Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Hồi hương ngẫu thư

0
514
Rate this post

Đề bài: Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Hồi hương ngẫu thư

phan tich hai cau tho cuoi bai tho hoi huong ngau thu

Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Hồi hương ngẫu thư

Bạn đang xem: Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Hồi hương ngẫu thư

I. Dàn ý Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Hồi hương ngẫu thư (Chuẩn)

1. Mở bài

Giới thiệu về bài thơ Hồi hương ngẫu thư và hai câu thơ cuối của bài

2. Thân bài

– Giới thiệu khái quát về hoàn cảnh sáng tác bài thơ:
+ Sáng tác năm 744 khi nhà thơ trở về thăm quê sau nhiều năm xa cách
+ Bài thơ là những tình cảm tha thiết, nồng hậu của tác giả với quê hương

– Nội dung hai câu thơ cuối:
+ Tình huống bất ngờ: Bị những đứa trẻ con hiểu lầm là khách mà chào hỏi.
+ “Tương kiến, bất tương thức”: Gặp nhưng không biết à Tác giả là một người lạ trong nhận thức của những đứa trẻ.
+ “Khách tòng hà xứ lai?”: Lời chào hỏi khách sáo của những đứa trẻ với vị khách lạ đến làng.
→ Nhà thơ trở thành người khách lạ trên chính mảnh đất quê hương
+ Cảm xúc của nhà thơ: Bất ngờ, xót xa, ngậm ngùi

– Nghệ thuật trong hai câu thơ cuối:
+ Kết hợp nhuần nhuyễn giữa tự sự và biểu cảm
+ Ngôn từ bình dị, gần gũi

3. Kết bài

Khái quát giá trị hai câu thơ

II. Bài văn mẫu Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Hồi hương ngẫu thư (Chuẩn)

Hạ Tri Chương là nhà thơ nổi tiếng dưới thời nhà Đường, Trung Quốc. Ông sáng tác không nhiều nhưng những tác phẩm thơ văn của ông đều có giá trị cao, một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của ông có thể kể đến là Hồi hương ngẫu thư. Bài thơ là tiếng lòng nghẹn ngào, tha thiết của nhà thơ khi trở về quê hương sau nhiều năm xa cách. Đặc biệt, trong hai câu thơ cuối, tác giả đã thể hiện thấm thía tình yêu, sự gắn bó với quê hương và cả nỗi xót xa, cảm xúc ngậm ngùi khi bị lũ trẻ coi như người khách lạ đến mà hỏi thăm.

Bài thơ “Hồi hương ngẫu thư” được tác giả viết nhân một lần về thăm quê, khi ấy tác giả đã 86 tuổi và cũng là lần “hồi hương” sau hơn nửa thế kỉ xa cách. Có lẽ được khơi nguồn cảm xúc từ một sự kiện có thực nên mỗi câu thơ đều thật xúc động, có hồn. Trong đó, hai câu thơ cuối được coi là “đắt giá” nhất khi không chỉ bộc lộ trọn vẹn tình yêu quê hương mà còn tái hiện được nỗi xúc động, nghẹn ngào của tác giả khi trở nên xa lạ trên chính mảnh đất quê hương mình.

“Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai”

Dịch thơ:

(Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi)

Hai câu thơ đã gợi ra một tình huống bất ngờ nhưng cũng đầy trớ trêu. Nhà thơ xa quê từ khi còn trẻ, trở về khi mái đầu đã bạc, vì vậy khi trở về quê hương lại trở thành vị khách “bất đắc dĩ” trong nhận thức của những đứa trẻ con. Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa hai thế hệ trên mảnh đất quê hương tự nhiên, tình cờ nhưng lại mang đến bao cảm xúc phức tạp. Nhà thơ trở về quê cũ mang theo nỗi xúc động, hạnh phúc của một người con được trở về quê hương, thế nhưng lũ trẻ “tương kiến bất tương thức” (nhìn mà không biết), bởi trong nhận thức của chúng, tác giả là một người hoàn toàn xa lạ, không phải khuôn mặt thân quen mà chúng vẫn nhìn thấy hàng ngày. Sự hồn nhiên của lũ trẻ cùng câu hỏi “Khách tòng hà xứ lai” khiến tác giả lặng đi cùng nỗi xót xa không nói thành lời.

Tác giả xa quê hơn nửa đời người, thế nhưng trái tim nồng hậu, yêu thương vẫn luôn hướng về quê hương. Đây cũng là lí do vì sao nhà thơ hạnh phúc, vui sướng đến vậy khi được trở về quê và cũng xót xa, nghẹn ngào đến vậy khi nghe thấy lời chào ngây ngô của lũ trẻ nhỏ. Khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lí đã khiến nhà thơ trở nên xa lạ trên chính mảnh đất quê mình. Những người bạn cùng trang lứa với nhà thơ không biết ai còn, ai mất và cũng không biết rằng trong ngôi làng nhỏ bé này có ai còn nhớ đến nhà thơ? Câu hỏi ngây thơ, hồn nhiên của những đứa trẻ đã gieo vào lòng nhà thơ nỗi ngạc nhiên, buồn tủi, ngậm ngùi, xót xa.

Có thể nói nhà thơ Hạ Tri Chương đã rất tinh tế khi sử dụng thủ pháp nghệ thuật “ngụ bi ư hài” (gửi cái bi vào trong cái hài) cùng ngôn từ mộc mạc để tạo nên những câu thơ hàm xúc, nói ít gợi nhiều tạo nên sự đồng cảm của độc giả với tâm trạng của người thi nhân.

Hai câu thơ cuối tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng bao cảm xúc, đó là tình yêu quê hương tha thiết, là tấm lòng nồng hậu, gắn bó với quê nhà, là nỗi đau, sự mất mát vô hình của người khách ly hương.

———————HẾT———————-

Trên đây chúng tôi đã cùng các em Phân tích hai câu thơ cuối bài thơ Hồi hương ngẫu thư để thấy được tâm trạng và những dòng cảm xúc phức tạp của nhà thơ khi đối diện với một tình huống éo le. Tìm hiểu thêm về những đặc sắc nội dung, nghệ thuật của bài thơ, các em không nên bỏ qua: Cảm nhận về tình yêu quê hương trong bài thơ Hồi hương ngẫu thư và bài Phân tích bài thơ Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương.

Giáo Dục

Bản quyền bài viết thuộc thcs-thptlongphu. Mọi hành vi sao chép đều là gian lận!
Nguồn chia sẻ: https://thcs-thptlongphu.edu.vn
https://thcs-thptlongphu.edu.vn/phan-tich-hai-cau-tho-cuoi-bai-tho-hoi-huong-ngau-thu/

Đăng bởi: Thcs-thptlongphu.edu.vn

Chuyên mục: Tổng hợp