Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người

0
98
Rate this post

Đề bài: Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người

nghi luan xa hoi ve tac hai cua te nan voi doi song con nguoi

Bạn đang xem: Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người

Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người

 

I. Dàn ý nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người (Chuẩn)

a. Mở bài

– Dẫn dắt vào vấn đề nghị luận

b. Thân bài

* Giải thích, nêu biểu hiện của “tệ nạn xã hội”
– Tệ nạn xã hội là những hiện tượng xã hội bao gồm những hành vi tiêu cực, sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật và gây ra hậu quả xấu đối với cuộc sống của con người.
– Một số tệ nạn xã hội đã và đang trở thành vấn nạn của xã hội: cờ bạc, ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan,…

* Thực trạng tệ nạn hiện nay 
– Hiện nay, tệ nạn đang “bùng nổ” với tốc độ nhanh chóng và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về lối sống của con người trước sự cám dỗ và phát triển không ngừng của xã hội…(Còn tiếp)

>> Xem chi tiết Dàn ý nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người tại đây

 

II. Bài văn mẫu Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người

1. Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người, mẫu số 1 (Chuẩn)

Như chúng ta đã biết, sự phát triển của khoa học – công nghệ – kĩ thuật đã góp phần nâng cao, cải thiện cuộc sống của con người. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhịp sống hiện đại cũng là môi trường hấp dẫn để các tệ nạn xã hội xuất hiện và gia tăng. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, tệ nạn đang là hiện tượng tiêu cực gióng lên hồi chuông báo động về lối sống của con người và gây ra những hậu quả xấu đối với bản thân, gia đình, xã hội.

Tệ nạn xã hội là những hiện tượng xã hội bao gồm những hành vi tiêu cực, sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm đạo đức, pháp luật và gây ra hậu quả xấu đối với cuộc sống của con người. Những tệ nạn nguy hiểm nhất bao gồm: cờ bạc, ma túy, mại dâm,… Trong đó, cờ bạc là hình thức cá cược, được thua bằng tiền hoặc hiện vật; nghiện ma túy là sự lệ thuộc của con nghiện vào chất gây nghiện; còn mại dâm là hình thức mua bán, trao đổi tình dục. 

Hiện nay, tệ nạn đang “bùng nổ” với tốc độ nhanh chóng và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về lối sống của con người trước sự cám dỗ và phát triển không ngừng của xã hội. Theo số  liệu thống kê của tổ chức y tế thế giới, số người trong độ tuổi từ 15-24 sa vào tệ nạn xã hội chiếm trên 40%. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, thông tin về số người nghiện ma túy vào tháng 6/2017 trên cả nước là 210.751 người, trong đó hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội có số người nghiện  ma túy chiếm tỉ lệ cao nhất. Những con số trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự ảnh hưởng của tệ nạn xã hội đối với cuộc sống con người.

Sự lây lan, gia tăng không ngừng của tệ nạn xã hội xuất phát từ chính ý thức của con người. Đó là lối sống lười nhác, sống ỷ lại, tâm lí thích hưởng thụ, lười lao động, ăn chơi, đua đòi, thiếu hiểu biết, không làm chủ được bản thân trước những cám dỗ của cuộc sống như tò mò, thích tìm cảm giác mới lạ, thích chứng tỏ bản thân. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khách quan như sự ảnh hưởng tiêu cực của văn hóa phẩm đồi trụy, những hệ lụy tiêu cực từ nhịp sống hiện đại; những nhân tố khác như do gia đình, cha mẹ nuông chiều hoặc do bị bạn bè rủ rê, lôi kéo.

Tệ nạn xã hội đã gây ra những hậu quả to lớn và nghiêm trọng đối với cuộc sống của con người. Trước hết, đối với bản thân người mắc tệ nạn xã hội, tệ nạn sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần, hủy hoại phẩm chất, suy thoái đạo đức. Đồng thời, hủy hoại sức khỏe của con người. Những tệ nạn như ma túy, mại dâm là con đường ngắn nhất dẫn đến căn bệnh thế kỉ HIV/AIDS. Đối với gia đình, tệ nạn xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, đối với xã hội, tệ nạn gây ra rối loạn an ninh, trật tự xã hội và suy thoái giống nòi. Những tác hại tiêu cực trên đã đặt ra vấn đề cấp bách về vấn đề phòng, chống tệ nạn xã hội.

Để phòng chống tệ nạn xã hội, trước hết, mỗi một con người cần nâng cao hiểu biết về tác hại của tệ nạn; tuân theo, chấp hành quy định của pháp luật. Đồng thời, rèn luyện lối sống giản dị, lành mạnh, sự tự chủ để không sa vào các tệ nạn xã hội; tích cực tham gia tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội trong nhà trường và địa phương.

Như vậy, qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định tệ nạn đã và đang gây ra những hậu quả to lớn, kìm hãm sự phát triển của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của con người. Là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần rèn luyện lối sống lành mạnh, giản dị, rèn luyện sự tự chủ, biết điều chỉnh hành vi, suy nghĩ của bản thân để không sa vào các tệ nạn xã hội.
 

2. Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người, mẫu số 2 (Chuẩn)

Xã hội hội ngày càng phát triển, đời sống của con người cũng ngày càng được cải thiện. Thế nhưng song song với sự tiến bộ thì tệ nạn xã hội cũng theo đó cũng phát sinh và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người. Để giữ môi trường sống lành mạnh, đảm  bảo các yếu tố an ninh, trật tự, nâng cao chất lượng cuộc sống và thúc đẩy kinh tế phát triển, con người vẫn luôn hàng ngày đấu tranh, hướng tới loại bỏ các tệ nạn ra khỏi cuộc sống . Vậy tệ nạn là gì, tác hại của nó nguy hiểm như thế nào mà chúng lại phải cần kiên quyết đấu tranh và bài trừ nó khỏi xã hội?

Tệ nạn xã hội là những hành động đi ngược lại với chuẩn mực xã hội, trái với đạo đức, pháp luật, đem đến những hậu quả xấu về mọi mặt. Các kiểu tệ nạn phổ biến có thể kể đến như trộm cướp, ma túy, mại dâm, cờ bạc, rượu chè, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, lừa đảo, mê tín dị đoan, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy,… Tệ nạn xã hội đang len lỏi vào từng ngóc ngách của xã hội, nó không bỏ qua bất kể một tầng lớp, một lứa tuổi, một giới tính nào. Tệ nạn đã và đang trở thành kẻ thù đáng sợ và vô cùng gian xảo, sẵn sàng đánh vỡ mọi lớp phòng vệ của con người, để dễ dàng tấn công và đưa chúng ta vào bước đường sa ngã, dần dà làm ảnh hưởng đến đời sống bình yên của con người, kéo lùi sự phát triển của đất nước. Tệ nạn xã hội dù lớn dù nhỏ đều gây nên những ảnh hưởng và thiệt hại không chỉ với riêng từng cá nhân mà còn ảnh hưởng đến gia đình, cơ quan tổ chức, mang đến những hậu quả không mong muốn.

Nguyên nhân dẫn đến tệ nạn xã hội là sự tổng hợp của nhiều yếu tố kinh tế, văn hóa, sự chênh lệch giàu nghèo, diễn tiến tâm lý của các cá nhân, tác động quá mức từ môi trường sống,… Nguyên nhân khách quan có thể đến từ điều kiện sống, sự giáo dục, ảnh hưởng từ những người khác, ví như sự nghèo đói, không được giáo dục đầy đủ đã khiến con người ta quên đi mấy “đói cho sạch rách cho thơm” để trở thành trộm cướp, lừa đảo. Hay những hành vi, văn hóa khác biệt được du nhập từ nước ngoài như ma túy, bóng cười, đập đá, cần sa, các kiểu quan hệ tình dục kém lành mạnh, tiệc thác loạn,… cùng với sự dụ dỗ, dẫn dắt của những kẻ có ý đồ xấu khiến nhiều bạn trẻ thiếu hiểu biết mắc câu, trở thành con mồi hòa mình vào những cuộc ăn chơi mà không lường trước được hậu quả. Bên cạnh đó việc để nhiều bạn trẻ sa chân vào tệ nạn cũng một phần là do sự giáo dục chưa đầy đủ của gia đình và nhà trường khi không thể theo sát con em cũng như tuyên truyền nhắc nhở về hậu quả và tác hại của các loại tệ nạn trong xã hội. 

Nguyên nhân chủ quan xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, lơ là cảnh giác trước sự rủ rê, dụ dỗ của các đối tượng xấu, không ý thức được hành vi của mình là tệ nạn xã hội, cũng như không nhận thức đúng đắn về tác hại của các hành vi trái đạo đức này. Có người điềm nhiên sử dụng ma túy, chất kích thích như một phép thử cho vui, cho biết với bạn bè, đôi khi còn xem chúng là một cách thức giải khuây. Một số cá nhân khác, việc sa chân vào tệ nạn xã hội không phải là ngẫu nhiên, tình cờ hay do thiếu hiểu biết mà do lối sống buông thả, thích hưởng thụ, không có mục đích sống.

Hậu quả của những tệ nạn trên dù lớn, dù nhỏ cũng đều gây những ảnh hưởng xấu đối với nhiều con người và cả đối với sự phát triển đất nước. Trộm cắp, lừa đảo đối với kẻ gây án thì sẽ trở thành tội phạm, rơi vào vòng lao lý, chịu sự trừng phạt của pháp luật, mất đi cuộc đời trong sạch và lương thiện, phải chịu sự ghét bỏ, kỳ thị của xã hội, ảnh hưởng đến cả con cháu sau này. Đối với người bị mất tài sản do trộm, cướp, lừa đảo, họ sẽ phải chịu đau đớn vì mất của cải dành dụm bấy lâu. Thậm chí lâm vào cảnh kiệt quệ, túng quẫn, mà đôi kia chính bản thân người bị hại lại trở thành người tiếp theo sa vào tệ nạn, đó là một điều đáng buồn. 

Cờ bạc, rượu bia lại trở thành một trong những nguyên nhân chính của các bi kịch trong gia đình. Những tệ nạn xã hội này có thể gây tan vỡ hạnh phúc gia đình, nảy sinh tình trạng bạo hành. Không chỉ vậy, việc sử dụng bia rượu, chất kích thích quá nhiều còn trở thành lưỡi hái tử thần, khi chúng bào mòn sức khỏe, làm tổn hại gan thận, suy nhược, ức chế thần kinh, vắt kiệt thể xác con người. Cuối cùng cuộc đời đang tươi đẹp lại trở nên mù mờ tăm tối với căn bệnh ung thư gan không thể chữa trị, chứng loạn thần mất kiểm soát hành vi gây nên những vụ án mạng thương tâm, bế tắc tuyệt vọng với HIV/AIDS, xấu hổ, nhục nhã với các căn bệnh giang mai, lậu,… Rồi tương lai của những đứa trẻ sống trong gia đình có cha mẹ vướng vào tệ nạn xã hội cũng trở thành một dấu hỏi lớn, khi mà chúng không nhận được sự giáo dục đàng hoàng, phải sống trong môi trường mà cái xấu luôn phơi bày trước mắt. Như vậy liệu có bao nhiêu đứa trẻ có thể phát triển một cách bình thường, trở thành một công dân lương thiện? 

Không chỉ tác động đến đời sống của một số cá nhân, tập thể, mà tệ nạn xã hội còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển đất nước. Tệ nạn ma túy, kéo theo những cuộc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ chất cấm với quy mô lớn, xuất hiện hàng loạt các tội phạm đặc biệt nguy hiểm, nhà nước phải dồn nguồn lực lớn để triệt phá các băng đảng, đường dây này để đảm bảo cuộc sống yên bình cho nhân dân. 

Đối với tệ nạn mại dâm, không chỉ trở thành một hình ảnh xấu xí của xã hội, mà nó còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục, làm lệch lạc tư tưởng của con người, là đặc trưng cho lối sống buông thả, lười biếng trong lao động, trở thành nguồn cơn làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, phá vỡ các mối quan hệ trong xã hội. 

Nhìn vào những tác hại ghê gớm của tệ nạn xã hội, mỗi chúng ta cần có ý thức tránh xa, không tham gia vào các tệ nạn xã hội, điều ấy không chỉ là bảo vệ chính bản thân mà còn là bảo vệ gia đình, người thân khỏi những tác động xấu, đồng thời cũng góp phần vào việc giữ gìn sự yên bình của xã hội. Quan trọng nữa là, gia đình và nhà trường phải có sự phối hợp trong việc giáo dục, nâng cao ý thức của con trẻ về tệ nạn cũng như những hậu quả mà nó gây ra, hướng các em đến lối sống lành mạnh, an toàn. Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng cần có những chương trình giáo dục, tuyên truyền về tệ nạn xã hội, nguy cơ và biện pháp phòng tránh, để đảm bảo mọi người dân, mọi đối tượng đều có những hiểu biết nhất định về tệ nạn, tự định hướng và bảo vệ bản thân mình tránh xa khỏi những tác nhân xấu xa.

Tệ nạn xã hội là kẻ thù vô hình và nguy hiểm vẫn luôn tiềm ẩn trong xã hội, gây ra những hậu quả và thiệt hại với nhiều tính chất, mức độ khác nhau, có ảnh hưởng lớn đến đời sống con người, bộ mặt xã hội và sự phát triển của đất nước. Trước tình hình đó, mỗi chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ, đóng vai trò rường cột tương lai lại càng phải ý thức được các tác hại của tệ nạn, đồng thời tránh xa, có lối sống lành mạnh, học tập, lao động thật tốt để phục vụ cho cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội. Đừng để sự thiếu hiểu biết, lối sống buông thả cắt đứt đi tiền đồ, tương lai rực rỡ của chính bản thân nhé các bạn trẻ.
 

3. Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người, mẫu số 3 (Chuẩn)

Cùng với guồng quay của sự phát triển, tệ nạn xã hội cũng ngày càng nguy hiểm và phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người. Tệ nạn xã hội nảy sinh từ chính những suy nghĩ, hành động tiêu cực, lệch lạc của con người rồi dần dần trở thành mối hiểm họa khôn lường đe dọa đến cuộc sống con người.

Tệ nạn xã hội nói chung bao gồm mọi hành vi, việc làm, thói quen rất phổ biến cả con người nhưng vì đó là những hành vi trái với đạo đức, đi ngược lại với các chuẩn mực văn hoá của xã hội thì ta gọi đó là tệ nạn xã hội – hiểu nôm na đó là những vấn nạn tồi tệ của xã hội. Tệ nạn xã hội bao gồm rất nhiều tệ nạn như: rượu chè, cờ bạc, mại dâm, ma tuý, mê tín dị đoan, trộm cắp, lừa đảo… Phải thú nhận rằng ở Việt Nam bất cứ nơi nào cũng tồn tại các tệ nạn xã hội, có chăng chỉ khác nhau về tình chất và mức độ. Đáng lo ngại nhất là những tệ nạn xã hội không chừa một ai, bất kể già – trẻ, trai – gái, giàu – nghèo, người khôn – kẻ ngu đều có thể trở thành nạn nhân của tệ nạn xã hội.

Để nói về nguyên nhân sinh ra tệ nạn xã hội phải đề cập đến nhiều khía cạnh, sự hình thành của tệ nạn cũng do sự tác động tổ hợp của kinh tế xã hội và con người. Trên mặt khách quan, sự phát triển kinh tế kéo theo sự du nhập nhiều những thói quen, hành vi mới không đúng chuẩn mực. Gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn hoặc gặp phải những chuyện bi kịch trong cuộc sống đều có thể dẫn con người ta đến với tệ nạn xã hội. Song sự giáo dục của nhà trường, gia đình và sự buông lỏng của cha mẹ đã tạo điều kiện như một mảnh đất màu mỡ để tệ nạn nảy mầm và sinh sôi phát triển. Điển hình như việc xuất hiện các loại tệ nạn như ma tuý, bóng cười, cỏ, ke, đá trong giới trẻ hiện nay đa số là du nhập từ nước ngoài. Gia đình không biết đến, nhà trường không tuyên truyền giáo dục thì các em hoàn toàn có thể sa ngã vào tệ nạn này. 

Về mặt chủ quan, những đối tượng dễ mắc tệ nạn xã hội chính là người trẻ, những người thiếu hiểu biết về tệ nạn xã hội, nhận thức hạn chế không biết đến những tác hại của tệ nạn. Cụ thể khi những bạn trẻ chơi ke, đá xong bị sang chấn tinh thần, ảnh hưởng não bộ khi được hỏi đều nói rằng “Em chỉ hút cho vui thôi chứ không biết nó nguy hiểm với sức khoẻ như thế”. Một khi đã mắc vào các tệ nạn xã hội, dù là tệ nạn nào đi nữa cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của bạn. Cụ thể như rượu chè thì bị suy gan suy thận, ma tuý thì dẫn đến HIV/AIDS, cờ bạc thì dẫn đến mất ăn mất ngủ, mê tín thì dẫn đến lo lắng bất an, thậm chí điên loạn… Không chỉ về mặt sức khỏe, tinh thần mà tệ nạn còn làm mất đi nhân cách con người, suy đồi đạo đức, tiêu biểu như các tệ nạn rượu chè, trộm cắp, ma tuý, mại dâm, một khi mắc vào những tệ nạn này con người ta không còn tỉnh táo, không kiểm soát được hành vi và suy nghĩ của mình nữa. 

Hạnh phúc gia đình cũng bị tệ nạn xã hội làm rạn vỡ, vợ chồng mâu thuẫn ly hôn, con cái bỏ mặc, bơ vơ không được giáo dục rồi cũng lại trở thành nạn nhân tiếp theo của tệ nạn xã hội. Tệ nạn xã hội không chỉ gây ra những hậu quả xấu về sức khỏe, nhân cách mà còn tác động trực tiếp đến kinh tế, hạnh phúc gia đình và an ninh xã hội. Biết bao gia đình phải phá sản, bán nhà cửa đi lang thang vì cờ bạc, lô đề, rồi những người vì không có tiền ăn chơi ma tuý mà chuyển sang cướp của giết người, trộm cắp tài sản, mãi mãi không thể quay lại con đường lương thiện. Những vụ giết người táo tợn, những vụ trộm sạch nhà cửa khiến cho mọi người đều hoảng sợ, lo lắng, an ninh trật tự an toàn xã hội luôn bị đe dọa bởi tệ nạn. Đã có biết bao trung tâm cải tạo được xây dựng với đội ngũ quản giáo, nhân viên tận tình giáo dưỡng nhưng không thấm là bao với thực trạng tệ nạn xã hội hiện nay. Giải pháp tốt nhất để loại trừ tệ nạn ra khỏi đời sống của chúng ta chính là mỗi người nên tự nâng cao nhận thức của mình tránh xa các tệ nạn xã hội, sống đời sống lành mạnh, văn minh. Mỗi gia đình phải là môi trường giáo dục cho con cái hiểu rõ về tác hại của các tệ nạn xã hội, phối hợp với nhà trường để quản lý con thật tốt, kịp thời ngăn chặn tệ nạn có cơ hội xâm nhập. Xã hội và cộng đồng cần tuyên truyền rộng rãi và mạnh mẽ hơn nữa, trở thành rào chắn tốt nhất trước các tệ nạn xã hội. 

Tệ nạn xã hội không chừa bất cứ ai, đặc biệt học sinh chúng ta lại là đối tượng dễ bị dụ dỗ nhất. Hãy trang bị cho mình những kiến thức cơ bản và cần thiết về các loại tệ nạn xã hội, xây dựng đời sống học tập rèn luyện lành mạnh. Tránh bị dụ dỗ và nên khuyên can bạn bè nếu có ý định sa vào tệ nạn. Bảo vệ bản thân trước tệ nạn xã hội là bảo vệ gia đình và cả xã hội…(Còn tiếp)
 

4. Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn xã hội với đời sống con người, mẫu số 4 (Chuẩn):

Sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đã đem đến những giá những thay đổi trong cuộc sống con người. Bên cạnh việc mang lại những điều tốt đẹp và tích cực như đời sống của con người được nâng cao, trang thiết bị hiện đại được cải tiến,… là việc phát sinh những vấn đề tiêu cực. Một trong số những hiện tượng thể hiện rõ điều này là sự xuất hiện của tệ nạn xã hội với hệ lụy đáng báo động.

Tệ nạn xã hội là cụm từ dùng để chỉ những hiện tượng mang tính tiêu cực, trái với pháp luật và vi phạm các quy chuẩn, chuẩn mực xã hội như nghiện ngập, cờ bạc, hút chích, mê tín dị đoan,… Thực tế cuộc sống hiện nay cho thấy, các tệ nạn này đang diễn ra vô cùng phức tạp và phổ biến ở mọi tầng lớp, đặc biệt là ở độ tuổi học sinh, sinh viên. Dù là những chủ nhân tương lai của đất nước nhưng thế hệ trẻ lại dễ dàng rơi vào vòng xoáy cám dỗ của việc ăn chơi đua đòi và thích hưởng thụ.

Nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của tệ nạn là do những hệ lụy của quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa gây ra. Tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn đến điều này xuất phát từ ý thức của con người. Trước những cám dỗ, thử thách, con người không đủ bản lĩnh, tự tin để vượt qua; đồng thời, tâm lí lười lao động, thích ăn chơi hưởng thụ là con đường ngắn nhất khiến con người đặt chân vào thế giới u tối của tệ nạn.

Như chúng ta đã biết, tệ nạn xã hội gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với đời sống xã hội. Trước hết, tệ nạn xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người, chẳng hạn như hút chích, nghiện ngập là con đường ngắn nhất dẫn đến căn bệnh thế kỉ mang tên HIV; rượu bia là nguyên nhân dẫn đến các căn bệnh như viêm gan, bệnh tim mạch, viêm loét dạ dày, và hàng loạt những vụ tai nạn giao thông thương tâm có liên quan đến việc tài xế sử dụng rượu bia khi lái xe…. Nhưng nghiêm trọng hơn, khi sa vào tệ nạn xã hội, con người sẽ dần bị tha hóa và suy đồi về đạo đức. Khi nghiện ngập, hút chích, những con nghiện sẽ mất dần ý thức, lí trí và tìm đủ mọi cách để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến những sự việc đáng buồn xảy ra như trộm cắp và thậm chí là giết người cướp của. Thời gian gần đây, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc nam ca sĩ Châu Việt Cường vì sử dụng ma túy quá liều, dẫn đến việc hoang tưởng và gây ra cái chết cho một cô gái trẻ. Và còn có vô số những vụ thảm án xảy ra mà nguyên nhân chính là do những ảo giác khi sử dụng ma túy. Như vậy, tệ nạn là một trong những cái nôi tiêu cực sản sinh, hình thành, nuôi dưỡng những đối tượng nguy hiểm và gây nguy hại đến nền an ninh, trật tự xã hội.

Từ những gì đã phân tích, có thể thấy rằng tệ nạn đã gây ra những hiểm họa khôn lường cho xã hội. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta cần đề ra những biện pháp, giải pháp cấp bách để hạn chế và đẩy lùi tệ nạn xã hội. Trước hết, chúng ta cần tuyên truyền, phổ biến về tác hại mà tệ nạn gây ra đối với bản thân, gia đình và xã hội. Đồng thời, mỗi một con người cần nâng cao ý thức để bảo vệ bản thân trước những cạm bẫy nguy hiểm do tệ nạn gây ra. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp quản lí, xử phạt để hạn chế sự phát triển của tệ nạn xã hội.

Như vậy, tệ nạn đã trở thành một trong những vấn nạn gây ra những hiểm họa khôn lường cho xã hội. Bởi vậy, là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta cần nỗ lực đấu tranh chống lại những cạm bẫy bằng việc rèn luyện lối sống lành mạnh, tích cực cho bản thân.

 

5. Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn xã hội với đời sống con người, mẫu số 5 (Chuẩn):

Xã hội ngày càng phát triển và tiến bộ, đất nước ta ngày càng hiện đại và văn minh tuy nhiên cái gì cũng luôn tồn tại hai mặt song song, sự phát triển của kinh tế xã hội mang lại nhiều giá trị lợi ích nhưng ngược lại cũng gây ra nhiều hệ lụy. Tệ nạn là một trong những hệ lụy gây nhức nhối hàng đầu đối với xã hội, tác hại của tệ nạn là nghiêm trọng và phức tạp, khó có thể lường trước được. Tệ nạn không phân biệt hay bỏ qua bất kì ai, chúng ta phải ý thức rõ tác hại của tệ nạn để tránh xa và thẳng tay chống lại các tệ nạn xã hội.

Đề cập đến vấn đề tác hại của tệ nạn, trước hết chúng ta phải hiểu được tệ nạn là gì, tệ nạn là như thế nào mà sao con người, cộng đồng và xã hội lại lên án ghê gớm đến vậy? Nhắc đến tệ nạn là nói đến những hành động, việc làm, hành vi của con người, đã trở thành hiện tượng phổ biến trong xã hội nhưng các hành vi này lại hoàn toàn đi ngược lại với các chuẩn mực xã hội, sai lệch đạo đức nhân cách, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến xã hội, đến sự văn minh tiến bộ của đất nước. Nói một cách cụ thể hơn, các hành vi được coi là tệ nạn xã hội bao gồm: Cờ bạc, rượu chè, ma túy, mại dâm, mê tín dị đoan, trộm cướp,… và còn vô số những tệ nạn khác đang nhũng nhiễu trong xã hội hiện nay. Không phải tự nhiên trong đời sống xã hội lại sinh ra những tệ nạn xã hội như trên, cũng không phải con người mắc các tệ nạn giống như bệnh dịch đột nhiên bùng phát mà thực tế tệ nạn bắt nguồn từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhất định.

Những nguyên nhân khách quan như sự phát triển của xã hội, sự quản lí và giáo dục của gia đình, nhà trường chính là tiền đề quan trọng dẫn đến sự có mặt của tệ nạn. Bên cạnh đó nguyên nhân hàng đầu quyết định là chính do sự tự ý thức, làm chủ hành vi của mỗi người. Xã hội phát triển, chiêu trò chơi cờ bạc càng tinh vi (chơi qua mạng internet), càng ngày càng có nhiều quán karaoke trá hình hoạt động mại dâm, và càng ngày người dân có nhiều tiền lại lao vào mê tín dị đoan quá mức. Ngày nay các tệ nạn ngày càng phức tạp, ma tuý ẩn mình dưới các dạng chất kích như đá, cỏ, ke, bóng cười , đối tượng sử dụng ngày càng trẻ hoá. Gia đình lơ là con cái, quản lí không sát sao, không để tâm đến đời sống tinh thần, hơn thế nhà trường lại thiếu liên kết với gia đình, khiến cho lứa tuổi học sinh dễ sa ngã tệ nạn xã hội. Bản thân mỗi người không tự ý thức được tác hại xấu của những tệ nạn, dễ bị lôi kéo dụ dỗ, con đường đến với tệ nạn thì vừa nhanh vừa dễ nhưng để quay trở lại thì rất khó và gian nan. Chính vì vậy chúng ta phải nhận thức được tác hại nghiêm trọng của tệ nạn để từ đó tránh xa hoàn toàn. 

Tác hại ngay trước mắt của những tệ nạn xã hội là ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tính mạng của người sa vào tệ nạn. Những tệ nạn ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ như: Rượu chè, ma tuý, mại dâm. Ma tuý là cái chết trắng, là con đường ngắn nhất dẫn đến HIV/AIDS – căn bệnh nguy hiểm khiến cho cơ thể hoàn toàn mất sức đề kháng, suy giảm sức khoẻ và có thể tử vong vì một bệnh nhẹ. Uống nhiều rượu bia gây ra các bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư thực quản, chảy máu dạ dày… hơn thế cả hai tệ nạn này đều tác động đến hệ thần kinh con người, khiến cho người sử dụng bị rối loạn thần kinh, không tự chủ và kiểm soát được hành vi của mình. Bên cạnh đó tệ nạn làm suy đồi đạo đức con người, làm cho con người mất đi nhân tính. Rất nhiều người uống rượu bia nhiều dẫn đến say xỉn liền chửi bới, đánh đập vợ con, tự tay huỷ hoại hạnh phúc gia đình. Lại có những người vì không có tiền mua ma tuý dùng liền đi trộm cắp, giết người cướp của gây mất an toàn, an ninh trật tự xã hội.

Tệ nạn cờ bạc đã cướp đi bao mái ấm gia đình, nhà cửa đang yên ổn bỗng trắng tay bơ vơ chỉ vì quân bài đỏ đen, những người đã sa vào tệ nạn cờ bạc càng chơi lại càng ham, càng thua lại càng muốn gỡ gạc chính gì vậy khó có người dứt ra được. Kinh tế gia đình vì những tệ nạn mà suy sụp, phá sản, kinh tế đất nước vì những thành phần tệ nạn xã hội mà trì trệ kém phát triển. Bộ mặt xã hội bị ảnh hưởng bởi những văn hoá không lành mạnh khi giữa lòng thủ đô trên những khu phố lại có những tụ điểm gái mại dâm (phố Trần Duy Hưng – Hà Nội), hàng loạt vụ tai nạn thương tâm vì người lái xe sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Nhà nước đã tốn nhiều chi phí cho xây dựng các trại cải tạo, trại cai nghiện và các hoạt động để bảo vệ an ninh trật tự xã hội, giải quyết các hậu quả của tệ nạn xã hội. Quả thực nếu muốn phát triển đất nước một cách vững mạnh trước hết phải xử lí triệt để vấn đề tệ nạn trong xã hội. 

Là người học sinh chúng ta phải nhận mặt điểm tên những tệ nạn đang tồn tại trong xã hội, bên cạnh đó phải luôn đề cao cảnh giác, tránh bị dụ dỗ và ý thức cao về tác hại của những tệ nạn đó. Bảo vệ bản thân trước những tệ nạn cũng chính là góp phần bảo vệ người thân, gia đình và xã hội.

——————-HẾT—————–

Sau khi tìm hiểu xong bài Nghị luận xã hội về tác hại của tệ nạn với đời sống con người, các em có thể tham khảo thêm các bài nghị luận khác như: Nghị luận xã hội về nạn bạo lực gia đình và ý kiến của em, Nghị luận xã hội chủ đề Nói không với những tệ nạn xã hội, Nghị luận xã hội về tệ nạn cờ bạc, Nghị luận về câu nói: Giáo dục là vũ khí mạnh nhất mà người ta có thể sử dụng để thay đổi cả thế giới.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-tac-hai-cua-te-nan-voi-doi-song-con-nguoi/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp