Đề bài: Kể về một thầy (cô) giáo kính yêu nhất của em
Kể về một thầy (cô) giáo kính yêu nhất của em
Bạn đang xem: Kể về một thầy (cô) giáo kính yêu nhất của em
I. Dàn ý Kể về một thầy (cô) giáo kính yêu nhất của em (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu về cô giáo, thầy giáo mà em quý mến
2. Thân bài
– Cô giáo, thầy giáo của em tên gì? dạy em môn gì?
– Đặc điểm của thầy cô: Giọng nói, dáng người,…
– Kỉ niệm đáng nhớ/ ấn tượng sâu sắc nhất của em về thầy cô:
+ Ân cần, quan tâm
+ Bài học hấp dẫn, giàu cảm xúc
– Tình cảm của em với thầy, cô:
+ Yêu thương, kính trọng
+ Lời hứa sẽ học tập tốt để không phụ tấm lòng của thầy cô.
3. Kết bài
Cảm nghĩ của em về thầy cô
II. Bài văn mẫu Kể về một thầy (cô) giáo kính yêu nhất của em
1. Kể về một thầy, cô giáo kính yêu nhất của em, mẫu số 1 (Chuẩn)
Trong suốt những ngày tháng học tập ở trường tiểu học và cả khi bước vào lớp 6, học trong mái trường trung học cơ sở, em đã được dạy dỗ bởi rất nhiều thầy cô tâm huyết, yêu thương quan tâm đến học sinh, trong đó người cô mà em ấn tượng nhất chính là cô Thủy Anh.
Cô Thủy Anh là cô giáo dạy môn Lịch sử lớp 6 của em, tuy em mới được học cô trong học kì 1 vừa qua nhưng sự tận tụy, quan tâm của cô khiến em rất xúc động. Em từng không thích học môn Lịch sử vì cho rằng đó là môn học chỉ có lí thuyết khô khan mà chẳng có chút lợi ích thực tế nào. Cũng bởi sớm mang “định kiến” với môn học nên thái độ học môn Lịch sử của em cũng không được tốt. Em còn nhớ rất rõ ngày đầu năm, khi cô Thủy Anh bước vào lớp và bắt đầu tiết dạy của mình, em đã không hề chú tâm đến bài giảng của cô mà chỉ lo nói chuyện cùng các bạn. Bỗng chốc cô Thủy Anh gọi em đứng dậy trả lời câu hỏi, lúc ấy em rất bất ngờ, có chút lo sợ mà dáo dác tìm kiếm sự hỗ trợ của các bạn xung quanh bởi khi nãy nói chuyện em đã không biết câu hỏi của cô là gì. Trước sự lúng túng của em, cô Thủy Anh đã không hề tức giận hay nặng lời vì em đã nói chuyện trong giờ và không chú ý đến bài giảng, cô đã rất dịu dàng nhìn em và kiên nhẫn nhắc lại câu hỏi. Thế nhưng vì không để ý đến bài giảng nên không thể trả lời, khuôn mặt thì đỏ ửng vì ngại ngùng. Nhận thấy sự bối rối của em, cô đã ân cần gợi ý cho đến khi em có thể tự trả lời câu hỏi của cô. Sau khi tiết học kết thúc em đã gặp và xin lỗi cô, cô đã không trách móc mà chỉ nhẹ nhàng khuyên nhủ em nên chú ý vào bài học vì mỗi môn học đều có ý nghĩa thực tế với cuộc sống và lịch sử giúp chúng ta thêm hiểu, thêm yêu và tự hào về truyền thống đấu tranh của ông cha ta.
Lời của cô Thủy Anh giúp em hiểu ra nhiều điều, em hiểu hơn về ý nghĩa môn học, tự nhắc nhở mình cần có thái độ nghiêm túc với môn học hơn. Sự ân cần, nhiệt tình của cô Thủy Anh giúp em thêm yêu thích môn Lịch sử và có thái độ học tập đúng đắn hơn.
2. Kể về một thầy, cô giáo kính yêu nhất của em, mẫu số 2 (Chuẩn)
Trong tất cả các thầy cô đã từng dạy dỗ và hướng dẫn em, người mà em yêu quý và kính trọng nhất là thầy Đạt – giáo viên dạy văn năm lớp 6 của em.
Thầy Đạt là thầy giảng dạy môn Ngữ văn của lớp em, từ khi còn học Tiểu học, môn Tiếng Việt của em thường được phụ trách bởi cô giáo, bởi vậy khi thầy Đạt bước vào lớp em đã rất ngạc nhiên, có chút hào hứng và mong chờ ở những tiết dạy của thầy. Và đúng như em mong chờ, bài giảng của thầy vô cùng hấp dẫn, những văn bản thơ văn qua chất giọng trầm mà truyền cảm của thầy bỗng trở nên hay và dễ đi vào lòng người hơn. Khác với các thầy cô khác thường sử dụng dẫn chứng, ví dụ trong sách giáo khoa, thầy Đạt giúp chúng em hào hứng, thích thú hơn với bài giảng thông qua những dẫn chứng, hình ảnh minh họa mang tính hiện đại, thầy đã mượn rất nhiều hiện tượng đang hot hiện nay như: Sơn Tùng MTP, Lệ Rơi, U23 Việt Nam để dẫn dắt vào những bài học, kích thích sự sôi nổi của chúng em. Điều đặc biệt là những tư liệu bài học thầy sử dụng rất chuẩn xác, không chỉ giúp chúng em hào hứng với bài học mà còn giúp chúng em nắm được vấn đề, có khả năng vận dụng, liên hệ với thực tiễn.
Mỗi tiết văn của thầy Đạt đều chứa đựng những điều hấp dẫn, những điều bất ngờ giúp chúng em thêm yêu thích môn Văn, ai trong lớp cũng trở nên sôi nổi, vui vẻ hơn khi đến tiết học của thầy.
3. Kể về một thầy, cô giáo kính yêu nhất của em, mẫu số 3 (Chuẩn)
Cô Duyên không chỉ là giáo viên chủ nhiệm của lớp em mà cô còn là người dạy em từng nét chữ, giúp em được đến trường để khám phá thế giới tri thức đầy mới lạ.
Em sinh ra và lớn lên ở vùng cao, nơi có điều kiện sống vô cùng khó khăn nên đi học với chúng em là một thứ rất xa xỉ. Trẻ em nơi em sinh sống khi lên 5, lên 6 thường được giao nhiệm vụ trông em, trông nhà để bố mẹ lên nương làm kinh tế. Gia đình em có 5 anh chị em, trong đó em là lớn nhất nên thay vì đến trường, em phải ở nhà trông bốn đứa em nhỏ để bố mẹ đi làm. Các bạn cùng tuổi ở bản em hầu hết cũng không đến trường, chỉ có một số ít bạn có gia đình khá giả mới có thể đi học. Em còn nhớ rất rỡ ngày hôm ấy, khi cô Duyên đến từng gia đình trong bản em để vận động bố mẹ cho chúng em đến trường, học cái chữ. Cô Duyên có dáng người gầy, giọng nói dịu dàng mà truyền cảm, cô đã nói về tầm quan trọng của việc học và nhấn mạnh chỉ có học mới giúp cuộc sống của chúng em trở nên tốt đẹp hơn, mới có thể thoát khỏi cái đói, cái nghèo. Ban đầu bố mẹ em rất đắn đo, suy nghĩ nhưng cuối cùng trước sự kiên trì của cô Duyên, em và nhiều bạn trong bản đã được đến trường, đi học. Cô Duyên ân cần dạy chúng em từng nét chữ, vì nhà nghèo không có tiền mua sách vở, cô đã trích một phần lương của mình để giúp chúng em có sách bút phục vụ việc học.
Vì trường học xa nhà nên một số bạn không có xe đạp để đi lại cô sẽ đưa đón về tận nhà. Em rất yêu mến và kính trọng cô Duyên, cô như người mẹ thứ hai của em vậy, cô không chỉ dạy cho em cái chữ mà còn truyền cho em tình yêu thương, sự nhiệt huyết đáng trân trọng. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng cô.
4. Kể về một thầy, cô giáo kính yêu nhất của em, mẫu số 4:
Mỗi năm, cứ vào ngày 20 – 11 em lại luôn nhớ đến cô Bình. Cô đã dạy em năm em học lớp hai. Đó là cô giáo đã để lại trong lòng em những kỷ niệm sâu sắc, khó quên.
Cô Bình có dáng người thanh thanh, nước da cô trắng hồng. Mỗi khi được nghe cô giảng bài, em thấy cô rất giống nàng Bạch Tuyết trong truyện Cổ tích Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn mà mẹ vẫn kể cho em nghe. Em luôn thấy cô nở nụ cười tươi tắn trên môi kể cả những lúc trán cô nhăn lại và đôi mắt cô buồn buồn. Đó là những khi có bạn học sinh hư không chép bài, nói chuyện trong giờ học hay không học bài, bị điểm kém. Những khi chúng em không ngoan, cô chỉ im lặng, không trách mắng nặng lời mà cũng khiến cả lớp buồn xo.
Cô luôn lo lắng, chăm chút cho chúng em. Cô như một người mẹ thứ hai, dạy dỗ chúng em bao điều hay lẽ phải. Một hôm, khi tiếng trống báo hiệu giờ học vừa vang lên, cả lớp nhanh chóng đứng dậy chào cô và ra khỏi lớp. Em cũng ba chân bốn cẳng hoà vào đám đông đang lộn nháo trước cổng trường. Những cặp mắt dáo dác, háo hức tìm bố mẹ. Bình thường, bao giờ bố cũng đứng ở gốc cây phượng đằng kia đợi em. Nhưng hôm nay, khi đưa mắt ra chỗ quen thuộc, em không thấy bóng dáng quen thuộc ấy. Em đứng chờ, dựa lưng vào cổng, mắt nhìn ra xa mong chờ bố đến đón. Nhưng càng chờ thì càng thấy vô vọng. Khi các bạn học sinh đã về gần hết, sân trường vắng hoe. Em chờ mãi mà không thấy bố, sợ quá, em bắt đầu khóc. Em cứ đứng ở trước cổng mà khóc.
Đang khóc, có một bàn tay đặt lên vai tôi: “Sao em lại khóc?” “Có phải bố vẫn chưa đến?” Cô lấy khăn tay lau nước mắt cho em. Cô bảo em nín khóc, đừng lo lắng và sợ, đã có Cô đây rồi. Em nín khóc nhưng giọng vẫn còn nghèn nghẹn: “Em không biết, em chờ mãi mà không thấy bố đến. Em sợ bố không đến”. Cô bảo em đừng lo, cô sẽ đứng đây chờ bố em, chắc chắn bố em sẽ đến. Em thấy cô dựng xe. Có cô đứng bên cạnh, em không còn sợ nữa. Cô hỏi chuyện gia đình em. Em vui vẻ kể cho cô nghe nhà em ở đâu, bố mẹ em làm gì. Em hay được bố mẹ đưa đi chơi vào ngày nghỉ cuối tuần. Em thích nhất là ăn kem. Em cứ đứng nói chuyện với cô mà quên mất cả thời gian. Em thấy cô thật gần gũi. Cô cũng kể cho em nghe những câu chuyện vui khiến em cũng vui lây. Em nhớ, cô còn mua bánh cho em ăn vì sợ em đói. Mãi một lúc sau, bố em mới đến. Gương mặt bố nhễ nhại mồ hôi, bố bảo vì có việc bận nên đến trễ, chỉ lo em đi đâu mất. Bố nhìn thấy em, thở phào yên tâm. Bố cám ơn cô và đón em về.
Ngày hôm đó, em về nhà muộn nhưng không bao giờ quên được tình cảm ấm áp mà cô đã dành cho em. Nếu không có cô, không có người xua đi nỗi sợ hãi thì không biết em sẽ thế nào. Hình ảnh cô vẫn luôn ấm áp trong trái tim em.
Như vậy chúng tôi đã gợi ý Kể về một thầy (cô) giáo kính yêu nhất của em bài tiếp theo, các em cần chuẩn bị kĩ những nội dung Kể về một việc em đã làm khiến bố mẹ vui lòng và cùng với phần Kể về một người ông của em để học tốt môn Ngữ Văn hơn.
Tham khảo một số bài văn mẫu với yêu cầu nêu cảm nghĩ về thầy cô mái trường để em biết cách viết bài văn biểu cảm về sự vật, sự việc một cách nhanh chóng, dễ dàng nhất.
Bài viết số 2 lớp 6 gồm có 5 đề bài tập làm văn được xây dựng dưới dạng dàn ý cụ thể và chi tiết sẽ giúp các em học sinh lớp 6 lập dàn ý, hoàn chỉnh các bài tập làm văn tốt nhất, các em học sinh có thể tham khảo bài viết số 2 lớp 6 để học tốt môn Ngữ văn lớp 6 hơn.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp