Màn hình là một trong những khía cạnh nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư nhất trong thế giới công nghệ vài năm qua. Những tấm nền trang bị trên các sản phẩm công nghệ phổ biến hiện nay như smartphone, laptop, máy tính bảng… không những phải có khả năng tái hiện hình ảnh một cách chân thực, rõ nét, mà còn phải tiết kiệm điện, thân thiện với người dùng hơn.
Đây chính xác là ý tưởng góp phần vào sự ra đời của công nghệ màn hình LTPO đang được những công ty công nghệ khổng lồ như Apple, Samsung đẩy mạnh sử dụng trên các dòng sản phẩm cao cấp của mình.
Vậy màn hình LTPO thực sự là gì? Liệu có tốt hơn công nghệ OLED không? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.
Bạn đang xem: Màn hình LTPO là gì? Lợi ích mà công nghệ tấm nền LTPO mang lại
Màn hình LTPO là gì?
LTPO là viết tắt của cụm từ “low-temperature polycrystalline oxide” (oxit đa tinh thể nhiệt độ thấp). Đây về cơ bản là một công nghệ bảng nối đa năng (backplane) mới được sử dụng trên các sản phẩm có trang bị màn hình OLED cao cấp. OLED là viết tắt của “organic light-emitting diode” (đi-ốt phát sáng hữu cơ) – một loại màn hình tự phát sáng độc đáo hiện được sử dụng trên nhiều thiết bị công nghệ tiên tiến, từ đồng hồ thông minh đến smartphone và màn hình rời chuyên nghiệp.
Màn hình OLED thường sử dụng silicon đa tinh thể nhiệt độ thấp (low-temperature polycrystalline silicon – LTPS) cho các bóng bán dẫn màng mỏng (TFT) tạo nên bảng nối đa năng của màn hình. Bằng cách sử dụng kết hợp cả LTPS và Indium Gallium Zinc Oxide (IGZO), người ta có thể dung hòa hiệu quả công nghệ LTPS và LTPO để mang lại những lợi ích mới cho tấm nền, chẳng hạn như khả năng tiết kiệm năng lượng tối ưu hơn, trong khi vẫn đảm bảo duy trì chất lượng hình ảnh.
Nhìn chung, tất cả điều này được thực hiện với mục đích tạo ra các màn hình có thể thay đổi tốc độ làm mới (refresh rate) một cách linh hoạt. Về mặt kỹ thuật, Apple đã sử dụng công nghệ hiển thị này trong Apple Watch Series 4, nhưng lợi ích thực sự chỉ được thấy rõ cho đến khi Apple Watch Series 5 ra mắt, đi kèm với tính năng always-on display.
Có thể coi LTPO là một bước đột phá vì nó không yêu cầu các thành phần bổ sung giữa bộ điều khiển màn hình và bộ xử lý đồ họa (GPU) để cho phép tốc độ làm mới được điều chỉnh linh hoạt.
Mặc dù LTPO là một công nghệ do Apple phát triển (Táo Khuyết nắm giữ bằng sáng chế), một ông lớn khác là Samsung cũng đã và đang chú trọng nghiên cứu công nghệ màn hình này với sự đồng ý từ Apple. Phiên bản “LTPO” của Samsung được có tên gọi hybrid-oxide and polycrystalline silicon (HOP).
Những lợi ích cụ thể mà LTPO mang lại
Có thể bạn không biết nhưng màn hình là thứ tiêu thụ nhiều điện năng hơn bất kỳ thành phần nào khác trên điện thoại thông minh. Mặc dù màn hình OLED tiết kiệm pin hơn so với LCD, nhưng chúng vẫn tiêu tốn một phần lớn thời lượng pin của bạn so với các thành phần khác như hệ thống trên chip hoặc các công nghệ không dây như Wi-Fi và Bluetooth.
Lợi ích chính của LTPO là giảm mức tiêu thụ điện năng này bằng cách thay đổi tốc độ làm mới. Đây chính là cách Apple tối ưu pin cho Apple Watch Series 5 (và các sản phẩm kế nhiệm). Thiết bị đeo tay mới nhất của Apple có tính năng always-on display, nhưng vẫn đảm bảo thời lượng pin khá tốt.
Thuật ngữ “tốc độ làm mới” đề cập đến số lần màn hình cập nhật trong một giây, được đo dựa trên tần số tính bằng đơn vị hertz (Hz). Hầu hết điện thoại thông minh sử dụng màn hình 60Hz. Tuy nhiên, nhiều mẫu smartphone hiện đại ngày nay có thể sở hữu màn hình với tốc độ làm mới lên đến 120Hz.
Tốc độ làm mới cao hơn giúp mang lại trải nghiệm người dùng nhạy hơn và mượt mà hơn, nhưng là tiêu tốn nhiều điện năng hơn. Bằng cách thay đổi tốc độ làm mới xuống 1Hz (về cơ bản là một khung hình/giây) như trên thiết bị đeo mới nhất của Apple, điện năng có thể được bảo toàn vì màn hình đang đưa ra ít yêu cầu và thay đổi hơn đối với những gì hiển thị trên nó.
Ví dụ: khi điện thoại của bạn nhận được tin nhắn, màn hình sẽ sáng lên để thông báo cho bạn. Trong khoảng thời gian này, hầu như không có bất kỳ đối tượng chuyển động nào trên màn hình. Bằng cách giảm tốc độ làm mới, trải nghiệm người dùng không bị ảnh hưởng theo bất kỳ cách nào. Khi bạn nhấc điện thoại lên để kiểm tra thông báo, tốc độ làm mới có thể được khôi phục thành tần số phù hợp hơn với mục đích sử dụng chung.
Khả năng thích ứng linh hoạt trên toàn bộ hệ thống cũng là một điểm cộng của công nghệ này. Ví dụ: nếu thiết bị của bạn đang hiển thị màn hình “Now Playing” cho podcast hoặc nhạc, tốc độ làm mới có thể được giảm xuống đáng kể. Ngược lại, các trò chơi tận dụng tốc độ khung hình cao có thể “yêu cầu” sử dụng 120Hz đầy đủ.
Bước tiến tiếp theo trong công nghệ hiển thị
Công nghệ LTPO thể hiện một bước tiến mới cho các thiết bị di động như điện thoại thông minh và thiết bị đeo có màn hình. Cải tiến này có thể không gây chú ý ngay lập tức về chất lượng hiển thị, nhưng thay vào đó, nó mang lại hiệu quả lâu dài, đặc biệt trong khả năng giúp cải thiện tuổi thọ pin.
Vẫn còn quá sớm để nói về việc công nghệ LTPO sẽ trở nên phổ biến như thế nào trong tương lai. Tuy nhiên, hiện đang có ngày càng nhiều nhà sản xuất công nghệ quan tâm đến LTPO và có ý định sử dụng công nghệ này trên những sản phẩm cao cấp của mình.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp