẹ/Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”, thể hiện sự biết ơn sâu sắc đối với nguồn tài nguyên mà biển cả đã ban tặng cho con người, ông ví biển cả như lòng mẹ bao la yêu thương con người như những đứa con, chắt chiu từng chút tinh hoa quý giá để nuôi nấng con người.
“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng,
Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
Từ “sao mờ” gợi tả cảnh đêm đã sắp tàn, điều đó thôi thúc những người ngư dân nhanh chóng thu lưới để trở về đất liền. Hình ảnh “kéo xoăn tay chùm cá nặng” là biểu hiện của một ngày kéo lưới bội thu. Lúc này đây bình minh đã rạng đông, những người lao động thu lưới, xếp buồm để trở về nhà cho kịp trời sáng. Những câu thơ giàu tính nhạc họa, thi vị, trong đó chất chứa niềm vui, niềm hân hoan với mẻ cá đầy, nặng của người lao sau một đêm dài vất vả đã được Huy Cận tái hiện một cách tinh tế và đặc sắc.
Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trong đêm trăng là một hình ảnh duy mỹ và thi vị mà thông qua đôi mắt nhìn lãng mạn, lạc quan đầy vui tươi của Huy Cận, ta đã thấy một khung cảnh lao động hùng tráng của con người. Con người lao động mạnh mẽ dường như đã hòa chung một nhịp với thiên nhiên tươi đẹp và được thiên nhiên chở che, bao dung như tình cảm của người mẹ đối với những đứa con bé bỏng.
——————-HẾT———————
Đoàn thuyền đánh cá là tác phẩm nổi bật của nhà văn Huy Cận, bên cạnh bài làm văn Hình ảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển trong đêm trăng trong Đoàn thuyền đánh cá, học sinh và giáo viên tham khảo thêm những bài làm văn mẫu khác như Suy nghĩ của em về bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Phân tích bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận, Bình luận bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của nhà thơ Huy Cận, Bình giảng hai khổ cuối bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận hay cả phần Soạn bài Đoàn thuyền đánh cá.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp