Đề bài: Nghị luận xã hội 200 chữ về tính lịch sự và tế nhị
Nghị luận xã hội 200 chữ về tính lịch sự và tế nhị
Bạn đang xem: Nghị luận xã hội 200 chữ về tính lịch sự và tế nhị
I. Dàn ý Nghị luận xã hội 200 chữ về tính lịch sự và tế nhị (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Tính lịch sự và tế nhị.
2. Thân bài:
a. Giải thích tính lịch sự và tế nhị là gì:
– “Lịch sự” là cách cư xử phép tắc, nhã nhặn trong đối nhân xử thế, có hành vi, lời nói phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc.
– “Tế nhị” là sự khéo léo trong ứng xử, biết chú ý đến cảm xúc của mọi người xung quanh để đưa ra cách cư xử hợp lí trong từng tình huống khác nhau.
– Lịch sự và tế nhị là những quy tắc ứng xử quan trọng mà bất cứ ai cũng đều phải học để trở thành người toàn diện.
b. Bàn luận về tính lịch sự và tế nhị:
– Người lịch sự, tế nhị là người khôn khéo trong giao tiếp, có những cách cư xử đúng mực, biết tôn trọng, hoà nhã với mọi người xung quanh.
– Lịch sự và tế nhị là những đức tính cần thiết đối với mỗi người, người lịch sự, tế nhị sẽ chiếm được cảm tình của nhiều người, được mọi người yêu quý và tôn trọng, từ đó thiết lập được nhiều mối quan hệ tốt trong xã hội.
c. Phê phán:
– Phê phán những người không biết “kính trên nhường dưới”, không chịu học hỏi phép tắc dẫn đến có những cách cư xử thô lỗ, lệch lạc.
– Phê phán những người sống vô cảm, không biết quan tâm đến người khác.
d. Bài học:
– Cần học hỏi những quy tắc ứng xử đúng phép từ sách vở hoặc mọi người xung quanh để trau dồi kỹ năng giao tiếp cho chính mình.
– Cần hoà nhập nhưng không hoà tan để giữ gìn nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Việt Nam.
3. Kết bài:
– Khái quát lại tầm quan trọng của tính lịch sự và tế nhị đối với cuộc đời mỗi con người.
II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội 200 chữ về tính lịch sự và tế nhị
1. Nghị luận xã hội 200 chữ về tính lịch sự và tế nhị, mẫu 1 (Chuẩn)
Lịch sự và tế nhị là một trong những “chìa khoá vàng” mà dù bạn là bất cứ ai cũng nên sở hữu chúng để có thể chạm tới đỉnh cao của sự thành công. “Lịch sự” là cách cư xử phép tắc, nhã nhặn trong đối nhân xử thế, có hành vi, lời nói phù hợp với truyền thống đạo đức của dân tộc. “Tế nhị” là sự khéo léo trong ứng xử, biết chú ý đến cảm xúc của mọi người xung quanh để đưa ra cách cư xử hợp lý trong từng tình huống khác nhau. Người lịch sự, tế nhị là người khôn khéo trong giao tiếp, có những cách cư xử đúng mực, biết tôn trọng, hoà nhã với mọi người. Người lịch sự, tế nhị sẽ chiếm được cảm tình của nhiều người, được mọi người yêu quý và tôn trọng, từ đó thiết lập được nhiều mối quan hệ tốt trong xã hội. Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta cần phải phê phán những người không biết “kính trên nhường dưới”, không chịu học hỏi phép tắc dẫn đến có những cách cư xử thô lỗ, lệch lạc. Do vậy, để có thể sở hữu chiếc chìa khoá vàng có tên là lịch sự và tế nhị thì mỗi chúng ta cần phải học hỏi những quy tắc ứng xử đúng phép từ sách vở hoặc từ mọi người xung quanh để trau dồi kỹ năng giao tiếp cho chính mình. Chúng ta cần hoà nhập nhưng không được hòa tan để giữ gìn nét đẹp trong văn hoá ứng xử của người Việt Nam.
2. Nghị luận xã hội 200 chữ về tính lịch sự và tế nhị, mẫu 2 (Chuẩn)
“Khéo ăn nói sẽ có được cả thiên hạ” cho nên phép lịch sự và tế nhị luôn đóng vai trò quan trọng trong kỹ năng giao tiếp của tất cả mọi người. Lịch sự và tế nhị là những cử chỉ, hành động lịch thiệp, nhã nhặn qua đó thể hiện sự tôn trọng của mình với đối phương khi giao tiếp. Người lịch sự, tế nhị là người biết cẩn trọng trong từng lời nói hay hành động, là người có văn hoá và có hiểu biết trong giao tiếp. Do vậy, người lịch sự, tế nhị luôn giữ được mối quan hệ tốt với những người xung quanh và trở nên tự tin hơn khi giao tiếp với những người xa lạ. Bởi vậy mà ngạn ngữ có câu: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” vì khi nói ra ta không thể nào rút lại lời nói đó được nữa. Một lời an ủi, động viên của bạn có thể “cứu sống” một người nhưng nó cũng có thể là con dao hai lưỡi để giết chết một người khi bạn không kiểm soát được lời nói trong cơn tức giận. Để trở thành người lịch sự và tế nhị thì mỗi chúng ta cần phải phấn đấu học tập thật tốt, bên cạnh đó cần phải rèn luyện thêm những kỹ năng mềm hàng ngày để đạt được những mục tiêu như mong muốn. Chúng ta cần phải biết phê phán những người sống vô tâm, vô cảm và những người lạm dụng sự tế nhị để biến chúng thành những lời nịnh bợ bởi lợi ích cá nhân.
3. Nghị luận xã hội 200 chữ về tính lịch sự và tế nhị, mẫu 3 (Chuẩn)
Nếu học vấn giúp bạn trở thành người có tri thức thì những kĩ năng mềm chính là bí quyết giúp bạn trở thành người vừa có tri thức lại vừa khéo léo trong ứng xử. Để đạt được điều đó thì một trong những kỹ năng mềm mà bạn nhất định phải có đó chính là phép lịch sự và tế nhị. Lịch sự là cách ăn nói và ứng xử đúng với lễ nghĩa. Tế nhị là sự khôn khéo trong giao tiếp, biết suy nghĩ trước khi phát ngôn và hành động. Người lịch sự và tế nhị là người biết nói lời cảm ơn và xin lỗi khi mình mắc lỗi lầm. Ta thấy ở những hoá đơn thanh toán tại các siêu thị hay trung tâm thương mại thường đính kèm lời cảm ơn ở dưới khi khách hàng mua hàng hoá. Đây cũng là cách để chinh phục và thu hút khách hàng vì họ cảm thấy được trân trọng. Để trở thành người lịch sự và tế nhị thì trước hết chúng ta cần phải biết kiểm soát cảm xúc và phải suy nghĩ thật kỹ trước khi nói hay hành động để tránh làm tổn thương những người xung quanh. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải phê phán những người ích kỉ, chỉ quan tâm đến cảm xúc của mình mà có những lời lẽ, hành động thô lỗ, xúc phạm người khác.
————–HẾT—————
Trên đây là bài Nghị luận 200 chữ về tính lịch sự và tế nhị. Để giúp các em có nhiều nguồn tài liệu tham khảo hơn khi viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ thì các em có thể tham khảo thêm những bài viết sau: Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính tôn trọng kỉ luật, Nghị luận xã hội 200 chữ bàn về tính kiêu căng và tự mãn, Nghị luận xã hội về tính tự lập, Nghị luận xã hội Đức tính khiêm tốn.
Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn
Chuyên mục: Tổng hợp