Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ

0
108
Rate this post

Đề bài: Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ

phan tich bai day thon vi da

Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ

Bạn đang xem: Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ

I. Dàn ý Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

2. Thân bài:

a. Khổ thơ đầu: Bức tranh thiên nhiên tươi sáng, thanh khiết:
– Sao anh không về chơi thôn Vĩ?:
+ Lời mời chân chất, mong cố nhân về thăm lại miền đất cố đô.
+ Lời trách yêu, một lời hờn dỗi kín kẽ của người con gái.
+ Lời chính Hàn Mặc Tử đang thầm hỏi bản thân, thể hiển những nỗi buồn, nỗi bất lực của nhà thơ trước khốn cảnh cuộc đời.

– Hình ảnh “nắng hàng cau” dường như là biểu tượng của mảnh đất cố đô, của thôn Vĩ Dạ.
→ Nắng xen qua từng kẽ lá, phủ lên những ngọn cau, mở ra một không gian thoáng đãng, ấm áp và tràn đầy sức sống, sự tươi mới, mát mẻ.
– Tính từ “mướt” và phép so sánh “xanh như ngọc” đã diễn tả thật đầy đủ, cái cảnh vườn tược tươi tốt, lá non mỡ màng.
– Hai từ “vườn ai” là ý hỏi tình tứ, sự xuất hiện của con người một cách thấp thoáng, ẩn hiện mang đến cho bức tranh thiên nhiên vẻ đẹp lãng mạn.
– “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”: Hình ảnh người con gái xứ Huế thật dịu dàng với những vẻ đẹp đáng quý, dáng mặt chữ điền phúc hậu, hiền từ.

b. Khổ thơ 2: Bức tranh thiên nhiên buồn bã, cô quạnh:
– “Gió theo lối gió mây đường mây” mang đến cảm giác chia ly, tan tác, cũng như mối tình của ông và nàng Kim Cúc buộc phải chịu cảnh đôi người đôi ngả, thầy tiếc nuối.
– Dòng sông Hương ảm đạm buồn bã “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”, hình ảnh hoa bắp lay theo ngọn gió, nhắc nhở đến cảnh tượng đơn độc, lẻ loi.

– “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó”:
+ Hình ảnh đẹp và thơ mộng, khi ánh trăng rọi xuống lòng sông, những gợn sóng nhỏ làm cho mặt sông lấp lánh tưởng như ánh trăng đã hòa vào cả dòng sông xanh.
+ Bộc lộ nỗi cô đơn, trống vắng, cũng như những tình cảm, tâm trạng rối rắm trong lòng tác giả.
+ Hàn Mặc Tử sợ hãi sự cô đơn, lạnh lẽo, không người đồng cảm, vội vã hỏi “có chở trăng về kịp tối nay?”, để ít nhiều cũng được gần gũi, tận hưởng ánh trăng lãng mạn.

c. Khổ thơ cuối: Bức tranh tâm hồn kỳ dị, phức tạp:

– “Mơ khách đường xa, khách đường xa:
+ Cảnh trong mộng với hình ảnh người khách lữ thứ mờ ảo, xa cách, nhiều xót xa, tự cho mình chỉ là một vị khách đường xa, lướt qua cuộc đời người con gái thôn Vĩ Dạ.
– “Áo em trắng quá nhìn không ra”, tiết lộ sự vô vọng trong mối tình của Hàn Mặc Tử với cô Kim Cúc mà còn biểu trưng cho cuộc đời ngắn ngủi đang dần đến hồi cuối của Hàn Mặc Tử.
– “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” là một câu thơ có nhiều ý tứ, hình ảnh sương khói bao trùm cũng là một hình ảnh đặc trưng của xứ Huế những ngày đông lạnh, một mặt khác còn là thể hiện sự ngăn cách vô hình trong tâm hồn giữa Hàn Mặc Tử và người con gái ông mong nhớ.

– “Ai biết tình ai có đậm đà?”:
+ Tác giả không thể thấu rõ tình cảm của người con gái ấy, ông chỉ đành hỏi một câu như hờn, như trách.
+ Lời hỏi dành cho người con gái Huế, liệu rằng có hiểu cho tấm lòng của của người khách phương xa đang độ “đậm đà” này hay không?

3. Kết bài:

Nêu cảm nhận chung.

II. Bài văn mẫu Phân tích bài Đây thôn Vĩ Dạ (Chuẩn)

Trong phong trào thơ Mới, Hàn Mặc Tử nổi lên như một hiện tượng lạ, với những vần thơ vừa trong trẻo, tinh khiết cũng lại vừa kỳ dị, điên cuồng. Lại nhìn vào cuộc đời ngắn ngủi và đầy rẫy những đau thương, mất mát của ông người ta mới càng thấu hiểu tại sao hồn thơ ấy lại chất nhiều những xúc cảm vừa hỗn độn vừa phức tạp đến vậy. Hàn Mặc Tử vì bệnh tật mà bỏ lỡ mất người mình yêu, chính thế thơ ông luôn chất chứa những xúc cảm khao khát mãnh liệt về tình yêu, khao khát sự sống. Tuy nhiên giữa sự thật tàn nhẫn luôn hiện lên rõ nét trên cơ thể bệnh tật của mình, Hàn Mặc Tử cũng không thể giấu nổi nỗi cô đơn và tuyệt vọng trước cuộc đời đầy đau khổ của mình. Dù có quãng thời gian sáng tác không dài thế nhưng nhà thơ đã để lại cho nền văn học Việt Nam khá nhiều tác phẩm có giá trị. Trong số đó Đây thôn Vĩ Dạ được xem là bài thơ xuất sắc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử đồng thời cũng là một trong những tác phẩm hay nhất trong phong trào Thơ Mới.

Trong những ngày cuối đời ở Quy Nhơn, thân thể tàn tạ vì bị căn bệnh phong hành hạ, Hàn Mặc Tử bỗng nhận được một tấm bưu thiếp in phong cảnh Huế của người con gái tên Kim Cúc. Tấm bưu thiếp ấy đã gợi lại cho Hàn Mặc Tử những xúc cảm chân thành, những niềm hy vọng, niềm vui đối với cuộc đời, với tình yêu, trở thành cảm hứng cho ông sáng tác bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Mở đầu bài thơ là một lời hỏi ngỏ rất dịu dàng, mang đậm âm hưởng xứ Huế, với nhiều ý tứ. Đó có thể là một lời mời chân chất, mong cố nhân về thăm lại miền đất cố đô, sao nhiều tháng năm xa cách, sâu xa hơn nếu liên tưởng về tấm bưu thiếp của cô Kim Cúc, ta lại cũng có thể xem đó là một lời trách yêu, một lời hờn dỗi kín kẽ của người con gái, khi không thấy người mình thương nhớ về thăm lại chốn xưa. Rồi cuối cùng, khi nhìn lại cuộc đời lắm đau thương của tác giả, ta bỗng chợt nhận ra liệu đó có phải là lời chính Hàn Mặc Tử đang thầm hỏi bản thân, sao không về thăm thôn Vĩ. Câu thơ thể hiện những nỗi buồn, nỗi bất lực của nhà thơ trước khốn cảnh cuộc đời, khi ngay cả việc trở về thăm quê cũ cũng là một ước mong xa vời, chỉ còn có thể mộng ước trong mấy vần thơ. Nghĩ mà chua xót cho cuộc đời người thi sĩ.

Cũng lại chính lời hỏi ngỏ mộc mạc ấy đã mở ra một bức tranh quê trong trẻo, tươi đẹp đến vô ngần, tượng trưng cho những tình cảm tha thiết của tác giả đối với xứ Huế mộng mơ, cũng như tấm lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống sâu sắc của Hàn Mặc Tử trong nghịch cảnh. Câu thơ “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”, là một câu thơ có những hình ảnh sáng tạo và đặc biệt, “nắng hàng cau” dường như là biểu tượng của mảnh đất cố đô, của thôn Vĩ Dạ, khi mà trong mỗi một căn nhà, một khu vườn đều có những hàng cau xanh mượt, thẳng tắp. Bình minh lên, nắng xen qua từng kẽ lá, phủ lên những ngọn cau, mở ra một không gian thoáng đãng, ấm áp và tràn đầy sức sống, sự tươi mới, mát mẻ.

Bức tranh càng trở nên trong trẻo, thanh khiết ở câu thơ tiếp “Vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, tính từ”mướt” và cách so sánh “xanh như ngọc” đã diễn tả thật đầy đủ khung cảnh vườn tược tươi tốt, lá non mỡ màng. Đặc biệt là đương buổi sáng sớm, sương vẫn còn đọng trên từng phiến lá, dưới sự chiếu rọi của ánh bình minh lại cảnh sắc thiên nhiên càng trở nên long lanh, trong trẻo. Hai từ “vườn ai” là ý hỏi tình tứ, sự xuất hiện của con người một cách thấp thoáng, ẩn hiện mang đến cho bức tranh thiên nhiên vẻ đẹp lãng mạn, gợi mở về tình yêu trong lòng tác giả.

Câu thơ cuối đoạn “Lá trúc che ngang mặt chữ điền”, hình ảnh con người xuất hiện rõ nét hơn trong bút pháp cổ điển “thi trung hữu họa”. Câu thơ khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh người con gái xứ Huế thật dịu dàng với những vẻ đẹp đáng quý, dáng mặt chữ điền phúc hậu, hiền từ, mang những tình cảm chân thành thấm thía. Ấy cũng là thể hiện nỗi nhớ của tác giả về người con gái nơi thôn Vĩ Dạ mà ông hằng mong nhớ, một tình yêu trong trẻo như mơ nhiều hy vọng khiến ông vui vẻ, yêu đời, nhưng cũng là thứ tình cảm tuyệt vọng, chẳng có kết quả.

“Gió theo lối gió mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Nét đặc sắc trong thơ Hàn Mặc Tử ấy chính là sự chuyển đổi nhanh chóng giữa hai dòng cảm xúc vui tươi và buồn bã. Trong Đây thôn Vĩ Dạ cũng vậy, trong khổ thơ đầu tiên cái người ta thấy nhiều nhất ấy là sự vui tươi, tràn đầy hy vọng, niềm yêu đời, yêu cuộc sống được bộc lộ qua bức tranh thiên nhiên trong trẻo, thanh khiết có nắng ấm, vườn xanh, có tín hiệu tình yêu thơ mộng. Thì đến khổ thơ thứ hai, bức tranh thiên nhiên đã chuyển từ buổi sáng sớm sang đêm muộn, với những hình ảnh sầu muộn, cô đơn.

“Gió theo lối gió mây đường mây”, vốn gió và mây luôn song hành, gió thổi mây bay, ấy mà trong thơ Hàn Mặc Tử, mây và gió lại trở thành người dưng ngược lối, không có chút liên quan, mang đến cảm giác chia ly, tan tác, cũng như mối tình của ông và Kim Cúc buộc phải chịu cảnh đôi người đôi ngả, thầy tiếc nuối. Dòng sông Hương vốn nổi tiếng thơ mộng, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, khi vào thơ cũng trở nên ảm đạm buồn bã “Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay”. Những tưởng như Hàn Mặc Tử bên cạnh bờ sông thẫn thờ trông ra xa, lại thấy cảnh bờ bên kia hoa bắp lay theo ngọn gió, nhắc nhở đến cảnh tượng đơn độc, lẻ loi của chính bản thân mình trên cuộc đời, chẳng khác nào ngọn đèn trước gió, yếu đuối, lay lắt như sắp tắt.

Trước những đớn đau của cuộc đời, Hàn Mặc Tử thường tìm đến trăng như người bạn tri kỷ, tâm giao để làm vơi đi những sầu bi, tuyệt vọng trong cuộc đời. Hình ảnh “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó” là một hình ảnh đẹp và thơ mộng, khi ánh trăng rọi xuống lòng sông, những gợn sóng nhỏ làm cho mặt sông lấp lánh tưởng như ánh trăng đã hòa vào cả dòng sông xanh. Hình ảnh “sông trăng” và con thuyền có phần xa xăm và trừu tượng, cũng bộc lộ nỗi cô đơn, trống vắng, cũng như những tình cảm, tâm trạng rối rắm trong lòng tác giả mà chẳng ai có thể thấu hiểu. Chỉ có ánh trăng ở trên cao dường như đồng điệu với người, nhưng cũng lúc gần lúc xa, mờ ảo. Chính lẽ đó khi bản thân đối diện với cái chết đang rất gần, Hàn Mặc Tử lại càng sợ hãi sự cô đơn, lạnh lẽo, không người đồng cảm, thế nên ông mới vội vã hỏi “có chở trăng về kịp tối nay?”, để ít nhiều cũng được gần gũi, tận hưởng ánh trăng lãng mạn, trong trẻo, ôm ấp và soi rọi vào tâm hồn nhiều thương tổn của người thi sĩ. Từng vần thơ thấm đẫm nỗi cô đơn, tuyệt vọng của tác giả khiến người ta không khỏi thương xót, buồn cho một kiếp người ngắn ngủi nhưng có nhiều điều tiếc nuối, dở dang.

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà”

Vui tươi, tràn đầy hy vọng, đến buồn bã, cô đơn, mạch cảm xúc cuối cùng trong thơ Hàn Mặc Tử rất đặc trưng ấy chính là sự kỳ dị, trừu tượng và khó hiểu. Từ cảnh thực bến nước, sông trăng chuyển hẳn sang cảnh mơ với hình ảnh người khách lữ thứ mờ ảo, xa cách, nhiều xót xa. Khi bản thân tác giả tự cho mình chỉ là một vị khách đường xa, có đôi lần lướt qua xứ Huế, lướt qua cuộc đời người con gái thôn Vĩ Dạ, mà chẳng thể nào với tới.

Hình ảnh cô gái chập chờn trong mộng tưởng “Áo em trắng quá nhìn không ra”, dường như ngày càng mờ nhạt, càng xa tầm tay, tầm mắt của tác giả, khiến ông không thể nào thấy rõ được hình bóng dịu dàng ấy. Hình ảnh trừu tượng này, không chỉ tiết lộ sự vô vọng trong mối tình của Hàn Mặc Tử với cô Kim Cúc mà còn biểu trưng cho cuộc đời ngắn ngủi đang dần đến hồi cuối của ông, khi sinh khí dần cạn, ông và người con gái ấy ngày càng xa xôi, mà có lẽ sau này khoảng cách ấy chẳng còn là không gian mà chính là âm dương cách biệt, vô cùng đau xót.

“Ở đây sương khói mờ nhân ảnh” là một câu thơ có nhiều ý tứ, hình ảnh sương khói bao trùm cũng là một hình ảnh đặc trưng của xứ Huế những ngày đông lạnh, một mặt khác còn là thể hiện sự ngăn cách vô hình trong tâm hồn giữa Hàn Mặc Tử và người con gái ông mong nhớ. Có lẽ bị vùi trong những đau đớn cả thể xác và tâm hồn quá lâu, tác giả trở nên mặc cảm, tuyệt vọng nên đã không còn có thể mở lòng để nhìn rõ tình cảm của nàng Kim Cúc, dù rằng lòng rất nhớ thương. Chính lẽ đó nên tình yêu của ông lại càng đi vào ngõ cụt, bị chính những làn sương khói hư ảo mà ông tự huyễn hoặc che mờ đi mất, cùng với sự ngắn ngủi của sinh mệnh, Hàn Mặc Tử lại càng trở nên bế tắc, bị giam cầm trong chính những màn sương mộng tưởng của mình.

Câu thơ kết bài “Ai biết tình ai có đậm đà?”, khi bản thân ông không thể thấu rõ tình cảm của người con gái ấy, ông chỉ đành hỏi một câu như hờn, như trách, sợ rằng tình mình sâu mà tình người mỏng, dễ dàng tan biến vào hư vô, để ông thêm phần sầu muộn. Đồng thời cũng có một cách giải thích khác rằng câu thơ là lời hỏi dành cho người ở Huế, liệu rằng có hiểu cho tấm lòng của của người khách phương xa đang độ “đậm đà” này hay không? Cách hiểu nào người ta cũng thấy được nỗi lòng trăn trở, đầy tiếc nuối của tác giả trong tình yêu, đi kèm với sự tuyệt vọng, cô đơn trước những biến cố đau thương của cuộc đời mình.

Hàn Mặc Tử trân trọng và tiếc nuối nhiều điều, ông khao khát sống, khao khát hạnh phúc, khao khát cả tình yêu đến mãnh liệt, thế nhưng thực tại tàn khốc đã lấy đi của ông dường như tất cả. Hai mươi tám tuổi đời, hầu như sống trong điên cuồng và đớn đau vô tận, Hàn Mặc Tử vẫn giữ cho mình những xúc cảm thực trong trẻo, lãng mạn, thể hiện tấm lòng yêu cuộc đời trần thế tha thiết, đặc biệt là nỗi niềm trăn trở vể về Huế và con người xứ Huế – nỗi tiếc nuối lớn nhất trong cuộc đời người thi sĩ tài hoa bạc mệnh.

——————HẾT——————-

Đây thôn Vĩ Dạ là tác phẩm thơ Mới xuất sắc kết tinh tài năng và phong cách nghệ thuatraj của của Hàn Mặc Tử, để tìm hiểu thêm về tác phẩm này mời các em tham khảo các bài viết Cảm nhận về vẻ đẹp của con người Hàn Mặc Tử qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Phân tích bức tranh quê và tấm lòng yêu đời của Hàn Mặc Tử trong Đây thôn Vĩ Dạ, Phân tích khổ 3 bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ, Hình ảnh thiên nhiên và con người xứ Huế qua bài Đây thôn Vĩ Dạ.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-bai-day-thon-vi-da/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp