Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

0
129
Rate this post

Cùng tìm hiểu các bài văn mẫu Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam).

Dàn ý phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

Dàn ý số 1

I. Mở bài:

  • Khẳng định: Tác phẩm nghệ thuật nào cũng có những cảnh đặc sắc đóng vai trò quan trọng trong biểu hiện chủ đề, tư tưởng tác phẩm.
  • Khái quát chung về cảnh đợi tàu: Nếu Chữ người tử tù có cảnh cho chữ thì có lẽ Hai đứa trẻ (tác phẩm tiêu biểu của nhà văn viết truyện ngắn xuất sắc – Thạch Lam) có cảnh đợi tàu của hai chị em.

II. Thân bài:

1. Lý do đợi tàu của hai chị em Liên

– Liên cùng em trai dù đã rất buồn ngủ nhưng vẫn cố thức để đợi tàu bởi:

  • Cô được mẹ dặn chờ tàu đến để bán hàng
  • Nhưng Liên không mong chờ ai đến nữa
  • Cô thức vì muốn được nhìn thấy chuyến tàu như một hoạt động cuối cùng của đêm khuya ⇒ Thực chất để thay đổi cảm giác, thay đổi cái không khí ứ đọng hàng ngày

⇒ Sự thức tỉnh cái tôi

2. Hai chị em trước khi tàu đến

  • An: mi mắt sắp sửa rơi xuống, vẫn cố dặn chị.
  • Chăm chú để ý từ ngọn lửa xanh biếc, tiếng còi vang lại, kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi ⇒ Niềm mong ngóng, chờ đợi, háo hức
  • Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu
  • Tiếng gọi em của Liên: cuống quýt, giục giã ⇒ lo sợ nếu chậm một chút thôi sẽ không kịp, sẽ bỏ lỡ
  • An “nhỏm dậy”, “lấy tay dụi mắt” cho tỉnh hẳn ⇒ hành động nhanh, ngây thơ, đáng yêu nhưng cũng đáng thương.

⇒ Niềm háo hức, mong ngóng chuyến tàu đêm của hai chị em như mong ngóng một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống vốn tẻ nhạt thường ngày

3. Hai chị em khi tàu đến

  • Khi đoàn tàu đến, Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua
  • Dù chỉ trong chốc lát, Liên cũng thấy “những toa hạng trên sang trọng lố nhố người, đồng và kền lấp lánh” ⇒ Liên thấy một thế giới khác với cuộc sống thường ngày của chị
  • Câu hỏi/cảm thán của An: “Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ?” ⇒ Có thể ngày nào hai chị em cũng ngóng tàu
  • Đứng lặng ngắm đoàn tàu đi qua, Liên không trả lời câu hỏi của em, trong tâm hồn cô cơn xúc động vẫn chưa lắng xuống
  • Liên mơ tưởng về Hà Nội, một Hà Nội sáng rực và xa xăm, một Hà Nội đẹp, giàu sang và sung sướng… Sự hồi tưởng ấy càng khiến Liên thêm tiếc nuối và ngán ngẩm cho cuộc sống hiện tại.
  • Tàu đến khiến hai chị em sống với quá khứ tươi đẹp và được sống trong một thế giới mới tốt hơn, sáng hơn, rực rỡ, vui tươi hơn cuộc sống thường ngày

⇒ Tâm trạng xúc động, vui sướng, hạnh phúc, mơ mộng

4. Hai chị em khi tàu đi

– Phố huyện với từng ấy người “trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống”, trong đó có cả Liên và An

– Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn treo trên toa cuối cùng

– Khi tàu đi, Liên và An trở về với tâm trạng buồn tẻ, chán ngán cuộc sống thường ngày, niềm vui của hai chị em chỉ lóe sáng rồi vụt tắt

– Tất cả chìm trong màn đêm với ngọn đèn tù mù chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ đi vào giấc ngủ chập chờn của Liên

⇒ Tâm trạng nuối tiếc, niềm suy tư thao thức về cuộc sống hằng ngày nơi phố huyện nghèo

⇒ Miêu tả cảnh đợi tàu của hai chị Liên nói riêng và người dân phố huyện nghèo nói chung, Thạch Lam muốn thể hiện ước mơ thoát khỏi cuộc sống hiện tại, khao khát hướng tới một cuộc sống tươi sáng hơn, ý nghĩa hơn của những người dân nghèo.

III. Kết bài:

– Nhận định khái quát nhất về cảnh đợi tàu của hai chị em Liên và bút pháp nghệ thuật Thạch Lam sử dụng để tạo nên thành công của cảnh: bút pháp lãng mạn xen hiện thực, nghệ thuật miêu tả nội tâm…

– Liên hệ trình bày cảm nhận bản thân về cảnh đặc sắc đó.

Dàn ý số 2

1) Mở bài

– Giới thiệu chung về tác giả, tác phẩm:

  • Thạch Lam là một nhà văn lớn của khuynh hướng văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930 – 1945, khai thác thế giới nội tâm của nhân vật với những cảm xúc mong manh, mơ hồ.
  • Truyện ngắn Hai đứa trẻ dù không có cốt truyện đặc biệt nhưng thông qua tiếng nói nội tâm của nhân vật Liên, từng mảnh đời bất hạnh hiện lên và mang đến cho tác phẩm thật nhiều cảm xúc.

– Khái quát chung về cảnh đợi tàu: Cảnh đợi tàu của hai chị em Liên là kết tinh của những tư tưởng nghệ thuật sâu sắc và tiến bộ của Thạch Lam với ngòi bút nhân đạo, trữ tình.

2) Thân bài

* Luận điểm 1: Lý do hai chị em Liên cố thức đợi tàu

– Liên cùng em trai dù đã rất buồn ngủ nhưng vẫn cố thức để đợi tàu bởi:

  • Cô được mẹ dặn chờ tàu đến để bán hàng
  • Nhưng Liên không mong chờ ai đến nữa
  • Cô thức vì muốn được nhìn thấy chuyến tàu như một hoạt động cuối cùng của đêm khuya -> Thực chất để thay đổi cảm giác, thay đổi cái không khí ứ đọng hàng ngày.

=> Sự thức tỉnh cái tôi, khao khát, khắc khoải muốn nhìn thấy những gì khác với cuộc sống của chính mình.

* Luận điểm 2: Hai chị em trước khi tàu đến

  • Mi mắt An sắp sửa rơi xuống, vẫn cố dặn chị gọi dậy khi tàu đến
  • Chăm chú để ý từ ngọn lửa xanh biếc, tiếng còi vang lại, kéo dài ra theo ngọn gió xa xôi -> Niềm mong ngóng, chờ đợi, háo hức.
  • Tâm hồn Liên yên tĩnh hẳn, có những cảm giác mơ hồ không hiểu
  • Tiếng gọi em của Liên: cuống quýt, giục giã -> lo sợ nếu chậm một chút thôi sẽ không kịp, sẽ bỏ lỡ.
  • An “nhỏm dậy”, “lấy tay giụi mắt” cho tỉnh hẳn -> hành động nhanh, ngây thơ, đáng yêu nhưng cũng đáng thương.

=> Niềm háo hức, mong ngóng chuyến tàu đêm của hai chị em như mong ngóng một điều gì đó tươi sáng hơn cho cuộc sống vốn tẻ nhạt thường ngày.

* Luận điểm 3: Cảnh đoàn tàu đến

  • Khi đoàn tàu đến, Liên dắt em đứng dậy để nhìn đoàn xe vụt qua
  • Dù chỉ trong chốc lát, Liên cũng thấy “những toa hạng trên sang trọng lố nhố người, đồng và kền lấp lánh” -> Liên thấy một thế giới khác với cuộc sống thường ngày của chị.
  • Câu hỏi cảm thán của An: “Tàu hôm nay không đông, chị nhỉ?” -> Có thể ngày nào hai chị em cũng ngóng tàu.
  • Đứng lặng ngắm đoàn tàu đi qua, Liên không trả lời câu hỏi của em -> Trong tâm hồn Liên lúc này cơn xúc động vẫn chưa lắng xuống.
  • Liên mơ tưởng về Hà Nội, một Hà Nội sáng rực và xa xăm, một Hà Nội đẹp, giàu sang và sung sướng… Sự hồi tưởng ấy càng khiến Liên thêm tiếc nuối và ngán ngẩm cho cuộc sống hiện tại.
  • Tàu đến khiến hai chị em sống với quá khứ tươi đẹp và được sống trong một thế giới mới tốt hơn, sáng hơn, rực rỡ, vui tươi hơn cuộc sống thường ngày.

=> Tâm trạng xúc động, vui sướng, hạnh phúc, mơ mộng.

* Luận điểm 4: Hai chị em khi tàu đi

  • Phố huyện với từng ấy người “trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống”, trong đó có cả Liên và An
  • Hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn treo trên toa cuối cùng
  • Khi tàu đi, Liên và An trở về với tâm trạng buồn tẻ, chán ngán cuộc sống thường ngày, niềm vui của hai chị em chỉ lóe sáng rồi vụt tắt.
  • Tất cả chìm trong màn đêm với ngọn đèn tù mù chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ đi vào giấc ngủ chập chờn của Liên.

=> Tâm trạng nuối tiếc, niềm suy tư thao thức về cuộc sống hằng ngày nơi phố huyện nghèo.

* Ý nghĩa của cảnh đợi tàu

  • Thương cảm với cảnh sống nghèo khó, vô danh, vô nghĩa: Ước mơ rất đỗi bình thường và nhỏ bé, chỉ là một đoàn tàu vụt qua trong đêm tối.
  • Thể hiện cái nhìn lạc quan về con người: Họ còn sự gắn bó, muốn thay đổi trong cuộc sống. Tất cả mọi người đều biết ước mơ, mong mỏi thay đổi nào đó, dù rất mơ hồ, rời rạc. Điều đó chứng tỏ, ngày dù tàn, cảnh cũng tàn nhưng lòng và đời của họ không tàn, nhất là với đứa trẻ như chị em Liên.

* Đặc sắc nghệ thuật

  • Lối viết không có cốt truyện
  • Bút pháp lãng mạn xen hiện thực
  • Nghệ thuật miêu tả nội tâm
  • Ngôn ngữ đơn giản, súc tính, giàu tính tạo hình.

3) Kết bài

  • Khái quát ý nghĩa của cảnh đợi tàu.
  • Nêu cảm nhận của bản thân.

Các bài văn mẫu phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam)

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Mẫu số 1

Nhà văn Thạch Lam là một nhà văn thường sáng tác về truyện dài nhưng lại có thành công ở thể loại truyện ngắn. Ông có phong cách sáng tác riêng biệt, thường viết loại truyện không có cốt truyện mà chủ yếu là những dòng cảm xúc như một bài thơ trữ tình, nhưng chiều sâu của tác phẩm lại làm cho người đọc ngỡ ngàng, thường mang đến cho người đọc những tình cảm chân thành, tha thiết. Đến với truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, đây cũng là một truyện ngắn tiêu biểu cho phong cách của Thạch Lam, nhẹ nhàng và sâu lắng. Đặc biệt, truyện ngắn đã đem đến cho người đọc một cảnh tượng xúc động ở cuối bài: cảnh chờ tàu, mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc.

Hàng ngày, chị em Liên luôn có một thói quen là thức đợi tàu. Sự mong móng về khoảng thời gian tàu đi qua Phố huyện Cẩm Giàng của hai chị em được tác giả khắc họa rõ nét. Lý do chờ tàu của hai chị em Liên khác hẳn hoàn toàn so với những lý do của người dân phố huyện Cẩm Giàng. Nếu người dân chờ tàu để bán hàng, để hy vọng có thể kiếm thêm được một ít vật chất, thì chị em Liên lại muốn thỏa mãn nhu cầu về tinh thần. Khoảng thời gian tàu đến, là lúc hai chị em Liên như được sống với những kỉ niệm của quá khứ, những ngày còn ở Hà Nội với cuộc sống đủ đầy. Tàu đến là một thế giới đầy âm thanh và ánh sáng giúp một ngày tẻ nhạt của hai chị em như có thêm làn gió mới. Giữa cuộc sống nghèo nàn, vẫn có những đứa trẻ giữ được tâm hồn tinh tế, trong sáng và lãng mạn. Hai chị em đợi tàu để được ngắm nhìn đoàn tàu, sống lại những kí ức tuổi thơ vui vẻ, đầy đủ, khoảng thời gian hạnh phúc đã mất trong quá khứ, để được sống ở một thế giới huyên náo hơn, rực rỡ, nhiều ánh sáng, khác hẳn cuộc sống tối tăm, tù túng ở nơi phố huyện này.

Phân tích cảnh đợi tàu trong truyện ngắn hai đứa trẻ

Chuyến tàu là biểu tượng cho sự sống, có ánh sáng, âm thanh, nó biểu tượng cho một cuộc sống đông vui, náo nhiệt. Khi tàu đến, Liên nhớ về Hà Nội, gắn với những kí ức về gia đình, cuộc sống sung túc. Hình ảnh đoàn tàu mang đến cho Liên không gian ánh sáng và âm thanh của một Hà Nội huyên náo, rực rỡ và vui vẻ. Cuộc sống ấy nó khác hẳn với cuộc sống tẻ nhạt, tù túng và tăm tối, bế tắc nơi phố huyện Cẩm Giàng. Qua cảnh chờ đợi tàu, nhà văn Thạch Lam đã thể hiện thái độ trân trọng, thương cảm đối với những kiếp người nhỏ bé. Đồng thời, tác giả muốn đánh thức những con người đang sống trong cuộc sống quẩn quanh, bế tắc những triết lý về cuộc sống. Đó là: hãy nỗ lực vươn lên, đừng để bản thân chìm trong đêm tối, đừng sống cuộc đời vô nghĩa lý. Hiện thực cuộc sống xung quang có thể nghèo đói hay thiếu thốn, tù túng hay tăm tối, nhưng con người không bao giờ được phép ngừng tin tưởng và hy vọng vào một tương lại tốt đẹp hơn. Hình ảnh đoàn tàu mang đến nhiều ánh sáng cũng thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng của tác giả về một tương lai tươi sáng hơn đối với con người. Qua cảnh chờ tàu, nhà văn thể hiện niềm tin vào khát vọng vươn lên của con người. Cho dù cuộc sống có bế tắc hay tăm tối thì họ vẫn luôn có một tinh thần hướng đến tương lai, không nguôi khát vọng đổi đời. Tác giả đã góp tiếng nói của mình để lên án xã hội đã không quan tâm đến số phận con người, để họ phải sống lay lắt từng ngày, trong nghèo đói và bóng tối. Qua đó lên tiếng đòi đổi thay cuộc sống, để con người có cuộc sống xứng đáng hơn.

Truyền ngắn “Hai đứa trẻ” với việc xây dựng một đoạn kết đầy ấn tượng với cảnh tượng đợi tàu đầy xúc động. Chỉ một chi tiết nhỏ nhưng nhà văn đã đem đến cho người đọc những ý nghĩa sâu sắc, thể hiện được chiều sâu tác phẩm và tình cảm nhân đạo từ nhà văn Thạch Lam.

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Mẫu số 2

“Mỗi truyện của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mếm yêu, chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người”. Quả thực đúng như vậy, những trang văn của Thạch Lam không đi vào những biến cố mà đi sâu vào chiều sâu tâm trạng của con người. Cảnh chờ tàu của hai chị em Liên và An đã được tác giả nắm bắt những chuyển biến tế vi nhất trong tâm trạng của hai nhân vật.

Liên và An vốn là những đứa trẻ đã từng sống ở thị thành, nhưng gia đình sa sút nên phải chuyển về phố huyện nghèo. Liên và An tuy còn nhỏ tuổi nhưng cũng tham gia vào việc nuôi sống gia đình bằng cách trông một cửa hàng nhỏ ở chợ. Quanh Liên cũng là biết bao kiếp sống nhỏ bé, mòm mỏi như chị Tí cùng đứa con vất vả mưu sinh, chật vật để sống qua ngày, gia đình bác xẩm góp vào bằng tiếng đàn bần bật trong yên lặng,… Cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt, quẩn quanh nhưng những con người nơi đây vẫn luôn hướng về một ngày tươi sáng: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

Đêm nào cũng vậy, dù buồn ngủ nhưng cả Liên và An đều cố thức để chờ hoạt động cuối cùng của đêm, đó chính là đợi đoàn tàu khuya từ Hà Nội đi ngang qua. Vì sao những đứa trẻ ngây thơ ấy lại phải cố gắng đợi đoàn tàu đi qua mới có thể ngủ? Có phải chúng nghe lời mẹ dặn? Có phải cố nán lại để bán thêm phong kẹo, cái bánh từ những người khách qua đường. Nhưng không phải “Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”. Trong sự chờ đợi ấy chứa đựng cả những khao khát, ước mong cháy bỏng của những trái tim trẻ thơ non nớt. Bởi vậy, An trước khi đi ngủ đã dặn chị: “tàu đến chị đánh thức em dậy nhé” khao khát của chúng là vô thức nhưng cũng thật mãnh liệt. Chuyến tàu đi qua, mang đến một thế giới khác, thế giới của âm thanh và ánh sáng rực rỡ.

Trong thời gian đợi tàu xuất hiện, chị Liên thả tâm hồn mình vào vũ trụ để cảm nhận hết thảy vẻ đẹp của thiên nhiên khi đêm về. Qua những kẽ lá bàng, “ngàn sao vẫn lấp lánh” trên nền trời, những nụ hoa bàng nhỏ khẽ rơi trên vai chị. Tâm hồn Liên thả trôi theo những cảm xúc bâng khuâng mà chính chị cũng cảm thấy mơ hồ không hiểu hết.

Tiếng trống cầm canh ở huyện đánh vang cùng với lời thông báo của bác Siêu: “Đèn ghi đã ra kia rồi” xua tan sự tĩnh mịch của màn đêm, để chuẩn bị cho sự hoạt động cuối cùng của đêm – con tàu từ Hà Nội dần dần xuất hiện. Ban đầu là ngọn lửa xanh biếc như ma trơi, rồi tiếp đến là làn khói trắng bừng lên từ xa. Liên gọi em dậy và cả hai chị em quan sát kĩ từng chuyển động của chiếc tàu. Tiếng Liên gọi An: “Dậy đi An. Tàu đến rồi” câu nói không đơn thuần chỉ là để gọi An dậy mà trong đó còn kèm cả sự vui thích, nó như một tiếng reo vui, hối thúc em dậy để cùng ngắm nhìn khoảnh khắc đoàn tàu vụt qua.

Khoảnh khắc tàu đến, lòng hai chị em vui sướng, hân hoan đến lạ kì, dù chỉ là thoáng qua nhưng cũng đủ để hai tâm hồn tinh tế ấy nắm bắt trọn vẹn sự vật, sự việc đang diễn ra trên tàu: “các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, dồng và kền vàng lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Con tàu trong khoảnh khắc đã chỉ còn lại chiếc chấm đỏ nhỏ, rồi khuất sau rặng tre. Bé An hồn nhiên nhưng cũng đã nhận ngay ra dường như tàu hôm nay không đông như mọi khi. Còn Liên thì đã nhận thấy sự thưa thớt cũng như kém sáng hơn của đoàn tàu: “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn”. Dẫu đoàn tàu hôm nay có kém sáng hơn, có kém đông vui hơn mọi khi nhưng nó từ Hà Nội về, nó mang theo một thế giới khác hẳn đối với liên, đó là thế giới của ánh sáng, của niềm vui và của hạnh phúc. Lòng cô bé trào dâng niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả khi được sống lại những ngày xưa khi cô được uống những cốc nước lạnh xanh xanh đỏ đỏ, và nhớ về một Hà Nội sáng rực, lấp lánh.

Đêm nào Liên và An cũng đợi tàu, dù có buồn ngủ díu mắt, chúng cũng phải chờ được đoàn tàu đi qua mới ngủ. Đây không phải là một hành động ngẫu nhiên, vô nghĩa mà nó dường như là một nhu cầu, một đòi hỏi thiết yếu đối với Liên và An. Đằng sau đó còn chứa đựng cả những mơ ước, khao khát về một cuộc sống mới đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Hình ảnh những đoàn tàu vụt xuất hiện rồi biến mất nhưng cũng đủ để chúng được trở lại, được sống với những kỉ niệm tuổi thơ êm ấm trước đây. Khao khát chờ đoàn tàu đi qua cũng ánh lên những khát vọng mãnh liệt của những đứa trẻ, đó là khát vọng đổi đời. Tại sao lại đặt khát vọng ấy vào hai nhân vật Liên và An mà không phải là chị Tí, bác Siêu, … bởi chúng là những đứa trẻ, chúng là mầm non, là tương lai của cuộc sống. Bởi vậy, khao khát đổi đời khi được tập trung thể hiện ở hai nhân vật sẽ trở nên ý nghĩa hơn, giàu sức gợi hơn. Đồng thời qua khung cảnh đợi tàu, Thạch Lam cũng thể hiện thái độ cảm thương đối với những số phận người nhỏ bé, bất hạnh phải sống mòn mỏi với cuộc đời chật vật, bế tắc; đồng thời ông cũng trân trọng, nâng niu những khao khát, những ước mơ đẹp đẽ của Liên và An nói riêng, của những người dân phố huyện nói chung. Không chỉ vậy, qua khung cảnh chờ chuyến tàu đêm, Thạch Lam còn dóng lên tiếng gọi tha thiết, lay động tâm hồn người đọc: hãy thay đổi cuộc sống, khiến nó trở nên đẹp đẽ hơn, biến nó thành môi trường sống lành mạnh để những đứa trẻ được sống cuộc hạnh phúc.

Với nghệ thuật miêu tả tâm lí và cảnh vật tài tình, cảnh đoàn tàu kết lại tác phẩm đã để lại dư âm, ấn tượng sâu lắng trong lòng người đọc. Đóng lại cuốn sách người đọc vẫn không khỏi thổn thức trước những số phận kiếp người mòn mỏi nơi phố huyện. Nhưng đồng thời cũng chân trọng, nâng niu những mơ ước tha thiết, mãnh liệt của họ về một cuộc sống khác, về sự đổi đời.

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Mẫu số 3

Có lần nhà văn Thạch Lam từng nói rằng: “Cái đẹp man mác trong vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật”. Niềm khát khao truy tìm những cái đẹp lẩn khuất tiềm tàng khắp ở những con người, sự vật, sự việc tầm thường như thế đã tiếp thêm sức mạnh trên con đường nghệ thuật cho nhà văn, giúp ông sáng tác thành công tác phẩm Hai đứa trẻ, áng văn xuôi đặc sắc của văn học Việt Nam trước cách mạng. Đặc biệt là cảnh đợi chuyến tàu đêm của hai chị em Liên chính là nơi kết tinh những tư tưởng nghệ thuật sâu sắc và tiến bộ của Thạch Lam với ngòi bút nhân đạo, trữ tình.

Chuyến tàu đêm chủ yếu hiện lên qua cái nhìn và cảm nhận, qua niềm khát khao, mong đợi của Liên. Trong câu chuyện Thạch Lam đã tinh tế gài vào những chi tiết rất nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa, qua đó thể hiện niềm khát khao về chuyến tàu qua phố huyện của Liên nó sâu sắc, thiết tha và mãnh liệt đến nhường nào. Dù trời đã rất khuya, “An và Liên đã buồn ngủ đến ríu cả mắt”, nhưng hai chị em vẫn cố gắng thức để chờ tàu, không phải là để bán thêm được chút hàng như lời mẹ Liên dặn, mà bởi vì đợi chuyến tàu cuối cùng của đêm. Sự mong chờ mạnh mẽ của Liên với chuyến tàu có mối liên hệ mật thiết đến cái ý thức sâu sắc của Liên về cuộc sống cơ cực, nghèo khó và tối tăm nơi phố huyện, đồng thời qua chuyến tàu đêm Liên còn nhận thức rõ được một cuộc sống khác hẳn với cái nơi mà Liên và An đang sống. Tâm trạng của nhân vật Liên được Thạch Lam miêu tả một cách tinh tế, khi tàu chưa đến cô bé khát khao mong đợi chuyến tàu từ xa, hồi hộp vui sướng khi chuyến tàu đến, rồi cuối cùng là buồn bã thất vọng khi chuyến tàu đi xa.

Chuyến tàu hiện lên qua cảm nhận của Liên từ xa đến gần rồi xa mãi, con tàu còn hiện lên chủ yếu qua phương diện âm thanh, ánh sáng và cuộc sống trên tàu. Trước hết về ánh sáng, từ xa xa bác Siêu với ánh mắt trông mong đã kịp nhận ra và reo lên vui mừng “Đèn ghi đã ra kia rồi”, đánh động đến những cảm nhận của Liên, trong tầm mắt Liên đó là những “ngọn lửa xanh biếc, sát mặt đất như ma trơi” , đầy sức quyến rũ, vẫy gọi đối với tâm hồn tươi trẻ của chị em Liên, sau đó cũng từ xa Liên cũng nhìn thấy “làn khói bừng sáng trắng lên đằng xa”. Càng đến gần thì ánh sáng của con tàu càng rực rỡ, lộng lẫy và tươi tắn, “các toa đèn sáng trưng, chiếu cả xuống đường”, “đồng và kền lấp lánh”, “các cửa kính sáng”. Tất cả những thứ ánh sáng ấy đều mạnh mẽ khác hẳn với ánh sáng nơi phố huyện, tù mù, tối tăm từ cái đèn dầu của chị Tí, bếp lửa của bác Siêu, ánh đom đóm, ánh sáng từ cánh cửa khép hờ,… Khác hẳn với cái ánh sáng leo lét, yếu ớt, mong manh, tội nghiệp nơi phố huyện của chị em Liên, cái ánh sáng mà dường như bị màn đêm nuốt chửng không chừng. Tuy nhiên cái ánh sáng mạnh mẽ, đầy mơ ước ấy nó không ở lại lâu với chị em Liên mà chỉ thoáng qua trong chốc lát rồi vụt tắt hẳn, cái nó để lại chính là sự nuối tiếc, hụt hẫng là bóng tối bao trùm, yên lặng đến cùng cực. Hình ảnh “đốm than đỏ bay tung trên đường sắt”, “hai chị em còn cố trông theo cái chấm nhỏ của ngọn đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất theo rặng tre” là những chi tiết có sức ám ảnh mạnh mẽ đối với người đọc, ánh mắt của hay đứa trẻ là cái nhìn đầy nuối tiếc vừa như muốn níu giữ lại vừa như muốn đi theo con tàu đêm ấy, thoát khỏi cái phố huyện nghèo nàn này.

Chuyến tàu đêm còn hiện lên qua những âm thanh tinh tế và đặc sắc trong cảm nhận của Liên, ngay từ khi ở rất xa âm thanh của con tàu cũng đầy sức hấp dẫn với tâm hồn thơ trẻ của Liên, “tiếng còi xe lửa ở đâu vang lại kéo dài ra trong gió xa xôi”, âm thanh còn khá mơ hồ nhưng mạnh mẽ, phá tan cái yên tĩnh u buồn nơi phố huyện, xuyên qua bóng tối mang về cho phố huyện một xúc cảm khác hẳn. Thứ âm thanh ấy khác hẳn với những tiếng trống thu không, tiếng trống cầm canh khô khan, ngắn ngủi rồi chìm luôn vào bóng tối, không thể nào thoát ra nổi cái u buồn tịch mịch nơi làng quê nghèo đói. Càng đến gần âm thanh của chuyến tàu đêm càng mạnh mẽ, càng náo nức “hai chị em chờ không lâu, tiếng còi đã rít lên, và tàu rầm rộ đi tới”, “tiếng dồn dập”, tiếng bánh xe “rít mạnh vào ghi”. m thanh khuấy động cả phố huyện tăm tối, khác hẳn với những âm thanh nhỏ bé, buồn tẻ của phố huyện như tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái, tiếng chó sủa đêm. Nhưng cũng giống như ánh sáng, những âm thanh của con tàu cũng theo nhịp bánh của con tàu rồi mất hút ở phía xa “tiếng vang động của xe hỏa nhỏ rồi, và mất dần trong bóng tối, lắng tai cũng không nghe thấy nữa”, sự biến mất của âm thanh cũng như ánh sáng để lại trong lòng chị em Liên những niềm nuối tiếc sâu sắc.

Cuộc sống trên tàu hiện lên qua bút pháp miêu tả của Thạch Lam và qua những cảm nhận tinh tế của Liên, dẫu rằng chỉ khi con tàu đến gần Liên mới có thể nhìn thấy một chút cuộc sống trên tàu “Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người”, “đồng và kền lấp lánh”, “các cửa kính sáng”. Liên chỉ chú ý những khoang hạng sang, bởi chỉ có cuộc sống trên ấy nó mới khác hẳn, giàu có, sung túc, sang trọng, tươi sáng như những gì mà Liên vẫn thường mơ về, không như cuộc sống tối tăm, nghèo nàn nơi phố huyện.

Như vậy về mọi phương diện, âm thanh, ánh sáng, cuộc sống trên tàu thì có thể nhận thấy rằng thế giới mà con tàu mang theo là một thế giới khác hẳn với phố huyện, chính vì vậy cho nên chuyến tàu đêm mới trở thành niềm khát khao, hy vọng của chị em Liên và những người dân nơi đây. Không chỉ khác với phố huyện, chuyến tàu đêm còn khác với chính nó trong những đêm trước đó “chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn”, gợi nỗi buồn, nỗi thất vọng, nhưng vẫn không không dập tắt được niềm khao khát mãnh liệt của Liên. Liên vẫn kiên trì lặng người theo mơ tưởng “nhưng họ ở Hà Nội về”, đưa Liên về những ký ức về một “Hà Nội xa xăm sáng rực, vui vẻ và huyên náo”. Cuối cùng, cái đích chính của những khát khao mong đợi chính là “con tàu mang một chút thế giới khác đi qua”, con tàu chính là sứ giả của một thế giới khác, và Hà Nội chính là hiện thân cụ thể của thế giới ấy. Niềm khát khao mong đợi chuyến tàu đêm, cũng là niềm khát khao mong đợi về một thế giới khác hẳn với cái thế giới mình đang sống, niềm khát khao về một thế giới tươi sáng, tốt đẹp, đủ đầy, đưa chị em Liên ra khỏi cuộc sống tù túng bó hẹp trong cái phố huyện nghèo nàn, chán nản với những ngày tàn, chợ tàn và những kiếp người tàn. Đó là khát vọng đổi đời, dẫu còn mơ hồ nhưng lại vô cùng sâu sắc, thiết tha và mãnh liệt, của những con người giai đoạn tháng tám, ám ảnh hầu hết các nhà văn lúc bấy giờ.

Nhưng qua cảm nhận của Liên con tàu cũng chạy nhanh quá, nó mang đi theo hết những ánh sáng rực rỡ, âm thanh náo nức, cuộc sống tốt đẹp đi về phía xa để lại chị em Liên trong bóng tối, trong sự tĩnh lặng, trong sự nghèo khổ cơ cực của phố huyện. Con tàu tượng trưng cho sự vỡ mộng, nỗi thất vọng dấy lên từ một ước mơ mỏng manh, quá xa vời khó có thể trở thành hiện thực. Chuyến tàu đi qua, trả lại một phố huyện yên lặng, thậm chí còn tăm tối, u buồn hơn, để lại trong tâm hồn Liên những khoảng trống mênh mang mơ hồ. Từ đó nhà văn Thạch Lam muốn gửi đến độc giả một thông điệp thật ý nghĩa rằng để có một cuộc sống tươi đẹp, sung túc thì việc khát khao, mơ ước mãnh liệt là chưa đủ mà con người ta cần phải có những hành động thực tế, những nỗ lực thay đổi cuộc sống, nếu không ước mơ dẫu có đẹp đến mấy thì cũng mãi chỉ nằm trong tưởng tượng.

Niềm khát khao mong đợi chuyến tàu đêm, Liên chuyển hướng tâm hồn mình về một Hà Nội xa xăm, nơi mà Liên đã từng có cuộc sống ấm no sung túc, gợi nhắc cô về một thời quá vãng xa xăm, về những ký ức tươi đẹp của tuổi thơ đã mất. Song hành với những nuối tiếc quá khứ, thì chuyến tàu đêm lại càng khiến Liên phải ý thức rõ ràng hơn về cuộc sống u ám, bế tắc của người dân nơi phố huyện và của chính gia đình Liên nữa.

Trong tác phẩm Hai đứa trẻ Thạch Lam đã đi sâu vào khai thác tâm hồn của nhân vật, của những đứa trẻ nghèo khổ, ý thức sâu sắc về cuộc sống cơ cực nghèo khổ, là những cảm nhận tinh tế về bức tranh thiên nhiên làng quê Việt Nam, là nỗi xót xa ái ngại trước những mảnh đời tàn. Qua đó nhà văn thể hiện thái độ trân trọng những khát khao, hy vọng của con người về một cuộc sống tốt đẹp hơn, đồng thời cũng truyền tải một thông điệp rằng muốn thay đổi cuộc sống thì chỉ có khát khao, mong đợi thì không bao giờ là đủ, mà còn phải có cả hành động thực tế biến ước mơ thành hiện thực. Về nghệ thuật Thạch Lam đã thành công trong việc miêu tả những cung bậc cảm xúc khác biệt trong tâm hồn của nhân vật Liên, văn phong trữ tình, lãng mạn, sáng tạo nhiều hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng, kết hợp với phong cách viết truyện mà không có cốt truyện đã làm nên thành công lớn cho cả tác phẩm.

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Mẫu số 4

“Mỗi truyện của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mếm yêu, chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người”. Quả thực đúng như vậy, những trang văn của Thạch Lam không đi vào những biến cố mà đi sâu vào chiều sâu tâm trạng của con người. Cảnh chờ tàu của hai chị em Liên và An đã được tác giả nắm bắt những chuyển biến tế vi nhất trong tâm trạng của hai nhân vật.

Liên và An vốn là những đứa trẻ đã từng sống ở thị thành, nhưng gia đình sa sút nên phải chuyển về phố huyện nghèo. Liên và An tuy còn nhỏ tuổi nhưng cũng tham gia vào việc nuôi sống gia đình bằng cách trông một cửa hàng nhỏ ở chợ. Quanh Liên cũng là biết bao kiếp sống nhỏ bé, mòm mỏi như chị Tí cùng đứa con vất vả mưu sinh, chật vật để sống qua ngày, gia đình bác xẩm góp vào bằng tiếng đàn bần bật trong yên lặng,… Cuộc sống nhàm chán, tẻ nhạt, quẩn quanh nhưng những con người nơi đây vẫn luôn hướng về một ngày tươi sáng: “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

Đêm nào cũng vậy, dù buồn ngủ nhưng cả Liên và An đều cố thức để chờ hoạt động cuối cùng của đêm, đó chính là đợi đoàn tàu khuya từ Hà Nội đi ngang qua. Vì sao những đứa trẻ ngây thơ ấy lại phải cố gắng đợi đoàn tàu đi qua mới có thể ngủ? Có phải chúng nghe lời mẹ dặn? Có phải cố nán lại để bán thêm phong kẹo, cái bánh từ những người khách qua đường. Nhưng không phải “Liên và em cố thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu đó là sự hoạt động cuối cùng của đêm khuya”. Trong sự chờ đợi ấy chứa đựng cả những khao khát, ước mong cháy bỏng của những trái tim trẻ thơ non nớt. Bởi vậy, An trước khi đi ngủ đã dặn chị: “tàu đến chị đánh thức em dậy nhé” khao khát của chúng là vô thức nhưng cũng thật mãnh liệt. Chuyến tàu đi qua, mang đến một thế giới khác, thế giới của âm thanh và ánh sáng rực rỡ.

Trong thời gian đợi tàu xuất hiện, chị Liên thả tâm hồn mình vào vũ trụ để cảm nhận hết thảy vẻ đẹp của thiên nhiên khi đêm về. Qua những kẽ lá bàng, “ngàn sao vẫn lấp lánh” trên nền trời, những nụ hoa bàng nhỏ khẽ rơi trên vai chị. Tâm hồn Liên thả trôi theo những cảm xúc bâng khuâng mà chính chị cũng cảm thấy mơ hồ không hiểu hết.

Tiếng trống cầm canh ở huyện đánh vang cùng với lời thông báo của bác Siêu: “Đèn ghi đã ra kia rồi” xua tan sự tĩnh mịch của màn đêm, để chuẩn bị cho sự hoạt động cuối cùng của đêm – con tàu từ Hà Nội dần dần xuất hiện. Ban đầu là ngọn lửa xanh biếc như ma trơi, rồi tiếp đến là làn khói trắng bừng lên từ xa. Liên gọi em dậy và cả hai chị em quan sát kĩ từng chuyển động của chiếc tàu. Tiếng Liên gọi An: “Dậy đi An. Tàu đến rồi” câu nói không đơn thuần chỉ là để gọi An dậy mà trong đó còn kèm cả sự vui thích, nó như một tiếng reo vui, hối thúc em dậy để cùng ngắm nhìn khoảnh khắc đoàn tàu vụt qua.

Khoảnh khắc tàu đến, lòng hai chị em vui sướng, hân hoan đến lạ kì, dù chỉ là thoáng qua nhưng cũng đủ để hai tâm hồn tinh tế ấy nắm bắt trọn vẹn sự vật, sự việc đang diễn ra trên tàu: “các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, dồng và kền vàng lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Con tàu trong khoảnh khắc đã chỉ còn lại chiếc chấm đỏ nhỏ, rồi khuất sau rặng tre. Bé An hồn nhiên nhưng cũng đã nhận ngay ra dường như tàu hôm nay không đông như mọi khi. Còn Liên thì đã nhận thấy sự thưa thớt cũng như kém sáng hơn của đoàn tàu: “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn”. Dẫu đoàn tàu hôm nay có kém sáng hơn, có kém đông vui hơn mọi khi nhưng nó từ Hà Nội về, nó mang theo một thế giới khác hẳn đối với liên, đó là thế giới của ánh sáng, của niềm vui và của hạnh phúc. Lòng cô bé trào dâng niềm vui, niềm hạnh phúc khó tả khi được sống lại những ngày xưa khi cô được uống những cốc nước lạnh xanh xanh đỏ đỏ, và nhớ về một Hà Nội sáng rực, lấp lánh.

Đêm nào Liên và An cũng đợi tàu, dù có buồn ngủ díu mắt, chúng cũng phải chờ được đoàn tàu đi qua mới ngủ. Đây không phải là một hành động ngẫu nhiên, vô nghĩa mà nó dường như là một nhu cầu, một đòi hỏi thiết yếu đối với Liên và An. Đằng sau đó còn chứa đựng cả những mơ ước, khao khát về một cuộc sống mới đẹp đẽ và hạnh phúc hơn. Hình ảnh những đoàn tàu vụt xuất hiện rồi biến mất nhưng cũng đủ để chúng được trở lại, được sống với những kỉ niệm tuổi thơ êm ấm trước đây. Khao khát chờ đoàn tàu đi qua cũng ánh lên những khát vọng mãnh liệt của những đứa trẻ, đó là khát vọng đổi đời. Tại sao lại đặt khát vọng ấy vào hai nhân vật Liên và An mà không phải là chị Tí, bác Siêu, … bởi chúng là những đứa trẻ, chúng là mầm non, là tương lai của cuộc sống. Bởi vậy, khao khát đổi đời khi được tập trung thể hiện ở hai nhân vật sẽ trở nên ý nghĩa hơn, giàu sức gợi hơn. Đồng thời qua khung cảnh đợi tàu, Thạch Lam cũng thể hiện thái độ cảm thương đối với những số phận người nhỏ bé, bất hạnh phải sống mòn mỏi với cuộc đời chật vật, bế tắc; đồng thời ông cũng trân trọng, nâng niu những khao khát, những ước mơ đẹp đẽ của Liên và An nói riêng, của những người dân phố huyện nói chung. Không chỉ vậy, qua khung cảnh chờ chuyến tàu đêm, Thạch Lam còn dóng lên tiếng gọi tha thiết, lay động tâm hồn người đọc: hãy thay đổi cuộc sống, khiến nó trở nên đẹp đẽ hơn, biến nó thành môi trường sống lành mạnh để những đứa trẻ được sống cuộc hạnh phúc.

Với nghệ thuật miêu tả tâm lí và cảnh vật tài tình, cảnh đoàn tàu kết lại tác phẩm đã để lại dư âm, ấn tượng sâu lắng trong lòng người đọc. Đóng lại cuốn sách người đọc vẫn không khỏi thổn thức trước những số phận kiếp người mòn mỏi nơi phố huyện. Nhưng đồng thời cũng chân trọng, nâng niu những mơ ước tha thiết, mãnh liệt của họ về một cuộc sống khác, về sự đổi đời.

Phân tích cảnh đợi tàu trong Hai đứa trẻ (Thạch Lam) – Mẫu số 5

“Trong nhóm Tự lực văn đoàn, Hoàng Đạo là người lý thuyết, Nhất Linh là người thực hành, Khái Hưng đả phá vào nếp sống cũ để tiến tới một đời sống mới… còn Thạch Lam một người yêu thương đồng bào, xót xa từ tâm can tỳ phế.” Văn phong Thạch Lam nhẹ nhàng mà sâu lắng nhưng con người trong trang văn của ông không thoát li khỏi hiện thực tàn khốc. Ông yêu thương đồng bào vô cùng, tuy nhân vật của ông dù sống cảnh nghèo khó nhưng họ vẫn không ngừng vươn tới, vẫn ánh lên tia hy vọng tươi mới. Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” với cảnh đợi tàu của chị em Liên là minh chứng cho điều đó.

Liên và An trước đây từng sống ở Hà Nội – chốn thị thành huyên náo, nhộn nhịp có nhiều điều mới lạ. Ở đó hai chị em được mẹ đưa đi chơi Hồ Tây, được ăn những món ngon nhưng kể từ khi cha cô bị mất việc gia đình phải chuyển về quê_nơi phố huyện nghèo để sinh sống. Con người và cuộc sống nơi đây đối lập hoàn toàn với quá khứ xa xăm của Liên. Giờ đây hai chị em được mẹ giao cho nhiệm vụ trông nom cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu bán những đồ vặt vãnh để phụ giúp cho thu nhập gia đình nhưng cũng chẳng đáng là bao. Cảnh vật nơi đây từ lúc chiều tà cho đến lúc về đêm đều u tối, tĩnh mịch, ảm đạm và buồn bã. Những con người xung quanh cô cũng là những kiếp người nghèo khổ, sống lay lắt qua ngày. Chính điều đó đã khiến cho tâm trạng Liên luôn mang một nỗi buồn man mác thấm sâu vào tâm hồn nhạy cảm của người con gái mới lớn.

Màn đêm buông xuống lúc con người ta mong muốn được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc mệt mỏi. Liên, An và những con người nơi đây cũng vậy nhưng ngày nào họ cũng cố thức để chờ chuyến tàu từ Hà Nội chạy qua, dù cho hai chị em đã “buồn ngủ ríu cả mắt”, mí mắt An sắp sửa rơi xuống vẫn cố nhắc chị “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. Trong lúc An chợp mắt một chút Liên ngồi khẽ quạt cho em và thả hồn mình vào thiên nhiên. Cô quan sát từ trên cao“ngàn sao vẫn lấp lánh” xuống mặt đất “một con đom đóm bám vào dưới lá, vùng sáng nhỏ xanh nhấp nháy” rồi tinh tế hơn nữa là cô cảm nhận thấy hoa bàng rụng khẽ trên vai từng đợt một. Điều đó cho Liên cảm giác thật mơ hồ khó hiểu. Cô quả là một con người có cái nhìn tinh tế, nhạy cảm. Cô quan sát cả những con người nơi đây không gian vẫn vắng lặng, trống cầm canh đánh tung lên một tiếng khô khan càng làm cho khung cảnh trở nên yên ắng, tĩnh mịch. Mẹ con chị Tí, gia đình bác Siêu, bác xẩm… họ vẫn cố thức đợi tàu.

Tại sao lại như vậy? Họ đợi đoàn tàu chạy qua để làm gì? phải chăng giống như lời mẹ Liên dặn là “để bán hàng- may ra còn có một vài người mua”. Nhưng không Liên và An chẳng mong chờ gì vào điều đó bởi cô biết họ chỉ mua bao diêm hay gói thuốc là cùng. An và Liên thức là vì cớ khác, vì muốn được nhìn chuyến tàu đó là hoạt động cuối cùng của đêm khuya, “chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ hằng ngày của họ”.

Đó là chuyến tàu của khát vọng tương lai. Chuyến tàu đem đến cho hai chị em và những con người ở phố huyện nghèo những điều xa lạ của một thế giới khác hẳn với ánh đèn của chị Tí, ngọn lửa leo lét của bác Siêu và hột sáng thưa thớt của Liên. Ánh sáng trưng của các toa đèn, ánh sáng lấp lánh của đồng và kền, đốm than đỏ rực bay lung lung tất cả ánh sáng ấy xé toạc bầu trời tăm tối, mù mịt nơi phố xá nghèo nàn. Âm thanh của đoàn tàu với tiếng còi vọng lại từ xa, tiếng xe rít mạnh vào ghi, tiếng huyên náo của hành khách phá tan sự tĩnh lặng, u sầu của không gian. An, Liên và những kiếp người lay lắt cố thức là vì điều đó. Họ háo hức, khao khát nhìn thấy sự đổi thay mà đoàn tàu mang đến cho họ một ước mơ, khát vọng về một cuộc sống mới ở tương lai tốt đẹp hơn.

Mặt khác chuyến tàu còn đưa Liên trở về với kí ức xưa với “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo”_nơi mà gia đình cô còn khá giả, hai chị em còn được vui chơi. Đoàn tàu như vệt sao băng vụt qua sáng lóa trên bầu trời tăm tối. Đoàn tàu vừa là kỉ niệm đẹp của tuổi thơ vừa là hy vọng ở ngày mai. Thạch Lam thật là tinh tế và sâu sắc khi phát hiện ra khao khát vừa đáng thương vừa đáng chân trọng ấy để cho nhân vật của ông dù sống trong nghèo khó nhưng không tuyệt vọng mà vẫn không ngừng hy vọng, ước mơ. Chi tiết ấy khiến cho ai đã đọc “Vợ nhặt” của Kim Lân mà nhớ tới lời của bà cụ Tứ động viên, tạo dựng niềm tin cho con dâu và con trai vào một tương lai hạnh phúc, ấm no. Bà chỉ nhẹ nhàng bảo “Vợ chồng chúng mày lo mà làm ăn, rồi trời thương. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời bao giờ đâu”. Dù hiện thực nghiệt ngã, cái đói cái nghèo đeo bám hằng ngày lúc con người ta tưởng chừng như tuyệt vọng đứng bên bờ vực giữa sự sống và cái chết nhưng bà cụ già gần đất xa trời vẫn hy vọng, vẫn an ủi cho đôi vợ chồng trẻ một niềm tin. Giá trị nhân đạo ngưng đọng lại ở đó làm nên một tác phẩm có sức sống lâu bền với thời gian.

Thạch Lam có quan niệm dứt khoát về thiên chức của văn chương: “Đối với tôi, văn chương không phải một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn”. Cảnh đợi tàu của hai chị em Liên đã làm sáng ngời lên tuyên ngôn văn học của ông. Với văn phong lãng mạn, bút pháp trữ tình trong truyện ngắn và sự thành công của nghệ thuật miêu tả thế giới nội tâm nhân vật Thạc Lam_nhà văn tài ba đã khắc họa cảnh chờ tàu của chị em Liên thật tỉ mỉ, sinh động để lại cho người đọc người nghe nhiều suy tư, chiêm nghiệm và bài học về niềm tin trong cuộc sống.

 

 Giáo dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-canh-doi-tau-trong-hai-dua-tre-thach-lam-chon-loc/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp