Mở bài truyện Vợ nhặt của Kim Lân
Mở bài truyện Vợ nhặt của Kim Lân
Bạn đang xem: Mở bài truyện Vợ nhặt của Kim Lân
1. Mở bài số 1:
Nói về nạn đói năm 1945, nhà văn Kim Lân từng nói: “Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự”. “Vợ nhặt” của ông chính là truyện ngắn đi sâu khai thác tia sáng đẹp đẽ trong bi kịch tăm tối ấy của nạn đói. Thông qua câu chuyện nhặt vợ của anh Tràng, nhà văn Kim Lân không chỉ tái hiện sự sống mỏng manh của con người trước nạn đói mà quan trọng hơn cả là đứng trên ranh giới của sự sống và cái chết ấy vẻ đẹp của con người vẫn tỏa rạng, trong cái khốn cùng, thiếu thốn con người vẫn dành cho nhau những tình cảm thật đáng trân trọng.
2. Mở bài số 2:
Kim Lân là nhà văn tiêu biểu của nền văn học Việt Nam hiện đại, ông viết nhiều, viết hay về nông thôn, về cuộc sống của người nông dân. Hiện lên trong những trang văn của ông là hình ảnh những người nông dân nghèo khổ, khốn đốn trong những hoàn cảnh riêng nhưng ở họ vẫn sáng ngời những vẻ đẹp đáng trân trọng, đó là ông Hai – một người dân yêu làng, yêu nước nhưng phải đối mặt với bi kịch làng chợ Dầu theo giặc trong “Làng”, đó còn là anh Tràng – người đàn ông xấu xí, nghèo khổ sống ở xóm Ngụ cư vẫn chấp nhận cưu mang một người đàn bà xa lạ ngay giữa nạn đói trong truyện ngắn Vợ nhặt. Trong truyện ngắn Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã hướng ngòi bút nhân đạo của mình để lột tả những vẻ đẹp đáng quý trong tâm hồn con người, đó là tình thương, là sức sống mãnh liệt.
3. Mở bài số 3:
Nạn đói khủng khiếp năm 1945 đã cướp đi sự sống của 2 triệu đồng bào ta. Cái dữ dội, khủng khiếp cũng xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm thơ văn, đó là “Chuyện cũ Hà Nội” của Tô Hoài, là “Một bữa no” của Nam Cao. Kim Lân cũng đóng góp một truyện ngắn đặc sắc viết về nạn đói, tuy nhiên cái nhà văn hướng đến trong truyện ngắn này không phải phơi bày thực trạng thê thảm của con người trong nạn đói mà trong làn sương mù mịt của nạn đói, nhà văn đã để anh Tràng, chị vợ nhặt, bà cụ Tứ cũng là rất nhiều người nông dân nghèo khổ khác thắp lên ánh sáng của tình thương, sự sống, ánh sáng của niềm tin vào một tương lai tươi sáng.
4. Mở bài số 4:
Nạn đói năm 1945 đã trở thành nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với con người Việt Nam, nó gợi nhắc về một thời kì đen tối của lịch sử. Viết về nạn đói, Tô Hoài từng viết: “Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy”, nhà văn Kim Lân cũng từng có những chia sẻ về cái dữ đội của nạn đói đồng thời cũng phát hiện “hào quang” được tỏa ra từ chính những con người trong nạn đói “Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự”. “Vợ nhặt” là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về nạn đói, đồng thời qua đó nhà văn ca ngợi vẻ đẹp của tình thương, sức sống tiềm tàng của con người.
—————- Hết ————–
Mở bài là nội dung không thể thiếu trong một bài văn nhằm dẫn dắt người đọc đến chủ đề của bài viết, tuy nhiên để bài viết đạt kết quả cao, bên cạnh bài Mở bài vợ nhặt của Kim Lân, các em cần có thao tác, kĩ năng phân tích, cảm nhận nhất định. Để củng cố kiến thức, kĩ năng viết bài, các em có thể tham khảo thêm một số Bài văn hay lớp 12 khác như: Kết bài truyện Vợ nhặt của Kim Lân, Cảm nhận về ý nghĩa của những câu nói trong Chí Phèo và Vợ nhặt, Phân tích tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, Cảm nhận về hình ảnh bát cháo hành trong truyện Chí Phèo và hình ảnh bát cháo cám trong Vợ nhặt
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp