Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh lớp 9 hay nhất (6 Mẫu)

0
150
Rate this post

Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh lớp 9 bao gồm dàn ý chi tiết cùng 6 bài văn mẫu hay nhất được biên soạn và chọn lọc từ các bài văn đạt điểm cao trên toàn quốc sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em có thêm nhiều ý tưởng mới để hoàn thiện tốt bài nghị luận xã hội của mình thêm sinh động, sâu sắc nhất.

Đề bài: Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh

Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh lớp 9 hay nhất
Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh lớp 9 hay nhất

Dàn ý nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh

1. Mở bài

Dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận: tình trạng hút thuốc lá ở học sinh

2. Thân bài

a. Nêu biểu hiện cụ thể và thực trạng hút thuốc lá ở học sinh

– Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá đang diễn ra phổ biến và tràn lan trong thế hệ học sinh.

– Những cô cậu tuy còn đang ở độ tuổi vị thành niên nhưng trên tay và miệng phì phèo điếu thuốc.

– Có những bé trai chưa đến mười tuổi nhưng đã tập tành hút thuốc.

– Khói thuốc thật sự đã xâm nhập và len lỏi vào không gian trường học.

b. Nêu nguyên nhân dẫn đến hiện tượng hút thuốc lá ở học sinh

– Xuất phát do nhận thức của chính các bạn học sinh.

– Cho rằng hút thuốc là cách thức khẳng định sự chín chắn, trưởng thành và thể hiện rõ cá tính của bản thân.

– Tâm lí đua đòi, bắt chước bạn bè.

– Thiếu sự quan tâm của gia đình, bố mẹ.

c. Chỉ ra tác hại mà việc hút thuốc lá gây ra

– Thuốc lá là một trong những phát minh nguy hại nhất và là nguyên nhân gây ra cái chết cho nhiều người.

– Thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại dẫn đến rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư vòm họng và ung thư phổi.

– Thuốc lá không chỉ tác động xấu đến sức khỏe của người trực tiếp sử dụng nó mà khí còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh.

d. Đề xuất những giải pháp trước thực trạng hút thuốc lá ở học sinh

– Nâng cao nhận thức của thế hệ học sinh về tác hại của khói thuốc bằng việc đẩy mạnh các phương pháp tuyên truyền, phổ biến trong trường học.

– Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc giáo dục và quan tâm đến những thay đổi trong tâm lý của trẻ vị thành niên.

3. Kết bài

– Nêu lên bài học nhận thức và hành động.

– Liên hệ bản thân.

Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh – Mẫu 1

“Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe” là câu nói vô cùng quen thuộc và được in ấn rõ ràng, công khai trên bao bì của những gói thuốc, thậm chí, khẩu hiệu này còn xuất hiện kèm theo hình ảnh của những lá phổi đen sì bởi khói thuốc. Vậy mà từng ngày, từng giờ, tỉ lệ người hút thuốc vẫn không ngừng tăng lên và đáng báo động hơn, tình trạng này lại diễn ra phổ biến ở lứa tuổi các bạn học sinh và thanh thiếu niên.

Hiện nay, tình trạng hút thuốc lá đang diễn ra phổ biến và tràn lan trong xã hội nói chung, đặc biệt là trong thế hệ học sinh nói riêng. Thật không quá khó để bắt gặp hình ảnh những cô cậu tuy còn đang ở độ tuổi vị thành niên nhưng trên tay và miệng phì phèo điếu thuốc, thậm chí có những bé trai chưa đến mười tuổi nhưng đã tập tành hút thuốc. Trên các phương tiện truyền thông hay mạng xã hội, cũng xuất hiện những video ghi lại cảnh tượng những cậu nhóc mới lớn đang hút thuốc với mục đích khẳng định bản thân. Khói thuốc thật sự đã xâm nhập và len lỏi vào trường học – nơi vốn là không gian của tri thức và những con chữ. Trong làn khói thuốc độc hại là những khuôn mặt ngây thơ, non nớt và không hề hay biết rằng bản thân đã mở ra cánh cửa cho phép bệnh tật đặt chân vào cuộc đời mình. Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng đáng báo động này?

Thực trạng hút thuốc lá đang lan truyền mạnh mẽ trong thế hệ trẻ xuất phát trước hết do nhận thức của chính các bạn học sinh. Với suy nghĩ sai lệch cho rằng hút thuốc là cách thức khẳng định sự chín chắn, trưởng thành và thể hiện rõ cá tính của bản thân, các bạn đã tập tành việc hút thuốc và dần dần hình thành thói quen sử dụng thuốc lá. Bên cạnh đó, không ít bạn hút thuốc vì tâm lí đua đòi và học theo bạn bè và cũng có những bạn tìm đến thuốc lá như một giải pháp để giảm bớt căng thẳng, áp lực. Vô hình trung, các bạn đều chưa nhận thức đúng và đủ về tác hại của thuốc lá.

Theo thống kê của đài BBC, thuốc lá là một trong những phát minh nguy hại nhất và là nguyên nhân gây ra cái chết cho nhiều người: “Nó đã cướp khoảng 100 triệu sinh mạng trong thế kỉ XX” (theo nghiên cứu của Robert N.Proctor). Điều này là do thành phần cấu tạo của thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại dẫn đến rất nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư vòm họng và ung thư phổi. Thuốc lá không chỉ tác động xấu đến sức khỏe của người trực tiếp sử dụng nó mà khói thuốc khi hòa lẫn vào không khí còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Đặc biệt, việc học sinh sử dụng thuốc lá còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của đất nước.

Đứng trước thực trạng trên, chúng ta cần đề ra những giải pháp cấp thiết để ngăn chặn và hạn chế những tác hại do thuốc lá gây ra. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của thế hệ học sinh về tác hại cũng như ảnh hưởng của khói thuốc đối với sức khỏe, tinh thần, tâm lí của người sử dụng bằng việc đẩy mạnh các phương pháp tuyên truyền, phổ biến trong trường học. Đồng thời, nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc giáo dục và quan tâm đến những thay đổi trong tâm lý của trẻ vị thành niên.

Hành động hút thuốc có thể tác động xấu đến tương lai của chính người sử dụng cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của những người xung quanh. Bởi vậy, là những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời là thế hệ mầm măng tương lai của đất nước, chúng ta cần nhận thức rõ hơn về điều này và tránh xa thuốc lá.

Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh – Mẫu 2

Hút thuốc lá tưởng chừng như đã được cảnh báo với rất nhiều những hậu quả sau đó nhưng vẫn có rất nhiều người không từ bỏ thói quen xấu này. Một thực trạng đáng buồn hơn nữa là tình trạng hút thuốc lá hiện nay đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt là ở lứa tuổi học sinh.

Hiện nay, không quá khó khăn để chúng ta có thể bắt gặp những bạn trẻ phì phèo điếu thuốc lá ở vỉa hè, các quán game hay thậm chí là những góc khuất của các trường học. Có những bạn còn rất trẻ, chỉ khoảng học sinh cấp 2, cấp 3 cũng đã tập tành hút thuốc. Thậm chí, có những bạn chỉ mới là học sinh cấp 3 thôi cũng đã trở thành con nghiện thuốc lá, đi đâu cũng có sẵn bao thuốc ở trong cặp. Có những bạn vì sợ sệt nên hút len lút, vụng trộm. Nhưng cũng có những bạn thì nghênh ngang cầm điếu thuốc đi khắc nơi. Thực trạng hút thuốc lá ở lứa tuổi học sinh đang thực sự ở con số đáng báo động.

Các bạn trẻ ở tuổi học sinh vẫn còn những non nớt trong tư duy và nhận thức của bản thân. Họ đang bị lầm tưởng hay ngộ nhận việc hút thuốc lá là biểu hiện của sự trưởng thành, chính chắn. Hay nói đúng hơn, các bạn đang có tâm lý muốn học làm người lớn, muốn thể hiện cái tôi cá nhân của mình cho mọi người thấy. Họ muốn thể hiện “bản lĩnh người lớn”, muốn ra oai với các bạn đồng trang lứa. Hay đó cũng có thể là các bạn trẻ gặp quá nhiều những áp lực từ nhiều phía, bị bế tắc nên tìm phương thức giải tỏa bằng cách hút thuốc lá… Bên cạnh đó, rất nhiều bạn trẻ cũng bị những chi phối bởi những tác động khách quan bên ngoài. Ví dụ như các bạn bị những nhóm bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo tập hút thuốc cho đúng là “đàn anh, đàn chị”. Hay ngay trong cuộc sống, trong gia đình có những người nghiện thuốc lá, làm cho các bạn trẻ học theo những tấm gương đó. Một trong những nguyên nhân không thể không nhắc tới chính là sự thiếu quan tâm, sự giáo dục còn lỏng lẻo của gia đình và nhà trường.

Tuy nhiên, những hành động thiếu suy nghĩ ấy của các bạn lại đem lại những hậu quả khôn lường. Ảnh hưởng đầu tiên ảnh hưởng trực tiếp tới các bạn chính là sự suy giảm về sức khỏe. Chúng ta đều biết trong thuốc lá có chứa những chất có hại cho tim, phổi, họng và rất nhiều cơ quan khác trong cơ thể của con người. Khói thuốc lá xâm nhập dần vào cơ thể, làm giảm chức năng và hủy hoại các bộ phận của cơ thể. Rất nhiều những căn bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là ung thư cũng từ việc hút thuốc lá mà ra. Thuốc là giống như một loại thuốc độc đang ngày một bào mòn sức khỏe của con người. Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của cá nhân người hút thuốc mà nó còn ảnh hưởng tới cả những người xung quanh khi tiếp xúc với khói thuốc. Khói thuốc hít phải thậm chí còn độc hại đến sức khỏe nhiều hơn cả người hút thuốc. Hơn nữa, việc hút thuốc và mùi khói thuốc còn gây ra sự khó chịu cũng như ảnh hưởng tới môi trường sống xung quanh. Hút thuốc lá sẽ tạo ra thói quen xấu cũng như tạo những tấm gương không tốt cho những người xung quanh. Đặc biệt, với những bạn ở lứa tuổi thanh thiếu niên, việc hút thuốc lá sẽ khiến cho mọi người có đánh giá và cái nhìn không tốt về bạn, ảnh hưởng tới các mối quan hệ cũng như tương lai sau này.

Chính vì những điều đó, chúng ta cần có những biện pháp kịp thời để hạn chế tối đa tình trạng này xảy ra ở giới trẻ. Gia đình và nhà trường cần có cách giáo dục, nâng cao nhận thức cũng như có cách xử lý phù hợp cho con em mình về việc hút thuốc lá. Mỗi người hãy là một tấm gương tốt, nói không với thuốc lá để trẻ học theo. Cần tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhân thức của toàn dân về tác hại của thuốc lá bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức phong trào tập huấn, truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng…

Hút thuốc lá cũng chính là hủy hoại tương lai của bạn. Hãy tập cho mình lối sống lành mạnh, vui vẻ để thuốc lá không ăn mòn đi sức khỏe và tương lai chính mình.

Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh – Mẫu 3

Thuốc lá, một chất gây nghiện dưới dạng sợi được cuốn lại, nhồi vào giấy có dạng hình trụ. Trong thuốc lá có chứa hơn bảy nghìn chất khác nhau. Trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe. Dù rất độc hại, nhưng thuốc lá đã trở thành thứ không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người. Đặc biệt gần đây, độ tuổi hút thuốc lá có chiều hướng chuyển thành những người trẻ, những người học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thuốc lá là một chất độc, thành phần hỗn tạp với nhiều chất gây ung thư cho cơ thể người hút và cho những người xung quanh. Trong thuốc lá lại có thành phần của Nicotine ( một chất gây nghiện tác động trực tiếp tới hệ thần kinh ở não). Người hút thuốc sẽ tạm thời cảm thấy sảng khoái, tâm trạng vui vẻ, tăng chú ý, tăng hoạt động nhận thức.

Việc hút thuốc lá ở học sinh đang diễn ra ngày một nhiều, phổ biến. Từ những em học sinh vẫn còn đeo trên cổ chiếc khăn quàng đỏ, cho tới những anh lớn hơn sắp tốt nghiệp ra trường. Những học sinh ấy hút thuộc ở mọi nơi, không hề kiêng kị điều gì cả. Dù là trong trường học, trong lớp học khi không có sự giám sát của giáo viên. Hay ở ngoài đường, ngoài quán nước vỉa hè. Ở bất cứ đâu, chúng ta cũng có thể bắt gặp những cậu học trò vẫn mang trên mình chiếc áo đồng phục học sinh, nhưng trên tay đang cầm điều thuốc.

Tác hại của thuốc lá thì chắc hẳn ai cũng biết. Nhà trường, xã hội vẫn không ngừng tuyên truyền tác hại của thuốc lá đến mọi người. Nhất là ở trong nhà trường. Việc giáo dục học sinh tránh xa tệ nạn là một trong những mục tiêu giáo dục của người giáo viên. Tác hại của thuốc lá là vô cùng nghiêm trọng. Vì chứa nhiều chất gây ung thư, nên người hút thuốc lá rất dễ bị mắc bệnh về ung thư. Nhất là ung thư phổi. Ngoài ra, bởi có chất gây nghiện, nên nếu đã hút thuốc vài lần. Họ rất có khả năng không thể bỏ được thuốc lá. Và bị phụ thuộc vào nó, biến thuốc lá thành thứ sử dụng hàng ngày, hàng giờ. Có rất nhiều người, lấy thuốc lá làm niềm vui trong cuộc sống. Một ngày có thể hút một bao ( hai mươi điếu thuốc). Người nghiện thuốc lá luôn có cảm giác nhạt mồm, nếu không hút thuốc không thể tập trung được trong công việc. Không chỉ như vậy, thuốc lá còn ảnh hưởng cả đến những người xung quanh. Những người không trực tiếp hút thuốc mà chỉ thụ động hít khói từ người hút. Có rất nhiều đứa trẻ sinh ra đời bị tật nguyền, chỉ bởi vì lúc mang thai người mẹ hít phải nhiều khói thuốc. Theo nghiên cứu cảu khoa học, người hít khói thuốc lá từ người hút còn có nguy cơ ung thư cao hơn gấp sáu lần người hút. Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng tới bản thân, mà còn tới những người xung quanh. Vậy sao thuốc lá lại trở nên thông dụng như vậy.

Lí do rất đơn giản vì có lẽ mọi người đã thử một lần và bị nghiện không bỏ lại được. Cũng có thể trong thuốc lá có một số chất kích thích gây cảm giác hưng phấn cho người hút. Với học sinh, những người trẻ tuổi. Hút thuốc lá dường như là một quy luật để tập thành người lớn. Họ cho rằng, hút thuốc lá thể hiện sự trưởng thành, muốn được thể hiện bản thân trước bạn bè cùng chang lứa, trước xã hội. Cũng có thể do áp lực từ học tập, từ gia đình, làm cho họ tìm đến thuốc lá. Và làm cho thuốc lá thành một thứ thân thuộc trong cuộc sống. Để rồi họ quên mất chính bản thân mình đã nghiện thuốc từ lúc nào không biết.

Thuốc lá, là chất gây nghiện từ từ. Nó thấm dần vào cơ thể con người và làm sức khỏe con người ngày một xấu đi. Còn với học sinh, hút thuốc lá nhiều có thể làm giảm khả năng ghi nhớ. Mất tập trung trong quá trình học tập, suy giảm hiệu quả học tập. Nguy hiểm hơn, còn gây ảnh hưởng tới quá trình hô hấp của con người. Suy giảm khả năng hô hấp, gây hậu quả vô cùng nghiệm trọng. Ở nước ta một năm có hơn bốn mươi ngàn người tử vong vì thuốc lá và hơn ba mươi triệu người không hút thuốc bị ảnh hưởng. Con số thật sự quá lớn.

Việc cấm hút thuốc ở học sinh là một trong những nôi quy được nhà trường nghiêm khắc chấp hành. Nhưng việc quản lí học sinh vẫn còn nhiều khó khăn. Chưa kể thuốc lá được bán tràn lan trên thị trường, và chúng ta có thể mua được ở bất cứ đâu. Không có một quy định nào xử phạt những người bán thuốc lá cho trẻ vị thành niên. Cũng như chưa có những biện pháp nào chặt chẽ góp phần đẩy lùi tệ nạn hút thuốc ở học sinh. Thiết nghĩ, cá nhân mỗi học sinh cần tự có ý thức về mức độ nguy hiểm của thuốc lá. Tự biết khống chế hành vi, cảm xúc của bản thân, để tránh mắc phải sai lầm không đáng có.

Trong một xã hội đang phát triển, văn hóa con người ngày càng được nâng cao. Việc kì thị người hút thuốc đã trở nên thiết thực hơn, nhiều nhà hàng, rạp chiếu phim, siêu thị đã có những biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng hút thuốc. Những việc làm thiết thực ấy đã hạn chế phần nào, việc khói thuốc ở khắp mọi nơi. Và người hút thuốc dần bị thu hẹp không gian hơn, bị cô lập nhiều hơn. Họ thường bị người khác xa lánh mỗi khi hút thuốc, tạo cảm giác cô đơn, trống vắng.

Xã hội luôn là quá trình đào thải không ngừng. Là học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước. Hãy xây dựng cho mình một phương châm sống lành mạnh, hiệu quả. Tránh xa tệ nạn, học tập thật tốt để vững bước trên con đường tương lai. Trở thành những người có ích trong xã hội, được xã hội công nhận. Đừng vì sĩ diện bản thân mà đánh mất những giá trị tốt đẹp đang chờ đón bạn ở phía trước. Thuốc lá là một chất độc, hủy hoại cuộc sống của con người.

Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh – Mẫu 4

“Trời, hút thuốc chứ có làm gì bậy đâu mà sợ? Nhiều người hút chứ đâu phải mình tui ?”. Một trong những học sinh mà tôi gặp tại quán cà phê trong một khu cư xá vừa phì phèo thuốc vừa “phán” như thế. Học sinh này và bốn cậu bạn khác mới ra khỏi cộng trường đã vèo ngay đến đây để làm cử cà phê chiều. Chỉ trong vòng hơn một tiếng, năm “ống khói tàu” này đã đốt liên tục đến hơn một gói. Một trong số những em cười khẩy: “Uống cà phê mà không hút thuốc thì mất vị hết”.

Quan sát các bàn khác, tôi bắt gặp ít gương mặt non choẹt cũng đang rít thuốc đẩy vẻ chuyên nghiệp. Khói thuốc bay mù mịt khắp không gian quán vốn đã chẳng rộng rãi thoáng mát gì. Thế nhưng những anh chàng này vẫn điềm nhiên như thể việc mình làm chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới dù thấy rõ ràng vài bạn gái ngồi bàn đấy nãy giờ đưa tay che mũi.

Khác hẳn với những bạn gái này, một cô bạn gái khác mới học lớp 11 mà tôi thường gặp tại quán cà phê chẳng những không hề dị ứng mà còn thở khói điệu nghệ chẳng kém gì mấy cậu con trai trong quán. Nhóm bạn của cô gái cũng có vài nàng dù không hút thường xuyên những tối vào vô “sàn” cũng lập lòe đóm thuốc trên môi cho thêm phần sành điệu.

Không chỉ “lộng hành” người giờ học, nhiều “ông khối tàu” còn lén lút “nhả khói” ngay trong trường. Mặc dù trường nào cũng có nội quy cấm học sinh hút thuốc nhưng tại nhiều trường hiện tượng này vẫn ngày càng tăng. Cũng có cậu chơi liều hút ngay trên sân trường, nhưng đa số đều tìm chỗ kín đáo để hút lén lút. Nhà vệ sinh vẫn được xem là “điểm hẹn lí tưởng” của các “ống khói tàu” học trò dù các thầy cô giám thị thường xuyên kiểm tra gắt gao. Một học sinh cho biết: “Kiểm tra vậy thôi chứ khó bắt tại trận được lắm!”.

Lí do hút thuốc của các cô cậu học trò quanh đi quẩn lại cũng chỉ có bấy nhiêu: thích chứng tỏ mình, tò mò, bị bạn bè lôi kéo. Đơn giản vì lứa tuổi của chúng ta vẫn chưa chín chắn, dễ dàng bị tác động. Thế nhưng, nhiều bậc phụ huynh chẳng những không kịp thời uốn nắn con em mình mà còn tiếp tay làm gương xấu trong việc hút thuốc. Cũng em học sinh trên phát biểu một câu xanh rờn: “Ba tui cũng biết tui hút thuốc nhưng đâu có la tui được vì ổng cũng nghiện thuốc lá mà !”.

Điều đáng nói nhất là lâu nay đã có luật cấm bán thuốc lá cho khách hàng dưới 18 tuổi nhưng hầu như học sinh nào cũng có thể mua thuốc dễ dàng như mua kẹo. Các xe thuốc lá đầy rẫy khắp thành phố, thậm chí còn “bao vây” trước nhiều cổng trường. Người bán hàng chẳng màng quan tâm “thượng đế” của mình bao nhiêu tuổi mà chỉ cần có tiền là có thuốc.

Y học đã chứng minh rằng thuốc lá chứa đến 4000 hóa chất, trong đó có 43 chất gây ung thư. Nó chính là một “tử thần thầm lặng” dẫn đến nhiều căn bệnh như ung thư phổi, nhồi máu cơ tim… Và không người hút thuốc chủ động mà cả những người hút thuốc thụ động cũng có nguy cơ tương tự. Tuy nhiên, nói theo lời cô Mĩ Hạnh là: “Nhiều em vẫn chưa hiểu được tác hại của thuốc lá do công tác tuyên truyền chưa mạnh mẽ”.

Chính vì thế, để tuyên truyền với thuốc lá, thời gian gần đây đã có nhiều hoạt động như Tuần lễ quốc gia không hút thuốc lá, Trung tâm Công tác Xã hội Thanh niên vừa triển khai dự án “Ngăn ngừa hành vi hút thuốc lá ở trẻ vị thành niên” ở lớp 10 trường cấp II cấp II và Trung tâm giáo dục thường xuyên. Mục tiêu của dự án là 100% học sinh của các trường này hiểu rõ về tác hại của thuốc lá, không sử dụng các chất gây nghiện và thuốc lá, thành lập câu lạc bộ “Tuổi trẻ năng động” tại mỗi trường và thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tuyên truyền. Đặc biệt, sẽ có nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao được tổ chức để giúp học sinh có cuộc sống lành mạnh và tránh xa “tử thần thầm lặng” này.

Cả xã hội đang tuyên chiến với thuốc lá. Lẽ nào bạn lại đứng ngoài và tiếp tục tự đốt cháy cuộc đời mình.

Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học sinh – Mẫu 5

Xã hội ngày càng phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kéo theo đó là nhiều nỗi lo về sự gia tăng của những tệ nạn, vấn nạn ngày càng diễn biến phức tạp. Một trong những vấn đề nóng bỏng nhận được sự quan tâm của toàn dư luận hiện nay chính là việc hút thuốc lá điện tử ở học sinh ngày càng phổ biến.

Để hiểu hơn về những tác hại của thuốc lá điện tử, trước hết chúng ta cần tìm hiểu về nó. Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng chứa nicotine, biến dung dịch này thành hơi để người hút có thể hít vào phổi. Một số thuốc lá điện tử nhìn bề ngoài có hình dáng giống với thuốc lá điếu truyền thống hay xì gà. Những loại khác trông giống như bút hoặc ổ đĩa flash hoặc có những thiết kế hoàn toàn khác lạ.

Theo số liệu thống kê, năm 2019 tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm học sinh tuổi từ 13-17 tại Việt Nam là 2,6%. Có rất nhiều em học sinh hút thuốc lá điện tử trong và ngoài khuôn viên trường học. Việc hút thuốc lá điện tử hiện nay đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Chúng ta rất dễ dàng để bắt gặp học sinh hút thuốc lá điện tử ở mọi lúc, mọi nơi, mọi vùng miền kể cả ở nơi công cộng.

Nguyên nhân của vấn nạn này trước hết là do ý thức chủ quan của con người, các em thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử nên hút, trong thuốc có chất nicotin dẫn đến gây nghiện và dần dần trở nên nghiện. Có nhiều thanh niên muốn thể hiện bản thân mình, muốn người khác thấy mình sành điệu, là dân chơi nên đua đòi hút thuốc. Nguyên nhân khách quan có thể nhắc đến chính là do tác động của các yếu tố bên ngoài, bị những người xung quanh, bạn bè rủ rê hút nên hút theo.

Việc nghiện thuốc lá điện tử sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Thuốc lá trước tiên ảnh hưởng đến người hút. Nó gây ra 90% trường hợp ung thư phổi, 75% các trường hợp phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% các trường hợp bệnh tim thiếu máu cục bộ. Hút thuốc lá nói chung làm giảm tuổi thọ ở nam khoảng 13,2 năm và ở phụ nữ khoảng 14,5 năm những bệnh gây ra do thuốc lá không những làm giảm tuổi thọ mà còn lấy đi chất lượng sống của bạn nhiều năm trước khi chết do nó hạn chế các hoạt động vì khó thở, mệt mỏi khi vận động, làm việc, vui chơi. Việc hút thuốc thụ động gây nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em. Ở người lớn, hút thuốc lá thụ động gây ung thư phổi, ung thư vú, các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, dễ sinh non. Ở trẻ em, phơi nhiễm khói thuốc làm tăng nguy cơ mắc viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, hen suyễn, kém phát triển chức năng phổi…

Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay, trước hết mỗi cá nhân cần tự nhận thức đúng đắn được những tác hại to lớn của thuốc lá đồng thời không sử dụng nó. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tuyên truyền đến những người xung quanh về tác hại của thuốc lá điện tử; gia đình cần phải giáo dục con em mình biết về tác hại của chúng để phòng tránh. Ngoài ra, nhà nước cần có biện pháp tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và xử lí nghiêm những tình trạng hút thuốc nơi công cộng. Mỗi con người một hành động nhỏ cùng chung tay thì sẽ hạn chế tối đa được vấn nạn thuốc lá.

Việc hút thuốc lá điện tử không còn quá xa lạ trong cuộc sống của mỗi con người. Biết rằng chúng chỉ mang lại những tác hại, nên mỗi chúng ta hãy cùng chung tay, góp sức để hạn chế việc hút thuốc vừa để bảo vệ chính mình, vừa để bảo vệ môi trường sống lành mạnh.

Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá điện tử ở học sinh – Mẫu 6

Mỗi người chúng ta, ai cũng biết được rắng hút thuốc lá là việc làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Hút thuốc lá có thể gây ra bệnh về phổi, gan, tim, khoa học và thực tế đã chứng minh rằng nếu một người hút thuốc lá thường xuyên trong vòng nhiều năm thì tuổi thọ sẽ giảm đi rất nhiều so với những người không hút thuốc lá. Tuy nhiên, họ vẫn bất chấp hút. Họ có lo sợ nhưng họ vẫn hút. Điều này vẫn luôn là thứ khiến nhiều người khó hiểu. Và hiện nay, hiện tượng hút thuốc lá điện tử trong học sinh ngày càng trở nên phổ biến một cách kỳ lạ. Chính điều đó, đã gây ảnh hưởng rất lớn đến những người xung quanh.

Vậy thuốc lá điện tử là gì? Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng chứa nicotine, biến dung dịch này thành hơi để người hút có thể hít vào phổi. Một số thuốc lá điện tử nhìn bề ngoài có hình dáng giống với thuốc lá điếu truyền thống hay xì gà. Những loại khác trông giống như bút hoặc ổ đĩa flash hoặc có những thiết kế hoàn toàn khác lạ.

Bạn biết không, trong thuốc lá có cocain dễ gây nghiện, khi hút có thể nó kích thích sự hưng phấn cho người hút nhưng nó lại gây ra tác hại rất lớn. Nó làm thành màng đen bao lấy phổi, hút càng nhiều thì diện tích màng đen càng lớn gây bệnh cho người hút. Không chỉ cá nhân người hút mà hút thuốc thì người gần anh cũng hít phải khói độc. Vợ con, những người xung quanh cũng bị nhiễm độc, cũng đau tim mạch, viêm phế quản, ung thư đặc biệt người hít phải khói thuốc còn có khả năng bị bệnh cao gấp mười lần người hút thuốc. Hút thuốc cạnh một người đàn bà có thai quả là một tội ác.

Theo số liệu thống kê, năm 2019 tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở nhóm học sinh tuổi từ 13-17 tại Việt Nam là 2,6%. Có rất nhiều em học sinh hút thuốc lá điện tử trong và ngoài khuôn viên trường học. Việc hút thuốc lá điện tử hiện nay đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Chúng ta rất dễ dàng để bắt gặp học sinh hút thuốc lá điện tử ở mọi lúc, mọi nơi, mọi vùng miền kể cả ở nơi công cộng.

Nguyên nhân của vấn nạn này, trước hết phải nói đến là do ý thức chủ quan của con người. Các em học sinh là những đứa trẻ và chúng thiếu hiểu biết về tác hại của thuốc lá điện tử. Do đó, những học sinh đã thử hút và vì trong thuốc có chất nicotin nên dẫn đến gây nghiện và dần dần trở nên nghiện. Không những thế, còn có nhiều thanh niên muốn thể hiện bản thân mình, muốn người khác thấy mình sành điệu, là dân chơi nên đua đòi hút thuốc nhằm thể hiệ bản thân mình độc đáo. Thật nực cười! Nguyên nhân khách quan có thể nhắc đến chính là do tác động của các yếu tố bên ngoài, bị những người xung quanh, bạn bè rủ rê hút nên hút theo.

Để hạn chế được tối đa vấn nạn thuốc lá điện tử hiện nay, trước hết mỗi cá nhân cần tự nhận thức đúng đắn được những tác hại to lớn của thuốc lá đồng thời không sử dụng nó. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải tuyên truyền đến những người xung quanh về tác hại của thuốc lá điện tử; gia đình cần phải giáo dục con em mình biết về tác hại của chúng để phòng tránh. Ngoài ra, nhà nước cần có biện pháp tuyên truyền về tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và xử lí nghiêm những tình trạng hút thuốc nơi công cộng. Mỗi con người một hành động nhỏ cùng chung tay thì sẽ hạn chế tối đa được vấn nạn thuốc lá.

Vì sức khỏe của chính chúng ta và mọi người, hãy bỏ thuốc lá từ ngay hôm nay. Từ bỏ thuốc lá, trước hết là yêu bản thân mình, tiếp theo đó là yêu gia đình và xã hội. Hãy từ bỏ khi còn có thể nhé!

***************

Trên đây là 6 bài văn mẫu Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh hay nhất. Để tìm hiểu thêm những thực trạng đáng báo động trong học đường hiện nay, bên cạnh bài Nghị luận xã hội về tình trạng hút thuốc lá ở học sinh, các em không nên bỏ qua những bài văn nghị luận đặc sắc khác như: Nghị luận về vấn đề sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt của học sinh hiện nay, Nghị luận về việc lạm dụng điện thoại di động ở học sinh, Nghị luận xã hội về ý thức chào hỏi của học sinh hiện nay, Nghị luận xã hội về thói ăn chơi, đua đòi của học sinh thời nay.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/nghi-luan-xa-hoi-ve-tinh-trang-hut-thuoc-la-o-hoc-sinh/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp