Đề bài: Nghị luận về phong trào đi du học nước ngoài của học sinh hiện nay
Nghị luận về phong trào đi du học nước ngoài của học sinh hiện nay
Bạn đang xem: Nghị luận về phong trào đi du học nước ngoài của học sinh hiện nay
I. Dàn ý Nghị luận về phong trào đi du học nước ngoài của học sinh hiện nay (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận: Phong trào đi du học nước ngoài của học sinh hiện nay.
2. Thân bài:
a. Giải thích:
– “Du học” là học tập ở đất nước khác nhằm trau dồi kiến thức, thỏa mãn nhu cầu học tập.
– Gồm du học tự túc và du học theo học bổng
– “Phong trào” là hoạt động lôi kéo được đông đảo quần chúng tham gia
– “Phong trào du học” là hoạt động ra nước ngoài học tập của nhiều người, theo trào lưu.
b. Nguyên nhân:
– Nhằm tiếp thu kiến thức, văn hoá, cái mới ở đất nước khác
– Do nền giáo dục nước nhà còn nhiều bất cập, thiếu các thiết bị phục vụ học tập. Sinh viên sau khi tốt nghiệp thiếu các kĩ năng làm việc.
– Ở nước ngoài, sinh viên được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến cũng như nền giáo dục hiện đại.
– Dẫn chứng: tình đến năm 2019, chỉ có 2/18 nhà vô địch Olympia trở về Việt Nam.
c. Biện pháp:
– Cải thiện nền giáo dục còn nặng về lý thuyết
– Loại bỏ căn “bệnh thành tích”.
– Trang bị cho học sinh những kĩ năng cần thiết trong công việc cũng như về ngoại ngữ.
d. Phản đề:
– Có nhiều gia đình vì muốn con được đi du học mà khánh kiệt về kinh tế
– Trào lưu du học để tìm kiếm việc làm nở rộ, nhiều người “ôm mộng” làm giàu từ việc đi du học.
3. Kết bài:
Rút ra kết luận chung: Du học là tích cực những phong trào du học lại không phải lúc nào cũng tốt.
II. Bài văn mẫu Nghị luận về phong trào đi du học nước ngoài của học sinh hiện nay (Chuẩn)
Xã hội ngày càng phát triển, con người càng tiếp xúc được với những thứ hiện đại, văn minh hơn. Chính vì thế du học trở thành một phương tiện, một cây cầu để bắc nhịp cho những con người từ các đất nước khác nhau trên thế giới được phép học tập và nghiên cứu ở những đất nước nền giáo dục tiến bộ. Hiện nay ở Việt Nam, phong trào đi du học đang nở rộ một cách mãnh liệt, nguyên nhân và thực trạng của phong trào này là gì?
“Du học” được định nghĩa là đi học tập tại một đất nước khác nhằm bổ sung kiến thức, ngành nghề nhằm thoả mãn nhu cầu của bản thân hoặc theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức. Du học có hai hình thức là du học theo diện tự túc hoặc du học theo học bổng. Ngoài ra, còn có du học tại chỗ là hình thức học tập theo chương trình đào tạo của nước ngoài nhưng không cần phải tới nước đó. Còn “phong trào” là hoạt động văn hoá, chính trị, xã hội lôi kéo được nhiều quần chúng tham gia. Vậy “phong trào du học” có thể hiểu là hoạt động ra nước ngoài học tập với các mục đích khác nhau của nhiều người trong xã hội.
Du học thường nhằm mục đích học tập, tiếp thu cái mới ở các nước khác. Như cụ Phan Bội Châu cũng từng lập ra hội Đông Du để cho thanh niên Việt Nam được sang Nhật học tập để về cứu quốc. Hiện nay phong trào du học đang nở rộ ở đất nước ta, lan rộng khắp mọi lứa tuổi và mọi miền Tổ quốc. Thậm chí nó còn trở thành một “con sốt” mà nhiều phụ huynh định hướng cho con cái của mình.
Nguyên nhân của trào lưu này có thể là do nền giáo dục nước nhà còn hạn chế, chưa thỏa mãn được nhu cầu học tập của nhiều người. Nền giáo dục của Việt Nam còn khá nặng nề về mặt lý thuyết. thiếu đi sự sáng tạo cũng như những kỹ năng thực hành cần thiết. Vậy nên, nhiều gia đình có điều kiện đã chọn cách đưa con cái ra nước ngoài du học để có thể nâng cao kiến thức cũng như năng lực của chúng. Không chỉ thế, nền giáo dục của Việt Nam còn khá nhiều bất cập như coi trọng bằng cấp, lý thuyết, bằng thật, bằng giả lẫn lộn khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài không còn coi trọng tấm bằng đại học ở Việt Nam. Một sinh viên học bước ra từ đại học nhưng lại không hề có sự sáng tạo trong nghề nghiệp, chỉ có trong tay một mớ kiến thức khiến cho nhiều nhà tuyển dụng lao động lo ngại về hiệu quả công việc mà họ làm. Tuy nhiên ở một mặt khác, Việt Nam lại thiếu hụt đi những lao động có tay nghề cao.
Không chỉ vậy, ở nước ngoài, các sinh viên có thể tự do sáng tạo, tự do học tập và được giáo dục theo hướng hiện đại hoá. Họ được thực hành, được rèn luyện các kĩ năng cần thiết cho công việc cũng như rèn luyện các kĩ năng như thuyết trình, làm việc nhóm tạo nên sự tự tin, đánh thức cảm hứng trong mỗi con người. Có thể vì vậy mà du học đã trở thành định hướng của nhiều người trẻ ở nước ta, nhất là những bạn trẻ đang ngồi trên ghế giảng đường và có thành tích học tập tốt. Các bạn chọn du học như một cách nâng cao giá trị của bản thân, từ đó thích nghi với môi trường làm việc tại nước ngoài sau đó định cư ở đó gây nên vấn đề “chảy máu chất xám” đối với Việt Nam. Hãy cùng nhìn lại các nhà vô địch leo núi trong cuộc thi Olympia, họ được trao học bổng để đến du học tại đất nước Úc. Thế nhưng, theo thống kế đến năm 2019, chương trình này đã cấp học bổng cho 18 người, nhưng chỉ có hai người là quay trở lại Việt Nam sau khi du học để cống hiến cho đất nước, số còn lại chọn định cư ở nước ngoài để có cuộc sống tốt hơn.
Làm thế nào để Việt Nam không bị hiện tượng “chảy máu chất xám”? Làm sao để đất nước ta có thể thu hút được du học sinh chứ không phải các sinh viên của Việt Nam bị thu hút bởi các nước khác? Điều đầu tiên cần làm là cải thiện chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Giáo dục cần bỏ bớt những môn học, những lý thuyết khô cứng, thay vào đó, học sinh cần chủ động để nắm bài giảng, thực hành các kiến thức học được. Các thầy cô giáo cần bỏ “bệnh thành tích”, thay vào đó là giúp học sinh nắm vững được kiến thức cũng như các phương pháp học. Thầy cô là những người hướng dẫn cho học sinh sinh viên các kĩ năng mềm như thuyết trình, làm việc nhóm để họ không bị bỡ ngỡ khi ra ngoài làm việc. Không chỉ vậy, hệ thống giáo dục cần coi trọng việc phát triển ngôn ngữ trong nhà trường, đa dạng các ngôn ngữ, cũng như phổ biến hoá môn tiếng anh để giúp học sinh có một trang bị đầy đủ khi ra ngoài. Có như vậy, sinh viên Việt Nam mới có thể yên tâm học tập trong nước, để làm việc cống hiến cho Tổ quốc. Nếu hệ thống giáo dục còn nặng nề, tỷ lệ “chảy máu chất xám” cũng như phong trào du học sẽ ngày càng phổ biến, nở rộ hơn nữa.
Có thể thấy, lợi ích của việc du học là không thể phủ nhận nhưng cũng có những hệ luỵ mà không phải ai cũng biết. Ví dụ như nhiều gia đình đã phải bán nhà, thế chấp nhà đất để có tiền đưa con đi du học, mong muốn một cuộc sống tốt hơn. Thế nhưng, cuộc sống như mơ chưa đến đã thấy nợ nần chồng chất, gia đình khánh kiệt. Đua đòi chạy theo phong trào du học không phải là cách để đổi đời. Và cũng có không ít những cô ấm cậu chiêu mượn danh du học nước ngoài để ra một môi trường khác thỏa sức ăn chơi. Họ ra nước ngoài là để vung tiền và cuối cùng lấy được tấm bằng du học nhờ “công sức của bố mẹ”
Nhìn vào thực thế, lượng lao động trẻ ở Việt Nam đang ở mức khá cao nhưng khó đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của các công ty. Chính vì vậy, nhiều người đã chọn con đường đi du học để có thể làm các công việc khác kiếm tiền trang trải cho gia đình. Theo thống kê, sinh viên ở Nhật Bản có thể làm việc 28h/ tuần với mức lương khá. Vậy nên trào lưu du học ngày càng “sốt” không chỉ xuất phát từ nguyên nhân nhu cầu học tập mà còn là vì nhu cầu việc làm khi mà xuất khẩu lao động có nhiều yêu cầu khắt khe hơn so với du học. Chính vì thế mà giới trẻ Việt Nam đang hướng tới con đường du học để kiếm tiền, để làm giàu chứ không chỉ xuất phát từ nguyên nhân học tập. Thực trạng phong trào du học ở Việt Nam đang ở mức khá cao. Theo thống kê, năm 2020, tỷ lệ sinh viên du học của Việt Nam tại Nhật Bản đã vượt qua Trung Quốc, đứng đầu ở quốc gia này với tỷ lệ là 29,2%. Tiếp theo, quốc gia của du học sinh nhiều thứ hai là Australia với con số là 31.000 sinh viên, chiếm 23,8% tỷ lệ du học sinh tại nước này. Thế nhưng, hệ luỵ theo sau việc trào lưu du học này là tình hình tội phạm gia tăng du học sinh Việt ở Nhật Bản gia tăng nhanh chóng. Thậm chí các siêu thị Nhật còn ghi cả những dòng chữ tiếng việt “Xin đừng trộm cắp”.
Tóm lại du học không phải là con đường duy nhất giúp bạn trở nên thành công trong cuộc sống. Để có được sự thành công không chỉ là sự kiên trì học tập mà còn có cả sự cố gắng học hỏi trong đời sống hàng ngày. Làm nên thành công chỉ khó với những người không chịu cố gắng, không chịu học hỏi. Du học là điều tốt nhưng du học như thế nào, điều kiện kinh tế ra sao là một điều cần chú ý. Đừng vì sĩ diện bản thân mà làm cho gia đình phải lâm vào bước đường cùng. Con đường thành công luôn mở rộng với những người có nỗ lực, có khát vọng.
—————HẾT—————
Bên cạnh trào lưu du học, các em có thể tìm hiểu thêm một số vấn đề nghị luận khác như: Nghị luận xã hội bàn về phong trào hiến máu nhân đạo, Nghị luận xã hội 200 chữ về tình yêu thương, Nghị luận xã hội 200 chữ về việc chấp nhận sự khác biệt trong cuộc sống, Nghị luận xã hội 200 chữ trình bày mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng để có những cái nhìn sâu sắc hơn nhé!
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp