Kể một truyền thuyết gắn liền với đời sống vật chất tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc bao gồm 5 bài mẫu hay nhất do biên soạn sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em hoàn thành tốt bài tập của mình với điểm số cao nhất.
Đề bài: Em hãy kể một truyền thuyết gắn liền với đời sống vật chất tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc
Lời giải:
– Một số truyền thuyết, sự tích… gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc là:
- Truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”
- Truyền thuyết “Sơn Tinh – Thủy Tinh”
- Truyền thuyết “Thánh Gióng”
- Sự tích “bánh chưng, bánh giày”
- Sự tích “trầu cau”
- …
Kể một truyền thuyết gắn liền với đời sống vật chất tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc – Mẫu 1
Kể lại Sự tích Bánh Chưng – Bánh Giày
Vào đời vua Hùng thứ sáu, sau khi dẹp xong giặc, vua cũng đã già yếu muốn truyền ngôi cho con. Vua gọi tất cả hơn hai mươi người con trai lại và nói nếu ai tìm được món ngon và ý nghĩa dâng lên nhà vua, vua sẽ truyền ngôi vua cho.
Tất cả người con trai của nhà vua đều hăng hái đi lên rừng xuống biển tìm của ngon vật lạ, cao lương mĩ vị mong giành được ngôi báu. Riêng Lang Liêu, người con trai thứ mười tám của vua Hùng là một người nhân hậu, hiếu thảo với mẹ cha, vẫn lo lắng chưa biết dâng lên vua món gì. Lang Liêu vốn mồ côi mẹ từ thuở nhỏ nên không có ai chỉ dẫn giúp sức. Trong lúc nằm suy nghĩ thì Lang Liêu ngủ thiếp đi. Trong giấc mơ, Lang Liêu gặp một vị thần. Vị thần đã bày cho Lang Liêu hai món bánh làm từ thứ quý giá nhất trên đời đó là hạt gạo. Một loại bánh hình vuông tượng trưng cho đất và muôn loài sống trên mặt đất, được gói bằng lá dong xanh, bên trong là gạo nếp, đỗ xanh, thịt heo. Một loại bánh tương trưng cho vòm trời tròn và khum khum được làm từ gạo nếp đồ lên và giã nhuyễn. Lang Liêu tỉnh dậy không thấy vị thần đâu cả, chàng liền bắt tay làm hai món bánh vị thần dạy trong giấc mơ.
Đến ngày dâng món ăn, các người con của vua Hùng ai cũng dâng lên những món nem công chả phượng được chuẩn bị công phu. Đến lượt Lang Liêu thì ai cũng ngạc nhiên. Vua nếm thử tấm tắc khen ngon và hỏi vì sao Lang Liêu làm hai thứ bánh này dâng lên tổ tiên. Lang Liêu thật thà kể lại mọi chuyện gặp vị thần trong mơ và ý nghĩa hai món bánh. Vua cha rất hài lòng, người khen ngợi hai món bánh của Lang Liêu dâng lên có ý nghĩa tỏ lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, coi cha mẹ như trời đất.
Lang Liêu trở thành vua Hùng thứ bảy, hiệu là Tiết Liêu vương. Từ đó trở đi, hai món bánh chưng bánh dày trở thành hai món không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên trong ngày tết của người Việt.
Kể một truyền thuyết gắn liền với đời sống vật chất tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc – Mẫu 2
Kể lại truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh
Thuở xưa, vào đời Hùng Vương thứ mười tám, nhà vua có một người con gái tên là Mị Nương. Nàng vừa xinh đẹp tuyệt trần, lại dịu dàng nết na. Vua Hùng hết mực yêu thương nên muốn tìm cho con một người chồng xứng đáng.
Một hôm, có hai chàng trai đến cầu hôn. Người đến từ vùng núi Tản Viên có tài lạ: vẫy tay về phía đông phía đông nổi cồn bãi, vẫy tay về phía tây phía tây mọc lên từng dãy núi đồi. Chàng là Sơn Tinh. Người đến từ vùng biển, tài năng cũng không hề thua kém: gọi gió gió đến, hô mưa mưa về. Chàng là Thủy Tinh. Vua Hùng thấy cả hai đều tài giỏi, vô cùng khó xử. Vua cho gọi các lạc hầu vào bàn bạc, rồi phán:
– Hai người đều vừa ý ta, nhưng ta chỉ có một người con gái. Vậy nên nếu ngày mai ai mang được sính lễ đến trước sẽ được rước dâu về.
Hai chàng nghe xong, liền hỏi nhà vua sính lễ gồm những gì. Vua Hùng nói:
– Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà gà chín cựa ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.
Sơn Tinh và Thủy Tinh trở về để chuẩn bị. Tờ mờ sáng hôm sau, Sơn Tinh mang lễ vật đến. Nhà vua liền gả Mị Nương cho Sơn Tinh. Thủy Tinh đến sau, không lấy được vợ, đùng đùng nổi giận.
Thần Nước hô mưa, gọi gió làm thành dông bão rung chuyển cả đất trời. Nước dâng cao là ngập khắp các đồng ruộng nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi sườn núi, thành Phong Châu nổi lềnh bềnh trên một biển nước khiến dân chúng vô cùng khốn khổ. Sơn Tinh không hề nao núng. Thần dùng phép lạ, bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, ngắn chặn dòng nước lũ. Nước sông dâng lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu.
Cuộc chiến diễn ra suốt mấy tháng trời. Đến cuối cùng, đội quân của Thủy Tinh sức cùng lực kiệt. Thần Nước phải cho rút quân về. Nhưng kể từ đó, oán nặng thù sâu. Năm nào, Thủy Tinh cũng dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng Thần Nước vẫn không thể chiến thắng.
Kể một truyền thuyết gắn liền với đời sống vật chất tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc – Mẫu 3
Kể lại truyền thuyết Con rồng cháu tiên
Thuở xưa ở vùng đất Lạc Việt có vị thần tên là Lạc Long Quân, con trai của thần Long Nữ sống ở dưới biển Đông. Thần hình rồng, sức khỏe phi thường và có nhiều phép lạ. Thỉnh thoảng thần lên sống trên cạn, giúp dân diệt trừ các loài yêu quái như Ngư Tinh, Hồ tinh, Mộc Tinh. thần còn dạy dân cách trồng trọt và sinh sống.
Âu Cơ là một tiên nữ dòng dõi Thần Nông ở vùng núi cao phương Bắc. Nàng thích ngao du đây đó, những nơi có phong cảnh đẹp. Bên trai tài, bên gái sắc, họ yêu nhau rồi kết thành vợ chồng.
Ít lâu sau, Âu Cơ sinh ra cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con khôi ngô tuấn tú lạ thường. Chẳng cần bú mớm mà đàn con lớn nhanh như thổi, khỏe mạnh như thần.
Một hôm, nhớ biển cả và cảm thấy mình không thể sống lâu trên cạn được, Lạc Long Quân đành từ biệt Âu Cơ để trở về chốn thủy cung. Âu Cơ một mình nuôi con. Ngày lại ngày qua, nàng sốt ruột trông ngóng chồng với tâm trạng buồn tủi. Cuối cùng, nàng gọi chồng lên mà than thở:
– Sao chàng nỡ bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi các con?!
Lạc Long Quân ân cần giải thích:
– Ta vốn nòi rồng ở miền nước thẳm, nàng là dòng tiên ở chốn non cao. Kẻ trên cạn người dưới nước, tính tình tập quán khác nhau, khó lòng mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài được. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Kẻ miền núi, người miền biển, khi có việc gì khó khăn thì giúp đỡ nhau, đừng quên lời hẹn.
Âu Cơ nghe theo đưa năm mươi người con lên đất Phong Châu. Người con trưởng được tôn làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, lập ra nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (vùng Bạch Hạc, Lâm Thao, Phú Thọ ngày nay). Triều đình có quan văn, quan võ (Lạc tướng, Lạc hầu). Con trai của vua gọi là lang, con gái vua gọi là mị nương. Vua cha chết, con trai trưởng nối ngôi. Mười tám đời vua kế tiếp nhau đều lấy hiệu Hùng Vương.
Từ sự tích này mà dân tộc Việt Nam thường nhắc đến nguồn gốc cao quý của mình là con Rồng cháu Tiên. Tất cả các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều là anh em cùng chung một bọc sinh ra (đồng bào). Các dân tộc đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Kể một truyền thuyết gắn liền với đời sống vật chất tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc – Mẫu 4
Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng
Đời Hùng Vương thứ sáu, ở làng Gióng có hai vợ chồng nọ. Họ sống hiền lành, phúc đức. Tuy tuổi đã cao nhưng vẫn chưa có con.
Một lần, người vợ ra thấy một vết chân to. Bà đặt chân vào ướm thử xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà thì thụ thai. Đến mười hai tháng sau sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô, tuấn tú. Lạ thay, cậu bé lên ba vẫn chưa biết nói, biết cười, ai đặt đâu thì nằm đấy.
Bấy giờ, giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua vô cùng lo lắng, bèn cho truyền sứ giả đi khắp nơi rao tìm người tài cứu nước. Đến làng Gióng, cậu bé nghe tiếng rao, liền nói với người mẹ:
– Mẽ ra mời sứ giả vào đây cho con!
Sứ giả vào, cậu bé nói:
– Ông hãy về tâu với đức vua đúc cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt. Ta sẽ đánh tan lũ giặc này.
Sứ giả nghe xong, vừa kinh ngạc vừa mừng rỡ, vội vã trở về tâu với vua. Nhà vua cho truyền thợ rèn ngày đêm làm gấp những thứ cậu bé yêu cầu. Kể từ hôm gặp sứ giả, cậu bé lớn nhanh như thổi. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi cậu bé, phải chạy nhờ bà con làng xóm. Ai cũng vui vẻ giúp đỡ vì mong cậu đánh giặc cứu nước.
Giặc đã đến chân núi Trâu. Thế nước đang lúc lâm nguy. Đúng lúc đó thì sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt và áo giáp sắt đến. Cậu bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành tráng sĩ. Mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt vô cùng. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi, nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ cưỡi ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác. Giặc chết như ngả rạ. Bỗng nhiên, roi sắt gãy, tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ, bỏ chạy. Đám tàn quân giẫm đạp lên nhau chạy trốn. Tráng sĩ đuổi đến chân núi Trâu. Đến đây, một mình một ngựa, tráng sĩ lên đỉnh núi, c ởi bỏ áo giáp sắt, cưỡi ngựa bay lên trời.
Vua nhớ công ơn, phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ tại quê nhà. Những nơi ngựa phi qua để lại ao hồ. Rặng tre bị ngựa phun lửa cháy trở nên vàng óng còn có một làng bị ngựa phun lửa cháy được gọi là làng Cháy.
Kể một truyền thuyết gắn liền với đời sống vật chất tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc – Mẫu 5
Kể lại sự tích Trầu Cau
Ngày xưa, một viên quan nhỏ có hai người con trai, hai anh em cách nhau có một tuổi và giống nhau như hai giọt nước, giống đến nỗi người ngoài không phân biệt được đâu là anh, đâu là em. Nhiều khi người nhà cũng bị nhầm. Khi hai người vừa lớn thì cha mẹ họ chết đi. Hai anh em trước vốn đã yêu quý nhau, nay lại càng yêu quý nhau hơn.
Cha mẹ mất đi không còn ai dạy dỗ. Hai anh em đều xin học nhà một ông đạo sĩ họ Lưu. Hai anh em học hành chăm chỉ lại ngoan ngoãn hiền lành nên được thầy giáo yêu như con ruột. Thầy Lưu có cô con gái tuổi vừa độ trăng tròn nhan sắc tuyệt vời, con gái phàm trần không ai so sánh kịp.
Thấy hai anh em vừa đẹp người, vừa đẹp nết cô gái sinh lòng yêu mến. Nàng muốn lấy người anh làm chồng nhưng nàng không biết đâu là anh đâu là em. Để phân biệt được đâu là anh, đâu là em nàng liền tìm cách để một đôi đũa mời hai người ăn. Thấy người anh nhường em, nàng cố gắng nhở để phân biệt được đâu là anh, đâu là em. Sau một thời gian tìm hiểu, người con gái xin phép cha mẹ cho mình lấy người anh làm chồng.
Anh lấy vợ rồi thì tình anh em không được như ngày trước nữa. Người anh suốt ngày quanh quẩn bên vợ để mặc em một mình. Người em rất buồn nhưng anh vô tình không để ý đến.
Một hôm hai anh em cùng đi làm đồng tối mịt mới về. Người em vào nhà trưởc, vừa bước vào đến cửa thì người chị dâu chạy ra ôm chầm lấy vì chị ngỡ là chồng mình. Người em thấy thế liền kêu lên, chị dâu vội vàng buông em ra, cả hai cùng thấy xấu hổ, ngượng ngùng.
Đúng lúc ấy người anh cũng vừa bước vào nhà, thấy cảnh như vậy, nghi em xấu bụng có tình ý vởi vợ mình, từ đó anh lại càng lạnh nhạt hững hờ với em hơn. Người em buồn tủi không biết chia sẻ cùng ai, chàng quyết định bỏ nhà ra đi.
Một buổi chiều, hai vợ chồng anh chị đều đi vắng cả người em lặng lẽ ra đi. Chàng đi, đi mãi cho đến khu rừng trước mặt, rồi đi đến cảnh rừng âm u tăm tối. Chàng đi hết ngày này sang ngày khác, lòng buồn rầu chẳng thiết gì đến ăn uống, người gầy héo xác xơ. Hết ngày dài lai đêm thâu chàng đi không biết đã được bao nhiêu dặm rồi mà vẫn không nghỉ. Lúc đi đến một con suối rộng, nước sâu thăm thẳm chàng không lội qua được đành ngồi lại bên bờ. Đêm tối quạnh hiu càng làm cho chàng tủi thân, chàng khóc cho sự cô đơn, khóc cho thân phận mình kém may mắn. Chàng khóc mãi, khóc đến khi khô cạn dòng nước mắt, mệt quá chàng gục đầu xuống. Đêm mỗi lúc một lạnh, sương xuống nhiều, cái lạnh thấm vào da thịt chàng, chàng chết mà vẫn ngồi trơ trơ và biến thành một tảng đá.
Buổi chiều, người anh đi làm về, không thấy người em đâu, anh ân hận vì đã hiểu lầm em để em tủi hổ bỏ nhà bỏ cửa đi. Người anh lẳng lặng đi tìm em mà không nói cho vợ biết. Theo con đường mòn vào rừng, chàng đi mãi cho đến khi gặp dòng suối sâu chàng không lội qua được đành phải ngồi lại tựa mình vào tảng đả. Chàng có ngờ đâu tảng đá đó chính là em mình. Sương đêm rỏ tỉ tách thấm dần vào người chàng. Chàng không đủ sức để gọi em nữa, chàng ngất đi và chết cứng, biến thành một cây không cành mọc ngay sát tảng đá.
Ở nhà chờ mãi không thấy chồng đâu, người vợ vội vã đi tìm chồng. Nàng cũng bước theo con đường mòn vào rừng thẳm. Nàng đi, đi mãi rồi củng đến suối nước sâu. Nàng không còn đủ sức để đi nữa, nàng ngồi tựa mình vào gốc cây gào khóc gọi chồng gọi em. Nàng đâu có ngờ cải cây ấy là chống và tảng đá dó là em chổng nàng. Nàng khóc mãi nước mắt cạn khô, người gầy tong teo. Nàng chết biến thành một dây leo quấn chặt lấy cái cây không cành mọc bên tảng đá.
Về sau chuyện ấy đến tai mọi người, ai nấy đều cảm động xót xa cho tình cảm của họ. Một hôm vua Hùng đi qua, vua được dân làng kể lại chuyện và tận mắt vua được chứng kiến. Vua bảo dân lấy lá của dây leo nghiền với quả của cây không cành ấy xem sao thì thấy vị có mùi cay cay, nhai thử thấy thơm ngon. Nhổ thứ nước ấy vào tảng đá thì thấy nước có màu sắc đỏ. Dân trong vùng gọi cây ấy là cây cau, gọi cây dây leo kia là cây trầu, lại lấy tảng đá đem nung cho xốp thành vôi để ăn cùng trầu cau cho miệng thơm môi thắm.
Ba người tuy đã chết mà tình cảm vẫn keo sơn gắn bó, thân thiết.
Rồi miếng trầu được dùng để bắt đầu mọi cuộc gặp gỡ. “Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Công việc to nhỏ, ma chay cưới hỏi đều không thể thiếu miếng trầu. Tục ăn trầu đã trở thành nét đẹp của phong tục Việt Nam như thế đó!
**************
Trên đây là 5 bài mẫu Kể một truyền thuyết gắn liền với đời sống vật chất tinh thần của cư dân Văn Lang, Âu Lạc hay nhất do thầy cô biên soạn và chọn lọc. Hy vọng dựa vào đây, các em sẽ có nhiều gợi ý mới lạ để hoàn thành tốt bài tập của mình một cách xuất sắc nhất. Chúc các em học tập thật tốt và luôn đạt điểm cao nhé.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp