Kể lại một truyện đã biết truyền thuyết, cổ tích bằng lời văn của em

0
84
Rate this post

Đề bài: Kể lại một truyện đã biết truyền thuyết, cổ tích bằng lời văn của em.

ke lai mot truyen da biet truyen thuyet co tich bang loi van cua em

Bạn đang xem: Kể lại một truyện đã biết truyền thuyết, cổ tích bằng lời văn của em

Kể lại một truyện đã biết truyền thuyết, cổ tích bằng lời văn của em
 

I. Dàn ý Kể lại một truyện đã biết truyền thuyết, cổ tích bằng lời văn của em (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu câu chuyện định kể.

2. Thân bài:

– Ngày xưa có một cặp mẹ con nghèo khó nhưng sống bên nhau êm đềm, không may người mẹ bị bệnh nặng không thuyên giảm, người con rất lo lắng và thương mẹ…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý Kể lại một truyện đã biết truyền thuyết, cổ tích bằng lời văn của em tại đây

 

II. Bài văn mẫu Kể lại một truyện đã biết truyền thuyết, cổ tích bằng lời văn của em

1. Kể lại truyện cổ tích Sự tích hoa cúc (Chuẩn)

Mẹ từng kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện cổ tích hay, tuổi thơ tôi lớn lên trong lời ru của mẹ và những câu chuyện ngày xửa ngày xưa, tôi nhớ mãi một câu chuyện về tình mẫu tử cảm động ấy là câu chuyện Sự tích hoa cúc.

Ngày xửa ngày xưa có gia đình nghèo khó, chỉ có hai mẹ con nương tựa lẫn nhau, người mẹ quanh năm làm lụng chăm chỉ, vất vả để nuôi đứa con nhỏ, còn đứa con thì vô cùng ngoan ngoãn và hiếu thảo. Thế nhưng thật không may cuộc sống đầm ấm và hạnh phúc ấy bỗng sụp đổ khi người mẹ bị bệnh nặng, dù đứa con rất thương mẹ, em tìm hết tất cả các thầy thuốc giỏi trong vùng về chữa cho mẹ nhưng đáng tiếc là bệnh tình của bà vẫn không hề thuyên giảm.

Buồn bã, em bèn tìm đến chùa thắp hương khấn vái Phật tổ cầu mong cho mẹ em được tai qua nạn khỏi để sống đời với mình, những lời khẩn cầu tha thiết của người con đã làm cảm động cả trời xanh và Phật tổ. Vì thế ngài đã hóa thân thành một ông lão râu tóc bạc phơ, chống gậy đến trước mặt em rồi tặng cho em một bông hoa cúc vàng rực rỡ. Ông nói rằng đó là bông hoa cúc may mắn, là biểu tượng của sự sống mạnh mẽ, giản dị, bảo em đem về trồng vào chậu cây trước nhà ngày ngày chăm sóc, bông hoa có bao nhiêu cánh chính là số năm mà người mẹ sống được ở trên đời. Người con rất vui mừng, vội lạy tạ ơn ông lão, lúc em ngẩng đầu lên thì đã không thấy người đâu nữa.

Trên đường trở về nhà, em cứ ngắm nghía bông cúc mãi, rồi bỗng nhiên em trở nên buồn bã, bông cúc chỉ có năm cánh vậy tức là mẹ chỉ sống được thêm 5 năm nữa ư? Thật ngắn ngủi quá, em muốn mẹ sống thật lâu với em cơ, thương mẹ quá em liền nghĩ ra cách xé thật nhỏ từng cánh hoa, cho đến khi chẳng còn đếm được số cánh nữa. Kể từ đó người mẹ hoàn toàn khỏi bệnh và sống hạnh phúc bên người con hiếu thảo. 

Và loài hoa vàng rực rỡ, nhiều cánh ấy được gọi là hoa cúc, biểu tượng cho sự sống mạnh mẽ, kiên cường và tươi đẹp, cũng là tượng trưng cho tấm lòng hiếu thảo của con cái theo quan niệm của người Việt.

 

2. Kể về truyện cổ tích Sọ Dừa (Chuẩn)

Một trong những câu chuyện cổ tích Việt Nam mà tôi từng được nghe mẹ kể và có ấn tượng sâu sắc ấy là Sự tích Sọ Dừa.

Chuyện kể rằng ngày xưa có hai vợ chồng nọ làm người ở cho nhà Phú ông, dù chăm chỉ hiền lành nhưng mãi đến hơn 50 tuổi rồi mà vẫn không có nổi mụn con. Một hôm bà vợ đi ra ngoài đồng thấy khát nước quá bèn uống nước ở trong một cái sọ dừa, mấy tháng sau thì có thai, nhưng người chồng lại ốm rồi mất. Đủ 9 tháng 10 ngày bà sinh ra một cục thịt tròn lông lốc như trái dừa, bà sợ quá toan vứt đi thì bất ngờ nó lại mở miệng nói “Mẹ ơi con là người mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp!”. Bà thương con nên giữ lại và đặt tên là Sọ Dừa. 

Mấy năm qua đi Sọ Dừa lớn nhanh như thổi, rất ngoan ngoãn và biết nghe lời, một hôm nghe mẹ than thở về chuyện con người ta 7, 8 tuổi đã biết phụ cha mẹ đi chăn trâu, nay Phú ông có một đàn bò mà vẫn chưa có ai chăn, Sọ Dừa bèn bảo mẹ xin với Phú ông cho mình đi chăn. Bà mẹ ngờ vực nhưng vẫn đi xin, ban đầu ông ta cũng e ngại nhưng sau cũng đồng ý cho Sọ Dừa thử việc, nếu làm tốt ông sẽ mướn. Quả thật Sọ Dừa biết chăn dắt, đàn bò ngày một béo tốt, Phú ông rất ưng ý, ngày ngày đều cử ba cô con gái thay phiên nhau mang cơm cho cậu. Hai cô lớn, thì ra mặt không thích Sọ Dừa nên chỉ để cơm ở gốc cây rồi về mặc cậu tự đến ăn, riêng cô út thì mang đến tận nơi cậu. Một hôm, cô út đến phiên mang cơm, vừa đến nơi thì nghe tiếng sáo thổi du dương rất hay, bèn núp ở gốc cây xem ai đang thổi sáo. Và cô thấy một chàng trai khôi ngô tuấn tú đang ngồi trên chiếc võng đào say sưa thổi sáo, thấy có người chàng trai lập tức hóa lại thành hình Sọ Dừa tròn lông lốc. Và cũng kể từ ngày ấy cô út đem lòng thương nhớ chàng trai Sọ Dừa, luôn dành những đồ ăn ngon nhất cho chàng.

Một hôm Sọ Dừa bỗng năn nỉ mẹ hỏi cưới con gái Phú ông, mẹ chàng để chiều lòng con cũng muối mặt đi một lần, ông ta ra vẻ khinh thường thách cưới thật cao, chắc mẩm là nhà mẹ con Sọ Dừa không sắm nổi lễ vật sẽ tự rút lui. Nhưng ai ngờ hôm đưa sính lễ, Sọ Dừa chuẩn bị đủ lễ vật đưa đến nhà Phú ông nọ, bất đắc dĩ ông phải gọi ba cô con gái ra hỏi xem có ai chịu lấy Sọ Dừa không. Hai cô chị thì lắc đầu nguầy nguậy, chỉ riêng cô út bẽn lẽn đáp: “Cha mẹ đặt đâu con xin được ngồi đấy ạ!”, thế là Phú ông đành phải gả cô út cho Sọ Dừa. Ngày đưa dâu, một chàng trai khôi ngô tuấn tú xuất hiện đó chính là Sọ Dừa bấy lâu nay, ai nấy cũng đều bất ngờ, đám cưới được tổ chức linh đình dưới sự chúc phúc của mọi người trừ hai cô chị.

Sọ Dừa tư chất thông minh lại chăm chỉ học hành nên ít lâu sau đã thi đỗ Trạng Nguyên, ra làm quan và rất được vua tin dùng. Ít lâu sau người mẹ ốm mất, quan trạng sau khi chịu tang mẹ thì được cử đi sứ, trước khi đi chàng đưa cho vợ một con dao, một hòn đá lửa và một đôi trứng gà dặn lúc nào cũng phải mang theo mình. Sau khi quan trạng đi, ở nhà 2 cô chị vì ghen ghét đã lập kế rủ em đi bơi thuyền rồi đẩy nàng xuống nước, nàng bị con cá kình lớn nuốt vào bụng. May có con dao chồng cho bên người, nàng khoét bụng cá để chui ra, rồi trôi dạt vào một hoang đảo, tại đây nàng xẻo thịt cá, rồi dùng đá đánh lửa để nướng ăn, phần còn lại cô đem muối và phơi khô để dành. Còn hai quả trứng gà sau 21 ngày cũng đã nở thành một cặp gà trống, mái, chúng đẻ trứng rồi ấp thành nhiều con, đàn gà một đông dần cũng là lúc thuyền quan trạng đi ngang qua hoang đảo. Con gà trống gáy thật to: “Ò ó o!!!Có phải thuyền quan trạng rước cô tôi về!”,vợ chồng gặp lại nhau mừng mừng tủi tủi. Nghe vợ kể hành vi độc ác của chị vợ, chàng vô cùng tức giận, Sọ Dừa đưa vợ về nhà nhưng chưa cho ai gặp, chàng mở tiệc linh đình, hai cô chị cũng ăn vận trang điểm thật đẹp tìm tới hòng muốn làm bà trạng thay em. Cùng lúc đó Sọ Dừa  dẫn vợ ra, hai cô chị xấu hổ và sợ hãi đành bỏ trốn đi biệt tích, kể từ đó hai vợ chồng Sọ Dừa sống hạnh phúc với nhau mãi mãi.

Câu chuyện chính là bài học nhân quả cho con người, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, kẻ làm điều ác độc, lòng dạ độc ác thì sẽ gặp quả đắng, ngược lại người hiền lành, nhân hậu lại có cuộc sống ấm êm hạnh phúc.

 

3. Kể lại truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh (Chuẩn)

Một trong những truyền thuyết nổi tiếng của nước ta vừa thời các vua Hùng dựng nước và giữ nước chính là truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh, không chỉ lý giải hiện tượng thiên tai bão lũ hàng năm mà còn tượng trưng cho việc con người đấu tranh với thiên nhiên để bảo vệ cuộc sống suốt hàng ngàn năm qua.

Chuyện kể rằng thời vua Hùng thứ 18 có một nàng công chúa là Mị Nương, xinh đẹp tuyệt trần, vua muốn kén cho con gái yêu một chàng rể tài giỏi nên bèn ban chiếu khắp thiên hạ để tuyển phò mã. Một hôm có hai chàng trai khôi ngô tuấn tú đến ứng tuyển, một người là Sơn Tinh thần núi Tản Viên, một người là Thủy Tinh chúa miền nước thẳm, cả hai tài sức đều ngang nhau, vua rất khó nghĩ nên đã ra điều kiện sính lễ là  một trăm ván cơm nếp, một trăm đòn bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi, sáng hôm sau ai mang sính lễ đến trước thì được cưới Mị Nương.

Sáng hôm sau Sơn Tinh mang đủ lễ vật và rước Mị Nương đi sớm, Sơn Tinh đến muộn, không cưới được vợ nên tức giận đuổi theo đòi cướp Mị Nương. Thủy Tinh ra sức hô mưa gọi gió, dâng nước lên cao làm ngập lụt hết nhà cửa, thuồng luồng quái vật bơi khắp nơi, Sơn Tinh cũng không kém cạnh liền làm phép nâng núi đồi lên cao chống lại lũ lụt. Hễ Thủy Tinh dâng nước cao bao nhiêu, Sơn Tinh lại làm phép cho núi cao bấy nhiêu, đánh nhau suốt cả mấy ngày đêm mà hai vị thần vẫn bất phân thắng bại, cuối cùng nản chí Thủy Tinh đành rút lui. Nhưng hằng năm vị thần này vẫn ghi hận cũ, đều dâng nước làm lụi lội một thời gian, sau thấy vẫn không khuất phục được vị thần núi kia nên đành rút quân, năm nào cũng vậy.

Câu chuyện là cách mà người xưa lý giải về thiên tai, đồng thời cũng phản ánh ý chí sức mạnh của con người khi đối chọi với thiên nhiên để bảo vệ cuộc sống. Đây là một câu chuyện có ý nghĩa lớn phản ánh phong tục tập quán và cuộc sống của con người Việt Nam từ thuở xa xưa.

———————HẾT———————–

Để nâng cao hơn nữa kĩ năng viết văn tự sự, bên cạnh bài Kể lại một truyện đã biết truyền thuyết, cổ tích bằng lời văn của em, các em có thể tham khảo thêm một số bài văn mẫu khác như: Kể về một việc tốt mà em đã làm; Kể về một thầy giáo hay cô giáo mà em quý mến; Kể về một tấm gương tốt trong học tập hay trong việc giúp đỡ mọi người bạn bè mà em biết; hoặc Kể về một kỉ niệm thơ ấu làm em nhớ mãi cũng là đề văn khá thú vị.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/ke-lai-mot-truyen-da-biet-truyen-thuyet-co-tich-bang-loi-van-cua-em/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp